3 THƯƠNG VỤ M&A ĐÃ BIẾN NESTLÉ TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU TẦM CỠ THẾ GIỚI

Từ một Công ty địa phương trở thành một Thương hiệu khổng lồ trên thế giới, hãy cùng khám phá 3 thương vụ M&A đã giúp Nestlé có được vị thế như hiện tại nhé!

1. Tổng quan về Tập đoàn Nestlé

Tập đoàn Nestlé, tiền thân là Công ty Sữa đặc Nestlé và Anglo – Swiss, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sỹ.

Chuyện kể rằng, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XIX, dược sỹ Henri Nestlé, với phát minh ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh là sự kết hợp giữa sữa bò, bột mỳ và đường, đã cứu sống một đứa trẻ sinh non. Kể từ đây, tên tuổi của ông, cũng như danh tiếng của sản phẩm “farine lactée nestlé” (bột pha sữa) sản xuất theo những kiến thức khoa học hiện đại nhất thời bấy giờ này đã được nhiều bà mẹ tin tưởng và lựa chọn. Tìm hiểu thêm về Lịch sử phát triển của Nestlé tại đây.

Ông đã dùng họ của mình (trong tiếng Đức có nghĩa là tổ chim nhỏ) để xây dựng Thương hiệu cho sản phẩm.

Họ của người sáng lập Henry Nestlé trong tiếng Đức có nghĩa là tổ chim nhỏ, ông đã dùng hình ảnh này để tạo nên logo và Thương hiệu Nestlé.
Logo Thương hiệu Nestlé

Với bề dày lịch sử phát triển gần 200 năm, Tập đoàn Nestlé ngày nay nay được xem là một “ông lớn” trong ngành thực phẩm và giải khát với mạng lưới sản xuất – kinh doanh rộng khắp Thế giới. Các sản phẩm của Nestlé bao gồm sữa công thức, cà phê, các chế phẩm từ sữa. Nestlé có nhiều nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như Milo, Kitkat, Nescafe,…

2. M&A là gì?

M&A là viết tắt của cụm từ Mergers (Mua lại) và Acquisitions (Sáp nhập). Đây là hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác qua hình thức mua lại hoặc sáp nhập. M&A đang dần trở thành xu hướng của rất nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.

Có 3 hình thức M&A chính, đó là:

  • M&A theo chiều ngang:

Đây là phương thức sáp nhập các Công ty đang cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp lại với nhau. Phương thức này sẽ giúp Công ty gia tăng quy mô, thị phần, tận dụng tối đa của lợi thế kinh tế theo quy mô, cũng như giảm tính cạnh tranh đang hiện hữu trên thị trường.

Chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc M&A theo chiều ngang ở Thương vụ đầu tiên, giữa Công ty Sữa đặc Anglo-Swiss và Công ty Nestlé.

  • M&A theo chiều sâu:

Đây là một hoạt động khi Công ty mua lại một phần hoặc toàn bộ Nhà cung cấp hoặc Nhà phân phối của doanh nghiệp mình nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn dòng chảy nhiên liệu, nguyên liệu và sản phẩm.

  • M&A kết hợp:

Đây là phương thức mua bán, sáp nhập nhiều Công ty để hình thành nên một Tập đoàn lớn, diễn ra giữa những doanh nghiệp có cùng tập khách hàng, trong cùng một lĩnh vực nhưng khác biệt nhau về sản phẩm. Các sản phẩm do các Công ty này cung cấp có thể là những sản phẩm bổ sung. Từ đây, doanh nghiệp dễ dàng tận dụng được lợi thế liên ngành (economies of scope).

Đối với Tập đoàn Nestlé, đây là một kiểu M&A rất quan trọng, có thể thấy trong Thương vụ Thứ hai và Thứ ba dưới đây.

3. Ba thương vụ M&A tại Nestlé

Lịch sử phát triển gần 200 năm của Tập đoàn Nestlé đã kinh qua rất nhiều những cuộc thâu tóm, mua bán, sáp nhập, đặt nền tảng vững chắc cho một Tập đoàn liên ngành đa quốc gia. Trong số đó, 3 thương vụ chúng ta tìm hiểu dưới đây đã mang lại rất nhiều những ý nghĩa quan trọng đối với Nestlé.

3.1. Sáp nhập với Công ty Sữa đặc Anglo – Swiss

Hình thành vào năm 1866 bởi hai anh em người Mỹ – Charles và George Page, Công ty Sữa đặc Anglo-Swiss sử dụng các nguồn cung cấp sữa tại Thụy Sỹ kết hợp cùng công thức và những kiến thức từ quê nhà vào việc xây dựng một dây chuyền sản xuất sữa đặc đầu tiên tại châu Âu.

Nestlé và Anglo-Swiss trước khi sáp nhập từng là đối thủ cạnh tranh "không đội trời chung"
Sản phẩm của Công ty Sữa đặc Anglo-Swiss

Ban đầu, Nestlé và Anglo-Swiss là hai đối thủ cạnh tranh trên Thị trường Sữa. Vào khoảng năm 1878, sự cạnh tranh giữa hai công ty ngày càng trở nên dữ dội. Khi này, cả hai doanh nghiệp đều sản xuất và bán những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm gốc của đối thủ. Cả hai Công ty đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thị trường ra nước ngoài.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, Anglo-Swiss mở rộng thị trường đến Mỹ. Tuy nhiên, sự ra đi của người đồng sáng lập George đã khiến các kế hoạch của Công ty không thể thực hiện được.

Cho tới năm 1902, Công ty Sữa đặc Anglo-Swiss ngừng hoạt động và bán lại toàn bộ các tài sản tại Hoa Kỳ. Năm 1905, chính thức sáp nhập cùng Công ty Nestlé. Lúc này, hai công ty lấy tên chung là Công ty Sữa đặc Nestlé và Anglo-Swiss. Đây được xem là một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Tập đoàn đa quốc gia như Nestlé ngày nay.

3.2. Mua lại Công ty sô-cô-la Peter-Cailler-Kohler

Peter, tên đầy đủ là Daniel Peter, ông là người đã bắt đầu với sự nghiệp làm socola với tên Thương hiệu Peter – Cailler vào năm 1875, sau khi cưới bà Fanny Cailler. Ông bà là những người đầu tiên với ý tưởng làm socola dưới dạng thanh nhằm tăng tính tiện lợi của thực phẩm này, và cũng là thương hiệu đầu tiên sản xuất socola tại Thụy Sỹ.

Poster quảng cáo Thương hiệu Socola Peter-Cailler-Kohler

Kohler, hay Charles-Amédée Kohler, là người đã đưa vào thực hiện ý tưởng thêm những loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng nhằm tăng tính dinh dưỡng cho sản phẩm. Trong giai đoạn từ 1904 – 1911, các thương hiệu này có những cuộc giao thương, để cuối cùng hợp nhất, lấy thương hiệu chung là Cailler từ năm 1911.

Năm 1921, Công ty Sữa đặc Nestlé và Anglo-Swiss trải qua một cuộc khủng hoảng giá và cổ phiếu, dẫn đến sự thua lỗ tài chính. Nhận định được tính bão hòa của Thị trường Sữa, vào năm 1929, Công ty mua lại Hãng Socola lớn nhất của Thụy Sỹ ở thời điểm bấy giờ: Cailler. Từ đó, socola trở thành một thế mạnh, một phần không thể thiếu trong mạng lưới bao phủ toàn cầu của Nestlé.

Nối tiếp sự thành công ấy, trong những năm tiếp theo, Nestlé liên tục có những ý tưởng và đổi mới độc đáo trong mảng kinh doanh socola này. Vào năm 1936, hãng giới thiệu Galak – socola trắng và Rayon – socola vị mật ong. Đặc biệt, với tư tưởng các sản phẩm có chứa vitamin sẽ tốt cho sức khỏe và thị hiếu người tiêu dùng thời bấy giờ, Thương hiệu Nestlé đã cho ra mắt sản phẩm bổ sung vitamin Nestrovit.

Nestlé luôn có những định hướng nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và đa dạng các sản phẩm ở mảng sản xuất và kinh doanh socola
Các sản phẩm Socola của Nestlé

Nhờ những lợi thế về quy mô, Thương hiệu, cũng như các chiến thuật sản phẩm bắt kịp xu thế, nhu cầu thị trường, Nestlé, với mảng kinh doanh socola đã vận hành vô cùng hiệu quả, với nhiều những Thương hiệu con rất nổi tiếng và được người tiêu dùng ưu ái như Kitkat, OhHenry!, Coffee Crisp,… Cho tới nay, Cailler, trực thuộc Tập đoàn Nestlé, là Thương hiệu socola có bề dày lịch sử niên đại lớn nhất tại Thụy Sỹ.

3.3. Mua lại cổ phần của L’Oréal – Công ty Mỹ phẩm số 1 thế giới

Bước đầu vào những năm 1907 – 1909, một nhà hóa học người Pháp Eugène Schueller phát triển thuốc nhuộm tóc tổng hợp đầu tiên và lấy tên thương hiệu là Auréole. Khách hàng chính của nhãn hàng khi này là các spa tại Paris. Sau này, công ty được đổi tên thành L’Oréal vào năm 1909. Ngay từ những ngày đầu tiên, doanh nghiệp đã đề cao các hoạt động R&D – nghiên cứu sáng tạo và phát triển hoàn thiện sản phẩm là nhân tố quyết định cho sức sống lâu bền của Thương hiệu.

Logo của Tập đoàn Dược – Mỹ phẩm L’Oréal

Sau Thế chiến II (1939 – 1945), Nestlé tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, Ban lãnh đạo dự đoán được tính bão hòa và tốc độ phát triển chậm dần của ngành công nghiệp thực phẩm. Do đó, vào năm 1974, Nestlé lần đầu tiên mua một lượng cổ phần tại L’Oréal, đánh dấu một sự khởi đầu của Tập đoàn trong lĩnh vực Dược phẩm, Mỹ phẩm. Cùng với đó, Nestlé thắt chặt mối quan hệ kinh doanh khăng khít với gia đình Bettencourt tại Pháp (sở hữu khoảng 60% cổ phần của L’Oréal).

Năm 2014, doanh nghiệp tiếp tục mua số cổ phần còn lại của L’Oréal, tạo thành một bộ phận trong Tập đoàn, lấy tên là Nestlé Skin Health. Giao dịch có giá trị lên tới hơn 4,2 tỷ USD tại thời điểm bấy giờ. Bộ phận Nestlé Skin Health khi ấy mang về cho Nestlé doanh thu ước tính khoảng 2,8 tỷ franc hàng năm.

Bộ phận Nestlé Skin Health mang lại cho Nestlé doanh thu 2,8 tỷ franc mỗi năm
Bộ phận Nestlé Skin Health

5 năm sau, do thay đổi định hướng kinh doanh Tập đoàn mong muốn phát triển tập trung hơn vào mảng thực phẩm – mảng kinh doanh chính và thế mạnh của mình, nên đã bán lại bộ phận chuyên về chăm sóc da này với giá khoảng 10,2 tỷ USD. Thương vụ này được các nhà phân tích của Thời báo Kinh doanh Quốc tế nhận định là giá cao hơn dự kiến, do chăm sóc da không phải là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thực phẩm khổng lồ này.

4. Kết luận và mở rộng

Có thể thấy, các hoạt động M&A đã mang tới cho Nestlé những lợi ích vô cùng to lớn, đặt nền móng vững chắc cho sự “vươn mình” nhanh chóng, từ một Công ty Sữa đặc của địa phương, trở thành một trong những Tập đoàn khổng lồ, bao trùm Thị trường trên Thế giới. Thậm chí, một số thương vụ còn trở thành một bộ phận kinh doanh cốt lõi, không thể thiếu như Thương vụ số 2 với mảng sản xuất và kinh doanh socola.

M&A đang ngày một trở thành xu thế, khi các Công ty, Tập đoàn mong muốn tận dụng những lợi thế kinh tế một cách nhanh chóng, tối ưu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số Nhà nước đã có những quy định về chống độc quyền, tạo ra một số rào cản đối với hoạt động M&A. Bên cạnh đó, các thương vụ mua bán, sáp nhập này cần có những kế hoạch tìm hiểu, nhận định và nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng để quản trị tối ưu các tình huống rủi ro trong công tác quan trọng này.

Tìm hiểu kỹ những câu chuyện phát triển thực tế của các doanh nghiệp lớn cũng là một cách để nghiên cứu, gia tăng kinh nghiệm thực tiễn và quản trị rủi ro trong trường hợp này. Để có cái nhìn rộng mở hơn, mời bạn tìm hiểu những bài viết về câu chuyện của các doanh nghiệp dưới đây:

Tập đoàn Nestlé – chặng đường gần 160 năm hình thành và phát triển

Tập đoàn Microsoft – Gần 50 năm hình thành và phát triển của tập đoàn kinh doanh phần mềm số 1 thế giới

Sinh viên thực hiện: Trần Thị Huyền Trang
Mã sinh viên: 20050375
Lớp: QH – 2020 – E QTKD CLC 4
Mã lớp học phần: INE3104 5