12 XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA DỊCH VỤ LOGISTICS

12 XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA DỊCH VỤ LOGISTICS

1. Logistics là gì?

Logistics  là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hiệu quả (chi phí) và hiệu lực các dòng xuôi ngược và tích trữ hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng nhằm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Theo điều 233 Luật Thương mại:“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

2. Sự phát triển của dịch vụ Logistics

Lịch sử phát triển ngành dịch vụ Logistics từ lúc mới hình thành và phát triển cho đến nay là một chặng đường dài có nhiều thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử thế giới.

Ta có thể chia lịch sử phát triển ngành dịch vụ Logistics kinh doanh trên thế giới thành 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Logistics tách biệt trong từng bộ phận của doanh nghiệp. Giai đoạn này có tính cộng hưởng rất thấp do phân tán ở nhiều bộ phận khác nhau

Giai đoạn 2: Logistics phát triển theo hướng tạo ra sự nhất quan cao hơn trong toàn doanh nghiệp để phục vụ các bộ phận kinh doanh cấu thành hướng tới mục tiêu hiệu quả nội bộ (chức năng)

Giai đoạn 3: Liên kết với các chức năng khác theo mô hình kinh điển là “plan, make, source, deliver.” Có sự đánh đổi giữa vận tải và dự trữ (chức năng)

Giai đoạn 4: Định hướng bắt đầu từ lập kế hoạch và các quy trình xử lý đơn hàng, và thực hiện ngược xuống các bước trước đó (quy trình)

Giai đoạn 5: Bắt đầu áp dụng định hướng mạng giá trị và cố gắng để giúp các nhà cung cấp và các khách hàng tạo ra giá trị.

3. Phân loại các dịch vụ Logistics

3.1 Theo lĩnh vực ứng dụng và phạm vi

  • Logistics kinh doanh (Business logistics)
  • Logistics quân đội (Military logistics)
  • Logistics sự kiện (Event logistics)
  • Logistics Dịch vụ (Service logistics)

3.2 Theo vị trí của các bên tham gia

  • Logistics bên thứ nhất (1Pl‐First logistics)
  • logistics bên thứ hai (2Pl‐ Second party logistics)
  • logistics bên thứ ba (3Pl‐ Third party logistics)

3.3 Theo quá trình nghiệp vụ (logistics operations)

  • Hoạt động mua (Procurement)
  • Hoạt động hỗ trợ sản xuất (Manufacturing Support)
  • Hoạt động phân phối và thị trường (Market distribution)

3.4 Theo hướng vận động vật chất

  • Logistics đầu vào (đến) (inbound logistics) ‐ logistics đầu ra (đi) (outbound logistics)
  • Logistics ngược (logistics reverse)

3.5 Theo đối tượng hàng hóa

  • Logistics hàng tư liệu tiêu dùng ‐ logistics hàng tư liệu sản xuất
  • Logistics hàng nông sản phẩm
  • Logistics hàng vật tư nông nghiệp

hoặc:

  • Logistics hàng tiêu dùng ngắn ngày logistics ngành ô tô
  • Logistics ngành hóa chất logistics ngành điện tử
  • Logistics ngành dầu khí…

3.6 Theo phạm vi không gian

  • Logistics toàn cầu (Global logistics)
  • Logistics quốc gia (National logistics)
  • Logistics thành phố (City logistics)

4. Xu hướng phát triển của dịch vụ Logistics

Dịch vụ Logistics được xem là một ngành có xu hướng đổi mới và phát triển trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã chịu nhiều biến động không đáng có do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhận thấy tình hình đó, các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics cần phải nhanh chóng và kịp thời nắm bắt được xu hướng của thị trường trong thời gian sắp tới để có thể đưa ra giải pháp khắc phục và đẩy mạnh sự phát triển hiệu quả.

4.1 Xu hướng thuê ngoài dịch vụ Logistics (Logistics Outsourcing)

Thuê ngoài dịch vụ logistics – trong tiếng Anh “logistics outsourcing”, “logistics alliances”, “third party logistics”, “contract logistics” và “contract distribution” là sử dụng nhà dịch vụ cung cấp bên thứ ba cho toàn bộ hoặc một phần quy trình logistics của doanh nghiệp. Dịch vụ logistics này xuất hiện ở các cấp độ 2PL, 3PL, 4PL, 5PL đại diện doanh nghiệp để tổ chức hoạt động logistics.

Xu hướng thuê ngoài dịch vụ Logistics (Logistics Outsourcing)
Xu hướng thuê ngoài dịch vụ Logistics (Logistics Outsourcing)

Việc thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trước tiên là giúp giảm vốn đầu tư và giảm chi phí, do nhà kinh doanh dịch vụ logistics có cơ sở vật chất kĩ thuật và công nghệ tốt, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng đa dạng với quy mô lớn nên đạt được lợi thế nhờ qui mô, nhờ đó có thể cung cấp cùng một dịch vụ với chi phí thấp hơn so với doanh nghiệp tự làm.

Theo công bố của Frost Sullivan tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thuê ngoài dịch vụ logistics thế giới đạt 10-20%/ năm. Phần lớn các tập đoàn lớn trên thế giới như Dell, Walmart, Nortel, GAP, Nike đều sử dụng nhà cung cấp dịch vụ thứ ba hoặc thứ tư, chính xu hướng này đã giúp thị trường logistics thế giới tăng trưởng ở mức hai con số.

4.2 Chuỗi cung ứng linh hoạt (Alive and Nimble Supply Chain)

Chuỗi cung ứng linh hoạt đề cập đến cách một chuỗi cung ứng thương mại điện tử có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với những thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Nó cũng liên quan đến khả năng dự đoán, phân tích và phản ứng trở lại từ các sự kiện bất ngờ, gián đoạn.

Để theo kịp xu hướng gia tăng mức độ phức tạp trong chuỗi cung ứng, các công ty phải nhanh chóng đáp ứng điều kiện đang thay đổi nhanh chóng: các nhà sản xuất và nhà bán lẻ muốn duy trì mức dự trữ thấp, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhanh hơn và phản ứng nhanh với những thay đổi trong động thái nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu.

4.3 Giao hàng đoạn cuối (the Last Yard)

Tập trung nâng cao khả năng giao hàng đoạn cuối với ý tưởng là tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tối đa hóa giá trị cho khách hàng và người tiêu dùng.

Phần  lớn  người  gửi  hàng (72%) và 3PLs (71%) đồng ý rằng người gửi hàng và khách hàng ghi nhận nhu cầu về năng lực cung cấp dịch vụ giao hàng đoạn cuối.

Giao hàng đoạn cuối (the Last Yard)
Giao hàng đoạn cuối (the Last Yard)

Giao hàng đoạn cuối đã trở thành một yếu tố quan trọng với các nhà bán lẻ trong thời đại của Thương Mại Điện Tử (E-commerce) và Tiếp thị Đa Kênh (Omni-channel), khi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng ngay từ lần đầu tiên họ tiếp nhận sản phẩm.

4.4 Kênh đa tiếp xúc (Omni‐Channel)

Các nhà bán lẻ tập trung vào nỗ lực tạo ra trãi nghiệm mua hàng “always‐on”,“always – open” nhằm cung cấp sự tương tác liên tục dọc các kênh bán lẻ. Điều này bắt buộc các đối tác dịch vụ logistics phải đảm bảo các thông tin được cập nhật liên tục và hệ thống vận hành hoạt động liên tục.

Kênh đa tiếp xúc (Omni‐Channel)
Kênh đa tiếp xúc (Omni‐Channel)

4.5 Xử lý gián đoạn (Dealing with Disruption)

Gián đoạn và trì hoãn chuỗi cung ứng có thể có tác động quan trọng dẫn đến gia tăng chi phí, giao hàng trễ, dây chuyền sản xuất bị gián đoạn và chi phí bị đội lên.

Các nguyên nhân chính của xử lý gián đoạn bao gồm:

  • Đa số người gửi hàng (58%) và 3PLs (64%) cho rằng sự gián đoạn là do thảm họa tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt hoặc đại dịch;
  • Các vấn đề về cơ sở hạ tầng;
  • Sự biến động về giá cả hàng hóa, lao động và năng lượng.

4.6 Chia sẻ dữ liệu giữa người gửi ‐ 3PL (Shipper ‐ 3PL Data Sharing)

Truyền thông là một trong những cấu phần chủ chốt của một quan hệ thành công giữa 3PL và người gửi hàng, truyền thông tốt thường bắt đầu từ khi người gửi hàng mua dịch vụ của một 3PL.

Có nhiều điểm mà các thông tin hữu ích cần được chia sẻ giữa người gửi  hàng và 3PL,  cũng như giữa các cá nhân/bộ phận trong 3PL có trách nhiệm tìm hiểu và phân tích các yêu cầu của người gửi và thực hiện các phản ứng phù hợp.

4.7 Phương tiện vận tải tự điều khiển (Self-driving Vehicles)

Với những tiến bộ công nghệ trong AI cũng như nguồn đầu tư ngày càng tăng trong việc phát triển các cảm biến và công nghệ thị giác, các phương tiện tự lái sẽ sớm biến đổi cách thức xe được lắp ráp, vận hành, sử dụng và bảo dưỡng. Từ xe tải cho đến các robot vận tải chặng cuối, phương thức xe tự lái sẽ góp phần thay đổi cách thức Logistics hoạt động bằng cách mở ra các cấp độ an toàn, hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Trong Logistics, phương tiện vận tải tự điều khiển đã dần được áp dụng trong các môi trường nhà kho và bãi trong vài năm qua. Bước tiến hóa tiếp theo sẽ là triển khai các phương tiện tự lái trong các không gian chung và công cộng như trên đường cao tốc và đường thành phố để tối ưu hóa hơn nữa các hoạt động Logistics và tăng tính an toàn.

Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi các xe tự điều khiển, robot giao hàng và các phương tiện tự điều khiển khác, điều cần thiết là phải khắc phục những thách thức của quy định của chính phủ, sự chấp nhận của xã hội và mối quan tâm về an toàn.

4.8 Trí tuệ nhân tạo (AI)

Các giải pháp AI tiên tiến đang được ứng dụng ở nhiều chức năng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các hoạt động kho hàng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần chuyển đổi cách thức các nhà cung cấp dịch vụ Logistics hoạt động, là hệ quả của xu hướng tự động hóa và các cải tiến không ngừng trong kỹ thuật điện toán.

AI sẽ tăng cường chuyên môn của con người thông qua các hệ thống giúp tạo ra những hiểu biết mới từ Big Data và loại bỏ các nhiệm vụ khó. Trong các dịch vụ Logistics, AI sẽ cho phép tự động hóa các hoạt động hỗ trợ, dự báo, quản lí tài sản trong Logistics và tạo ra các mô hình trải nghiệm khách hàng mới.

Khái niệm về robot AItự động hóa  cũng được triển khai rộng rãi trong chuỗi cung ứng. Các thế hệ robot hiện nay dễ lập trình, linh hoạt và giá cả cũng sẽ được tối ưu hơn. Vai trò của Robot là hỗ trợ người lao động với các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và những công việc thử thách về thể chất.

4.9 An toàn trong dịch vụ Logistics

Với sự kết nối Internet ngày càng mạnh mẽ đồng nghĩa với việc những lo ngại về an ninh mạng cũng sẽ ngày càng gia tăng tại các công ty dịch vụ Logistics. Hơn nữa, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng là mối quan tâm chính khiến sự an toàn trong các giải pháp vận tải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Các cuộc tấn công liên tục vào các trang web của các công ty thương mại điện tử lớn như Amazon, Walmart và các công ty khác đã cho thấy các mối đe dọa an ninh mạng là rất dể xảy ra với các doanh nghiệp.

Chính những lý do đó đã khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ Logistics tập trung hơn vào việc cung cấp các giải pháp vận chuyển, vận tải an toàn. Ngoài ra, các công ty dịch vụ Logistics còn phải lưu ý đến việc hàng hóa bị thất thoát và hư hỏng bên cạnh việc mất cắp dữ liệu.

4.10 Áp dụng nền tảng công nghệ đám mây trong dịch vụ Logistics (Cloud Logistics)

Các môi trường làm việc phức tạp, dễ biến đổi chính là môi trường lí tưởng cho việc ứng dụng nền tảng công nghệ đám mây. Không những cho phép một loạt các mô hình kinh doanh mới dựa trên nguyên tắc xem dịch vụ Logistics là một loại hình dịch vụ (Logistics as a Service – LaaS).

Nền tảng này ngoài ra còn giúp các nhà cung cấp dịch vụ Logistics có thể kích hoạt hoặc hủy kích hoạt các dịch vụ tùy chỉnh theo nhu cầu (sử dụng phương thức trả tiền cho mỗi lần sử dụng). Điều này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng mô hình của mình mà không yêu cầu chi phí truyền thống trong phát triển, thiết lập và bảo trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng.

4.11 Đóng gói hàng thông minh (Smart Containerization)

Việc áp dụng các container tiêu chuẩn đã thay đổi toàn bộ ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, mang lại những cải tiến lớn về hiệu suất và tạo thuận lợi cho thương mại.

Tuy nhiên, nhu cầu trong việc đa dạng hóa khối lượng container và các áp lực về chi phí và thời gian ngày càng tăng đòi hỏi các định dạng container và quy trình đóng hàng mới, đặc biệt trong bối cảnh các mạng lưới dịch vụ Logistics đang được sử dụng chung và cùng sự phát triển của hoạt động giao hàng trong đô thị.

Các hình thức đóng gói mới cũng rất cần thiết để xử lý khối lượng vận chuyển các đơn hàng lẻ trong thương mại điện tử.

4.12 Xu hướng xanh trong ngành dịch vụ Logistics

Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đạt doanh thu cao, tăng trưởng mạnh nhưng không thể quên đi trách nhiệm về môi trường, cuộc sống ‘xanh’ cho toàn xã hội. Nhìn lại khoảng thời gian dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra, đây là một hồi chuông cảnh báo đến với thế giới. Chúng ta cần quan tâm và có các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hơn.

Do đó, để hoạt động của logistics luôn ổn định và tăng trưởng, trước hết phải có môi trường lao động, sức khỏe đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp logistics cần có các quy định siết chặt hơn về vấn đề này trong quá trình lao động, kinh doanh, vận tải…

Kết luận

Với những xu hướng trên, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa mọi cơ hội, tiềm năng thì họ nên tập trung nhiều vào các phân khúc ngành như vận tải đa phương thức, logistics trong chuỗi đông lạnh, thương mại điện tử… Ngoài ra, cần hợp tác và thực hiện chặt chẽ xu hướng “xanh” để hoạt động ngành luôn trơn tru, ổn định và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bài viết liên quan:

Logistics là gì? 1 số vai trò của logistics đối với doanh nghiệp và nền kinh tế?

HỌC LOGISTICS RA TRƯỜNG LÀM GÌ?

Người thực hiện: Nguyễn Thị Minh Trang_19051240

QH-2019-E KTQT CLC3