Việt Nam có những lợi thế đặc biệt trong xuất khẩu gạo và đây cũng là mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Là nước xuất khẩu gạo đứng trong top đầu trên thế giới, Việt Nam đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nói riêng và thị trường trên thế giới nói chung.
Năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam được đánh giá gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hoạt động xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu khởi sắc từ cuối năm 2019. Và có thể nói rằng, Việt Nam đã có một năm bùng nổ xuất khẩu gạo vào các thị trường trên thế giới năm 2020.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2020, khối lượng xuất khẩu gạo việt nam đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, tuy giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng tới 9,3% về giá trị so với năm 2019.
Dưới đây là top 3 thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2020.
Nội dung bài viết
1. Xuất khẩu gạo vào Philippines
1.1. Tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam vào Phillipines năm 2020
Hình 1. Top 10 nước Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2020 (Đvt: tấn)
Từ 4 tháng đầu năm 2020, Philippines đã dẫn đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam khi đạt 902,06 nghìn tấn, tương đương 401,27 triệu USD, tăng 10,8% về lượng, tăng 25,2% về kim ngạch và tăng 13,1% về giá so với 4 tháng đầu năm trước; chiếm 42,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, chỉ trong tháng 11/2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 388 nghìn tấn gạo với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung cả năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 6,25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,12 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 11,2% về kim ngạch so với năm 2019. Philippines tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm 35,5% trong tổng lượng và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
1.2. Nguyên nhân Philippines trở thành thị trường lớn của việc xuất khẩu gạo từ Việt Nam
Về chủng loại xuất khẩu gạo sang Philippines, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,3% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 17,6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Philippines là một thị trường mua gạo thường xuyên, chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan, và thường nhập khẩu hơn một triệu tấn lương thực chủ lực hàng năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và duy trì kho dự trữ.
Một trong những nguyên nhân khiến Philippines phải nhập khẩu gạo với sản lượng lớn và mật độ thường xuyên là do ở Philippines diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và dân số ngày càng tăng khiến việc sản xuất đủ gạo đáp ứng nhu cầu trong nước trở nên khó khăn.
Tham khảo thêm tai đây: Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam
2. Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc
2.1. Thực trạng xuất khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc năm 2020
Một trong những thị trường giúp giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam 2020 tăng mạnh là Trung Quốc. Điều này trái ngược với năm 2018, 2019 khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 20%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc mua gạo Việt gấp 7 lần về sản lượng, 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2019, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khá đáng kể. Chưa kể, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có dự kiến tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ.
Hình 2. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020
Trong biểu đồ trên, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đứng thứ hai, tăng đến 131% về lượng và gần 172% về kim ngạch, 17,8% về giá so với cùng kì năm 2019; đạt 273,5 nghìn tấn, tương đương 158,05 triệu USD, giá 577,8 USD/tấn, chiếm gần 13% trong tổng lượng và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu gạoViệt Nam.
2.2. Loại gạo chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam. Trong tổng số khoảng 165.000 tấn gạo được Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2020, có khoảng 145.000 tấn tấn gạo nếp và tấm nếp, khoảng 20.000 tấn còn lại là các chủng loại gạo khác.
Việc Trung Quốc tăng mua gạo nếp và tấm nếp của Việt Nam sẽ không gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Bởi lẽ, gạo nếp và tấm nếp ở Việt Nam hầu như không được sử dụng cho nhu cầu lượng thực hàng ngày của người dân, mà chỉ để sử dụng làm bánh các loại.
Tham khảo thêm tai đây: Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc với giá cao
3. Xuất khẩu gạo vào thị trường EU
Bên cạnh 2 thị trường lớn của châu Á trong việc tiêu thụ gạo xuất khẩu Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới một thị trường rất mới mẻ và tiềm năng đối với mặt hàng này. Đó chính là thị trường châu Âu cùng với hiệp định EVFTA được thực thi.
3.1. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA đã mang tới cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu gạo. Những cam kết của Hiệp định đã góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội lớn để ngành gạo gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, đáp ứng được những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp EU yêu cầu, gạo Việt Nam sẽ có vị thế mới trên thị trường quốc tế.
3.2. Xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA được thực thi
EVFTA đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội lớn để ngành gạo gia tăng xuất khẩu.
Hằng năm, EU nhập khẩu gạo 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; do vậy, khi thực hiện hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào
Trước khi hiệp định EVFTA thực thi, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế rất cao, tới 45%. Thậm chí, một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh.
Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế suất 0% (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm)
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm, thuế suất giảm và tiệm cận về mức 0%, đó là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp, giúp gạo Việt Nam cạnh tranh tốt với các đối thủ tại thị trường EU.
Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn (2020) và 125 Euro/tấn (2021).
Tận dụng lợi thế của EVFTA, từ tháng 9-2020, Việt Nam đã xuất khẩu những lô gạo đầu tiên vào thị trường EU với giá bán tăng khá cao so với trước. Cụ thể, nhờ EVFTA, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng hơn 1.000 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 600 USD/tấn. Với thị trường có những đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới về chất lượng như EU, mức giá này là một thành tích đáng tự hào của gạo Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 9 giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA theo hạn ngạch 30.000 tấn bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.
Gạo ST20 xuất khẩu sang EU đã đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine cũng có giá trên 600 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao. Đây là một con số đáng mơ ước và là một kỷ lục mới của gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 9/2020, đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn gạo thơm.
Do tác động từ dịch bệnh COVID-19, trong khi nhiều nông sản chịu cảnh xuất khẩu sụt giảm thì xuất khẩu gạo lại có nhiều tín hiệu tích cực, lội ngược dòng mang về 2,2 tỷ USD với gần 4,5 triệu tấn. Đây cũng là điểm sáng của ngành nông nghiệp nước ta sau chặng đường 8 tháng năm 2020.
Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam sau khi EVFTA thực thi ở mức khá cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trắng Việt Nam thời điểm này được giao dịch ở mức 488 – 492 USD/tấn với gạo 5% tấm, 463 – 467 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của doanh nghiệp mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế.
Tham khảo thêm thông tin tại: Gạo Việt rộng đường thâm nhập vào EU nhờ EVFTA, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 2020
4. Một số giải pháp cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam
Đối với Chính phủ
Ba chính sách lớn đã được ban hành là: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp cần chú ý khi ký kết hợp đồng phải có điều khoản bảo hiểm, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tập trung giữ vững 3 thị trường trên và phát triển thêm tại các thị trường có tiềm năng, đáp ứng những tiêu chuẩn của nước bạn đưa ra.
Đối với Doanh nghiệp
Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khuyến cao thêm, ngành xuất khẩu gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh. Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường.
Các doanh nghiệp nên tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, nghiên cứu đầu tư sâu giống mới, từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được khuyến cáo cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, nhằm ổn định hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân.
Chất lượng gạo được nâng lên thì giá xuất khẩu gạo cao hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để duy trì được thị phần ở các thị trường truyền thống và thâm nhập tốt thị trường cao cấp hơn như EU, ngành lúa gạo cần đảm bảo chất lượng đồng đều, kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh hạt gạo, doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam
Lời kết
Trên đây là một số kết quả về tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam trong Top 3 thị trường lớn đầy tiềm năng năm 2020. Những con số đã thể hiện kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam 2020.
Hy vọng bài viết này sẽ có những thông tin hữu ích dành cho các bạn, giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam nhé!
Có thể bạn cũng quan tâm:
https://clibme.com/wp-admin/post.php?post=795&action=edit
Thực hiện bởi
Phạm Lê Hà Phương- 18050557
QH2018E- KTQT CLC 5