1.Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa (Globalization) là sự lan truyền của các sản phẩm, công nghệ, thông tin, việc làm xuyên biên giới và văn hóa quốc gia, là quá trình phát triển kinh tế theo xu thế phát triển hiện đại, kèm theo những khuynh hướng tiên tiến, khi đó, quá trình toàn cầu hoá được xem như một quá trình tăng lên mạnh mẽ của các mối liên hệ và có sự phụ thuộc, ảnh hưởng qua lại giữa các khu vực, quốc gia và các dân tộc trên thế giới
Là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu
- Phương diện tích cực:
Toàn cầu hóa chính là sự kết nối về nhiều mặt như: chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa giữa các quốc gia. Chính sự kết nối với quan hệ phụ thuộc đã tạo động lực thúc đẩy các quan hệ, ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới giá trị riêng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Về phương diện chính trị, đối thoại và hợp tác trở thành công cụ giúp các quốc gia trên thế giới hướng tới hòa bình, ổn định, phát triển, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ chức chính trị hợp pháp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân toàn cầu.
Về phương diện kinh tế, toàn cầu hoá thị trường cho phép tự do hoá thương mại phát triển, cấp phép cho các tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm ảnh hưởng tới mọi khu vực, vùng, lãnh thổ trên thế giới, thúc đẩy quá trình cải cách, đổi mới nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường.
Về xã hội, toàn cầu hoá cho phép mở rộng cơ hội giao lưu, học tập, tiếp cận và tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến,… giữa các vùng dân cư với nhau.
Về văn hoá, có thể nói, toàn cầu hoá đã tác động khá toàn diện đến mọi phương diện của đời sống tinh thần dân tộc. Cho phép người dân ở mỗi quốc gia tiếp xúc với phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, nét đặc trưng tác thành bản sắc dân tộc. Sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá đó làm giảm dần những khác biệt, tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau. Lối sống cũng nhờ đó phong phú, đa dạng và cởi mở hơn.
- Phương diện tiêu cực:
Xét trên phương diện tiêu cực, toàn cầu hoá cũng mang lại nhiều vấn đề khiến các quốc gia phải mau chóng tìm biện pháp giải quyết nếu không muốn bị hoà tan về văn hoá, bị thao túng bởi chính trị, bị dẫn dắt bởi kinh tế, xã hội trong nước bất ổn, môi trường tự nhiên và các nguồn tài nguyên bị tổn hại.
Dưới góc nhìn từ triết lý nhân sinh, toàn cầu hoá là hiện tượng, là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người. Trong xu hướng ấy, có dòng chảy thuận, nhưng cũng có nhiều dòng chảy nghịch. Có những dòng chảy thực sự khai phóng, làm mới tư duy, tinh thần, lối sống, phong cách dân tộc, nhưng cũng có dòng chảy đang “cố tình” làm tan loãng, xoá mờ, thậm chí làm biến dạng “hồn cốt” dân tộc.
Trong khuôn khổ phạm vi hẹp, bài viết sẽ phân tích thêm về lối sống của người Việt Nam và những tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam.
2. Tác động của toàn cầu hóa tới lối sống của người Việt Nam
Lối sống của người Việt Nam trước toàn cầu hóa
Khi bàn về lối sống của người Việt Nam, theo Từ điển Tiếng Việt, lối sống là “hình thức diễn ra của hoạt động đã trở thành ổn định, mang đặc điểm riêng”
Từ góc nhìn về văn hóa, xã hội của tác giả Phạm Hồng Tung đã khẳng định: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”
Theo quan niệm của tác giả, “lối sống chỉ là những chiều cạnh chủ quan của văn hóa được bộc lộ ra trong quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động lối sống của con người.
Từ những quan niệm trên, có thể hiểu lối sống của người Việt Nam chính là phương thức sống được thể hiện qua sự lựa chọn các hoạt động và cách thức thực hiện các hoạt động của họ. Lối sống đó chịu sự chi phối mạnh mẽ của không gian địa lý, thời gian lịch sử, sự tác động của nền kinh tế, thể chế chính trị và truyền thống văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, lối sống không phải là sản phẩm thụ động được kết hợp một cách máy móc bởi các yếu tố trên mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào công dân. Do vậy, lối sống mang đậm dấu ấn cá nhân.
Sự thay đổi lối sống của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Dưới tác động của toàn cầu hóa, lối sống của người Việt Nam hiện nay đang có nhiều thay đổi. Sự du nhập văn hoá phương Tây với những quan niệm về giá trị sống, phong cách sống, lối sống mới, một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc vốn có của người Việt Nam sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại.
Mặt khác, làm phương hại đến giá trị sống truyền thống và văn hoá truyền thống của người Việt. Cụ thể:
Thứ nhất, tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tích cực.
Để thích ứng với môi trường toàn cầu hoá, con người phải sáng tạo, năng động và có khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của xã hội, thời cuộc, sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây là thời cơ, cũng là thách thức lớn, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện bản thân, tích cực, sáng tạo, chủ động tiếp cận và biến đổi hoàn cảnh.
Nhận thức rõ điều đó, người Việt Nam đã chủ động học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức cần thiết của thời đại công nghiệp, hiện đại. Rèn luyện phong cách làm việc công nghiệp, lối sống trách nhiệm, chủ động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, ý thức kỷ luật, tự giác, nỗ lực vươn lên.
Lối sống nhờ đó mà có sự chuyển mình tích cực. Lối sống của người Việt hiện nay không còn bó hẹp trong sinh hoạt, giao tiếp gia đình.
Thứ hai, tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tiêu cực. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nhiều bài viết, hội thảo, tọa đàm, trao đổi về vấn đề sự xuống cấp đạo đức, sự lệch lạc trong lối sống của một bộ phận người dân.
Toàn cầu hóa với những tác động nhiều chiều khiến quan niệm sống, đặc biệt là giới trẻ có phần “bung mở”, rộng rãi, phóng túng, thậm chí cuồng loạn, coi thường giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xem nhẹ tình thân, ruột thịt không còn là những biểu hiện mang tính cá biệt, mà đang hiện hữu trên mọi góc, mọi vùng, miền của dải đất hình chữ S hàng ngàn năm lịch sử.
Lối sống trọng tình, trọng nghĩa, thương người như thể thương thân; gắn bó với thiên nhiên; cần cù, chịu khó vẫn được gìn giữ song không tránh khỏi sự thật bị tổn hại, xâm phạm. Nguyên nhân chính là do:
(1) Lợi ích cá nhân: Dường như, trong mọi mối quan hệ, tiền tài, vật chất, danh vọng được xem như tiêu chí cốt yếu. Ví dụ là tình cảm trai gái vốn được xem là trong sáng, thuần khiết, cũng dễ dàng trở thành món hàng đổi chác, thành vật sở hữu. Rồi đơn giản như việc chọn ngành, nghề để hứa hẹn tương lai được đảm bảo, có lương cao, việc ổn định, sẵn sàng dùng tiền, dùng các mối quan hệ để đạt mục đích mong muốn.
(2) Xem nhẹ giá trị đạo đức truyền thống: Đây là một thực tế đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam. Để cổ súy cho cái gọi là “mới” là “hiện đại”, là “văn minh”, là “mốt”, một bộ phận người dân đã quay lưng lại giá trị văn hoá gia đình, dân tộc truyền thống. Họ không ngừng chê bai những phong tục này, tập quán nọ, những thói quen thưa gửi, chào hỏi, đồng thời cho nó là phức tạp, rườm rà, rắc rối, lạc hậu và cổ hủ. Từ suy nghĩ lệch lạc, tất yếu dẫn đến hệ quả lệch chuẩn về các giá trị đạo đức.
Chưa hết, hiện tượng sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, tôn vinh, đề cao văn hoá phương Tây, văn hoá Hàn Quốc… chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đã và đang để lại những tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong xã hội, xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống. Chủ nghĩa vật chất, lối sống ích kỷ đã khiến một bộ phận người dân sẵn sàng bất chấp tất cả để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Thực tế chứng minh, số vụ buôn lậu, buôn bán ma tuý, làm hàng giả được phát hiện ngày càng tăng.
Tinh thần nhân ái, chủ nghĩa nhân văn giờ bị đánh đổi bằng cuộc sống bạo lực, phi nhân tính. Một loạt tội danh mới nguy hiểm đã xuất hiện như: khủng bố cá nhân; tống tiền; bắt cóc trẻ em; buôn bán phụ nữ; buôn bán chất nổ, chất ma tuý… với số lượng lớn; tổ chức đâm thuê chém mướn; môi giới mại dâm; xì ke ma tuý.
(3) Trào lưu sống ảo, xa rời thế giới hiện thực ngày càng phát triển. Công nghệ thông tin bùng nổ, internet và các phương tiện truyền thông len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Một thế giới ảo đã xuất hiện song song tồn tại với thế giới thực. Nhiều người đang chìm vào thế giới ảo, ngụp lặn trong thế giới ảo với đủ các câu chuyện hay dở trên đời.
Thực bàng hoàng và hụt hẫng khi nhìn thấy hàng ngàn, hàng triệu “like” được nhấn nút cho các clip tai nạn giao thông, những cuộc đánh ghen, tranh chấp, ẩu đả… và ngạc nhiên hơn là những lời bình luận (comment) phía dưới. Xót xa hơn, cũng vì nút “like” ấy, nhiều thanh niên đã thiệt mạng chỉ vì bức ảnh triệu “like”.
(4) Nạn bạo lực trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Giới trẻ đang có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Thực tế, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng. Đáng báo động hơn cả là độ tuổi của đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Đây chính là hệ quả do tác động của toàn cầu hóa, do giáo dục của nhà trường và do thiếu sự quan tâm đúng mức của gia đình.
(5) Sự giả dối được cho là hiển nhiên. Sự lệch chuẩn về giá trị khiến một bộ phận người dân ngộ nhận, thậm chí cố tình hiểu sai bản chất vấn đề. Sự xuất hiện cái giả dối nhiều và phổ biến đến mức nhiều lúc chúng ta coi nó là một điều rất bình thường của cuộc sống như: Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, lời nói giả, hành động giả, đạo đức giả,…
Bên cạnh đó, lối sống lạnh lùng kiểu “tiền trao cháo múc” tràn vào Việt Nam gây nên hệ luỵ về tư tưởng, về nhận thức, là sự biến đổi và sự phá vỡ các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ xã hội, làm lệch lạc lẽ sống, lý tưởng sống của mỗi cá nhân.
Tóm lại, toàn cầu hoá như một dòng chảy lạ tràn qua biên giới quốc gia, phủ ngập, cuốn trôi bao giá trị truyền thống, làm xáo trộn, đảo lộn sự thanh bình trong lối sống thôn quê.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá ấy, con người bỗng trở nên lạnh lùng hơn, vô cảm hơn, đời sống tinh thần, tình cảm của họ bỗng trở nên máy móc và “kỹ thuật” hơn. Dường như, dòng chảy toàn cầu hoá đẩy con người tiếp xúc nhanh hơn với những lợi ích cá nhân, với chủ nghĩa kim tiền, lối sống thoáng, sống gấp, sống hưởng thụ.
Thêm vào đó, phương tiện vật chất phục vụ cuộc sống con người, làm cho cuộc sống con người tiện nghi hơn, dễ dàng khiến họ quên đi bài học ứng xử mang giá trị nhân văn đích thực giữa con người với con người, với thiên nhiên và môi trường sống. Vấn đề đặt ra hiện nay không phải là hòa nhập với toàn cầu hoá, bên cạnh đó gìn giữ, đề cao, phát huy những giá trị văn hoá người Việt, những giá trị làm nên bản sắc văn hoá, lối sống của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam.