QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN – 5 BƯỚC LÀM CHỦ TƯƠNG LAI CỦA BẠN

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Quản lý tài chính cá nhân cũng giống như chế tạo xe ô tô, một khi bắt đầu có tư duy quản lý tài chính và tích lũy tiền bạc, tốc độ của nó có thể sẽ khiến chính chúng ta phải kinh ngạc. Trái lại, nếu không biết quản lý dòng tiền, thì chiếc xe đó mãi mãi nằm yên một chỗ và việc chế tạo không thể nào thành công.

Tuy nhiên, hơn 90% người Việt không hiểu đầy đủ hoặc không có kiến thức về cách quản lý tài chính cá nhân. Nhiều người cho rằng nó không quá quan trọng, và một số khác lại không biết bắt đầu từ đâu. Vậy quản lý tài chính cá nhân như thế nào để đạt được hiệu quả ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích nhất về phương pháp quản lý tài chính cá nhân.

Quản lý tài chính cá nhân là gì?

Tài chính cá nhân là tổng số tiền mà mỗi cá nhân hay hộ gia đình sở hữu, bao gồm tổng các loại ngân sách, tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư, hưu, trí, di sản,…

Quản lý tài chính cá nhân có thể hiểu đơn giản là việc các cá nhân hay hộ gia đình dựa trên các nguyên tắc tài chính và nguồn tài chính cá nhân của mình để đưa ra các quyết định liên quan đến tiền. Quản lý tài chính cá nhân đề cập đến cách thức mà cá nhân hay các hộ gia đình quản lý các nguồn thu nhập, các khoản chi tiêu và tiết kiệm, cũng như phân phối nguồn lực tài chính theo thời gian, với mức độ rủi ro và các kế hoạch tương lai đã lường trước.

Nhiệm vụ cơ bản của quản lý tài chính cá nhân là tận dụng triệt để và hiệu quả nhất nguồn lực để đạt được mục tiêu tài chính. Do đó, trong quá trình lập kế hoạch tài chính, cần cân bằng giữa nhu cầu cá nhân và mục tiêu tài chính đã đặt ra.

Tại sao cần phải biết quản lý tài chính cá nhân?

Quản lý tài chính cá nhân - Chìa khóa tương lai của bạn
Vai trò Quản lý tài chính cá nhân | Nguồn: Internet

Đối với cá nhân

Việc quản lý tài chính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của mỗi người. Thử hỏi nếu không có những kế hoạch, những cách quản lý tốt, liệu làm thế nào để có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những khoản nợ hay những khoản tín dụng cũng như những hóa đơn cần được thanh toán vào mỗi tháng? Làm sao để đối phó với những trường hợp khẩn cấp trong tương lai? Quản lý tài chính hiệu quả đưa chúng ta đến gần hơn với độc lập tài chính và mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, cụ thể là:

  • Sở hữu một cuộc sống ổn định, nói “không” với nợ nần, giảm thiểu áp lực tài chính hay những tranh chấp, cãi vã và trở nên hạnh phúc hơn;
  • Làm chủ tương lai bởi luôn có sẵn một nguồn ngân sách dự trù: Không bị động trước những giai đoạn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày nay hay những trường hợp bất ngờ không may như tai nạn, bệnh tật, …; đồng thời có được sự thoải mái hơn sau khi nghỉ hưu, thậm chí có một lượng tài sản để lại cho đời sau.
  • Biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm hơn; tránh những sai lầm trước những quyết định tài chính, thậm chí có thể tìm kiếm con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu tài chính;
  • Giúp cá nhân phát hiện và phát triển các giá trị của bản thân, từ đó thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân phù hợp với bản thân;
  • Xác định những cơ hội và rủi ro trong tài chính cá nhân để từ đó đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn nhằm tận dụng cơ hội và phòng ngừa rủi ro một cách triệt để. Từ đó, tăng lượng tài sản một cách hiệu quả, ngăn ngừa sự suy giảm của tài sản trong trường hợp xấu.
  • Mang lại những tác động tích cực cho những khía cạnh khác của cuộc sống: sự giáo dục tốt, sự thăng tiến, mở rộng mối quan hệ.

Đối với nền kinh tế, xã hội

Khi tài chính cá nhân được nhận thức đúng đắn, mỗi cá nhân đều có các cách quản lý tài chính phù hợp, việc chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của người dân trở nên hiệu quả hơn, góp phần cải thiện và nâng cao nền kinh tế, xã hội, cụ thể là:

  • Thị trường tài chính được hưởng lợi và ngày càng phát triển;
  • Nền kinh tế được hưởng lợi từ sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ tài chính như tiết kiệm, tiêu dùng, bảo hiểm, đầu tư;
  • Thúc đẩy ngành dịch vụ về tài chính cá nhân phát triển;
  • Giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Học cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Bước 1 : Trang bị kiến thức tài chính cá nhân

Các kiến thức về tài chính cá nhân cũng như kỹ năng quản lý tài chính cá nhân nên được phổ cập tới mỗi cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Như vậy, ngoài sự giáo dục của gia đình, việc tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên như một kỹ năng sống hay bắt buộc như một môn học sẽ giúp chúng ta có một nền tảng tốt. Ngoài ra, việc tự tìm kiếm thông tin liên quan đến tài chính cá nhân thông qua sách báo, tivi, mạng internet, nghe podcast thậm chí qua những chia sẻ của người thành công cũng là cách hay để tiếp nhận kiến thức.

Bước 2 : Xác định nguồn tài chính hiện tại của bản thân

Ghi chép, tổng hợp tài chính cá nhân hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng là việc mà mỗi cá nhân cần thực hiện càng sớm càng tốt, bởi nó không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về bức tranh tài chính cá nhân ở hiện tại, mà còn giúp thấy được giá trị của việc chi tiêu có kế hoạch và chủ động hơn trong quản lý tài chính.

Có thể sử dụng biểu mẫu quản lý tài chính cá nhân dưới dạng Excel, thậm chí là giấy bút, “notes” trong điện thoại hay các app điện tử như Money Lover, sổ thu chi Misa, … để thuận tiện theo dõi hơn, tránh bỏ sót bất kỳ khoản tiền nào.

Bên cạnh đó, quan tâm đến việc đánh giá cảm xúc trước và sau khi mua đồ cũng là một điều cần thiết, giúp chúng ta cân bằng cảm xúc, nhu cầu và chi tiêu.

Tổng hợp nguồn thu - chi
Tham khảo mẫu Tổng hợp nguồn thu – chi

Bước 3 : Lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân

Nhắc đến quản lý tài chính cá nhân không có nghĩa là bạn phải chi tiêu tằn tiện đến sống thiếu thốn, mà cần biết cách lập kế hoạch quản lý tài chính hợp lý, thiết lập ngân sách cho mỗi khoản mục chi tiêu dựa trên những đánh giá ở bước 2 và mức độ phù hợp với ngân sách ở bước 1. Nhờ đó, bạn có thể chủ động hơn, tự tin hơn trong chi tiêu, đồng thời giúp kiểm soát tài chính cá nhân hiệu quả.

Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Lập kế hoạch tài chính cá nhân | Nguồn: Internet

Bạn có thể tham khảo 2 nguyên tắc phân bổ tài chính cá nhân dưới đây để lập một kế hoạch quản lý tài chính phù hợp với nguồn lực và lối sống của bản thân nhé !

Nguyên tắc 50/20/30

Đúng như tên gọi, nguyên tắc này sẽ giúp bạn chia nhỏ thu nhập thành 3 phần chính:

  • 50% Nhu cầu thiết yếu: Khoản chi tiêu bắt buộc cần có hàng tháng, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của bạn, bao gồm chi phí nhà ở, nhu yếu phẩm, các hóa đơn tiện ích (điện, nước, internet, điện thoại, …)
  • 30% Nhu cầu giải trí: Khoản chi tiêu cho mong muốn, sở thích cá nhân, đòi hỏi sự linh hoạt và cân bằng tốt, bao gồm mua sắm, hay trải nghiệm các dịch vụ giải trí, các chuyến du lịch, …
  • 20% Tiết kiệm và đầu tư: Khoản chi tiêu cho các mục tiêu tài chính, bao gồm tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư. Đây là khoản rất cần thiết cho tương lai của bạn.

Nguyên tắc 6 chiếc lọ

Công thức 6 chiếc lọ – bí quyết quản lý tiền bạc nổi tiếng khắp thế giới, được giới thiệu bởi T.Harv Eker doanh nhân – diễn giả – tác giả cuốn best-seller “Bí mật tư duy triệu phú”.

  • Lọ 1: Dành 55% tổng thu nhập cho nhu cầu thiết yếu: Khoản này giúp thanh toán những nhu cầu cần thiết như tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm, …
  • Lọ 2: Dành 10% tiết kiệm dài hạn
  • Lọ 3: Dành 10% cho nhu cầu quỹ tự do tài chính: Phục vụ những dự định, mong muốn của bản thân: mua sắm, du lịch, giải trí, …
  • Lọ 4: Dành 10% đầu tư cho giáo dục
  • Lọ 5: Dành 10% cho nhu cầu hưởng thụ
  • Lọ 6: Dành 5% cho quỹ từ thiện, giúp đỡ cộng đồng

Bước 4 : Tối ưu nguồn chi

Bạn có thể giảm thiểu tối đa chi tiêu bằng một số cách như sau:

  • Giảm chi phí đi lại, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh ngày càng phức tạp;
  • Ưu tiên ăn tại nhà thay vì các quán ăn, nhà hàng;
  • Hạn chế thanh toán bằng thẻ tín dụng bởi nó sẽ vô tình đưa bạn đến “bẫy” chi tiêu;
  • Tái sử dụng một số sản phẩm như quần áo, sách vở, …;
  • Mua đồ có mục đích, không lãng phí, mua sắm ngẫu hứng theo cảm xúc, đặc biệt vào những ngày sale hay có sự tác động của quảng cáo;
  • Tự làm mọi việc thay vì thuê mướn.
Tối ưu nguồn chi tiêu
Tối ưu nguồn chi tiêu | Nguồn: Internet

Tuy nhiên, dù bằng cách nào, mỗi cá nhân cần chi tiêu có kế hoạch và đề cao tính kỷ luật ở bước này. Dựa vào việc tổng hợp nguồn thu – chi ở bước 1, chúng ta có thể đưa ra những khoản chi tiêu có thể cắt giảm phù hợp với nhu cầu của bản thân. Việc có một khoản tiết kiệm đủ lớn đem lại cho bạn sự thoải mái và an toàn hơn rất nhiều.

Bước 5 : Tăng nguồn thu

Ngoài làm công việc chính hay tăng ca, bạn có thể tìm thêm những công việc làm thêm khác có giờ giấc linh hoạt như gia sư, bán hàng online,… để tăng thu nhập hàng tháng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xem xét thay đổi công việc sao cho phù hợp với năng lực và khả năng của bản thân.

Hơn hết, mua tài sản không mua tiêu sản (sách “Cha giàu cha nghèo”) là điều mỗi cá nhân cần lưu ý, giúp tăng năng suất, tăng tài sản, tránh chi tiêu lãng phí.

Đầu tư cũng là một trong những ý định tuyệt vời giúp bạn có thể tăng nguồn thu của mình, trong đó gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Có thể nói, tập trung đầu tư tài chính để đảm bảo và cải thiện cuộc sống của bạn

Tạm kết

Để cuối tháng không lâm vào cảnh “rỗng ví”, mỗi cá nhân cần trang bị những kiến thức về tài chính cá nhân, cũng như những kỹ năng “vàng” để có thể quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả ngay từ hôm nay.

 

Người viết: Lưu Thị Hương

Mã sinh viên: 19051483

 

——————————————-

Tham khảo thêm bài viết về chủ đề Tài chính:

Tài chính doanh nghiệp: https://clibme.com/tai-chinh-doanh-nghiep-9-nguyen-tac-trong-quan-ly/

Tài chính công: https://clibme.com/tai-chinh-cong-va-5-thach-thuc-nen-kinh-te-viet-nam/

Dịch vụ tài chính: https://clibme.com/dich-vu-tai-chinh-la-gi/

Cùng cập nhật tin tức mới nhất tại Website: clibme.com