Ngày 16/6/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 7 Chương, 157 Điều. Đây là văn bản pháp lý quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
Theo đó, luật kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
1. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã loại bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm
Cụ thể, bộ luật kinh doanh bảo hiểm mới không còn quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm nhằm để đảm bảo thống nhất với các quy định tại Bộ luật Dân sự.
Hiện nay, Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Bên mua có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm nhân thọ sau khi đã mua
Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
3. Bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
4. Mở rộng các loại hình bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định 05 loại hình bảo hiểm sau:
– Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
– Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
– Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
5. Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản từ ngày 01/01/2028
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
6. Tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, cụ thể như sau:
– Tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
+ Đại lý bảo hiểm;
+ Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
– Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng thực hiện các quy định sau đây:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được chủ động lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng;
+ Đại lý bảo hiểm chỉ được cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng trong phạm vi hợp đồng đại lý bảo hiểm;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thực hiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm với bên mua bảo hiểm nếu hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm đó làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;
+ Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm trên môi trường mạng có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác các thông tin theo quy định tại Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
7.Bổ sung nội dung bắt buộc của hợp đồng bảo hiểm
Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
– Đối tượng bảo hiểm;
– Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
– Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm; (Nội dung bổ sung)
– Thời hạn bảo hiểm;
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; (Nội dung bổ sung)
– Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
– Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
8. Quy định chi tiết hơn các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:
– Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
– Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
– Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;
– Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;
– Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;
– Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;
– Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
– Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
9. Doanh nghiệp bảo hiểm chậm bồi thường thì phải trả tiền chậm trả
Khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định về việc trả tiền chậm trả như sau:
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự.
10. Bổ sung quy định về bảo hiểm tạm thời trong bảo hiểm nhân thọ
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm cấp bảo hiểm tạm thời cho bên mua bảo hiểm kể từ thời điểm nhận được yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm tạm tính của bên mua bảo hiểm.
Thời hạn bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tạm thời do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận.
Bảo hiểm tạm thời kết thúc sau khi doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận hoặc từ chối bảo hiểm hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận.
Tóm lại, Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2022 đã mang đến những điểm mới quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh bảo hiểm bền vững và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Qua việc cải thiện quản lý rủi ro, bảo vệ quyền lợi khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản trị, ngành bảo hiểm đã tiến xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
Luật Doanh Nghiệp 2020: Quy định về thủ tục thành lập công ty
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Hạnh
Mã sinh viên: 20050817
Lớp: QH-2020E KTQT CLC 4
Mã học phần: INE3104_5