Doanh nghiệp Việt liên tục “sập bẫy” trong giao dịch thương mại quốc tế.
Những chiếc bẫy này là gì mà khiến họ dễ rơi vào đến vậy?
Nội dung bài viết
I. Thực trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế tại Việt Nam
Bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng, những lời cảnh báo liên tục từ cơ quan nhà nước, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, những năm gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, vướng vào vòng tranh chấp có chiều hướng gia tăng và không có dấu hiệu giảm sút.
Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid 19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp Việt mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.
II. Điểm mặt “những chiếc bẫy” trong giao dịch thương mại quốc tế
Trong thời đại toàn cầu hoá, hiện đại hoá, việc mở cửa hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế của Chính phủ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích đạt được thì các doanh nghiệp Việt buộc phải đối mặt với “muôn hình vạn trạng” cách thức lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin như “con dao hai lưỡi”, vừa có thể giúp doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn”, vừa có thể “đẩy họ xuống đáy vực sâu”, chịu những rủi ro nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề bằng nhiều thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại có quy mô lớn, ngày càng phổ biến, phức tạp và tinh vi hơn. Các thủ đoạn lừa đảo cũng không ngừng được “ra lò” những chiêu thức mới khó phát hiện nhưng nhìn chung có 4 trường hợp lừa đảo xảy ra thường xuyên sau đây:
Lừa đảo trong nhập khẩu hàng hoá
- Giao hàng không thanh toán, không chuyển hàng theo đúng hợp đồng đã ký; giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hoá mà không thanh toán.
- Cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì “hack” email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
- Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng hàng nhập khẩu trị giá lớn, chúng ‘‘chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá”, sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, hoặc trả chi phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư v.v…. Khi nhận được tiền môi giới, đối tượng lừa đảo thay đổi thông tin, lừa đảo doanh nghiệp khác
Lừa đảo trong xuất khẩu hàng hoá
- Các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…
- Các đối tượng lừa đảo chào giá xuất khẩu hàng hóa có giá thấp hơn thị trường, tạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam bị “ảo tưởng sẽ có lợi nhuận cao” nếu nhập khẩu hàng của họ. Đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc 20-30% rồi sau khi nhận tiền cọc, sẽ không giao hàng.
Lừa đảo trong môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu
- Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã phải “ngậm đắng” vì chót chuyển khoản vào một tài khoản “ma”:
Các đối tượng lừa đảo giả mạo tên, website, email, tài khoản ngân hàng doanh nghiệp, tự liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam, đưa ra một gói thầu với giá trị cao, hấp dẫn, mời doanh nghiệp Việt Nam tham dự thầu. Nếu không tham dự được, có thể ủy quyền cho họ và đề nghị trả chi phí thuê luật sư.
Trong một thời gian ngắn, đối tượng lừa đảo gửi một thư thông báo doanh nghiệp Việt Nam đã “thắng thầu”, đề nghị trả lệ phí đấu thầu. Khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền phí môi giới, đối tượng lừa đảo sẽ thay đổi tên tổ chức, địa chỉ, email và điện thoại, để tiếp tục lừa đảo doanh nghiệp khác.
- Môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ : Các đối tượng thường liên hệ với doanh nghiệp cho biết có thể “thu xếp” được các khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, bất động sản,..
Ký nhiều hợp đồng xuất khẩu
- Đối tượng lừa đảo thường ký nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện giao dịch từ 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Nhưng từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30% – 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt tiền số tiền này, sau đó không giao hàng.
III. Vụ lừa đảo 100 container hạt điều tại Italia: Tiếng chuông báo động, bài học cảnh tỉnh cho doanh nghiệp Việt Nam
Cộng đồng doanh nghiệp mới đây đã rúng động bởi phi vụ lừa đảo hàng chục container điều xuất khẩu sang Italy, số tiền có khả năng mất trắng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết có 5 doanh nghiệp Italia ký kết hợp đồng mua 100 container hạt điều tương đương 20 triệu USD với 6 doanh nghiệp hạt điều Việt Nam thông qua một công ty môi giới – chủ là Việt kiều ở Mỹ.
Ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã gửi công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp để tìm cách giải quyết vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia và Thổ Nhĩ Kì của 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều thuộc Hiệp hội điều Việt Nam có nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng.
Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua theo hướng dẫn, đều có sự thay đổi về số Swift. Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ. Còn khi gửi đến ngân hàng Italia, thì được thông báo rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang hai thị trường này bắt đầu hoang mang không biết bộ chứng từ gốc ở đâu, Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển Cosco, YANGMING, HMM, ONE để nhận hàng. Trong 100 container đã có 74 container được giao sang Italia. Trong số 74 container có 35 container hạt điều chúng ta mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.
Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp phối hợp với nhiều đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container. Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía Việt Nam đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit (cảng trung chuyển – PV) ở Singapore… cho quay trở lại Việt Nam. Các container đã và đang trên đường đến cảng Italy thì được đề nghị giao lại bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua.
Đối với 35 container mất bộ chứng từ gốc, ta đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Ý hoặc bán sang nước thứ ba. Riêng 5 container còn nằm lại tại cảng Ý, sau một quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại, ngày 27.5, Tòa án dân sự Larino đã ra phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này. Đến ngày 15 và 16/6, Cảnh sát Kinh tế – Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bài học cảnh tỉnh cho doanh nghiệp Việt Nam : Doanh nghiệp chủ quan, ỉ lại vào môi giới
Nguyên nhân của sự việc này có lẽ không phải do doanh nghiệp xuất khẩu hay Hiệp hội điều quá yếu kém mà là do doanh nghiệp Việt đã quá chủ quan, cả tin, ỉ lại vào môi giới.
Công ty môi giới đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu được vài lô hàng nên doanh nghiệp xuất khẩu đã có lòng tin, vì thế mà không một chút nghi ngờ, 6 doanh nghiệp đều ký qua môi giới mà không biết người nhận hàng là ai, không có liên lạc trực tiếp. 6 doanh nghiệp này đã hoàn toàn tin tưởng vào công ty môi giới, ỉ lại chỉ lo việc mình mà không hề điều tra kĩ càng phía công ty nước ngoài nhận hàng là những đối tác như thế nào để rồi bị lừa, suýt mất trắng nếu như không có sự tham gia kịp thời của các cơ quan chức năng Việt Nam.
IV. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để không sập bẫy?
Cần chủ động khắc phục những ” lỗ hổng” trong thương mại quốc tế và nhận diện những cú lừa.
Khắc phục lỗ hổng và nhận diện cú lừa thế nào?
Về phía cơ quan quản lý
- Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu và cảnh báo, công bố danh sách một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng trong giao dịch với các công ty này.
- Thường xuyên cập nhật, thông tin về các dấu hiệu, thủ đoạn lừa đảo của các DN nước ngoài để DN Việt Nam biết và phòng tránh.
- Hỗ trợ pháp lý đối với các DN trong nước trong các vụ kiện, điều tra; phối hợp với các quan quản lý về an ninh kinh tế tại các quốc gia nước ngoài để ngăn chặn các DN lừa đảo.
Về phía doanh nghiệp
- Cần tìm hiểu kĩ đối tác, xác minh cũng như đánh giá độ uy tín của doanh nghiệp đối tác trước khi đi đến kí kết làm ăn.
- Cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài. Việc thực hiện thẩm tra có thể thực hiện qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…
- Chọn phương thức thanh toán an toàn: Tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản ưa thích áp dụng phương thức D/P – tức là giao chứng từ để nhận tiền, Phương thức này chính là kẽ hở “chết người” để tạo nguồn cơn cho các hành vi lừa đảo do có sự xuất hiện của bên thứ ba. Doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
- Không được cả tin, chủ quan, dễ dãi trong quá trình giao dịch, thanh toán.
V. Tổng kết
Để phòng tránh những rủi ro, lừa đảo không còn cách nào khác là doanh nghiệp cần phải hoạt động chuyên nghiệp, cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, đổi mới tư duy quản trị và phát triển thị trường của doanh nghiệp mình; nếu không, tình trạng bị lừa đảo sẽ xảy ra còn dài.
Dưới đây là một số bài viết hấp dẫn về các vấn đề nóng trong thương mại quốc tế hiện nay.
Mọi người tìm hiểu thêm nhé!
VIỆT NAM GIỮA VÒNG XOÁY CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG 2018
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ 3 VẤN ĐỀ CÁC DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT
THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ “5 MẤU CHỐT” VIỆT NAM CẦN QUAN TÂM
Việt Nam trong xu hướng phát triển thương mại quốc tế ngày nay được diễn ra như thế nào?
Sinh viên thực hiện:
Nguyễn Thanh Dung
MSV : 20050069
Lớp: QH2020-E QTKD CLC 2
Mã học phần: INE 3104 2