Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đang dần trở thành xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hãy cùng tìm hiểu hội nhập kinh tế đem lại những cơ hội cũng như thách thức nào cho Việt Nam qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ LÀ GÌ?
Hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu là quá trình giao lưu, hợp tác, gắn kết giữa nền kinh tế quốc gia này vào nền kinh tế quốc gia khác hay vào các tổ chức kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu. Và trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế thì hội nhập kinh tế quốc tế đang là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như trên thế giới.
2. CÁC HÌNH THỨC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
2.1. Hội nhập kinh tế khu vực
a) Khu mậu dịch tự do
Khu vực mậu dịch tự do là liên kết kinh tế giữa hai hay nhiều nước với mục đích tự do hóa buôn bán một số loại mặt hàng, từ đó thành lập một thị trường thống nhất giữa các nước, nhưng mỗi nước thành viên vẫn thi hành chính sách thuế quan độc lập với các nước ngoài khu vực mậu dịch tự do.
b) Thị trường chung
Thị trường chung (Common Market – CM) – liên kết kinh tế có mức độ hội nhập cao hơn so với Liên minh hải quan. Ở mức độ liên kết này, bên cạnh việc cho phép tự do di chuyển hàng hóa, các nước thành viên còn thoả thuận cho phép tự do di chuyển tư bản và sức lao động giữa các nước trong liên kết kinh tế với nhau.
c) Liên minh kinh tế và tiền tệ
Liên minh kinh tế và tiền tệ gọi là Economic and Monetary Union (EMU)
Liên minh kinh tế: là liên kết kinh tế có cấp độ liên kết cao hơn thị trường chung. Ngoài các yếu tố đã đề cập ở thị trường chung (CM) như: tự do di chuyển là hàng hóa, tư bản, sức lao động; trong liên minh kinh tế, yếu tố tự do dịch chuyển cho dịch vụ được mở rộng giữa các nước thành viên. Hơn nữa, các nước thành viên còn cùng nhau thiết lập một bộ máy tổ chức điều hành sự phối hợp kinh tế giữa các nước.
Liên minh tiền tệ: là liên kết kinh tế mà trong đó các nước thành viên phải thực hiện phối hợp chính sách tiền tệ với nhau, cùng thực hiện một chính sách tiền tệ thống nhất và sử dụng chung một đồng tiền.
2.2. Hợp tác kinh tế song phương
Hợp tác kinh tế song phương được hình thành từ rất khi các quốc gia có chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, tức là được hình thành từ khá sớm. Hợp tác kinh tế song phương tồn tại dưới dạng thoả thuận; hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư; hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các thoả thuận thương mại tự do song phương,…
3. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM
3.1. Cơ hội
Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam
Nội dung của hội nhập bao gồm mở cửa thị trường, cắt giảm các hàng rào thuế quan và các hàng rào phi thuế quan,… Chính vì vậy nên khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng các mối quan hệ hợp tác, làm ăn với các quốc gia trong và ngoài khu vực; có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên những lợi thế cạnh tranh sẵn có: nguồn tài nguyên phong phú và nguồn lao động dồi dào, giá rẻ.
Nhờ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ và đang dần trở thành động lực chính, quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu gia tăng sẽ khiến cơ hội việc làm được tạo ra sẽ nhiều hơn, giúp giảm nguy cơ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động.
Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)
Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường. Các nhà đầu tư sẽ nhìn ra tiềm năng của thị trường Việt Nam nên họ sẽ mang vốn và công nghệ mới vào. Việt Nam có công nghệ mới kết hợp sử dụng lao động và tài nguyên sẵn có để làm ra sản những phẩm tiêu thụ trên thị trường khu vực và thế giới. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thêm thị trường, kéo theo cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nam huy động và sử dụng nguồn vốn nước ngoài có hiệu quả.
Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế giúp giải quyết vấn đề nợ nước ngoài của Việt Nam
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển tốt mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương. Vì vậy nên các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam trước đây được giải quyết thông qua câu lạc bộ Paris, London và đàm phán song phương. Điều đó góp phần ổn định cán cân thu chi ngân sách, giúp Việt Nam có thể tập trung nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội trong nước.
Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện giúp Việt Nam tiếp thu các kỹ thuật công nghệ tiên tiến
Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế sẽ có cơ hội học hỏi và tiếp thu các kỹ thuật công nghệ tiên tiến của các nước đi trước. Điều này giúp Việt Nam để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH.
Hội nhập kinh tế quốc tế còn là con đường khai thông thị trường Việt Nam với khu vực và thế giới, qua đó tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và có hiệu quả. Các kỹ thuật và công nghệ mới sẽ có điều kiện du nhập vào Việt Nam. Các kỹ thuật và công nghệ sẽ góp phần nâng cao nâng lực sản xuất giúp tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần duy trì ổn định hòa bình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Trước đây, Việt Nam chủ yếu xây dựng mối quan hệ ngoại giao với Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng đến hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, và cũng là thành viên của các tổ chức lớn trên thế giới như: ASEAN, WTO, APEC, ASEM,… Chính vì vậy mà hệ thống chính trị trong nước ngày càng được ổn định, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
3.2. Thách thức
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ mang đến những cơ hội phát triển cho Việt Nam mà còn đặt Việt Nam trước không ít những thách thức.
Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế có thể khiến tiêu thụ hàng nội địa sụt giảm
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên khả năng mở rộng thị trường của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế và khó có thể cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác. Vậy nên hàng hoá của Việt Nam sẽ khó chiếm lĩnh được thị trường và Việt Nam ngược lại còn trở thành nước tiêu thụ hàng ngoại. Không những vậy, người dân lại thường đánh giá cao hàng ngoại hơn. Điều này sẽ khiên cho lượng tiêu thụ hàng nội địa giảm.
Thứ hai, hội nhập kinh tế có thể làm gia tăng các tệ nạn xã hội
Hội nhập kinh tế quốc tế có thể khiến cho xã hội phân hoá giàu nghèo rõ rệt. Hậu quả là tệ nạn xã hội gia tăng: buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố,…
Hơn nữa, hội nhập kinh tế quốc tế còn góp phần giúp các nước gỡ bỏ hàng rào biên giới. Điều này dẫn đến nạn nhập cư bất hợp pháp.
Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế khiến Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ
Các nước đang phát triển tham gia hội nhập kinh tế sẽ làm chủ các kỹ thuật công nghệ mới và muốn độc quyền sản phẩm. Vì vậy mà những kỹ thuật công nghệ cũ, lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ được các nước này chuyển giao cho các nước kém phát triển hơn với giá lao động rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.
Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những yêu cầu về gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc
Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội hoà nhập cho Việt Nam với các quốc gia khác. Việt Nam sẽ du nhập nhiều văn hoá khác nhau và có thể bị xâm lược văn hoá. Lúc này, Việt Nam phải phát huy bản lĩnh vốn có của dân tộc là “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Tức là tiếp thu những khoa học tiến bộ, các yếu tố văn hoá một cách hợp lý và phản đối những văn hoá ngoại lai không phân biệt tốt xấu.
Thứ năm, hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào thị trường ngoài nước
Như đã nói, hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam mở rộng các mối quan hệ ngoại thương, trong đó có Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất. Trong mối quan hệ này, Việt Nam luôn là nước bị thâm hụt thương mại với tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Nguyên do chính là do sản xuất Việt Nam luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào. Vì vậy nên nền kình tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường ngoài nước.
KẾT LUẬN
Hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể phát triển kinh tế và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Tham gia hội nhập, Việt Nam sẽ có rất nhiều những cơ hội mới nhưng cũng không tránh khỏi những thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, không phải cứ hội nhập kinh tế quốc tế là sẽ có được những cơ hội hay phải đối mặt với những thách thức đã nếu trên.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về Hội nhập kinh tế quốc tế tại đây:
Người thực hiện: Nguyễn Hoàng Thanh Thanh
Mã sinh viên: 19051206
INE3104-6_Bài tập lớn