Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: 3 định hướng trong giai đoạn mới

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là một khía cạnh quan trọng và xuyên suốt trong công cuộc đổi mới đất nước và là một trong những chủ trương hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ luôn đây mạnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới trong lĩnh vực kinh tế. Đây là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực, nổi bật như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á-Âu (ASEM) năm 1998; trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện của Việt Nam trên toàn cầu.

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) mở ra bước ngoặt trong tư duy và thực tiễn hội nhập quốc tế. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới và Đảng đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, trong đó xác định phương hướng là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế”. Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.

Bước sang thế kỷ mới, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Lần đầu tiên Đảng ta đặt trọng tâm chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ những quan điểm chỉ đạo cụ thể về hội nhập quốc tế, trong đó khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm và định hướng rõ trong 5 năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào quá trình triển khai các cam kết đã ký kết.

Mới đây, Đại hội XIII đã cho thấy rằng trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Độ mở của nền kinh tế nước ta được đánh giá là cao trên thế giới với tỷ trọng xuất, nhập khẩu trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) là hơn 200%.

Đại hội XIII
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh T.Vương.

Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định đa phương thế hệ mới, cụ thể Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Anh và Bắc A-len (UKVFTA). Để tham gia các hiệp định này Việt Nam đã căn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Đại hội cũng cho thấy cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, cụ thể, Việt Nam cần phải có nguồn nội lực mạnh, đồng thời thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa về dối tác, thị trường nhằm tránh rủi ro và lệ thuộc. Việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần được quan tâm sâu sắc, đảm bảo thu hút được công nghệ cao, thân thiện, đảm bảo công tác chuyển giao và duy trì mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, kí kết các FTA và nhiệm vụ hợp tác, hội nhập quốc tế. Việt Nam hiện nay đã tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và đa phương. Cụ thể, FTA song phương đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Chile đã được ký kết và thực thi. Ở cấp độ đa phương, ta đã triển khai FTA với khối Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Việc gia nhập ASEAN cũng mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Cùng với đó, tiến hành đàm phán với Khối khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA), Israel. Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand dự định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.

Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

2020 – năm có số lượng FTA được ký kết và thực thi cao nhất 5 năm

Nhìn lại năm 2020, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là một năm lịch sử, đầy biến động và sóng gió. Có thể thấy rằng, hội nhập kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, đan xen giữa các mảng màu sáng, tối. Kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết các trung tâm kinh tế tăng trưởng âm.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19 với Bộ ngoại giao Canada. Ảnh: TTXVN.

Đại dịch Covid-19 mặc dù đặt ra nhiều thách thức mới nhưng cũng làm sâu sắc thêm những xu thế liên kết đã và đang diễn ra, đồng thời đẩy nhanh một số xu thế, chiều hướng mới, đặc biệt là xu thế chuyển đổi số.

Trong năm 2020, chúng ta đã chứng kiến sự hình thành của nhiều FTA và thỏa thuận song phương quy mô lớn như FTA Nhật Bản – Anh, Australia- Indonesia, EU – Việt Nam, Trung Quốc – Campuchia, Thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại và hợp tác EU – Anh…. Cùng các định hướng dài hạn như Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, Tầm nhìn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đến năm 2040…

Đáng chú ý, theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dù năm 2020 hết sức khó khăn, số lượng các FTA được ký và thực thi đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, một dấu hiệu đáng mừng trong hội nhập kinh tế quốc tế trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Hiệp định RCEP là một trong những thành tựu lớn đóng góp vào thành công chung trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Cho đến nay, Singapore là nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định RCEP vào ngày 9/4/2021, sau đó Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã phê chuẩn Hiệp định. Các nước ASEAN còn lại như Brunei, Campuchia, Thái Lan, Lào dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định trước tháng 11 năm nay. Indonesia, Malaysia và Philippines dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định cuối năm nay.

Lễ ký Hiệp định RCEP
Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – Ảnh: ASEAN Secretariat.

3 định hướng hội nhập phát triển trong giai đoạn mới

Đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết kinh tế sâu rộng, toàn diện. Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau. Vì vậy để tận dụng và phát huy những thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế đã có, theo Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn (được bổ nhiệm vào tháng 4 năm nay), chúng ta cần tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu cho việc thực thi hiệu quả các cam kết trong các FTA và tại các cơ chế hợp tác kinh tế mà chúng ta là thành viên. Việc thực thi cam kết trong môi trường quốc tế biến động, cạnh tranh gay gắt, có thể phát sinh nhiều vấn đề mới như tranh chấp thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động, môi trường… đòi hỏi phải nắm chắc các quy định, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ban ngành để xử lý phù hợp và hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế tầm toàn cầu, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là bảo đảm hệ thống thương mại đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ.

Trong giai đoạn chiến lược phát triển mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hợp tác kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ trọng yếu của ngành ngoại giao, trên tinh thần toàn diện trong nhận định và nắm bắt xu thế, chiến lược và tầm nhìn trong tham mưu chính sách, quyết liệt và tiên phong trong tổ chức triển khai.

Xem thêm:

Hội nhập kinh tế quốc tế là gì? Hình thức, cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế năm 2021.

Việt Nam gia nhập WTO: 5 cơ hội và thách thức.

Người thực hiện: Nguyễn Huy Hiếu

MSV: 19051078

Lớp: QH2019-E KTQT CLC 2

211_INE3104-4

One thought on “Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: 3 định hướng trong giai đoạn mới

Comments are closed.