Đại dịch thế giới Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào?

Đại dịch thế giới COVID-19 là một “cú sốc” mạnh không chỉ đánh trực tiếp vào sức khỏe nhân loại, mà nó còn đánh mạnh hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Theo giới phân tích, không còn nghi ngờ COVID -19 đã tạo ra một cuộc đại suy thoái toàn cầu, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Năm 2020, đại dịch đã buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa, khiến hoạt động kinh tế sa sút rõ rệt. Nhiều nền kinh tế chứng kiến GDP rơi xuống mức thấp kỷ lục.

TỪ CÚ SỐC CỦA ĐẠI DỊCH THẾ GIỚI

Năm 2020 là một năm bi đát của nền kinh tế, nhất là ngành du lịch thế giới, theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm 72%. Ngành Du lịch toàn cầu đã chịu tổn thất gấp hơn 10 lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Sự sụt giảm tổng thu từ du lịch ước tính lên đến 1,1 nghìn tỷ USD, gián tiếp gây ra thiệt hại khoảng 2 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu. Mỹ và châu Âu chưa bao giờ đón một Giáng sinh khắc nghiệt như năm 2020.

Tác động của đại dịch thế giới đến ngành du lịch toàm cầu
Tác động của đại dịch thế giới đến ngành du lịch toàn cầu

Tổng Thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili cho biết, mặc dù vắc xin ngừa COVID-19 ra đời giúp nhiều du khách bớt lo âu. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi vẫn còn đang ở phía trước, có thể phải mất từ 2,5-4 năm thì lượng khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu mới có thể trở lại mức độ như trước năm 2019.

Ngày 5/1/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ thấp dự báo về mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hoặc các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 bị đình trệ. Theo đó, sau khi suy giảm 4,3% trong năm 2020, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021.

Báo cáo của WB còn cảnh báo rằng triển vọng tốc độ kinh tế toàn cầu vẫn “cực kỳ bất ổn” và tăng trưởng GDP có thể giảm xuống mức 1,6% nếu những nguy cơ nói trên trở thành hiện thực. Tại báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố tháng 6/2021, WB đã điều chỉnh nâng dự báo GDP toàn cầu lên 5,6% trong năm nay nhờ đà phục hồi do những nỗ lực liên tục trong việc sản xuất và phân phối vắc xin, xu hướng nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng theo WB, đại dịch COVID-19 khiến nguy cơ gia tăng nợ công tại các nước đang phát triển trở nên trầm trọng hơn và sẽ cần sự nỗ lực toàn cầu để tránh một cuộc khủng hoảng mới. Giám đốc bộ phận Triển vọng Phát triển của WB Ayhan Kose nêu rõ: “Đại dịch làm trầm trọng hơn nguy cơ nợ công tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; triển vọng tăng trưởng yếu ớt sẽ có thể làm gia tăng gánh nặng nợ công và làm xói mòn khả năng trả nợ của các nước đi vay”.

ĐẾN ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI SAU ĐẠI DỊCH THẾ GIỚI.

Tình hình sau đại dịch thế giới
Tình hình sau đại dịch thế giới

Giới chuyên gia dự báo, trước khi kết thúc đại dịch thế giới, thị trường lao động toàn cầu sẽ biến động đáng kể, chỉ tính riêng thị trường Mỹ sẽ có khoảng hơn 7,4 triệu người trong ngành giải trí và khách sạn thất nghiệp; những người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù nhiều người lao động có thể làm việc từ xa tại nhà, nhưng những nhân viên, người phục vụ kho, trạm sửa chữa… không thể làm như vậy.

Các chuyên gia đã dự đoán về một cuộc cách mạng, một trong những nhà phân tích Cathy O’Neil đã mô tả gần giống như kịch bản “Chiếm lĩnh Phố Wall 2.0”. Đại dịch thế giới COVID-19 sẽ đưa nhân loại vào một cuộc thử nghiệm mà khi kết thúc, con người sẽ có một sự hiểu biết tốt hơn về các “vết nứt” trong xã hội mà mình đang sống.

Tuy nhiên, kết quả lớn nhất từ những rối ren, phức tạp, thậm chí lúng túng trong xử lý đại dịch có thể đưa lại nhận thức rộng lớn hơn về những rủi ro toàn cầu, đó là việc đưa những cơ sở sản xuất quan trọng, thiết yếu, bao gồm cả các thiết bị y tế ra nước ngoài. Theo ông Jay Zawatsky, nước Mỹ cần phải rút ra bài học rằng, họ không nên quá lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với các mặt hàng dịch vụ quan trọng và thiết yếu.

Điều đó cho thấy sự cần thiết phải cấu trúc lại tỷ trọng đầu tư giữa các nền kinh tế trong quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là việc phân bố nguồn lực giữa các khâu trong quá trình tái sản xuất theo nghĩa rộng (sản xuất-phân phối-trao đổi-tiêu dùng) để hạn chế sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu như đã xẩy ra trong đại dịch thế giới COVID-19.

Theo giới chuyên gia, khi đại dịch đi qua, có lẽ sự mặc định sẽ là những gì diễn ra trực tuyến. Từ hội họp, làm việc cho tới học tập. Việc học tập trên lớp giờ đây được thay thế bằng việc tự lựa chọn thời gian bắt đầu và kết thúc, có thể tạm ngừng hoặc tua lại… Theo đó, những khóa học trực tuyến đang dần thế chỗ cho cách học tập truyền thống, chính cuộc khủng hoảng đại dịch thế giới COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình trực tuyến hóa hoạt động dạy, học.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngày nay, khi cần đi khám bệnh, con người cũng có thể lựa chọn rất nhiều ứng dụng dịch vụ để phục vụ mình. Nếu việc thăm khám bằng hình thức trao đổi trực tuyến có kết luận rằng bạn không cần phải đến cơ sở y tế thì người ta chẳng dại gì mà tiếp xúc với những người bệnh khác có nguy cơ gây nhiễm chéo.

Dịch bệnh cũng đã buộc thế giới phải tham gia vào một thử nghiệm toàn cầu về làm việc tại nhà và chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự bền vững của nó. Đã có những nghiên cứu về vấn đề này, và kết quả rất khả quan. Người ta ước tính, những người làm việc tại nhà có thời gian làm việc hơn 16,8 ngày mỗi năm so với người làm ở công sở.

Các trường học đang đóng cửa tại gần như mọi quốc gia có đại dịch thế giới COVID-19 bùng phát, điều này đã đưa phụ huynh và giáo viên vào một kỷ nguyên giáo dục hoàn toàn mới. Trong thời gian tới, việc học trực tuyến sẽ là bình thường. Dựa trên những phản ứng ban đầu, không chắc rằng chúng ta sẽ thấy việc áp dụng giáo dục trực tuyến rộng rãi khi hết đại dịch, bởi vì còn những trẻ em mà cha mẹ chúng không có thời gian để thúc đẩy việc học hành sẽ bị tụt lại phía sau.

Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, đại dịch thế giới COVID-19 không phải là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này, mà là tác nhân đẩy nhanh quá trình đó.

Sau đại dịch, chúng ta có thể hy vọng nhiều công ty sản xuất sẽ chuyển sang tự động hóa để tồn tại. Trung Quốc đã bắt đầu thay thế các tài xế giao hàng bằng máy bay không người lái, và được biết, chúng nhanh hơn và an toàn hơn so với công nhân. Họ thậm chí đã thử nghiệm với các bệnh viện robot, với các việc như, đo nhiệt độ, mang thức ăn và khử trùng phòng bệnh nhân…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ đang bị ảnh hưởng nặng nề như quán bar, nhà hàng… Được biết, ở Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Anh và một số quốc gia đã đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng và tại các quốc gia mà việc đóng cửa không bắt buộc, nhưng rất ít người lựa chọn đi ra ngoài ăn uống. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp này và nhân viên của họ sẽ bị tước bỏ bất kỳ nguồn doanh thu nào mà không phải do yêu cầu từ chính phủ.

XÃ HỘI HÓA Y TẾ MỞ RỘNG

Xã hội hóa y tế
Xã hội hóa y tế

Được biết, sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, các quốc gia trên thế giới đã “chấp nhận khái niệm xã hội hóa y tế”. Đó là một trong những tác động lâu dài của đại dịch toàn cầu cuối cùng. Mọi người bắt đầu nhận ra sức khỏe của người nghèo ảnh hưởng đến tất cả mọi người và những cuộc thảo luận đầu tiên sẽ dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe phổ cập.

Hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ cập và hậu COVID-19 có thể là thời điểm thúc đẩy phần còn lại của thế giới chấp nhận chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Ở Mỹ, có tới 41% người được hỏi cho rằng họ có nhiều khả năng ủng hộ chăm sóc sức khỏe phổ cập sau đại dịch thế giới COVID-19 và các chính sách dường như cũng đang được thúc đẩy theo hướng đó. Mỹ đã cam kết sẽ cho phép mọi người được xét nghiệm miễn phí, và một số chính trị gia đang cố gắng để áp dụng điều trị miễn phí.

Nếu việc điều trị được thực hiện miễn phí trước khi đại dịch kết thúc, chắc chắn sẽ có yêu cầu đó ở nhiều người hơn. Hiện một số người đã khỏi bệnh trở về nhà với hóa đơn lên tới 35.000 USD do điều trị, khiến không có cách nào khác, những người này sẽ không ngừng đòi hỏi phải thay đổi chính sách.

Trung Quốc “công xưởng” thế giới, quốc gia sản xuất 20% hàng hóa thế giới, họ có vai trò lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong chăm sóc sức khỏe. Mỹ đã phải nhập 90% kháng sinh từ Trung Quốc, khi nước này bị phong tỏa, cách ly và phải vật lộn để dập dịch, thì người ta mới nhận ra sự cực kỳ nguy hiểm khi chỉ có một nhà cung cấp duy nhất.

Thế giới đã từng phải vật lộn với tình trạng thiếu máy thở, khẩu trang và điều đó không khả thi khi dựa vào một vài nơi sản xuất, nhất là khi họ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều đó cũng đã khiến một số quốc gia đã bắt đầu đưa sản xuất trở lại nội địa hoặc sang một số quốc gia, khu vực khác nhau thay vì chuyển sản xuất của họ đến những nơi chỉ để thu lợi nhuận thuần túy cao hơn.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại quá trình tái sản xuất sản phẩm y tế nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng là một tất yếu khách quan mà thế giới phải tính đến thời hậu đại dịch.

Và sự thay đổi trong quản trị quốc gia – quốc tế

Quản trị quốc gia
Quản trị quốc gia

Quản trị quốc gia có phạm vi rộng bao gồm các mối quan tâm về chính trị, hành chính và kinh tế. Nội hàm khái niệm này bao gồm 2 nhóm nội dung chính đó là: (1) Các nội dung liên quan đến tính hiệu quả; (2) Các nội dung liên quan đến tính pháp lý.

Thực tế cho thấy, một cảnh tượng chưa từng xẩy ra trước đây là trên khắp thế giới, mọi người đều trông cậy vào chính quyền Trung ương, nhất là khi đại dịch thế giới COVID-19 bắt đầu lan rộng. Các chính sách xã hội đã và đang được thực hiện trên toàn thế giới, bất kể quốc gia đó lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, theo thể chế chính trị nào, do ai lãnh đạo…

Chính phủ Mỹ, mới đây còn đưa ra gói cứu trợ khổng lồ thứ 2. Theo đó, 1.900 tỷ USD được chi cho cuộc chiến chống COVID-19 và phục hồi kinh tế; trong khi tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson nói không có mức trần nào đối với số tiền mà họ sẽ chi để chống COVID-19, cùng với việc ra lệnh mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Trong đại dịch nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Myanmar… cũng đã có sáng kiến giải quyết những vấn đề chính trị xã hội như hoạt động bầu cử thông qua thư, giữ khoảng cách, khử khuẩn, đeo khẩu trang… nhằm chống nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Thực tế cho thấy với hình thức gián tiếp tỷ lệ cử tri tham gia bầu tăng lên so với các hình thức truyền thống khoảng 7%.

Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý các quốc gia khác nhau, việc quản trị cũng đưa lại những kết quả không giống nhau. Đối với các nước Mỹ, Mỹ Latinh, Tây Âu việc Chính phủ yêu cầu công dân phải đeo khẩu trang, gián cách xã hội… để chống sự lây lan của COVID-19 thì bị cho là vi phạm nhân quyền, các cuộc biểu tình bất tuân lệnh chính quyền đã xẩy ra.

Trong khi một số nước khác, nhất là một số nước ở châu Á, trong đó có kinh tế Việt Nam, việc thực hiện theo quy đinh của chính phủ lại rất nghiêm nên đưa lại hiệu quả phòng chống dịch rất tốt.

Quản trị toàn cầu ra đời cùng với sự xuất hiện của các chủ thể mới trong quan hệ quốc tế và được thúc đẩy bởi các yếu tố: (1) Vai trò của Liên hợp quốc ngày càng gia tăng; (2) Nhiều vấn đề xuất hiện đòi hỏi sự phối hợp hài hòa giữa các quốc gia; (3) Cùng với sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 khiến cho vấn đề quản trị toàn cầu trở nên dễ chấp nhận hơn.

Qua thực tế đối phó với đại dịch COVID-19 cũng cho thấy, nhiều hình thức mới nảy sinh như: Họp, đàm phán, hội thảo thông qua trực tuyến cũng vẫn đưa lại kết quả khả quan. Vì thế, bài toán về hiệu quả quản trị toàn cầu cũng sẽ được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các nước quan tâm sau đại dịch.

Như vậy, thời đại Công nghiệp 4.0 đang định hình một nền kinh tế thế giới với những đặc trưng khác hẳn với nền kinh tế thế giới mà nhân loại đã từng chứng kiến. Tuy nhiên, với đại dịch COVID-19 mặc dù đã “gây sốc” cho loài người, nhưng cũng là tác nhân khiến con người buộc phải nhanh chóng thay đổi, tái cấu trúc lại nền kinh tế toàn cầu, tiếp cận và ứng dụng các siêu phẩm do cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra để tiếp tục tồn tại và phát triển một nền kinh tế thế giới bền vững hơn.

Chi tiết hơn tại đây: https://clibme.com/kinh-te-the-gioi-trong-dai-dich-covid-19/?fbclid=IwAR2GLmUtKUBdgGJlpnT2GqT8Bf4znEbqczfKgO8cWvBdBamG7rt1DhFGiT4