FDI là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế giới hiện nay. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra các hình thức FDI tại Việt Nam và 3 loại FDI chính.
Nội dung bài viết
I. Khái niệm về FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức và các quốc gia trên thế giới, hiện nay có nhiều khái niệm về hoạt động này:
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 1993): “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm thiết lập các mối quan hệ kinh tế lâu dài với một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB): FDI là dòng đầu tư ròng (thuần) vào một quốc gia để nhà đầu tư có được quyền quản lý lâu dài (nếu nắm được ít nhất 10% cổ phần thường) trong một doanh nghiệp hoạt động trong một nền kinh tế khác (đối với chủ đầu tư).
Theo Luật Đầu tư Việt Nam: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hình thức đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào vào quốc gia khác để có được quyền sở hữu và quản lý hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia này, với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của mình.
II. Nguồn gốc của FDI
Mặc dù xuất hiện muộn hơn các hoạt động kinh tế đối ngoại khác đến cả vài chục năm nhưng FDI đã nhanh chóng thiết lập vị trí của mình trong quan hệ quốc tế. Dần trở thành một xu thế tất yếu của lịch sử, một nhu cầu không thể thiếu của mọi quốc gia trên thế giới.
III. Bản chất của FDI
Về bản chất, FDI là sự gặp nhau về nhu cầu của hai bên, một bên là nhà đầu tư và bên còn lại là quốc gia tiếp nhận đầu tư. Trong đó, cụ thể:
- Có sự thiết lập quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tới nơi được đầu tư.
- Đối với các nguồn vốn đã được đầu tư, thiết lập quyền sở hữu và quyền quản lý.
- Kèm theo quyền chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nhà nước đầu tư với nước bản địa.
- Có liên quan đến sự mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức đa quốc gia.
- Luôn luôn gắn liền với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế và thương mại quốc tế.
IV. Đặc điểm của FDI
FDI chủ yếu là đầu tư tư nhân với mục đích hàng đầu là tìm kiếm lợi nhuận. Theo cách phân loại đầu tư nước ngoài của nhiều tài liệu và theo quy định của pháp luật nhiều quốc gia, FDI là đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, luật pháp của một số nước (ví dụ như Việt Nam) quy định, trong trường hợp đặc biệt FDI có thể có sự tham gia góp vốn nhà nước. Dù chủ thể là tư nhân hay nhà nước, cũng cần khẳng định FDI có mục đích ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận.
Các nước nhận đầu tư, nhất là các nước đang phát triển phải đặc biệt lưu ý điều này khi tiến hành thu hút FDI Các nước tiếp nhận vốn FDI cần phải xây dựng cho mình một hành lang pháp lý đủ mạnh và các chính sách thu hút FDI hợp lý để hướng FDI vào phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của nước mình, tránh tình trạng FDI chỉ phục vụ cho mục đích tìm kiếm lợi nhuận của các chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỉ lệ vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tùy theo quy định của luật pháp từng nước để giành quyền kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát doanh nghiệp nhận đầu tư. Tỉ lệ góp vốn của các chủ đầu tư sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đồng thời lợi nhuận và rủi ro cũng được phân chia dựa vào tỉ lệ này.
Chủ đầu tư tự quyểt định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi. Hình thức này mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, không có những ràng buộc về chính trị. Thu nhập của chủ đầu tư phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ bỏ vốn đầu tư, nó mang tính chất thu nhập kinh doanh mà không phải lợi tức.
FDI thường kèm theo chuyển giao công nghệ cho các nước tiếp nhận đầu tư thông qua việc đưa máy móc, thiết bị, bằng phát minh, sáng chế, bí quyết kĩ thuật, cán bộ quản lý… vào nước nhận đầu tư để thực hiện dự án.
V. Các hình thức FDI tại Việt Nam và 3 loại FDI chính
5.1 Các hình thức FDI tại Việt Nam
5.1.1 Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm hai phương thức, đó là: thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
5.1.2 Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn
Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư này thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
5.1.3 Thực hiện dự án đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP). Đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết hợp đồng PPP để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư PPP.
5.1.4 Đầu tư theo hợp đồng BCC
BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới.
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
5.2 Phân loại FDI
5.2.1 Theo cách thức xâm nhập
Đầu tư mới (new investment): là việc một công ti đầu tư để xây dựng một cơ sở sản xuất, cơ sở marketing hay cơ sở hành chính mới, trái ngược với việc mua lại những cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động.
Mua lại (acquisitions): là việc đầu tư hay mua trực tiếp một công ti đang hoạt động hay cơ sở sản xuất kinh doanh.
Sáp nhập (merge): là một dạng đặc biệt của mua lại mà trong đó hai công ti sẽ cùng góp vốn chung để thành lập một công ti mới và lớn hơn. Sáp nhập là hình thức phổ biến hơn giữa các công ti có cùng quy mô bởi vì họ có khả năng hợp nhất các hoạt động của mình trên cơ sở cân bằng tương đối.
5.2.2 Theo định hướng nước nhận đầu tư
FDI thay thế nhập khẩu: Hoạt động FDI được tiến hành nhằm sản xuất và cung ứng cho thị trường nước nhận đầu tư các sản phẩm mà trước đây nước này phải nhập khẩu. Các yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hình thức FDI này là dung lượng thị trường, các rào cản thương mại của nước nhận đầu tư và chi phí vận tải.
FDI tăng cường xuất khẩu: Thị trường mà hoạt động đầu tư này “nhắm” tới không phải hoặc không chỉ dừng lại ở nước nhận đầu tư mà là các thị trường rộng lớn hơn trên toàn thế giới và có thể có cả thị trường ở nước chủ đầu tư. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng von FDI theo hình thức này là khả năng cung ứng các yếu tố đầu vào với giá rẻ của các nước nhận đầu tư như nguyên vật liệu, bán thành phẩm.
FDI theo các định hướng khác của chỉnh phủ: Chính phủ nước nhận đầu tư có thể được áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư để điều chỉnh dòng vốn FDI chảy vào nước mình theo đúng ý đồ của mình, ví dụ như tăng cường thu hút FDI giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán.
5.2.3 Theo hình thức pháp lý
Hợp đồng hợp tác kình doanh: là văn bản kí kết giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh mà trong đó quy định rõ trách nhiệm chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới.
Doanh nghiệp liên doanh: là doanh nghiệp được thành lập tại nước sở tại trên cơ sở hợp đồng liên doanh kí kết giữa hai bên hoặc nhiều bên, trường hợp đặc biệt có thể được thành lập trên cơ sở Hiệp định kí kết giữa các quốc gia, để tiến hành đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại quốc gia sở tại, tự quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
BOT, BTO, BT:
- BOT (Build-Operate-Transfer) có nghía Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao:là hình thức đầu tư dưới hạng hợp đồng do nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (Build), sau đó vận hành và khai thác (Operate) một thời gian và cuối cùng là chuyển giao (Transfer) cho nhà nước sở tại.
- BTO (Build – Transfer – Operate) có nghĩa xây dựng – chuyển giao – kinh doanh: là hình thức đầu tư được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
- BT (Build – Transfer) có nghĩa xây dựng – chuyển giao: là hình thức đầu tư được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.
Bài viết liên quan
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì.
Những nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sinh viên thực hiện: Trần Vũ Hoàng
MSSV: 20050094
Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 2
Mã lớp học phần: INE3104 4