Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong sứ mệnh phát triển bền vững của dân tộc và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh chính là sự nghiệp cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội xuyên suốt hiện tại và tương lai.
Nội dung bài viết
01. Tăng trưởng xanh – vấn đề cấp thiết của nhân loại
Nhìn lại hành trình tăng trưởng kinh tế cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thập kỉ qua con người đã tạo được nhiều đột phá lớn cho nhân loại nhưng chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng. Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… đồng thời kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác cũng như ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
Để giải quyết bài toán này, xu thế “Tăng trưởng xanh” trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế – xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Ở phạm vi quốc tế, Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra những kỳ vọng chung về tính bền vững toàn cầu trong tương lai với những thay đổi mang tính hiệu quả trong các lĩnh vực. Tại Việt Nam, chính phủ tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động quốc gia Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
02. Khái niệm Tăng trưởng xanh
Khái niệm Tăng trưởng xanh đã được đưa ra bởi nhiều quốc gia, tổ chức. Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế – xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế bảo đảm bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển cacbon thấp và xã hội toàn diện.
Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc cho rằng: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD: Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Đối với Việt Nam, Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam đang trên đà đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Đảng ta đã sớm xác định Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
03. Thực trạng Tăng trưởng xanh tại Việt Nam
3.1. Những kết quả đạt được
Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đã có 08 bộ và 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược thời kỳ 2011 – 2020.
Từ các Kế hoạch hành động trên, nội dung Tăng trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật, nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực cụ thể, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược thời kỳ 2011 – 2020.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 đã đạt được kết quả khả quan như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường
Ngoài ra, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015)…
3.2. Một số khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, nhìn nhận lại chặng đường vừa qua, đánh giá chung của Chính phủ và các tổ chức nghiên cứu quốc tế cho thấy, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao…
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng Tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức:
Tăng trưởng xanh mặc dù được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa thực sự được đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh.
Đây được coi là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động Tăng trưởng xanh trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm dần cũng đang là một thách thức lớn.
Hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện nên chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới Tăng trưởng xanh. Việc tổ chức quản lý chiến lược về phát triển ngành, vùng, địa phương trên phạm vi cả nước còn rời rạc, cục bộ.
Do lối tư duy với tầm nhìn ngắn hạn, trước mắt nên hiện tượng chạy đua xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy, bến cảng, sân golf, thủy điện… trong khi không tính tới hiệu quả kinh tế – xã hội, không đánh giá tác động môi trường một cách thấu đáo đã trở thành phổ biến tại các địa phương.
Năng lực phát triển công nghệ của Việt Nam còn rất thấp, công nghệ sản xuất cũ, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ khoa học – công nghệ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn thấp.
Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế…
04. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
Sau một thập niên, vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững đã từng bước được đặt ra, tạo nền tảng cho hệ thống chính trị và doanh nghiệp, cộng đồng tiếp cận với Tăng trưởng xanhh. Các bộ, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.
Việc thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đã được quan tâm hơn, rộng rãi trong các lĩnh vực. Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của Tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác…
Bước đầu đã hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện Tăng trưởng xanh. Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến Tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn.
Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới Tăng trưởng xanh. Cụ thể trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…
Trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, một giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngày 1/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu Tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dung bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình Tăng trưởng xanh.
Định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên…
Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên.
Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế – sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…
05. Tăng trưởng xanh gắn liền với nâng cao nhận thức hành động mạnh mẽ
Để Tăng trưởng xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài, thời gian tới, trong tổng thể các giải pháp, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về Tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Mặc dù đã có một số bước tiến có tính nền tảng, song cho đến nay, nhận thức về Chiến lược Tăng trưởng xanh vẫn còn chưa đầy đủ, rõ ràng ở một số bộ, ngành, địa phương về vai trò thực hiện cũng như lợi ích của Tăng trưởng xanh và cũng chưa coi đây là nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện. Còn thiếu các giải pháp liên ngành, liên vùng, điều phối, giám sát, dẫn đến năng lực thực hành còn yếu.
Cần nhận thức rõ, tiếp cận với Tăng trưởng xanh không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Từ nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh.
Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược ngành.
Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát xanh bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.
Do đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Tuyên truyền sâu rộng để nhân dân tham gia sâu hơn trong nền kinh tế xanh, các chuỗi của tăng trưởng xanh, trước hết là với lối sống xanh, tiêu dùng xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh.
Ba là, tập trung vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và các yếu tố xã hội. Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh theo hướng mở.
Bốn là, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng…
Hiện nay, năng lực thực hiện chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát mạnh mẽ từ năng lực tự có của hệ thống chính trị. Chưa khuyến khích và thu hút được nhiều đầu tư tư nhân trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.
tăng trưởng xanh phải là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
KẾT LUẬN
Có thể nói, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Việt Nam đang đặt ra nhiều ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế xanh và rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.
Vì vậy, cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và quản trị. Qua đó, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Người thực hiện
Họ và tên: Nguyễn Thị Thùy
Mã sinh viên:19051594
Học phần: INE3104 4
XEM THÊM TẠI:
https://clibme.com/phat-trien-kinh-te-xanh-la-xu-huong-o-viet-nam-nam-2021/
https://clibme.com/3-giai-phap-phat-trien-xanh-cho-nganh-kinh-te-viet-nam/
https://clibme.com/?p=9698&preview=true
https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/tang-truong-xanh-nen-tang-cho-phat-trien-ben-vung.html
https://www.vietnamplus.vn/kien-dinh-con-duong-phat-trien-xanh-vi-tuong-lai-ben-vung/778369.vnp
http://baohoabinh.com.vn/220/160253/Phat-trien-xanh-ben-vung.htm
https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/tang-truong-xanh-chia-khoa-cua-phat-trien-ben-vung-136308