Kinh tế tuần hoàn là giải pháp cốt lõi nhằm hướng đến phát triển bền vững, tức là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường trở thành nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội.
Nội dung bài viết
1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn?
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được các tác giả Pearce và Turner sử dụng lần đầu năm 1990 (trong cuốn sách “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”). Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Ngày nay, định nghĩa được sử dụng rộng rãi là: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).
Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là tái sử dụng nguồn nguyên liệu thừa của ngành này thành đầu vào của ngành khác thay vì bị vứt bỏ hoặc thải ra môi trường.
Tham khảo thêm các định nghĩa khác tại đây
2. Nguyên tắc, nội hàm kinh tế tuần hoàn
1. Nguyên tắc
Trong mô hình này thì các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây là một chiến lược phát triển bền vững đang được đề xuất để giải quyết các vấn đề cấp bách của suy thoái môi trường và khan hiếm tài nguyên
Tổ chức Ellen Macarthur đã xác định ba nguyên tắc chính:
- Giảm và loại bỏ chất thải và ô nhiễm
- Kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu
- Tái tạo hệ thống tự nhiên.
2. Kinh tế tuần hoàn có 3 nội hàm cơ bản:
Thứ nhất, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lí các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo
Thứ hai, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kĩ thuật và sinh học
Thứ ba, nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).
Những nội hàm này giúp phá vỡ được mối liên hệ thường thấy giữa phát triển kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
3. Lợi ích kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn dựa theo nguyên lý tài nguyên đầu vào, nguyên liệu thô,…được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại.
Quy trình sản xuất trong nền kinh tế tuần hoàn
– Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nó giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
– Đối với xã hội: giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân…
– Đối với doanh nghiệp: đây là một hướng đi đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…
Tham khảo các lợi ích tại đây
4. Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển kinh tế bền vững
Đặc điểm chính của kinh tế tuần hoàn:
- Tái sản xuất sản phẩm, tái chế nguyên vật liệu, tái sử dụng, tăng năng suất vật liệu, cải thiện việc sử dụng tài sản và thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
- Kinh tế tuần hoàn được dự báo sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa mới và nguyên liệu thô
- Thay thế nguyên liệu thứ cấp trong sản xuất, mở rộng khu công nghiệp thứ cấp, tạo ra các sản phẩm bền và dễ sửa chữa hơn, phát triển nền kinh tế dịch vụ và chia sẻ.
Bản chất của nền kinh tế tuần hoàn:
- Kinh tế tuần hoàn tập trung vào các sản phẩm dịch vụ có tác động tiêu cực giảm thiểu tới môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường.
- Việc tận dụng tài nguyên trong kinh tế tuần hoàn có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức: tái sử dụng, tái chế, thu hồi nguyên vật liệu…
5. Kết luận
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là giảm phụ thuộc vào tài nguyên và hạn chế chất thải, mà còn đem lại lợi ích rất lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Đây là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn, … đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
Trần Hồng Hà (2021). Phát triển kinh tế tuần hoàn để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Báo Nhân dân Điện tử, https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-de-quan-ly-va-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-641799/
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020). Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quỹ Ellen MacArthur (2015), Báo cáo về nền kinh tế thông tư.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết có liên quan tại đây:
Kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững tại Việt Nam
Phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam năm 2022
5 LỢI ÍCH CỦA NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Bài tập lớn
Họ và tên: Nguyễn Thị Việt Phương
Học phần: INE3104 1
Mã sinh viên: 19051559