Giải thể doanh nghiệp: Những điều cần biết và thủ tục thực hiện [Luật doanh nghiệp 2022]

Giải thể doanh nghiệp là gì

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào một khía cạnh quan trọng của Luật doanh nghiệp, đó là Giải thể doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng như các vấn đề pháp lý và thuế cần được xử lý khi giải thể doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi quyết định giải thể doanh nghiệp, cũng như các bước cần thực hiện để giải quyết các vấn đề phát sinh.

1. Giải thể doanh nghiệp là gì?

1.1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp chủ động thực hiện thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ và xóa tên doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

1.2. Đặc điểm pháp lý của giải thể doanh nghiệp

– Về bản chất: Giải thể doanh nghiệp là một quá trình với những hoạt động nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, để doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là quá trình diễn ra với các hoạt động: hoạt động kinh tế (thanh lý tài sản, thanh toán nợ) và hoạt động pháp lý (thủ tục hành chính để “xoá tên” doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh).

– Về lý do giải thể: Lý do giải thể khá đa dạng, xuất phát từ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hoặc sự tự nguyện của chủ doanh nghiệp. Đa phần, doanh nghiệp giải thể khi chủ đầu tư không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ nhưng chưa đến mức độ mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Bên cạnh đó, lý do vi phạm pháp luật cùng với việc bị áp dụng chế tài đình chỉ hoạt động và rút giấy phép sẽ dẫn đến trường hợp giải thể bắt buộc.

Lý do giải thể doanh nghiệp
Những nguyên nhân dẫn đến giải thể doanh nghiệp

2. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

2.1. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

 Theo quy định Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể khi có các lý do như sau:

  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Lưu ý, thủ tục giải thể doanh nghiệp khi công ty không có nhu cầu tiếp tục hoạt động theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần phải đảm bảo công ty đã thực hiện xong các nghĩa vụ của mình. Khác với thủ tục phá sản doanh nghiệp là công ty không còn khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn.
  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

2.2. Điều kiện giải thể doanh nghiệp 

Doanh nghiệp chỉ thực hiện thủ tục giải thể để rút khỏi thị trường khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản. Nếu mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn, doanh nghiệp thuộc trường hợp áp dụng pháp luật phá sản để chấm dứt hoạt động. Như vậy, có thể nói, khả năng thanh toán của doanh nghiệp là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể hay phá sản.

3. Thủ tục giải thể doanh nghiệp/công ty

Thủ tục giải thể doanh nghiệp trực tuyến
Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp qua mạng

Thủ tục giải thể doanh nghiệp trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207 của Luật Doanh nghiệp được thực hiện như sau:

Bước 1: Thông báo việc giải thể doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định giải thể quy định tại khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

– Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về việc giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải đăng tải các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 70 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể và gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Bước 2: Sau khi thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
  • Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về giải thể cho Cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
  •  Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối bằng văn bản của bên có liên quan, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.

4. Các vấn đề pháp lý và thuế sau khi giải thể

4.1. Thanh lý tài sản

Thanh lý tài sản khi làm thủ tục giải thể doanh nghiệp
Thanh lý tài sản khi làm thủ tục giải thể doanh nghiệp

Bước 1: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.

Chủ doanh nghiệp/Hội đồng thành viên công ty TNHH/Hội đồng quản trị công ty cổ phần ra quyết định thanh lý tài sản công ty, trong đó thành lập hội đồng thanh lý tài sản, bao gồm các thành viên trong công ty và trường hợp cần thiết cần có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến tài sản cần thanh lý.

Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê lại số lượng, phân loại tài sản, thu thập các giấy tờ, hồ sơ kỹ thuật có liên quan đến tài sản; đồng thời, kiểm tra đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, từ đó xác định giá trị tài sản. Và tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản.

Bước 2: Kiểm tra, đánh giá chất lượng và giá trị còn lại của tài sản

Đánh giá chất lượng còn lại của tài sản dựa trên các yếu tố như: sổ theo dõi chế độ bảo hành, những hỏng hóc gặp phải trong quá trình sử dụng và số lần bảo trì, sửa chữa tài sản; mức độ tiêu hao nhiên liệu; và mức độ cần thiết của tài sản đó. Sau đó, lựa chọn hình thức thanh lý đối với từng loại tài sản.

Hình thức thanh lý có thể lựa chọn:

–     Bán chỉ định, hoặc thông báo bán công khai;

–     Bán đấu giá tài sản.

Bước 3: Bán tài sản

Tùy từng loại tài sản cũng như hình thức bán tài sản cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tương ứng: luật doanh nghiệp, luật dân sự, luật thương mại và luật đấu giá tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản có thể thành tập tổ bán tài sản, hoặc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trường hợp thực hiện bán đấu giá tài sản.

Lưu ý: Việc mua bán tài sản doanh nghiệp cần phải được lập thành hợp đồng mua bán, và có xuất hóa đơn.

Sau khi hoàn tất việc bán tài sản, khoản thu từ hoạt động thanh lý tài sản sẽ được dùng để thực hiện thanh toán khoản nợ và nghĩa vụ tài chính còn lại của doanh nghiệp giải thể (nếu có). Phần còn lại sẽ được chia cho các thành viên công ty theo tỷ lệ phần vốn góp.

4.2. Thanh toán nợ:

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

b) Nợ thuế;

c) Các khoản nợ khác;

Doanh nghiệp giải thể thanh toán nợ
Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên

4.3. Nộp thuế và báo cáo tài chính

Thời hạn nộp báo cáo tài chính khi giải thể

Căn cứ theo Điểm e, Khoản 3, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định:
“Điều 10. Quy định chung về khai thuế, tính thuế
1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Báo cáo tài chính thuộc bộ hồ sơ về thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, theo quy định trên, chậm nhất ngày thứ 45 sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải nộp các loại hồ sơ đến thời điểm giải thể.

Hồ sơ gửi báo cáo tài chính khi giải thể

Vì báo cáo tài chính thuộc bộ hồ sơ về thuế TNDN nên doanh nghiệp thực hiện nộp cùng bộ hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:

  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN: Sử dụng Mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 151/2014/TT-BTC.
  • Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động.
  • Một số Phụ lục kèm theo: Phụ lục kết quả hoạt động kinh doanh, chuyển lỗ, các phụ lục về ưu đãi thuế TNDN,…

Hồ sơ thuế GTGT:

  • Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp khấu trừ: Sử dụng tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 26/2013/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp trực tiếp: Sử dụng Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Hồ sơ thuế TNCN: Doanh nghiệp nộp Tờ khai quyết toán thuế TNCN, sử dụng Mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Giải thể doanh nghiệp là một quyết định quan trọng, có ảnh hưởng đến tình hình tài chính, pháp lý và kinh doanh của bạn. Do đó, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giải thể doanh nghiệp, và tuân theo các quy định và thủ tục của pháp luật để tránh những rủi ro và hậu quả không mong muốn. Nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ hoặc tư vấn về giải thể doanh nghiệp, bạn có thể liên hệ với các cơ quan, tổ chức hoặc chuyên gia có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể.

Xem thêm

Tổng hợp 4 loại thuế doanh nghiệp bắt buộc phải đóng

Những điểm mới của luật doanh nghiệp 2020 

Rủi ro dòng tiền: Nguyên nhân, hậu quả và 6 bước quản lý trong doanh nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thanh Huyền

Mã sinh viên: 20050025

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 4

Mã lớp học phần: INE3104 5