Các rủi ro trong top 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến nhất

Rủi ro trong thanh toán quốc tế

Khái niệm về phương thức thanh toán quốc tế

Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa ngân hàng của các nước liên quan, là một trong số các nghiệp vụ của ngân hàng trong việc thanh toán giá trị của các lô hàng giữa các bên mua và bán hàng thuộc lĩnh vực ngoại thương. Nghiệp vụ này mang tính pháp lý và rất cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong quá trình thực hiện bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến rủi ro.

Phương thức thanh toán quốc tế là cách thức mà người nhập khẩu trả tiền cho người xuất khẩu trong hoạt động thương mại quốc tế.

Khi nắm rõ được các kiến thức về thanh toán quốc tế, việc hạn chế được rủi ro sẽ giúp cho việc trao đổi hàng hóa giữa các bên trở nên dễ dàng hơn. Uy tín và sự tin tưởng giữa các bên cũng sẽ được tăng lên và tiến tới hợp tác lâu dài.

Các phương thức thanh toán đang được sử dụng phổ biến

Có 3 phương thức thanh toán đang được nhiều người sử dụng trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu:

Phương thức thanh toán quốc tế- Rủi ro trong thanh toán quốc tế
Top 3 phương thức phổ biến trong thanh toán quốc tế
  • Phương thức chuyển tiền ( Remittance): là phương thức mà người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho người xuất khẩu ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do người nhập khẩu yêu cầu.
  • Phương thức nhờ thu( Collection of payment): là phương thức thanh toán trong đó nhà xuất khẩu sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền nhà nhập khẩu căn cứ vào Bộ chứng từ giao hàng, trên cơ sở nhà nhập khẩu thanh toán hoặc chấp nhận hối phiếu.
  • Phương thức tín dụng chứng từ( L/C- Letter of credit): là việc ngân hàng phát hành theo yêu cầu của người nhập khẩu mở một văn bản gọi là L/C cam kết trả tiền cho người xuất khẩu khi người này xuất trình được một bộ chứng từ hợp lệ.

Rủi ro của các phương thức thanh toán quốc

Rủi ro trong phương thức chuyển tiền

Không thể phủ nhận rằng phương thức chuyển tiền có quy trình đơn giản dễ dàng, tốc độ nhanh chóng mà chi phí chuyển tiền lại thấp tuy nhiên càng dễ thì lại càng rủi ro. Phương thức này có rủi ro lớn nhất vì việc thanh toán tiền phụ thuộc vào thiện chí của người nhập khẩu.

Trong phương thức chuyển tiền có phương thức chuyển tiền trước và sau.

Đối với việc chuyển tiền trước, người nhập khẩu sẽ nhận rủi ro nhiều hơn. Bởi khi đã thanh toán cho nhà xuất khẩu thì việc chờ hàng , chậm trễ giao hàng hoặc có thể không nhận được lô hàng từ bên xuất khẩu bởi vậy, sẽ gây cho họ nhiều khó khăn trong việc kinh doanh và dòng tiền.

Đối với việc chuyển sau, rủi ro sẽ thuộc bên người xuất khẩu. Ngân hàng trong phương thức này chỉ là trung gian thực hiện việc thanh toán theo ủy nhiệm để hưởng hoa hồng và không bị ràng buộc gì cả. Bởi vậy nếu người nhập khẩu không chịu thanh toán tiền thì ngân hàng cùng không cam kết trả tiền nên rủi ro này sẽ do người xuất khẩu chịu. Hơn nữa, nếu người mua hàng không đồng ý nhạn hàng, người xuất khẩu phải tìm cách bán lại lô hàng đó gây lỗ hoặc coi như mất trắng.

 Rủi ro trong phương thức nhờ thu

Phương thức nhờ thu được nhận định là cân bằng được tính an toàn và tính rủi ro  hơn nữa giảm được chi phí so với phương thức thanh toán tín dụng chứng từ. Vậy rủi ro của phương thức này là gì?

* Đối với nhà xuất khẩu: Khi ngân hàng thu hộ mắc sai sót trong việc thực hiện nhờ thu thì hậu quả phát sinh do bên bán chịu, nhất là khi bên mua từ chối thanh toán trong khi hàng hóa đã được gửi đi, bên bán có thể kiện nhưng mất nhiều thời gian và tốn kém.

* Đối với nhà nhập khẩu: gian lận thương mại liên quan đến chứng từ giả, không khớp và không hợp lệ thì bên ngân hàng không chịu trách nhiệm, rủi ro thuộc về bên mua hàng.

* Ngân hàng nhờ thu: Nếu không nhận được tiền từ ngân hàng thu hộ thì ngân hàng nhờ thu phải chịu rủi ro tín dụng từ phía người bán.

* Ngân hàng thu hộ: nếu ngân hàng này thanh toán cho ngân hàng nhờ thu trước khi bên nhập khẩu chấp nhận thanh toán thì rủi ro từ việc từ chối thanh toán, không nhận chứng từ bên ngân hàng thu hộ phải chịu.

Rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ

Được coi là phương thức thanh toán an toàn nhất trong các phương thức thanh toán quốc tế nhưng thanh toán tín dụng chứng từ hay còn gọi là L/C vẫn không an toàn tuyệt đối bởi vậy không tránh được những rủi ro cho các bên tham gia phương thức thanh toán này.

* Đối với người xuất khẩu: Có thể mở L/C tại ngân hàng không đảm bảo khả năng thanh toán, thiếu uy tín hoặc chưa có mã Swift code, thêm vào đó, nếu nhà xuất khẩu không đọc kĩ các điều khoản ghi trong chứng từ thì sẽ dễ dàng gặp bất lợi với những yêu cầu mà họ không đáp ứng được trong các khâu sau này hoặc dễ bị bắt lỗi bởi nhà nhập khẩu và gặp phải việc từ chối thanh toán của ngân hàng phát hành, thậm chí khi dùng LC- phương thức được coi là an toàn nhất trong thanh toán quốc tế, người xuất khẩu cũng có thể mất trắng nếu ngân hàng phát hành từ chối thanh toán vì những điệu lệ, quy định trong LC

* Đối với nhà nhập khẩu: Nhà nhập khẩu có thể không nhận được đúng hàng hóa như đơn đặt hàng và lúc này vẫn phải thanh toán đầy đủ cho bên ngân hàng phát hành vì ngân hàng không có nghĩa vụ trong việc kiểm tra hàng hóa.

* Đối với ngân hàng thông báo: Ngân hàng này có trách nhiệm về tính hợp lệ của LC trước khi gửi thông  báo cho bên bán, nếu gặp phải L/C giả hoặc L/C sửa đổi mà không có ghi chú gì thì bên ngân hàng thông báo sẽ gặp rủi ro khi thông báo cho bên người nhập khẩu về thông tin và độ chân thật của chứng từ.

* Đối với ngân hàng phát hành L/C:

Thứ nhất là rủi ro về tín dụng. Tức là ngân hàng có thể ứng trước một khoản tiền nhưng có khả năng sẽ không thu hồi được khoản tiền đó

Thứ hai là về khía cạnh kỹ thuật tức là lỗi chứng từ.

Ví dụ đối với ngân hàng phát hành có một số dạng sai xót như sau: Thứ nhất là bộ chứng từ đó chưa hoàn chỉnh nhưng ngân hàng phát hành lại không phát hiện ra và vẫn tiến hành thanh toán cho nhà xuất khẩu. Trường hợp thứ 2 là bộ chứng từ đấy hoàn chỉnh rồi nhưng ngân hàng phát hành lại cho rằng có lỗi cho nên là không thanh toán cho nhà xuất khẩu như vậy sẽ chịu rủi ro là bị nhà xuất khẩu người ta kiện

Thứ 3 là ngân hàng phát hành kiểm tra bộ chứng từ nhưng quá thời hạn quy định và không còn quyền từ chối nữa và cũng thanh toán cho nhà xuất khẩu.

Tham khảo chi tiết tại đây >>> 

Thanh toán tín dụng chứng từ

Giải pháp hạn chế rủi ro cho các phương thức thanh toán quốc tế

Phương thức thanh toán quốc tế- Rủi ro trong thanh toán quốc tế
Giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế.
    • Giải pháp cho phương thức chuyển tiền
  • Hai bên cần kiểm tra, đàm phán chặt chẽ về các điều khoản hợp đồng, điều kiện và thống nhất về việc xử lý khi có tranh cháp xảy ra
  • Xây dựng rõ về thời hạn giao hàng, thời hạn thanh toán để không xảy ra việc chậm trễ trong giao hàng cũng như thanh toán
  • Giấy tờ cần đầy đủ khi tham gia thanh toán quốc tế
  • Tìm những đối tác uy tín và có khả năng tài chính để hợp tác. Và phương thức này hãy nên sử dụng khi cả hai bên mua và bán thật sự tin tưởng nhau
    • Giải pháp cho phương thức nhờ thu
  • Nên tìm những đối tác tin cậy và uy tín để tránh rủi ro về gian lận thương mại, gian lận trong thanh toán cũng như rủi ro về hàng hóa.
  • Các điều khoản, quy định trong bộ chứng từ cần rõ ràng, có sự thống nhất để không xả ra nhưng tranh chấp sau này giữa các bên tham gia.
    • Giải pháp cho phương thức tín dụng chứng từ
  • Đối với bên xuất khẩu:
  • Bên xuất khẩu có thể yêu cầu bên nhập khẩu mở L/C tại các ngân hàng uy tín, có tên tuổi
  • Một số trường hợp có thể chỉ định ngân hàng phát hành L/C là đại lý của ngân hàng tại nước xuất khẩu hoặc ngược lại có quan hệ đảm bảo.
  • Đọc kĩ các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng
  • Đối với bên nhập khẩu: rủi ro về hàng hóa luôn không thể tránh khỏi buộc người mua phải tìm những đối tác tin cậy để yên tâm hơn về mặt hàng hóa.
  • Đối với ngân hàng thông báo: Việc kiểm tra kỹ bộ chứng từ tránh sai sót hoặc bỏ lỡ những phần ghi chú là không thể bỏ qua, để tránh rủi ro sau này, cần có đội ngũ kiểm tra thông tin có nghiệp vụ và cẩn trọng trong từng khâu xử lí.
  • Đối với ngân hàng phát hành LC: Biện pháp tránh rủi ro: Ngân hàng kiểm tra kĩ chứng từ trước khi thanh toán cho người xuất khẩu, ký cam kết trước khi chấp nhận phát hành LC và kiểm tra về tình trạng hoạt động kinh doanh của bên nhập khẩu để tránh những thiệt hại không đáng có từ bên nhập khẩu

Kết Luận 

Rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế là những rủi ro về kinh tế phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế, nó do các nguyên nhân phát sinh từ quan hệ giữa các bên tham gia TTQT (nhà xuất khẩu, nhập khẩu, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân và các tác nhân trung gian…) hoặc những nhân tố khách quan khác gây nên như thiên tai, chiến tranh, chính trị….Trong hoạt động thanh toán quốc tế, không có một phương pháp nào là đảm bảo an toàn tuyệt đối và trong bất cứ một giao dịch nào dù chọn được một phương thức an toàn và phù hợp để thực hiện nhưng luôn tiềm ẩn những rủi ro. Bởi vậy việc nhận biết, hiểu và áp dụng những giải pháp để hạn chế rủi ro và tạo được niềm tin là rất cần thiết để có một mối quan hệ hợp tác lâu dài và uy tín.

Tài liệu liên quan:

Top 5 bước đơn giản làm quen với phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế

04 Điều cơ bản về hối phiếu trong thanh toán quốc tế

5 phút để hiểu về thanh toán tín dụng chứng từ

Người thực hiện: Nguyễn Thị Ngọc Hà

Mã sinh viên: 18050442

Mã lớp: INE 31042