Kinh tế thế giới đã vừa phải trải qua khoảng thời gian đầy sóng gió và biến động. Tuy mới đang dần phục hồi sau đai dịch Covid 19 nhưng vô số diễn biến khó lường đã liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Hãy cùng chúng tôi điểm lại 5 biến động kinh tế đáng chú ý nhất trong năm 2022 vừa qua.
Video Bình luận về Kinh tế thế giới 2022 của FBNC
Nội dung bài viết
1. Khủng hoảng năng lượng
Đây chắc chắn là một vấn đề kinh tế vô cùng nhức nhối và được quan tâm sâu sắc trong năm 2022. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng đặc biệt này tới từ việc thiếu hụt nguồn cung mà xảy ra do những căng thẳng chính trị, khởi đầu bằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm tới Nga cùng với nguồn cung hạn hẹp sau đại dịch đã tạo ra áp lực to lớn đối với nguồn cung khí đốt, khiến giá dầu đạt kỉ lục sau nhiều năm. Theo thống kê giá dầu của chuyên trang tài chính CNBC, giá nguyên liệu này đã vượt ngưỡng 130 USD/thùng, may mắn rằng, giá dầu đã trở về xấp xỉ mức giá hồi đầu năm.
Căng thẳng tại Châu Âu khiến giá dầu thế giới tăng cao
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo châu Âu có thể thiếu gần 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến Liên minh châu Âu phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho các mùa đông sắp tới.
Hai năm trước, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho châu Âu, với 2,2 triệu thùng dầu được xuất khẩu sang châu Âu mỗi ngày. Tuy nhiên kể từ ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển bắt đầu có hiệu lực, dự kiến cắt đứt 90% dòng chảy dầu thô của Nga vào EU.
Hiện 89% dầu thô của Nga đang xuất khẩu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Để bù lại nguồn cung từ Nga, EU bắt buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới từ Mỹ và Trung Đông, Đức đã ký hợp đồng mua khí đốt kéo dài 15 năm với Qatar, Hungary cũng đang đàm phán với quốc gia này.
2. Lạm phát toàn cầu tăng vọt
Cơn bão lạm phát tiếp tục kéo dài trong năm 2022 và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Rất nhiều quốc gia đều ghi nhận tỷ lệ lạm phát vượt mốc các Ngân hàng Trung ương đề ra, thậm chí còn chạm mức cao nhất trong nhiều năm, kể cả các nước phát triển.
Lạm phát tăng vọt gây ảnh hưởng tới kinh tế thế giới 2022
Có tới hơn 43% quốc gia trên thế giới ghi nhận lạm phát ở hai chữ số, cho thấy nền kinh tế thế giới đang phải trải qua một cơn khủng hoảng lạm phát đáng báo động. Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương đã buộc phải nâng lãi suất, dẫn đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ đạt 9,1% – cao nhất kể từ năm 1982. Lạm phát tại Anh và Nhật Bản tạo đỉnh trong vòng 40 năm trở lại đây. Vào tháng 10 vừa qua, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu chạm mức kỉ lục 10,7% kể từ năm 1997.
3. Khủng hoảng tiền tệ
Kinh tế thế giới vừa phải trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các vấn đề này nằm rải rác từ chính sách tiền tệ đến thị trường tiền ảo.
Các nước thắt chặt chính sách tiền tệ
Lạm phát tăng cao kỷ lục đã buộc nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 15 năm qua. Tính đến cuối quý III năm 2022, khoảng 90 nền kinh tế đã thực hiện hơn 250 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 7 lần năm nay, đưa lãi suất tham chiếu lên cao nhất kể từ năm 2007. Châu Âu cũng đã nâng lãi suất lần đầu sau 11 năm trong phiên họp tháng 7, 9,10 và 12.
Chính sách tiền tệ được thắt chặt tại nhiều quốc gia
Tại các nền kinh tế mới nổi, lạm phát cao cũng buộc giới hoạch định chính sách phải mạnh tay hành động với quy mô các đợt tăng lãi suất cao gấp đôi cả năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên theo các chuyên gia, hành động quyết liệt vào lúc này là hết sức cần thiết, giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong dài hạn.
Đồng Euro ngang giá USD lần đầu tiên sau 20 năm
Nửa đầu năm nay, đồng Euro liên tục mất giá so với USD, đến giữa tháng 7, lần đầu tiên kể từ năm 2002, 1 Euro đã đổi được 1 USD.Tiền euro giảm giá mạnh diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, một yếu tố đẩy đồng euro xuống mức ngang giá với đồng USD là do sự chênh lệch về mức lãi suất ở Mỹ và châu Âu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất mạnh để giảm lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn ngăn các đợt tăng lãi suất mạnh do lo ngại việc này sẽ làm đảo ngược quá trình tăng trưởng kinh tế thế giới. Dù vậy, đồng tiền này về cuối năm bật tăng trở lại, hiện mỗi euro đổi được 1,06 USD.
Thảm hoạ của thị trường tiền ảo
Giá trị của các đồng tiền điện tử suy giảm đáng kể trong năm 2022 đã làm nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh khó khăn. Kinh tế thế giới đi xuống cũng thu hẹp nguồn tiền đổ vào kênh tài sản này. Theo CoinShares, các nguồn đầu tư ròng vào tiền kỹ thuật số trong năm 2022 chỉ đạt 498 triệu USD so với 9,1 tỷ USD trong năm ngoái.
Thị trường tiền ảo lao dốc trong năm 2022
Đồng Bitcoin, loại tiền điện tử giá trị nhất thế giới cũng đã trải qua khoảng thời gian đầy sóng gió khi mất đến 60% giá trị. Tháng 11/2021, Bitcoin chạm mốc kỷ lục 69.000 USD nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của các quốc gia nhằm phục hồi kinh tế thế giới sau Covid 19.
Tuy nhiên, dịch bệnh qua đi và các nước mở cửa trở lại, lạm phát gia tăng buộc các Ngân hàng Trung ương phải triển khai các biện pháp thắt chặt lãi suất. Từ đó, các nhà đầu tư đã dần từ bỏ các loại tài sản rủi ro cao như cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử.
4. Xe điện phát triển vượt bậc
Khi giá xăng dầu tăng lên, người dân có xu hướng tìm kiếm các phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu hơn. Kết thúc năm 2022, thị trường xe điện tiếp tục có một năm phá kỷ lục, khi doanh số xe điện toàn cầu các quý đầu năm đều tăng trưởng 50 – 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự kiến xe điện sẽ vượt mốc 5% tổng lượng xe bán ra tại Mỹ năm nay – ngưỡng được cho là bản lề để xe điện vươn lên dẫn đầu thị trường trong thời gian tới. Trong khi đó, Trung Quốc – thị trường chiếm hơn một nửa lĩnh vực xe điện toàn cầu, cũng chứng kiến bước nhảy vọt, với dự báo khoảng 6,5 triệu xe điện bán ra trong cả năm, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Kinh tế thế giới chứng kiến sự nhảy vọt của xe điện
Đây là một bước đột phá của nền kinh tế toàn cầu, khi nhân loại đang dần quen thuộc với việc sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng mới thay thế cho dầu mỏ.
5. Twitter được Elon Musk mua lại
Ngày 27/10, CEO của Công ty Tesla Elon Musk đã hoàn tất mua lại mạng xã hội Twitter trong thương vụ trị giá 44 tỷ USD – một sự kiện kinh tế gây chấn động. Ông Musk cho rằng: “Tôi mua lại Twitter vì điều quan trọng đối với tương lai của văn minh nhân loại là chúng ta cần có một nền tảng kỹ thuật số chung, nơi chúng ta có thể tranh luận về nhiều tín ngưỡng một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực”.
Elon Musk đã hoàn thành mua lại mạng xã hội Twitter
Sau khi mua lại Twitter, tỷ phú này đang chịu áp lực lơn khi công ty này vốn đã gặp khó khăn từ trước với khoản lỗ ròng 221 triệu USD vào năm ngoái. Đến nay, Elon Musk đã sa thải khoảng một nửa nhân viên của Twitter và tuyên bố sẽ xóa 1,5 tỷ tài khoản khỏi mạng xã hội này trong thời gian tới.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khá nhiều lùm xùm xoay quanh việc quản lí Twitter của ông Musk, bao gồm cả vấn đề kinh tế lẫn nhân sự. Chắc chắn vị tỷ phú này sẽ còn đối mặt với vô số khó khăn khó lường trong tương lai.
Rủi ro suy thoái đối với kinh tế thế giới?
Theo cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, khoảng 90 Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất trong năm nay và một nửa trong số đó tăng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần.
Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng việc chống lại lạm phát có thể mang tới “một số đau đớn” đối với nền kinh tế Mỹ, khi lãi suất cao hơn khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn, chi phí vay mượn đắt đỏ hơn và có thể dẫn tới làn sóng giảm nhân sự.
Chủ tịch FED Jerome Powell quan ngại về tình hình kinh tế Mỹ và thế giới
Ông Powell bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, FED sẵn sàng chấp nhận một số tình trạng không dễ chịu của nền kinh tế để chấm dứt tình trạng giá cả tăng và lạm phát cao. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương khác cũng đã sẵn sàng cho kịch bản tương tự.
Nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng lãi suất trên diện rộng, song thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Việc tăng lãi suất ở nước phát triển sẽ luôn tác động đến các nước có thu nhập thấp và có thể thắt chặt những điều kiện tài chính bên ngoài đối với những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Kinh tế thế giới liệu có được cải thiện?
Cuộc đua lãi suất đã hạ nhiệt cùng với tình trạng lạm phát đang từng bước được kiểm soát. Nhận xét về những năm tới, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi đáng kể.
PGS.TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nhận định: ” Mỹ dự kiến giảm tăng trưởng ở mức độ từ 3% xuống 1%; châu Âu là gần 0%. Biến động này mang tính chất cục bộ, nó là sự điều chỉnh của thị trường. Đây không phải là điều gì quá nghiêm trọng, cái chúng ta cần lo là lo điều chỉnh cho tốt để ứng phó với các biến động ngắn hạn chứ không phải dài hạn.”
Bên cạnh đó, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách Zero COVID-19 và bắt đầu tăng trưởng trở lại mạnh hơn khá nhiều. Với quy mô khá lớn của nền kinh tế Trung Quốc, chắc chắn có các tác động tích cực trong khu vực và chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Sản xuất điện tử và dược phẩm sẽ khá thuận lợi trong thời gian tới – PGS.TS. Vũ Minh Khương chia sẻ thêm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng mang tính dây chuyền trong năm 2022, đa số các nước trên thế giới vẫn cho thấy sức chống đỡ dẻo dai và đang quay trở lại đầy mạnh mẽ. Điều này giúp chúng ta có thêm cơ sở để hy vọng về một nền kinh thế giới bùng nổ trong thời gian sắp tới.
Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng kinh tế trong năm 2023?
Trong bối cảnh đó, ta cần duy trì ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi trong năm qua để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định. Ở góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cần tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần tái cơ cấu theo hướng chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và hướng tới việc duy trì kết quả tăng trưởng ngành này khoảng 3%/năm.
Với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu như may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ, dự báo sẽ có suy giảm, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa gần 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.
Đối với ngành xây dựng, cần tập trung thực hiện những dự án hạ tầng lớn trong năm 2023. Năm tới cũng là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và thực hiện giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế.
Xem thêm: Thất nghiệp và 5 giải pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp
Sinh viên: Nguyễn Thái Sơn – MSV: 20050