9 nội dung cốt lõi để làm nên một bản kế hoạch kinh doanh mẫu hoàn chỉnh

Lập kế hoạch kinh doanh

Xây dựng kế hoạch kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một doanh nghiệp, là kim chỉ nam định hướng cách thức vận hành, quyết định đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đó. Vì vậy, sự có mặt của bản kế hoạch kinh doanh mẫu sẽ giúp các doanh nghiệp xác định được đường lối rõ ràng, cũng như khiến cho quá trình lên kế hoạch được nhanh chóng, dễ dàng hơn rất nhiều.

Vậy một bản kế hoạch kinh doanh mẫu cần bao gồm những gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm về 9 nội dung cốt lõi cho một bản kế hoạch kinh doanh mẫu hoàn chỉnh.

Kế hoạch kinh doanh là gì?

Kế hoạch kinh doanh (Business plan) là một dạng tài liệu mô tả quá trình kinh doanh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể. Nó đánh giá hiệu quả kinh doanh trong quá khứ và tìm kiếm những triển vọng để phát triển và thành công trong tương lai. Kế hoạch kinh doanh càng chi tiết, cụ thể thì khả năng thực hiện được mục tiêu của doanh nghiệp sẽ càng cao.

Thông thường, những nhà lãnh đạo như chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, giám đốc marketing là người đứng ra xây dựng kế hoạch kinh doanh. Mỗi nơi có một quan điểm xây dựng mẫu kế hoạch kinh doanh khác nhau, tuy nhiên đều phải đảm bảo được việc bám sát và mô phỏng tương lai hoạt động của cả doanh nghiệp. Dựa vào đó, công ty có thể dự liệu kịp thời những rủi ro và cơ hội để nắm bắt. 

Kế hoạch kinh doanh

Tại sao phải cần lập bản kế hoạch kinh doanh?

Trên thực tế, lập kế hoạch kinh doanh cũng giống như việc ta lên kế hoạch cho cuộc sống hàng ngày, nó không chỉ giúp chúng ta sống kỷ luật hơn, mà còn khiến ta liên tục nhìn lại mục tiêu ban đầu của mình để không đi chệch hướng. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh còn đem lại rất nhiều lợi ích khác giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty! Cụ thể là:

  • Giúp công ty có định hướng chiến lược đúng đắn, khả thi trong quá trình kinh doanh.
  • Hạn chế rủi ro và hao phí không đáng có cho doanh nghiệp.
  • Thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào các dự án của doanh nghiệp.
  • Giúp đưa ra được các chỉ tiêu cụ thể, do đó chủ doanh nghiệp dễ dàng quản lý, đánh giá tiến độ hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
  • Giúp công ty khảo sát thị trường một cách chính xác mà nhanh chóng hơn.
  • Nghĩ ra nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo do có nhiều thời gian tiếp xúc với định hướng của công ty hơn.

Lập kế hoạch kinh doanh

9 nội dung cốt lõi của một bản kinh doanh mẫu hoàn chỉnh

1. Tóm tắt dự án kinh doanh

Tóm tắt dự án trong kế hoạch kinh doanh là phần khái quát lại những thông tin cơ bản về doanh nghiệp liên quan đến dự án, giúp định hình lại tầm nhìn của công ty trong quá trình hoạt động. Trong đó, nội dung cần phải đáp ứng được 5 ý cơ bản, bao gồm: Định hướng chiến lược, Sứ mệnh của công ty, Mô hình hoạt động, Chìa khóa thành công, Lý do nên đầu tư vào doanh nghiệp. Tương đương với đó, doanh nghiệp cần trả lời cho 5 câu hỏi sau:

  • Định hướng chiến lược của doanh nghiệp thời điểm hiện tại là gì?
  • Doanh nghiệp mong muốn đem lại điều gì cho khách hàng, nhân viên, đối tác và xã hội?
  • Mô hình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp?
  • Sức mạnh tạo nên thành công của doanh nghiệp là gì?
  • Lý do nào thuyết phục các đối tác đầu tư vào doanh nghiệp trong dự án này?business plan

2. Giới thiệu doanh nghiệp

Phần này đề cập đến những thông tin cụ thể về doanh nghiệp, bao gồm: Thông tin chung; Lịch sử hình thành, phát triển; Phân tích mô hình SWOT doanh nghiệp. Qua đó cung cấp thêm thông tin của doanh nghiệp đến những nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời để cho doanh nghiệp tự nhìn nhận lại điểm mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức của họ.

SWOT

3. Sản phẩm và Dịch vụ

Tại đây, bản kế hoạch kinh doanh mẫu cần mô tả được các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp bán, qua đó so sánh với sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh để biết được vì sao khách hàng lại chọn mua sản phẩm của mình, đang có những điểm tốt và hạn chế trong sản phẩm khi so sánh với đối thủ cạnh tranh? Và công nghệ được áp dụng trong sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm/dịch vụ là gì?

Chung quy lại, nội dung sẽ cần có 3 ý chính, gồm: Mô tả sản phẩm/ dịch vụ, So sánh đối thủ cạnh tranh, và Công nghệ sản xuất. 

product

4. Phân tích thị trường

Phân tích thị trường là không thể thiếu trong mỗi kế hoạch kinh doanh, nó giúp cho doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn những thông tin, trạng thái của thị trường mình muốn gia nhập. Do đó cần phải lên kế hoạch phân tích thật cụ thể và chi tiết, bao gồm cả môi trường vi mô lẫn vĩ mô.

Trước hết, doanh nghiệp phải hiểu về thị trường mà mình gia nhập. Vì vậy phân tích vĩ mô là vô cùng cần thiết do những ảnh hưởng từ môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội đến hoạt động của doanh nghiệp là rất lớn. Đã có rất nhiều trường hợp các công ty phải thay đổi chiến lược của mình vì không đáp ứng được một trong những yếu tố trên tại đất nước đó, như Coca Cola, Oreo tại Trung Quốc,… nên phân tích môi trường vĩ mô sẽ giúp định hướng lại rất nhiều cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phân tích thị trường vi mô, đặc biệt là xác định được phân khúc thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, cũng như phân tích khách hàng. Phân tích vi mô sẽ giúp cho doanh nghiệp tấn công vào thị trường hiệu quả hơn, xác định được tương lai ngành và định hướng phát triển của công ty trong tương lai.

5. Kế hoạch Marketing

Kế hoạch Marketing là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của một công ty. Thậm chí, Marketing còn quyết định đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Đây chính là điều kiện cần để phát triển thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp. 

Trong kế hoạch Marketing nên có những nội dung như: Phân tích thị trường mục tiêu, Chiến lược Marketing, Kênh Marketing, Tổ chức chương trình Marketing, Chiến lược thương hiệu,…

6. Kế hoạch bán hàng

Kế hoạch bán hàng tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty, do đó trong bản kế hoạch kinh doanh mẫu cũng cần xác định đầy đủ yếu tố chuẩn bị cho hoạt động bán hàng, bao gồm: Mục tiêu bán hàng, Kênh bán hàng, Tổ chức chương trình bán hàng, Tổ chức hoạt động bán hàng,…

7. Kế hoạch nhân sự

Để bản kế hoạch kinh doanh hoàn thiện hơn, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ cả những yếu tố bên trong. Khi quy mô kinh doanh được mở rộng, kế hoạch nhân sự cũng là điều công ty cần lưu ý.

Những vị trí như: nhân viên kinh doanh, kế toán, quản lý, bảo vệ,… đều cần được kiểm soát. Vậy nên, một kế hoạch chi tiết về quản lý nhân sự, hướng đào tạo, phát triển kỹ năng cho nhân viên,… luôn cần thiết. Điều này giúp bạn quản lý và sắp xếp nhân sự tối ưu hơn.

8. Kế hoạch tài chính

Đây là yếu tố giúp duy trì hoạt động của công ty/doanh nghiệp. Hơn hết, mọi chiến lược và kế hoạch chỉ có thể thực thi nếu có nguồn vốn ổn định. Thế nên, đây là lý do doanh nghiệp cần cân nhắc và tính toán cho một bản kế hoạch tài chính.

Cụ thể, phần kế hoạch tài chính sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính doanh nghiệp những năm trước đó và thông tin về hoạt động bán hàng, chiến lược tài chính của doanh nghiệp.

finance

9. Phụ lục

Trong phần phụ lục, các doanh nghiệp có thể bổ sung thêm những phần như: thời gian thực hiện, quản trị rủi ro,…  nếu thấy cần thiết.

Tổng kết lại, bài biết này đã cung cấp những thông tin xoay quanh việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, từ định nghĩa, lợi ích của bản kế hoạch kinh doanh, cho đến cách để thiết lập bản kế hoạch đầy đủ và bài bản. Rất hi vọng những thông tin này có thể giúp ích cho các bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm ngay Mẫu kế hoạch kinh doanh để liên hệ đến kiến thức thực tiễn một cách rõ ràng nhất.

Chúc các bạn thành công!

Bạn đọc tìm hiểu thêm

Mách bạn 8 nguyên tắc “vàng” xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Top 5 ý tưởng khởi nghiệp dễ “thành công” nhất hiện nay

7 lưu ý khi xây dựng mô hình kinh doanh cho công ty khởi nghiệp

Sinh viên thực hiện

Vũ Khánh Linh – 19051136

Lớp: QH-2019 E KTQT CLC 1