WTO : Tổng quan và 5 vai trò của Việt Nam trong cuộc cải cách cần thiết.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập để thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức và cần một cuộc cải cách để duy trì vai trò điều tiết thương mại quốc tế. Việt Nam, với vị thế ngày càng vững mạnh, không chỉ hưởng lợi từ WTO mà còn cần phải đóng góp vào cuộc cải cách cần thiết để tổ chức này thích ứng với thay đổi trong thương mại toàn cầu. Vậy bài viết này sẽ giải đáp cho câu hỏi  WTO đang phải đối măt với những thách thức nào và vai trò của Việt Nam trong cuộc cải cách này là gì ?

1.Tổng Quan về Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)

1.1. Định nghĩa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay World Trade Organization là tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1995.  Với 164 quốc gia thành viên, WTO đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các quy tắc thương mại, giải quyết tranh chấp và hỗ trợ các quốc gia phát triển trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. 

Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức WTO từ năm 2007 tại Geneva (Thụy Sĩ ), đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

1.2.Vai trò chính của Tổ chức WTO

  • Thiết lập quy tắc thương mại

WTO xây dựng và duy trì các quy tắc thương mại quốc tế, giúp các quốc gia tuân thủ và thực hiện các nghĩa vụ thương mại.

  • Giải quyết tranh chấp

Tổ chức này cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo rằng các quy tắc thương mại được thực thi công bằng.

  • Khuyến khích phát triển

Tổ chức WTO cũng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

1.3. Các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức WTO

  • Nguyên tắc không phân biệt đối xử 

Tất cả các thành viên WTO phải đối xử công bằng với nhau.

  • Nguyên tắc tự do hóa thương mại dần dần

Mọi quốc gia phải giảm dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, chỉ sử dụng hệ thống thuế quan để bảo vệ các sản phẩm trong nước 

Nguyên tắc này giúp cho việc nhập khẩu trở nên thuận lợi và dễ dự đoán hơn từ đó tạo ra các điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. 

  • Nguyên tắc minh bạch

Các quốc gia phải thông báo về các chính sách và quy định thương mại của mình một cách rõ ràng và công khai.

Nhờ nguyên tắc này, các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm các thông tinvà bảo vệ các lợi ích hợp pháp liên quan đến các hoạt động kinh doanh của mình. 

Xem thêm : WTO là gì? 

2. Cuộc cải cách cần thiết của WTO

2.1. Lý do cuộc cải cách WTO

Trong nhiều năm qua, các thành viên WTO đã thể hiện rõ ràng sự thất vọng đối với tổ chức này. Trong đó có các vấn đề lớn như sau : 

  • Vấn đề Phân Loại Quốc Gia

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các quốc gia thành viên của mình tự phân loại tình trạng đất nước là phát triển hoặc đang phát triển. 

Chính kẽ hở này đã bị một số quốc gia thành viên lợi dụng để tận dụng một số lợi ích và miễn trừ nghĩa vụ. Điều này đã gây lên làn sóng bất bình từ nhiều các quốc gia khác. 

  • Chức năng đàm phán của WTO đang bị khủng hoảng

Nhiều quốc gia đã thất bại trong việc tuân thủ các nghĩa vụ thông báo và minh bạch điều này khiến việc đàm phán các quy tắc và hiệp định mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

  • Một số quốc gia lo ngại về Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Cụ thể Mỹ đã cáo buộc rằng Cơ quan phúc thẩm, qua các phán quyết của mình, đã thay đổi quyền lợi của các thành viên bằng cách diễn giải lại các hiệp định của Tổ chức WTO, mặc dù các thành viên chưa đồng ý với những diễn giải này.

Cơ quan phúc thẩm WTO (Appellate Body)
Cơ quan phúc thẩm WTO (Appellate Body)
  • Các nước gia tăng bảo hộ thương mại.

Trước tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các cuộc chiến thương mại (như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc), xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng.

Các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ như thuế quan, rào cản phi thuế quan, và trợ cấp trong nước để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Điều này đi ngược lại với các nguyên tắc tự do hóa thương mại mà WTO luôn hướng đến và làm giảm hiệu quả của các chính sách mà WTO thực thi.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra nhiều tác động đến thương mại toàn cầu.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra nhiều tác động đến thương mại toàn cầu.

Xem thêm: Cải cách WTO: Khởi đầu của sự kết thúc hay kết thúc của sự khởi đầu?

2.2 Một Số Giải Pháp Cuộc Cải Cách WTO Để Phát Triển Bền Vững

Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức hai năm một lần quy tụ đại diện của tất cả các quốc gia và liên minh thuế quan thành viên WTO. Hội nghị này có quyền đưa ra các quyết định về mọi vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại đa phương của tổ chức.

Hội nghị Bộ trưởng WTO được tổ chức hai năm một lần
Hội nghị Bộ trưởng WTO được tổ chức hai năm một lần

Một số các đề xuất cải cách dành cho WTO đã được đưa ra có thể kể đến như:

  • Cải Cách Hệ Thống Giải Quyết Tranh Chấp

Hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức WTO cần được cải cách để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch. Các đề xuất bao gồm việc sửa đổi quy trình bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Phúc thẩm để đảm bảo rằng các phán quyết có thể được thực thi kịp thời và công bằng.

Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các quốc gia thành viên và tăng cường tính hiệu lực của WTO trong việc duy trì kỷ luật thương mại toàn cầu.

  • Tăng Cường Đàm Phán Đa Phương

Tổ chức WTO cần phải tìm ra những cơ chế đàm phán linh hoạt hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp trong các cuộc đàm phán thương mại.

Đồng thời, cần khuyến khích các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi đóng góp tích cực vào quá trình đàm phán để đảm bảo tính công bằng trong các kết quả cuối cùng.

  • Thúc Đẩy Tự Do Hóa Thương Mại Và Xóa Bỏ Rào Cản Phi Thuế Quan

WTO cần có những cơ chế rõ ràng hơn để kiểm soát các biện pháp phi thuế quan (như tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về môi trường, v.v.) của các nước thành viên WTO và đảm bảo rằng chúng không được sử dụng để bảo vệ thị trường nội địa một cách bất hợp pháp.

  • Tạo Điều Kiện Bình Đẳng Cho Các Nền Kinh Tế Đang Phát Triển

WTO cần phải cải cách để đảm bảo rằng các quốc gia đang phát triển và ít phát triển có thể tham gia và hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu một cách công bằng hơn

Điều này có thể bao gồm việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để các quốc gia này có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định, và các cam kết quốc tế khác mà WTO đặt ra.

  • Đáp Ứng Các Thách Thức Thương Mại Mới

WTO cũng cần phải thích nghi với các thách thức thương mại mới, bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ trong thời đại số.

3. Vai Trò của Việt Nam trong cuộc cải cách 

Việt Nam, với tư cách là một thành viên quan trọng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), đóng một vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy cuộc cải cách tổ chức này.

Trong bối cảnh WTO đối mặt với nhiều thách thức về tính hiệu quả và công bằng, Việt Nam cũng đang tìm cách nâng cao vai trò của mình trong việc thúc đẩy các cải cách trong WTO để đáp ứng với các thay đổi toàn cầu.

  • Thực hiện tốt các trách nhiệm với WTO

Việt Nam chủ trương phát huy vai trò chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala
  • Thúc đẩy tính công bằng trong hệ thống thương mại toàn cầu

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán tại WTO về các vấn đề như trợ cấp nông nghiệp, tự do hóa thương mại và cải thiện môi trường đầu tư. 

  • Tham gia vào các cuộc cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp

Việt Nam đã tham gia vào các cuộc đàm phán về cải cách Hệ thống giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong việc cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của cơ chế này.

Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm về việc duy trì một hệ thống công bằng và hiệu quả cho tất cả các thành viên.

  • Thúc đẩy cải cách các quy tắc và quy định thương mại

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và thương mại trong nước, Việt Nam đã tham gia vào các cuộc đàm phán để xây dựng các quy định mới phù hợp với các vấn đề thương mại hiện đại, như thương mại điện tử, chuyển giao công nghệ và bảo vệ môi trường. 

  • Đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế lớn

Việt Nam có thể giúp thúc đẩy các thỏa thuận có lợi cho các quốc gia nhỏ và đang phát triển trong các cuộc đàm phán, đồng thời tạo ra sự hợp tác giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia phát triển để đạt được sự công bằng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn Công tác Việt Nam tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Trưởng Đoàn Công tác Việt Nam tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

Xem thêm:

Việt Nam đề xuất giải pháp phát triển bền vững trong WTO

4. Kết luận

Việc cải cách WTO là cần thiết để tổ chức này duy trì vai trò thúc đẩy tự do hóa thương mại và giải quyết tranh chấp hiệu quả. Việt Nam, với tư cách là thành viên từ năm 2007, cần chủ động tham gia vào các cuộc cải cách này để bảo vệ quyền lợi quốc gia và đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống thương mại toàn cầu.

Xem thêm một số bài viết khác về chủ đề kinh tế quốc tế ở: 

https://clibme.com/viet-nam-gia-nhap-wto-5-co-hoi-va-thach-thuc/#Ket_luan

Người viết: Nguyễn Thị Thu

MSV: 22050295

 INE3104 3_BÀI TẬP LỚN