Thời trang và bền vững, hai khái niệm tưởng chừng không liên hệ với nhau nhưng lại đang cùng nhau tạo nên một xu hướng mới của thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, khái niệm thời trang bền vững hay sustainable fashion đã không còn xa lạ đối với các tín đồ thời trang.
Độ phủ sóng của thời trang bền vững ngày càng dày đặc, thời trang bền vững được chào đón nồng nhiệt từ mọi đất nước trên thế giới nhờ vào sự đấu tranh không ngừng của các tổ chức quốc tế mà đại diện là Liên Hợp Quốc (UN). Quá trình phát triển của thời trang bền vững là hết sức mạnh mẽ và cần thiết để tạo nên những ảnh hưởng tích cực không chỉ trong ngành thời trang mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
Nội dung bài viết
Vậy thời trang bền vững là gì?
Khái niệm thời trang bền vững
Đầu tiên, chúng ta bàn đến khái niệm bền vững. Tính bền vững được hiểu cơ bản là sự duy trì cân bằng sinh thái bằng cách giảm tối đa sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự bền vững còn thường được sử dụng sâu xa hơn trong mục tiêu xã hội là duy trì quyền lợi hạnh phúc của tất cả các cá nhân trong xã hội.
Hai khái niệm thời trang và bền vững cùng nhau tạo nên một khái niệm mới là sử dụng các chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng, quy trình sản xuất theo hướng bền vững và đạo đức, giảm chi phí tiêu thụ tài nguyên, đảm bảo được quyền lợi công bằng và tiền lương công bằng của người tham gia lao động sản xuất trong ngành thời trang.
Thực trạng ngành thời trang hiện nay
Nhìn tổng quan, thời trang bền vững chỉ là những mục tiêu cải tiến thêm cho ngành thời trang, nhưng thời trang bền vững thật sự được sinh ra để thay đổi những bất cập đã tồn tại từ lâu trong ngành thời trang hiện nay:
- Tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên và nước cho sản xuất hàng thời trang nhanh.
- Quy trình sản xuất sử dụng hóa chất độc hại, thải những chất thải công nghiệp dành cho sản xuất ra đại dương, khiến cho ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
- Sản phẩm sản xuất vượt quá mức nhu cầu bị đem vứt ra thiên nhiên một cách vô đạo đức, sản phẩm lại không có khả năng phân hủy lâu dần tạo nên những bãi rác khổng lồ.
- Người lao động trong ngành sản xuất thường bị áp bức, đối xử không công bằng và thiếu đạo đức, việc trả tiền lương cho nhân viên dưới mức tối thiểu là một thực tế thường thấy.
Ngoài ra còn có sự bóc lột lao động trẻ em, vì lao động trẻ em là một giải pháp thay thế rẻ cho cơ giới hóa. Các trẻ em ở khu vực nước Kenya, Ấn Độ, Kazakhstan, Zambia, Zimbabwe và các nước sản xuất bông khác ở Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á thường bị buộc phải rời khỏi lớp học để đi thu hoạch bông vào mùa hè.
Thời trang bền vững không chỉ là biện pháp để giải quyết sự lãng phí trong các sản phẩm hàng dệt may thời trang mà hướng đến mục tiêu xa hơn là thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng và nhà sản xuất, từ đó bảo vệ hệ sinh thái Trái Đất và công bằng xã hội.
Tại sao chúng ta nên ủng hộ thời trang bền vững?
Lý do cho việc ủng hộ thời trang bền vững
Khí hậu đã biến đổi nghiêm trọng trong một thập kỷ qua, khắp nơi đều kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này chính là ngành công nghiệp thời trang nhanh. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang nhanh tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và chiếm từ 8 – 10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.
Những sản phẩm được sản xuất theo mô hình thời trang nhanh sau khi qua mùa trend sẽ bị vứt, và dĩ nhiên chúng ko có khả năng phân hủy tự nhiên được lại khiến tình hình ô nhiễm ngày thêm nghiêm trọng.
Chính những tác hại đó đã sản sinh ra mô hình thời trang bền vững, một biện pháp được cả thế giới ủng hộ với nhiều lợi ích:
- Giải quyết hậu quả của thời trang nhanh, giảm thiểu tác động của thời trang lên hệ sinh thái.
- Hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất.
- Sử dụng sợi, vải tái chế thân thiện với môi trường có khả năng tự phân hủy, điều này giúp giải quyết được vấn đề vứt bỏ sản phẩm theo những cách phi đạo đức.
- Ủng hộ luật lao động công bằng và tiền lương công bằng cho tất cả nhân viên làm việc trong nhà máy.
- Thay đổi dần nhận thức của người tiêu dùng sang sự bền vững trong ngành thời trang nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung
Một số dự án và chiến dịch Thời trang bền vững của các hãng thời trang trên thế giới
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng sự lên ngôi của thời trang bền vững được dự đoán là sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai, tiêu dùng bền vững được cho là sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Không chỉ là đòi hỏi từ phía người mua, các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng đã bắt tay vào cuộc đua chuyển mình theo xu hướng bền vững.
Bằng chứng là các ông lớn trong ngành thời trang như Adidas, H&M, Levi’s,… đã dần chuyển mình theo xu hướng bền vững với những mục tiêu và hành động cụ thể:
Adidas đã đi trước nhiều thương hiệu đồ thể thao lớn khác về tính bền vững qua những dự án riêng của mình với hàng loạt những thành tựu.
Từ năm 2007, Adidas đã bắt đầu triển khai dự án Sustainable Strategy (chiến lược bền vững). Kể từ năm 2015, Adidas đã hợp tác với nhóm bảo tồn đại dương Parley for the Oceans để sản xuất một loạt các sản phẩm làm từ chất thải tái chế từ biển, với mục tiêu tiên phong trong những cách tạo ra một đại dương không có nhựa.
Vào tháng 4 năm 2016, Adidas ra mắt Chiến lược bền vững của hãng. Ngoài ra, kể từ thời điểm đó, các túi nhựa đã hoàn toàn bị loại bỏ khỏi tất cả các cửa hàng của Adidas trên toàn cầu.
Năm 2017, Adidas sản xuất hơn 1 triệu đôi giày được làm bằng nhựa Parley Ocean và kêu gọi cộng đồng toàn cầu đăng ký tham gia Adidas x Parley Run for the Oceans, một phong trào toàn cầu lần đầu tiên diễn ra vào Ngày Đại dương Thế giới 2017 để gây quỹ Nhận thức về tình trạng của các đại dương.
Năm 2018, Adidas tiếp tục tái khởi động phong trào Run for the Oceans và số tiền quyên góp được cho phong trào này được trực tiếp trao lại cho 100.000 thanh thiếu niên và gia đình của họ đang sống ở các khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa.
Và mới đây nhất vào năm 2021, Adidas đã đưa ra chiến dịch “Own the game” với tính bền vững là một trong ba thành phần cốt lõi của chiến dịch.
Một trong những hãng thời trang điển hình là H&M – đơn vị đã đi trước nhiều thương hiệu thời trang khác về tính bền vững qua những kế hoạch và hành động cụ thể. Từ năm 2010, H&M đã khởi xướng dự án Conscious Exclusive – bộ sưu tập những thiết kế làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường.
Từ đó đến nay, bộ sưu tập này đã mang đến cho làng mốt thế giới nguồn ý tưởng lớn lao khi liên tục giới thiệu những vật liệu thời trang mới, làm từ tự nhiên như: Vegea – một chất liệu da được làm từ cuống và vỏ nho; FLWRDWN – một sản phẩm thay thế cho lông động vật được tạo ra bằng hoa dại; bọt bloom sử dụng sinh khối tảo; pinatex – chất thay thế da tự nhiên được chiết xuất từ lá trái thơm; hay sợi cam – loại vải giống như lụa được tạo nên từ phụ phẩm của nước ép trái cam…
H&M đã thực hiện các bước tích cực trong hành trình hướng đến sự bền vững như tạo ra một dự án tái chế, nơi khách hàng có thể trả lại quần áo từ bất kỳ thương hiệu nào tại cửa hàng. Tiếp theo, nhãn hàng triển khai sử dụng năng lượng tái tạo cho một phần chuỗi cung ứng của mình, chính sách này được CanopyStyle phê duyệt để ngăn chặn nạn phá rừng của các rừng cây lâu đời và có nguy cơ tuyệt chủng. H&M cũng là một trong những thương hiệu đầu tiên ra mắt bộ sưu tập thời trang bền vững “Concious” trong các cửa hàng của mình.
Mặc dù đã có những sự thay đổi đầu tiên trong cách sản xuất, nhưng những thương hiệu lớn vẫn chưa xác định theo hướng bền vững hoàn toàn, vẫn còn đó rất nhiều bất cập trong việc đối xử thiếu đạo đức với người lao động, sử dụng lông, da từ những động vật khác, và các dòng sản phẩm không sử dụng nguyên liệu bền vững khác trong bộ sưu tập của họ.
Chỉ đến khi phần lớn người tiêu dùng bắt đầu thật sự ủng hộ cho thời trang bền vững thì mới thật sự có sự thay đổi, vì lợi nhuận sẽ luôn chi phối những người đưa ra quyết định.
Lựa chọn đồ gì là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng mỗi lựa chọn cá nhân đều có sự ảnh hưởng đến môi trường sống chung. và tất nhiên những lựa chọn của hôm nay sẽ là kết quả của tương lai.
Một hành động nhỏ có thể chưa thay đổi được nhiều, nhưng triệu hành động nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, quá trình đưa thời trang bền vững lật đổ ngành công nghiệp thời trang nhanh là lâu dài và cần nhiều sự giúp đỡ đến từ người tiêu dùng và nhà sản xuất. tham khảo thêm về phát triển bền vững tại: https://clibme.com/phat-trien-ben-vung-la-o-viet-nam/
Người thực hiện: Trịnh Lan Chi – 19051430 – INE3104-3