Phát triển kinh tế xanh – xu hướng phát triển kinh tế bền vững trong năm 2022

Phát triển kinh tế xanh đã và đang dần trở thành xu hướng tất yếu, một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Đặc biệt trong thời kỳ hậu COVID-19, phát triển kinh tế xanh chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và hiệu quả khi đứng trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực như hiện nay.

 

Khái niệm kinh tế xanh 

phát triển kinh tế xanh - phát triển kinh tế xanh

Kinh tế xanh hay còn được gọi là Green Economy là khái niệm chỉ một nền kinh tế chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Mục tiêu của phát triển kinh tế xanh là cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội.

Ngoài ra, kinh tế xanh có thể được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế xanh là quá trình phát triển mang tính bền vững. Có thể hiểu đó là những hoạt động liên quan đến kinh tế, giúp tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người. Những hoạt động này phải đảm bảo thân thiện với thành tố quan trọng nhất, đó là môi trường. Khi cả 3 yếu tố này được cân bằng, nền kinh tế xanh sẽ thỏa mãn tính bền vững.

 

Phát triển kinh tế xanh là gì?

Phát triển kinh tế xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế  thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững

 

Xu hướng phát triển nền kinh tế xanh – phát triển bền vững

Hiện nay, “kinh tế xanh” đã trở thành bước ngoặt cho tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế toàn cầu và cũng là xu thế tất yếu cho việc thúc đẩy phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình “kinh tế xanh” xuất hiện gắn với bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng trở nên rõ ràng và trở thành một mối nguy cơ gia tăng đe dọa phá vỡ tiến trình phát triển bền vững.

Với các xu hướng phát triển kinh tế xanh, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi dài trong phát triển mô hình kinh tế xanh, theo đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… ở châu Á; Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

 

Hàn Quốc – Đẩy mạnh tiêu dùng xanh

tiêu dùng xanh - phát triển kinh tế xanh

Hàn Quốc là quốc gia châu Á đi đầu về phát triển xanh và coi tăng trưởng xanh là một phần trong chiến lược quốc gia. Chiến lược xanh của Hàn Quốc gồm ba yếu tố: Công nghiệp, năng lượng và đầu tư. Chiến lược này nhằm duy trì quy mô hoạt động sản xuất kinh tế để tối ưu hoá nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường lên các nguồn năng lượng và tài nguyên, đồng thời chuyển đổi đầu tư sang các hoạt động môi trường và tăng trưởng kinh tế.

Để hiện thực hoá chiến lược, Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỷ Won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956 nghìn việc làm. Cũng trong tháng 1/2009, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh” kêu gọi tăng 2 lần chi phí cho công nghệ xanh vào năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực như: Tái sử dụng rác thải, chế tạo và sử dụng pin năng lượng mặt trời, dự đoán biến đổi khí hậu, lưu giữ carbon…

Trong giai đoạn 2010-2011, chính phủ Hàn Quốc tập trung thúc đẩy phát triển ngành năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp xanh và ban hành luật Hạn chế khí thải, phát triển quản lý năng lượng. Đã có nhiều dự án xanh ở Hàn Quốc được người dân tích cực tham gia như “Thành phố mặt trời”, “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và dòng sông xanh hơn”… 

Từ năm 2011, Hàn Quốc chi khoảng 60 tỷ USD trong 5 năm cho phát triển xanh, tạo hơn 1,8 triệu việc làm. Cũng trong giai đoạn này, Hàn Quốc xây dựng hệ thống “thẻ thanh toán xanh” để kích thích tiêu thụ hàng hoá xanh. Với sự hỗ trợ của thẻ này, việc sử dụng hàng hoá xanh và sản phẩm tiết kiệm năng lượng ngày càng được phổ biến ở quốc gia này. 

Một số sản phẩm phát triển kinh tế xanh: COCOON- Mỹ phẩm 100% thuần chay cho nét đẹp thuần Việt – Clibme.com – Thư viện kiến thức Kinh tế – Tài Chính

Mỹ – Nâng cao kỹ thuật sản xuất xanh hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo 

phát triển bền vững - phát triển kinh tế xanh

Mỹ là một trongnhững nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. 

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai Năng lượng Sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005 và áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. 

 

EU – Nói không với nguyên liệu hoá thạch 

Nói không với nhiên liệu hóa thạch - phát triển kinh tế xanh

Tại các nước châu Âu, phát triển kinh tế xanh được thực hiện trong lĩnh vực năng lượng, phát triển giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu định cư sinh thái và hệ thống tái chế. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua tiêu chuẩn về khí thải ôtô Euro-5, đồng thời chuẩn bị nâng cao tiêu chuẩn mới Euro-6 (tiêu chuẩn chất lượng về khí thải cho xe ôtô). 

Ủy ban EU công bố kế hoạch vào năm 2020, dự kiến giảm 20% lượng khí thải carbon, cùng với việc tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2020. EU cũng thông qua chương trình hướng tới nền kinh tế với lượng carbon thấp giai đoạn 2050. Chương trình đặt mục tiêu giảm 40-44% lượng khí thải đến năm 2030 và giảm 79-82% vào năm 2050.

 

Trung Quốc – Triển khai đồng loạt cách mạng công nghiệp xanh

Công nghiệp xanh - phát triển kinh tế xanh

Xu hướng phát triển xanh tại Trung Quốc bắt đầu bằng kế hoạch 5 năm từ năm 2011. Theo đó, quốc gia này đã tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao…

Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa hơn 2.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khối lượng đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực bảo toàn năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ thích ứng đã vượt qua chỉ tiêu của Mỹ và EU. Trung Quốc phấn đấu đến 2020 đạt 15% lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, giảm 45% lượng carbon khí thải.

 

Đan Mạch – Hướng đến từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch

Đan Mạch là quốc gia Bắc Âu có mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo.

Để hiện thực hoá tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hoá do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hoá. 

Đối với ngành xây dựng, Đan Mạch quyết tâm xây những toà nhà có có lượng carbon đioxin vô hại đối với môi trường. Tại các công trình nhà ở, xây dựng, Đan Mạch tiến hành lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Hạn chế sử dụng điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện. Trên mái, bên các bức tường hay ban công được lắp đặt tấm pin mặt trời, chuyển đổi năng lượng thành nhiệt điện. Người dân có thể tự tạo ra năng lượng xanh và bán năng lượng dư thừa cho hệ thống năng lượng quốc gia.

 

Ngoài ra, tại các nước khác, như: Tại Nhật Bản, để đẩy mạnh tăng trưởng xanh Chính phủ đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối. Sau hơn 10 năm triển khai chiến lược này, đến năm 2015 Quốc gia này đã có khoảng 216 đô thị đạt danh hiệu này. Ở Đức, Luật Năng lượng tái tạo có hiệu lực từ năm 2000, đã đưa ra cơ chế khuyến khích ưu tiên phát lên lưới điện quốc gia những nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối và địa nhiệt).

Có thể thấy, với những xu hướng trong phát triển kinh tế xanh của mỗi quốc gia, dựa trên những cách tiếp cận nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh khác nhau, như cách tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế hay cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực… Dù vậy, với bất kỳ cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Do đó, tăng trưởng xanh hướng đến nền kinh tế xanh chính là giải pháp hiệu quả để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

 

Phương pháp phát triển kinh tế xanh hiệu quả

Trước những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, để thực hiện lộ trình xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh một cách hiệu quả trong thời gian tới, cần lưu ý một số điểm sau:

 

Thứ nhất, thực hiện tuyên truyền, giáo dục định hướng giúp thay đổi nhận thức của xã hội từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội từ cấp lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, thay đổi quan niệm và nhận thức về nền kinh tế xanh, qua đó nâng cao ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng nói riêng và trong phát triển kinh tế nói chung.

 

Thứ hai, thiết lập các khung chính sách hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển kinh tế xanh. Các khung chính sách bao gồm các biện pháp tài chính và cải cách chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, viện trợ, phát triển thị trường.

Khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh được thiết kế phù hợp có thể xác định quyền và tạo động lực định hướng hoạt động kinh tế xanh, cũng như loại bỏ rào cản đối với các khoản đầu tư xanh và điều tiết những hành vi thiếu bền vững có hại, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc ngăn cấm hoàn toàn một số hoạt động.

 

Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với quốc tế trong các lĩnh vực ngành nghề phục vụ cho phát triển kinh tế xanh, như: sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng.

 

Thứ tư, đối với vấn đề nguồn vốn, cần hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ và thu hút đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, chính phủ các nước phát triển; đồng thời cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ để tránh sử dụng sai mục đích hoặc lạm dụng việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài.

 

Thứ năm, cần có chiến lược hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng những mặt tích cực của biến đổi khí hậu, biến những thách thức thành cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên.

Cùng với đó, trong quy hoạch và xây dựng chính sách cần phải kết hợp với yếu tố biến đổi khí hậu để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề chuyển giao công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong để rút ra bài học, từ đó đề ra chương trình hành động phù hợp với những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam.

Người thực hiện,

Phạm Doãn Thanh Phong

MSSV: 19051553