Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành logistics tại Việt Nam đang tăng trưởng một cách đáng kể trong những năm gần đây, đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm (2021). Song, đây cũng là ngành do đòi hỏi chất lượng nhân lực tương đối cao – yếu tố quyết định đưa ngành logistics Việt vươn tầm quốc tế.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Thị trường logistics tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN. Tiềm năng ngày càng lớn của logistics là thế nhưng để phát triển một cách bền vững thì cần đi sâu vào phát triển “con người” – nguồn nhân lực.
Nội dung bài viết
Thực trạng tình hình phát triển của ngành logistics tại Việt Nam
Tại Hội thảo quốc tế trực tuyến “Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế” vào tháng 7 năm 2021, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải đã nhấn mạnh: “Logistics đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại của đất nước. Các hoạt động logistics giúp đảm bảo cung cấp các nguồn nguyên vật liệu một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các hoạt động sản xuất, qua đó, giúp cho hoạt động sản xuất, sau đó là hoạt động thương mại có thể phát triển với tốc độ nhanh như thời gian qua”.
Phát huy vai trò trong đại dịch Covid-19…
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy và đảo lộn của chuỗi cung ứng bao gồm cả ngành logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Nhu cầu quốc tế giảm sút đưa đến đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc. Doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng bị tác động, ảnh hưởng theo. GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy gặp nhiều khó khăn và biến cố là vậy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã tiếp tục cố gắng thể hiện vai trò quan trọng đóng góp vào công cuộc chống dịch Covid-19 thông qua đảm bảo hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả nhằm lưu thông dòng hàng hóa thông suốt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu.
Cả nước trong năm 2021 dù hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng ngành xuất khẩu vẫn đạt tỷ trọng ở mức đáng ngưỡng mộ, tăng 19,0% so với năm 2020. Kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics.
cho đến bối cảnh hội nhập quốc tế và bình thường hóa hậu đại dịch!
Chính phủ Việt Nam xác định logistics là “mạch máu” của nền kinh tế, một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tình trạng nguồn nhân lực của ngành Logistics tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành Logistics tại Việt Nam có số lượng khá cao nhưng số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ chiếm tỷ lệ rất ít và đa phần là những người có thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp quốc tế.
Chính bởi vì sự “nóng” của ngành kinh tế logistics nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu, vừa yếu. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong công tác đào tạo nhân lực ngành logistics ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, từ nhận thức chưa đồng đều của các cơ sở đào tạo cho đến bộ phận xã hội; trường đại học chưa có chuyên ngành đào tạo cùng với đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng cũng như kinh nghiệm; hệ thống đào tạo chưa được chuẩn hóa, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cuối cùng là chưa có sự liên kết từ bên trong nội bộ doanh nghiệp đến việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp.
Đứng trước những hạn chế nguồn nhân lực, hiện nay, Việt Nam có đủ khả năng làm tốt công tác Logistics để kết nối tốt vào “mạng internet vật chất” này chưa? Đó lại là một bài toán về vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
5 giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics
- Thúc đẩy liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước, tận dụng nguồn hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành Logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ giảng viên giảng dạy Việt Nam có chất lượng cao phục vụ cho công tác giảng dạy trong nước. Kết hợp việc tổ chức các chương trình đào tạo sinh viên, học viên chất lượng cao với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao của doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo nhân lực logistics theo hướng chuyên sâu, đảm bảo tính khoa học, hệ thống liên thông giữa các bậc đào tạo. Tập trung vào các kỹ năng cần thiết để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới, chú trọng nâng cao trình độ “mềm” nhằm giúp lao động trong lĩnh vực logistics thích nghi hiệu quả hơn với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.
- Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo Logistics và với doanh nghiệp sử dụng nhân lực Logistics, đẩy mạnh kết nối giữa khối đại học, cao đẳng nghề với khối bồi dưỡng ngắn hạn. Hợp tác về giảng viên, cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình, kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực Logistics cũng cần được thu hút, tạo điều kiện để tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình đào tạo, hướng dẫn thực tập, tăng tiếp cận thực tế cho sinh viên.
- Tiếp tục duy trì và phát huy công tác truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp,… để thu hút nguồn nhân lực Logistics có chất lượng vào lĩnh vực chuyên ngành này. Quá trình này cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập.
- Khuyến khích về cả mặt vật chất lẫn tinh thần nhằm tạo điều kiện học tập, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động ngành Logistics tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có một số giải pháp nhằm giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam hướng đến thích ứng trước những biến động và rủi ro của thời đại như:
- Hoàn thiện bộ kỹ năng nghề (OS, OSS) với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả doanh nghiệp.
- Một cơ sở đào tạo nói chung cần có sự quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn như FIATA Diploma in International Freight Management hoặc FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management hay các chương trình đào tạo của AFFA…
- Cần có sự chung tay của Ba Nhà: Nhà nước – Nhà trường– Nhà doanh nghiệp. Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics,… Các địa phương nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.
- Cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro các cơ sở đào tạo Logistics cần quan tâm đến việc trang bị bổ sung những kỹ năng “mềm” cho sinh viên như làm việc nhóm, khả năng nắm bắt tình hình, cách nhận diện đối mặt với khó khăn, tinh thần trách nhiệm…
- Người làm cần tích cực và chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm và tiếp cận các công ty dịch vụ, cố gắng trau dồi học hỏi nghiệp vụ và các kỹ năng làm việc.
Kết luận
Logistics là một ngành kinh thế mang tính thời đại sâu sắc. Nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể cho phát triển ngành logistics bền vững, giúp doanh nghiệp Logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành cần phải đưa ra những giải pháp thỏa đáng từ nhiều bên tham gia.
Sinh viên thực hiện: Hoàng Thị Trang
Mã sinh viên: 19051605
Lớp : QH-2019-E CLC 2
Mã lớp học phần: INE3014 4
Những bài viết liên quan:
EVFTA: “4” cơ hội và thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đầu tư kinh doanh quốc tế và vấn đề phát triển kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022
Review ngành kinh doanh quốc tế – 3 điều bạn cần biết về ngành Kinh doanh quốc tế