Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành một vấn đề quan trọng của hệ thống kinh tế toàn cầu, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững tại Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc, vừa giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được lựa chọn, định hướng ưu tiên phát triển lâu dài trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung bài viết
1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn
Khái niệm kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) được các tác giả Pearce và Turner sử dụng lần đầu năm 1990 (trong cuốn sách “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”). Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Hay theo Ellen MacArthur Foundation mô tả nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh.
Đến nay, tuy vẫn có những tài liệu đưa ra các khái niệm khác nhau do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng. Nhưng hiểu một cách đơn giản: Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu những khái niệm và lý luận cơ bản khác về kinh tế tuần hoàn tại Đây.
2. Lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích.
Đối với quốc gia
Cụ thể, đối với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Đối với xã hội
Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân…
Đối với doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trên phạm vi toàn thế giới, áp dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội mà còn giúp tạo ra giá trị kinh tế lên đến 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 (Lacy, P., & Rutqvist, J, 2015); ở khu vực châu Âu tăng 1,8 nghìn tỷ Euro vào năm 2030 (McKinsey & Co). Với Việt Nam, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn giúp nâng cao hiệu quả tăng trưởng, góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
3. Sự chuyển đổi bắt buộc sang kinh tế tuần hoàn
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Bốn lý do chính mà bắt buộc diễn ra sự chuyển đổi này bao gồm:
Thứ nhất, sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được;
Thứ hai, sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu;
Thứ ba, những tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu;
Thứ tư, kinh tế tuần hoàn tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn, … đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Do đó, việc phát kiển kinh tế tuần hoàn là vô cùng cần thiết với mỗi quốc gia trên toàn thế giới.
4. Sự phát triển cần thiết kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo trên tòa thế giới. Các Hiệp định, Thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Viện Tài nguyên Thế giới, Quỹ Ellen MacArthur, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và hơn 40 đối tác đã khởi xướng Diễn đàn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với các sáng kiến đẩy mạnh mô hình kinh tế này, bao gồm: tăng cường các mô hình tài chính hỗn hợp thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn ở các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi; tạo các khung chính sách để tháo gỡ rào cản để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy đối tác công – tư cho kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.
Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 1,83 triệu tấn/năm; nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá từ năm 2015, dự báo tới năm 2030 có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Từ thực tiễn đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
5. Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển dịch vụ môi trường…
Vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn. Các chiến dịch về bảo vệ môi trường như chống rác thải nhựa đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước tích cực hưởng ứng, tham gia.
Việt Nam đã hình thành một số mô hình mới tiếp cận gần hơn với kinh tế tuần hoàn như mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…; các mô hình sản xuất sạch trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” do VCCI khởi xướng, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam;… Mặc dù còn nhiều hạn chế; nhưng các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Một dẫn chứng tiêu biểu cho sự xuất hiện của mô hình kinh tế tuần hoàn là sự “toán thắng” của Heineken Việt Nam khi từng bước chuyển đổi hoạt động theo định hướng tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn hiện diện ở Heineken từ khâu sản xuất tại nhà máy cho tới hoạt động trên văn phòng. Tinh thần tuần hoàn cũng được Heineken lan tỏa tới các nhà cung ứng, phân phối của công ty.
Cụ thể, tại nhà máy, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nước thải cũng được xử lý triệt để, có thể dùng để tưới cây hoặc nuôi cá. Đối với năng lượng sử dụng trong nhà máy, Heineken thành lập đơn vị thứ ba mua lại vỏ trấu, mùn cưa, xử lý để tạo ra nhiên liệu sinh khối.
Đối với các loại bao bì như vỏ lon, vỏ chai, nắp chai, két bia, Heineken tiến hành thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành tái chế, tái sử dụng. Riêng nắp chai được công ty thu gom, xử lý thành thép để xây những cây cầu tại các địa phương còn khó khăn như Tiền Giang, An Giang.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong các cam kết về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.
Kết luận
Phát triển kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói một cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.
Để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về kinh tế tuần hoàn tại đây:
Phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam năm 2022 (2)
5 LỢI ÍCH CỦA NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Kinh tế tuần hoàn – hướng đến phát triển kinh tế bền vững năm 2022
Sinh viên thực hiện: Trần Thị Tố Uyên
Mã sinh viên: 19051634
Lớp học phần: 2022-INE3104-1