Open Banking là gì? 7 điều cơ bản cần biết về Open Banking

Open Banking (Ngân hàng mở) không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một yếu tố quan trọng đối với sự thay đổi bối cảnh của ngành ngân hàng ngày nay. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những vấn đề cơ bản liên quan đến Open Banking nhằm đem đến cái nhìn tổng quan hơn. Đồng thời tìm hiểu về tầm quan trọng của việc ứng dụng cụ thể của Open Banking đối với doanh nghiệp, tổ chức tài chính, khách hàng để tận dụng những cơ hội mới và đưa ra chiến lược hiệu quả trong cuộc đua chuyển đổi số. 

1. Open Banking là gì?

Open Banking, hay còn gọi là Ngân hàng mở, là một thuật ngữ ngày càng trở nên quen thuộc trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính trong bối cảnh hiện đại hiện nay. Theo định nghĩa, Open Banking là mô hình trong đó các ngân hàng chủ thể sẽ chia sẻ dữ liệu tài chính và giao dịch của khách hàng cho bên thứ ba thông qua các ứng dụng và dịch vụ khác nhau thông qua việc sử dụng công nghệ mã nguồn mở và giao diện lập trình ứng dụng (API).

Các dữ liệu tài chính được chia sẻ thường bao gồm lịch sử giao dịch tài chính, thông tin xác thực tài khoản, và các liên kết thanh toán. Những thông tin này không chỉ giúp những bên thứ ba hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của khách hàng, mà còn tạo ra cơ hội cho việc phân tích hành vi và thói quen tiêu dùng. Từ đó, họ có thể đem đến những dịch vụ, cung cấp các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng của mình.

Open Banking mở ra cơ hội phát triển trong thời kỳ công nghệ hiện đại

Open Banking đem đến tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghệ hiện đại

2. Mục đích của Open Banking

Open Banking được triển khai thông qua một hệ thống kết hợp giữa công nghệ, các quy tắc quản lý và dịch vụ nhất định nhằm tạo điều kiện cho các nhà phát triển xây dựng các dịch vụ ngân hàng mới, mô hình kinh doanh ngân hàng và khả năng thương mại.

Những thay đổi trong chính sách ngân hàng, văn hóa và công nghệ đang hợp nhất để biến giấc mơ ngân hàng mở trở thành hiện thực. Các mục tiêu của ngân hàng mở bao gồm:

– Hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ tài chính để đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

– Cung cấp khả năng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của họ bằng cách chia sẻ thông tin chi tiết và dữ liệu tài chính được chuẩn hóa, giúp tối ưu hóa lựa chọn dịch vụ.

– Giao tiếp liên ngân hàng trở nên an toàn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển thông tin và dữ liệu một cách bảo mật và hiệu quả.

– Người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa lựa chọn, các dịch vụ tốt hơn và quy trình giao dịch dễ dàng hơn, tất cả nhờ vào ứng dụng của Open Banking.

3. Dịch vụ của Open Banking

Ngân hàng mở mang đến cho khách hàng một loạt các dịch vụ và tiện ích với nhiều ưu điểm vượt trội.

Giao diện trực quan: Toàn bộ thông tin của khách hàng được tích hợp và hiển thị trên một nền tảng duy nhất một cách liền mạch. Điều này cho phép khách hàng tương tác và thực hiện giao dịch với các tổ chức tài chính và đối tác bên thứ ba một cách thuận lợi.

Quản lý tài khoản: Ngân hàng mở hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc phát triển các nền tảng cho phép khách hàng mở, quản lý, và đóng các tài khoản một cách tiện lợi.

Thanh toán trực tuyến: Thông qua API, quy trình thanh toán trong Open Banking trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn, cho phép bỏ qua các dịch vụ thanh toán của bên thứ ba với mức độ minh bạch cao. Đồng thời, cung cấp nhiều phương tiện thanh toán đa dạng cho các loại dịch vụ khác nhau như mua vé máy bay, vé tàu, thanh toán điện nước, internet, và mua sắm online.

Tiện ích khác: Các hoạt động như gửi tiết kiệm online, vay online, thu hộ, nạp tiền trực tuyến, đầu tư cổ phiếu, và trao đổi tiền tệ đều có thể được thực hiện trực tiếp trên giao diện của ngân hàng khi đang truy cập hoặc thông qua các giao dịch liên kết từ ngân hàng hoặc nguồn tài chính khác thông qua API.

Những đột phá trong dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng

Open Banking mở ra những đột phá trong dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng

4. Đặc điểm của ngân hàng mở

Ngân hàng mở đại diện cho một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số tổng thể của ngân hàng. Điểm đặc biệt quan trọng của ngân hàng mở so với ngân hàng truyền thống là sự chuyển đổi từ mô hình giải pháp tài chính end-to-end sang một mô hình ngân hàng dưới dạng dịch vụ (Banking as a Service). Thay vì tập trung vào việc cung cấp sản phẩm, ngân hàng mở chú trọng vào việc phát triển các dịch vụ tài chính linh hoạt, điều chỉnh chúng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đặt khách hàng vào tâm điểm của mọi quyết định và tiếp cận.

Open Banking phụ thuộc vào công nghệ mã nguồn mở API

Ngân hàng mở phụ thuộc vào công nghệ mã nguồn mở API

Mô hình này chỉ trở nên khả thi thông qua hệ sinh thái Open API, nơi mà các dịch vụ số từ nhiều nhà cung cấp được liên kết trong một ứng dụng duy nhất. Người dùng có khả năng dễ dàng tiếp cận nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính, trực tiếp liên kết với cơ sở dữ liệu tài chính của các ngân hàng. Điều này tạo ra một trải nghiệm người dùng tích hợp và linh hoạt, mở ra khả năng lựa chọn đa dạng và tương tác thuận tiện với các dịch vụ tài chính.

Open Banking không chỉ là một xu hướng phát triển tất yếu trong ngành ngân hàng hiện nay mà còn đại diện cho một đột phá quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang hệ sinh thái ngân hàng mở. Sự tiến bộ này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn tạo ra lợi thế vượt trội cho các ngân hàng, mở ra những cơ hội mới và khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính.

5. Ý nghĩa của Open Banking

5.1. Ý nghĩa của Open Banking đối với ngân hàng

Ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng và tài chính:

Open Banking là nền tảng để thay đổi thị trường tài chính: Phát triển các dịch vụ ngân hàng mở mở ra cơ hội cho các ngân hàng tạo ra mối quan hệ đối tác với nhiều ngân hàng khác, công ty dịch vụ tài chính, và nhà cung cấp bên thứ ba. Điều này đưa đến một giai đoạn mới trong sự phát triển của thị trường tài chính, giúp chuyển đổi các ngân hàng thành những “thị trường” cung cấp các sản phẩm đặc thù, chọn lựa từ các tổ chức và đối tác bên thứ ba, để khách hàng có thêm sự linh hoạt trong lựa chọn.

Open Banking có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.

Open Banking có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng.

Tạo sự cạnh tranh nhiều hơn trong ngành tài chính: Ngân hàng mở, như một nền tảng trung gian, hỗ trợ trong việc dân chủ hóa khả năng cá nhân hóa mà không làm tăng chi phí. Điều này giúp tất cả các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, vì họ có thể nâng cao chất lượng dịch vụ mà không cần phải đối mặt với sự đối đầu giữa cá nhân hóa và hiệu quả chi phí. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này cũng đặt ra thách thức, buộc ngân hàng phải không ngừng nâng cấp dịch vụ để giữ chân khách hàng.

Là cơ hội tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng: Thông qua ngân hàng mở, các ngân hàng có cơ hội tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng và tạo ra nhiều cuộc trao đổi về chi tiêu và quản lý tài chính. Việc này phụ thuộc chủ yếu vào API, đóng vai trò là một tài sản quý giá cho các công ty dịch vụ tài chính. API cho phép họ cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả, cải thiện sự tham gia của khách hàng và xây dựng các kênh doanh thu kỹ thuật số mới.

5.2. Ý nghĩa của Open Banking đối với người dùng

Ngân hàng mở đại diện cho một cơ hội quan trọng giúp người dùng có quyền kiểm soát và sở hữu một cách toàn diện hơn đối với dữ liệu tài chính cá nhân của họ. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng khi nói đến khả năng tùy chỉnh và cá nhân hóa sản phẩm cũng như dịch vụ.

Mục tiêu của ngân hàng mở là tạo điều kiện cho cá nhân quản lý tiền bạc và thông tin của mình một cách an toàn và linh hoạt hơn. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng API, giúp người tiêu dùng có lợi ích từ việc tăng cường bảo mật. Họ có khả năng đặt giới hạn về thời gian truy cập, độ dài, và phạm vi truy cập dữ liệu tài chính của mình.

Ngân hàng mở đem lại trải nghiệm tài chính tốt hơn cho các khách hàng.

Ngân hàng mở đem lại trải nghiệm tài chính tốt hơn cho các khách hàng.

5.3. Ý nghĩa của Open Banking đối với các bên thứ ba

Open Banking cung cấp một cơ hội đối với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để truy cập vào dữ liệu tài chính của người dùng. Đối với các bên thứ ba, thường là các doanh nghiệp mới và sáng tạo với các dịch vụ tiên tiến, giờ đây họ có khả năng an toàn truy cập vào thông tin tài chính của người dùng. Qua đó, bên thứ ba có thể tận dụng dữ liệu về giao dịch tài chính để tối ưu hóa dịch vụ của họ và truyền thông phù hợp với từng khách hàng.

Các bên thứ ba tối ưu hóa dịch vụ của khách hàng tốt hơn nhờ vào ngân hàng mở

Các bên thứ ba tối ưu hóa dịch vụ của khách hàng tốt hơn nhờ vào ngân hàng mở

6. Các yếu tố cốt lõi để xây dựng Open Banking

Khi tiếp cận tiềm năng và xây dựng các dịch vụ ngân hàng mở, các ngân hàng, tổ chức tài chính, và bên thứ ba cần chú ý đến 5 yếu tố chính quan trọng:

  1. Chiến lược Phù Hợp: Trước sức cạnh tranh và yêu cầu pháp lý ngày càng khắt khe, ngân hàng cần phải xây dựng một chiến lược đúng đắn, dựa trên vị thế cạnh tranh của mình và nhận thức về yếu tố môi trường để giảm thiểu rủi ro.
  2. Kho Dữ Liệu Hiệu Quả: Tính chất cốt lõi của Open Banking là hệ thống dữ liệu của nó. Để thực sự “mở cửa”, dữ liệu phải được truy cập một cách tự do. Các tổ chức tài chính cần tổ chức hóa dữ liệu nội bộ một cách hiệu quả, đồng thời cung cấp dữ liệu này cho các ứng dụng để kết hợp với dữ liệu bên ngoài.
  3. Tập Trung vào Nhu Cầu của Khách Hàng: Các dịch vụ ngân hàng mở cần tập trung chặt chẽ vào những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Việc này bao gồm việc cung cấp sự linh hoạt, lựa chọn đa dạng, và trải nghiệm chuyển đổi dễ dàng với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
  4. Công Nghệ Bảo Mật: Trong bối cảnh nền tảng tài chính ngày càng tiên tiến, bảo đảm an ninh thông tin là quan trọng. Các công nghệ như phát hiện gian lận trực tuyến, thanh toán trực tuyến tích hợp, quản lý tài sản trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, và blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn và an ninh của hệ thống.
  5. Khung Pháp Lý Hoàn Thiện về Open Banking: Điều quan trọng nhất là có một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Open Banking, đặt ra các tiêu chuẩn và xác định trách nhiệm của ngân hàng, khách hàng, và các bên thứ ba liên quan. Điều này giúp tạo ra một môi trường dễ dàng quản lý và tăng cường tính minh bạch trong ngành.

Mối quan tâm và sở thích tiêu dùng của khách hàng là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng ngân hàng mở.

7. Thách thức của việc triển khai Open Banking trên thị trường 

Bên cạnh những lợi thế vượt trội mà Open Banking đem lại trong thời đại công nghệ tiên tiến ngày nay, vẫn còn tồn tại một số những thách thức trong quá trình triển khai, mở rộng dịch vụ này trong lĩnh vực tài chính.

– Thế hệ Gen Z đang trở thành nhóm khách hàng chính, với yêu cầu cao về dịch vụ công nghệ và trải nghiệm, đồng thời có nhu cầu cá nhân hóa đặc biệt cao.

– Ngân hàng hiện đang liên kết với các đối tác bên thứ ba thông qua API, tuy nhiên, cần phải thiết lập một lộ trình phát triển có chặt chẽ để đảm bảo rằng ngân hàng vẫn duy trì vị thế ưu tiên trong tâm trí của khách hàng.

– Gặp phải các vấn đề liên quan đến quản lý dữ liệu khi quá trình kết nối liền mạch diễn ra, với quản lý và kiểm soát rủi ro dữ liệu là mối quan ngại hàng đầu.

– Rủi ro về quyền riêng tư đặt ra nguy cơ rò rỉ thông tin khách hàng từ các màn hình máy tính, đòi hỏi ngân hàng áp dụng biện pháp an ninh mạnh mẽ và chặt chẽ để ngăn chặn sự mất mát dữ liệu.

– Xu hướng gia tăng về tội phạm công nghệ đối mặt với nguy cơ tấn công hệ thống thông tin và các nền tảng dùng chung.

– Các mối đe dọa đối với tiền điện tử trở nên dễ bị tấn công hơn.

– Yêu cầu áp dụng API đối với tổ chức tài chính có thể mang theo nguy cơ và thách thức an ninh lớn.

Kết luận

Ngân hàng mở là một mô hình sáng tạo trong ngành tài chính, đem đến các dịch vụ tốt hơn, hỗ trợ khách hàng quản lý vấn đề tài chính và đưa ra quyết định hiệu quả, tiết kiệm hơn. Thông qua sử dụng API, các ngân hàng có khả năng tích hợp với hệ thống nội bộ và đối tác bên ngoài một cách đơn giản, an toàn và dễ kiểm soát. Tuy nhiên, để ngân hàng mở tiếp tục phát triển, vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật và pháp lý cần được hoàn thiện và giải quyết.

Đọc thêm:

Open Banking là gì? Tất tần tật về Open Banking doanh nghiệp cần biết 

Nhiều thách thức khiến ngân hàng mở phát triển chưa như kỳ vọng

Thiếu hành lang pháp lý đối với mô hình ngân hàng mở

Open Banking – Nhân tố thay đổi cuộc chơi ngành Ngân hàng

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Mã sinh viên: 21051043

Lớp: QH-2021-E KTQT CLC 2

Mã học phần: INE3104_9

One thought on “Open Banking là gì? 7 điều cơ bản cần biết về Open Banking

  1. Pingback: Ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực logistics trong thời đại 4.0 - Clibme.com - Thư viện kiến thức Kinh tế - Tài Chính

Comments are closed.