Hội nhập văn hoá bản địa là thách thức lớn của các nhà quản trị khi xây dựng và phát triển doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bài viết dưới đây sẽ mang đến những câu chuyện đáng nhớ về hội nhập văn hoá địa phương của các công ty đa quốc gia trên thế giới.
Nội dung bài viết
I. Khái niệm công ty đa quốc gia
Theo định nghĩa của nhóm chuyên gia Liên hiệp quốc, Công ty đa quốc gia (Multinational Corporation – MNC) là Công ty có sở hữu hay quyền kiểm soát khả năng sản xuất hoặc dịch vụ ở bên ngoài biên giới của một nước mà công ty đó có trụ sở chính.
Công ty đa quốc gia có thể có ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế và các nền kinh tế của các quốc gia. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa; một số người cho rằng một dạng mới của MNC đang hình thành tương ứng với toàn cầu hóa – đó là xí nghiệp liên hợp toàn cầu.
II. Văn hoá và hội nhập văn hoá là gì?
1. Văn hoá
Theo UNESCO: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.”
Như vậy, có thể thấy, văn hoá được coi là toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống xã hội như ngôn ngữ, tiếng nói, tôn giáo, tư tưởng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… của dân tộc, đất nước. Nó mang đến giá trị về mặt tinh thần nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của cộng đồng người dân.
2. Hội nhập văn hoá
Hội nhập văn hóa là quá trình con người tìm hiểu các động lực của các nền văn hóa xung quanh mình và chọn lọc, tiếp thu các giá trị và chuẩn mực phù hợp với nền văn hóa và thế giới quan của đất nước.
Trong quá chinh phục thị trường quốc tế trong xu thế quốc tế hoá – toàn cầu hoá, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề con người, lối sống, sự khác biệt văn hoá của các quốc gia. Văn hóa được chia sẻ và lưu truyền lâu dài qua thời gian, mang tính ổn định tương đối, nhưng văn hóa cũng hết sức linh hoạt và thường xuyên thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và môi trường mới. Vì thế, khi thâm nhập vào bất cứ thị trường nào, những nhà quản trị cần có kế hoạch và chiến lược để thay đổi phù hợp theo từng quốc gia, địa phương. Hội nhập văn hoá bản địa là chìa khoá để các công ty đa quốc gia phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Xem thêm: YẾU TỐ VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
III. Câu chuyện hội nhập văn hoá bản địa của các công ty đa quốc gia
1. Starbucks chinh phục trái tim người Ý
Starbucks là một trong những chuỗi cafe nổi tiếng nhất toàn cầu, được thành lập vào năm 1971 tại Mỹ. Hiện nay, đã có mặt tại 84 quốc gia trên với 33.000 cửa hàng trên toàn cầu.
Năm 1983, nhà buôn cà phê Mỹ Howard Schultz đặt chân đến thành phố Milan và ấn tượng với văn hóa thưởng thức cà phê nơi đây. Sau chuyến đi, ông thuyết phục các cộng sự cùng đem những ấn tượng đó vào Starbucks.
Vào năm 2018, “gã khổng lồ” tuyên bố khai trương cửa hiệu Starbucks đẹp nhất thế giới và đầu tiên tại Ý. Starbucks coi đây là sự bày tỏ lòng kính trọng với mảnh đất Milan và đánh dấu tất cả những gì họ học được về cà phê suốt lịch sử 47 năm.
Một Starbucks vừa cổ điển vừa hiện đại ở Ý
Để chinh phục những vị khách khó tính nhất ở quê hương của thức uống espresso đậm đà, Starbucks cố gắng hội nhập văn hoá của cộng đồng bản địa. Kiến trúc cửa hàng được thiết kế theo phong cách cổ kính đậm nét La Mã bên ngoài kết hợp cùng những vật liệu hiện đại bên trong tòa nhà. Đây là sự hòa trộn đầy tinh tế, sáng tạo của nét hiện đại Mỹ cùng sự cổ điển Ý.
hhhh
Bên cạnh đó, Starbucks tập trung vào những trải nghiệm của khách hàng. Tại đây họ không chỉ phục vụ cà phê thượng hạng, khách hàng đến đây sẽ được chứng kiến toàn bộ quy trình để làm ra ly cà phê dành cho họ, cùng với đó là các loại cocktails, pizza, bánh mì và kem gelato được thực hiện hoàn toàn thủ công bởi đầu bếp người bản địa.
Starbucks rất hiểu mình bước chân đến vùng đất thiêng, cùng hội nhập văn hoá của người dân bản. Sự hiện diện của Starbucks ở đây đã khéo léo thể hiện rằng, họ đến đây không chỉ để bán cà phê, họ đến để bán một biểu tượng trong phong cách sống hiện đại.
2. Disneyland hội nhập văn hoá Trung Hoa khi phát triển ở Hồng Kông
Disneyland là công viên giải trí đầu tiên thuộc Công ty Walt Disney được xây dựng dựa trên hai công viên giải trí tại Disneyland Resort ở Anaheim, California và khai trương vào ngày 17 tháng 7 năm 1955.
Hoạt động trong nhiều ngành nghề như truyền hình, phim ảnh, bán lẻ và công viên chủ đề, công ty này đã đặt ra mục tiêu sẽ thu được một nửa lợi nhuận từ thị trường ngoài Hoa Kỳ vào năm 2010. Tuy nhiên, số lượt người vào cổng Công viên chủ đề của Công ty tại Hồng Kông (hoạt động từ năm 2005) đã giảm đến 30% trong năm thứ hai hoạt động. Nguyên nhân cơ bản được cho là do không thu hút được du khách đến từ Trung Quốc Đại lục.
Phong cách thiết kế mang đậm hơi thở Trung Hoa
Đứng trước thách thức từ môi trường đa văn hoá, Disneyland xoay chuyển tình thế bằng cách thiết kế dựa vào niềm tin phong thuỷ của người Trung Quốc. Như lời Jay Rasulo, chủ tịch các trung tâm và công viên giải trí Disney thì “chúng tôi cố gắng thích ứng thật nhiều với truyền thống và văn hóa của các cộng đồng”.
Ngay từ thiết kế, công viên này chú trọng nhiều vào phong thuỷ của các toà nhà và hướng đi. Chẳng hạn như ở lối đi gần cổng vào khách sạn Hồng Kông Disneyland Resort có một khúc cua để tránh “khí chảy vào biển Đông”. Ngoài ra, nhà vệ sinh theo kiểu người châu Á và những kiến trúc tuân thủ phong thủy khác (sảnh khiêu vũ rộng đúng 888m2, số tầng lầu khách sạn không rơi vào số 2, 4, 5…).
Hơn thế nữa, năm 2008 là năm Tý nên Disney tuyên bố chủ đề của năm là con chuột. Chiến dịch năm mới tại Disneyland Hồng Kông đã dùng hình những chiếc tai chuột được gắn ở phần trên của logo (mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn theo truyền thống năm mới). Những chiếc bánh bao và bánh củ cải được đưa vào thực đơn của nhà hàng bên trong Công viên. Đoàn diễu hành dưới Đại lộ chính USA (Main Street USA, là vùng đất chủ đề đầu tiên bên trong con đường chính của các công viên chủ đề trong hệ thống các công viên chủ đề của Walt Disney) xuất hiện cùng với những điệu nhạc mang âm hưởng Trung Hoa làm nền cho những màn múa lân sư rồng, múa điểu, hoa và cá. Điều này khiến người dân và du khách vô cùng thích thú và hào hứng.
3. KFC thất bại nhưng McDonald’s lại thành công trên đất Israel
Về KFC và McDonald’s
KFC và McDonald’s là hai trong số những chuỗi thức ăn nhanh phổ biến nhất được yêu cầu bởi nhiều người trên thế giới. Đây được coi là cặp đôi “kỳ phùng địch thủ” trong lĩnh vực thức ăn. Khi nói đến bánh hamburger, McDonald’s luôn là lựa chọn hàng đầu trong khi đó đối với gà rán, KFC luôn là điều đầu tiên cần nhớ.
-
KFC
KFC là tên viết tắt của Kentucky Fried Chicken, một thương hiệu và mảng hoạt động của Yum! International Restaurant Group (Hoa Kỳ). KFC bán gà rán, một loại thức ăn nhanh ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia đông dân trên toàn thế giới. Ngày nay, chuỗi KFC đã có mặt tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 20.000 nhà hàng phục vụ 12 triệu khách mỗi ngày.
- McDonald’s
McDonald’s là một tập đoàn kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh với khoảng 38.695 nhà hàng tại 119 quốc gia phục vụ các sản phẩm mang thương hiệu riêng của tập đoàn cho 43 triệu lượt khách mỗi ngày. Đây là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất trên thế giới. Công ty được thành lập đầu tiên năm 1940 do anh em Richard và Maurice (“Mick & Mack”) McDonald.
“Cú ngã” của KFC tại Israel
Israel có số lượng người Do Thái sùng đạo lớn nhất thế giới, do đó thực phẩm được chế biến tại đất nước này cần tuân theo một quy định tôn giáo. Theo quy định về thức ăn Kosher của người Do Thái, thịt và sữa không được phép trộn lẫn với nhau trong khi nấu. Đây thực sự là một đòn chí mạng với KFC, bởi lẽ lớp vỏ bột chiên bao ngoài miếng gà đặc trưng của họ vốn được làm từ bột sữa bò.
Nhận thức được khác biệt văn hóa của Israel, KFC đã thay thế lớp phủ sữa bột trên gà rán bằng nguyên liệu thay thế làm từ đậu nành. Tuy nhiên cách thức này không đem lại hương vị hoàn hảo vì bột đậu nành không bám vào miếng gà. Điều này khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng và KFC phải đóng cửa chỉ trong một thời gian ngắn tại nơi đây.
Xem thêm: Từ câu chuyện của KFC đến 3 bài học trong kinh doanh chuỗi nhà hàng
McDonald’s sẵn sàng “hy sinh” thương hiệu
Ngược lại với KFC, McDonald’s đã gặt hái được trái ngọt khi quyết định “hy sinh” thương hiệu để chiều lòng người Do Thái. Hành trình hội nhập văn hóa của gã khổng lồ phải chịu áp lực của nhà lãnh tụ thành phố Tel Aviv. Tất cả các cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald’s ở đây buộc phải sửa lại logo nhằm thể hiện đây là quán ăn chuyên phục vụ các món chay tịnh.
Tất cả logo của thương hiệu đều được sửa lại nhằm thể hiện đây là quán ăn chuyên phục vụ các món chay tịnh. McDonald’s cũng thay đổi màu sắc thành xanh da trời – màu quốc kỳ của Israel thay vì màu vàng như bình thường. Với thực đơn, tất cả những món ăn ở các cửa hàng tại Israel đều là những món có thịt và bơ sữa, tuy nhiên, chúng lại được chế biến theo công thức riêng, đảm bảo đáng kể tính chay tịnh. Sự hy sinh của McDonald’s thật sự là rất đáng khi thương hiệu dành được sự tin yêu của khách hàng, thậm chí còn trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh số 1 Israel.
Bài học rút ra từ KFC và McDonald’s
KFC chính là ví dụ điển hình cho việc không phải cứ hội nhập văn hóa địa phương là sẽ có thể thành công. Để có sự đón nhận từ thị trường mới, các thương hiệu cần có sự nghiên cứu chi tiết, chính xác về cả sản phẩm, giá cả và cả đối tượng khách hàng, tâm lý, hành vi của họ. Từ đó có sự thay đổi phù hợp. Giống như McDonald’s đã phải thay đổi cả thương hiệu để nhận được sự yêu mến.
IV. Kết luận
Từ những câu chuyện về thành bại của các công ty đa quốc gia khi thâm nhập vào các thị trường khác nhau, có thể thấy doanh nghiệp cần có những định hướng quản trị trong môi trường đa văn hóa để phát triển sao cho hài hòa giữa những kế hoạch toàn cầu và khả năng thích nghi cao với từng thị trường cụ thể nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Sự khác biệt về văn hóa vừa là thách thức vừa là cơ hội để các thương hiệu chứng tỏ được khả năng thích ứng và tính linh hoạt trong chiến lược mở rộng kinh doanh của mình. Việc chinh phục một thị trường quốc tế mới thường gặp phải nhiều khó khăn vì sự khác biệt về văn hóa. Cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với đó là tính linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để không phải nhận thất bại đáng tiếc. Vì vậy, trước khi quyết định thâm nhập thị trường mới, công ty nên tìm hiểu về các giá trị văn hóa, tôn giáo hay phong tục tập quán.
Hội nhập văn hoá để thích ứng linh hoạt nhưng vẫn giữ bản sắc và những nét đặc trưng riêng mới chính là chìa khóa đem lại thành công trong việc chinh phục một thị trường mới.
Xem thêm các bài viết liên quan khác:
- 3 kinh nghiệm “xương máu” khi đàm phán với đối tác Trung Quốc Tại đây
- 6 Bí kíp quản trị đa văn hoá tại doanh nghiệp hiệu quả Tại đây
- 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp trên thế giới Tại đây
- 7 nét độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp của người Nhật Bản Tại đây