Trong tiến trình hội nhập FTA của Việt Nam, CPTPP là Hiệp định đầu tiên được phê chuẩn bởi Quốc hội Việt Nam, mà lý do là CPTPP có các cam kết làm thay đổi các quy định pháp luật ở cấp Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đầu mối thực thi Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Với Việt Nam, CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
CPTPP cũng là FTA đầu tiên mà Chính phủ có Kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó có xây dựng pháp luật là nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với nhiều văn bản pháp luật cần được xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung.
Công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP trở thành điểm khác biệt nổi bật của Hiệp định so với 10 FTA đang thực thi trước đó của Việt Nam. Phần này đưa ra bức tranh tổng quan về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP thông qua việc diễn giải các vấn đề cơ bản của hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP ở Việt Nam và từ đó nhận diện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật cụ thể nhằm thực thi CPTPP của Việt Nam.
Vậy CPTPP là gì và việc tham gia CPTPP sẽ mang lại những lợi ích và thách thức ? Hãy cùng Clibme tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nội dung bài viết
Lược sử về CPTPP
Khởi đầu, Hiệp định TPP có 4 nước tham gia là Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân, Xinh-ga-po và vì vậy được gọi tắt là Hiệp định P4.
Ngày 22 tháng 9 năm 2008, Hoa Kỳ tuyên bố tham gia vào P4 nhưng đề nghị không phải trong khuôn khổ Hiệp định P4 cũ, mà các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau đó, các nước Ốt-xtrây-lia và Pê-ru cũng tuyên bố tham gia TPP.
Năm 2009, Việt Nam tham gia TPP với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Sau 3 phiên đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định này nhân Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Cùng với quá trình đàm phán, TPP đã tiếp nhận thêm các thành viên mới là Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Nhật Bản, nâng tổng số nước tham gia lên thành 12.
Trải qua hơn 30 phiên đàm phán ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, các nước TPP đã kết thúc cơ bản toàn bộ các nội dung đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng tổ chức tại Át-lan-ta, Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2015. Ngày 04 tháng 02 năm 2016, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định TPP đã tham dự Lễ ký để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, Niu Di-lân.
Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 01 năm 2017, Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Trước sự kiện này, các nước TPP còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất được hướng xử lý đối với Hiệp định TPP trong bối cảnh mới.
Tháng 11 năm 2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP với những nội dung cốt lõi.
Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê.
Chữ “C” và chữ “P” trong CPTPP là gì?
Mặc dù TPP mất đi một thành viên vào năm 2017, nhưng cũng đã đạt được thành tựu, đó là thêm hai chữ cái vào tên hiệp định. Cái tên TPP ban đầu được đổi thành CPTPP sau khi Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế lúc bấy giờ của Canada, ngài FrancoisPhilippe Champagne, đưa ra đề xuất trong các cuộc đàm phán, bổ sung chữ “C” có nghĩa là Comprehensive (Toàn Diện) và “P” có nghĩa là Progressive (Cấp Tiến).
Ngoài ra, còn có các phần bổ sung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), quyền của Người Bản Địa và tính đa dạng. Thông qua việc sửa đổi hiệp định, một số điều khoản cũng đã được loại bỏ, như các cam kết chắc chắn về sở hữu trí tuệ (ví dụ: độc quyền thị trường và luật bản quyền).
Nhìn chung, việc bổ sung hai từ “cấp tiến” và “toàn diện” có nghĩa là hiệp định đang cố gắng đảm bảo tính bao trùm và cố gắng đảm bảo rằng tất cả các thành phần xã hội đều được hưởng lợi từ FTA này. Việc bổ sung hai từ “toàn diện” và “cấp tiến” không phải là lời giải thích đến sau hành động trong quá trình này. Hai khái niệm này là những khía cạnh quan trọng của CPTPP, bằng chứng là chúng là hai chữ cái đầu tiên trong tên của hiệp định.
Nội dung chính của Hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Những cơ hội khi tham gia CPTPP
1. Lợi ích về xuất khẩu
Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.
Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3 năm 2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.
2. Lợi ích về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu
Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Ca-na-đa, Ốt-xtrây-lia sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Tham gia CPTPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh…
Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 – 10 năm tới.
3. Lợi ích đối với các ngành
Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất là ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân từ 4% – 5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt từ 8,7% – 9,6%.
4. Lợi ích về cải cách thể chế
Cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia CPTPP, một FTA thế hệ mới, sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định.
Hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
5. Lợi ích về việc làm, thu nhập
Tham gia CPTPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 – 26.000 lao động.
Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.
Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Do các nền kinh tế của các nước thành viên CPTPP đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước CPTPP chưa có FTA với ta phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia CPTPP.
Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.
Dự kiến một số thách thức khi tham gia CPTPP
1. Thách thức về kinh tế
Xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.
Tuy nhiên, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định nên sức ép cạnh tranh giảm đi đáng kể. Hơn nữa, với hai mặt hàng này, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Đây là lộ trình dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt.
Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 – 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
2. Thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế
Để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn v.v. Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được vì 3 lý do.
Một là, những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (ví dụ như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước “tạm hoãn” sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Hai là, nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (ví dụ như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn.
Ngoài ra, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.
3. Thách thức về xã hội
Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, do phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
4. Thách thức về thu ngân sách
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam, chỉ còn 3 nước là Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.
Trước tác động của hội nhập đến thu ngân sách, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngân sách nhà nước, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân sách, chính sách thuế, quản lý thuế, hải quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế, tăng thu nội địa, trên cơ sở đó đảm bảo bền vững ngân sách nhà nước, an ninh tài chính quốc gia.
Tổng kết
Qua bài viết trên, Clibme đã cố gắng giúp bạn có được một cái nhìn tổng quan nhất về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP. Khi tham gia vào CPTPP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, tuy nhiên những lợi ích mà nó mang lại cũng rất lớn. Clibme tin rằng, chỉnh phủ sẽ có những nỗ lực lớn hơn để có thể quản lý được những rủi ro mà nó đem đến.
Tham khảo: Hiểu hơn về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Xem thêm các nội dung liên quan đến CPTPP: Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới – Đòn bẩy hội nhập kinh tế quốc tế