Thừa thắng xông lên sau những thành tích ấn tượng tại SEA Games 31, Việt Nam tận dụng cơ hội “vàng” để phát triển du lịch bền vững và quảng bá hình ảnh nước nhà đến bạn bè quốc tế.
Nội dung bài viết
Xu hướng phát triển du lịch bền vững
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu hàng đầu cho phát triển của Việt Nam. Mục tiêu phát triển bền vững có ý nghĩa quan trong trong sự phát triển của đất nước. Ở nước ta có thể thấy phát triển bền vững đang là kim chỉ nam cho rất nhiều ngành nghề khác nhau như ngành thủy sản, ngành giáo dục, ngành sữa và nổi bật trong đó là ngành du lịch.
Du lịch được đánh giá là một trong những ngành lớn nhất, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và có sức ảnh hưởng không nhỏ tới các lĩnh vực văn hóa, đời sống xã hội. Cùng với sự vận động không ngừng của thế giới, ngành công nghiệp không khói này ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở việc phát triển ngành du lịch thông thường, chúng ta cần nhiều hơn là du lịch xanh để phát triển bền vững.
Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Đây cũng là mục tiêu quan trọng và là chìa khóa vàng trong sự phát triển của Việt Nam.
Dưới những tác động và mối đe dọa tiềm tàng đến cảnh quan, đời sống cộng đồng địa phương, phát triển bền vững du lịch là cần thiết và cần lập kế hoạch cẩn trọng cho những hành động để đem lại lợi ích cho cộng đồng đại phương, tôn trọng văn hóa và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hiện tại Việt Nam đang triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về côn tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Trong đó, bước đổi mới quan trọng là gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường; ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch tại các điểm du lịch.
Trong những năm gần đây, du lịch bền vững đang dần chiếm ưu thế và số lượng các chuyến du lịch thực hiện mỗi năm trước khi COVID-19 xuất hiện đã vượt qua dân số thế giới. Điều này cho đang cho thấy tiềm năng phát triển và nhận định được nhiều cơ hội trong tương lai.
Trở lại đường đua quảng bá du lịch sau tác động của COVID-19
Sau hơn hai năm “ngủ đông” và tê liệt tất cả các hoạt động du lịch vì COVID-19 thì ngành công nghiệp không khói Việt Nam đang dần “hồi sinh” và hy vọng vào một giai đoạn phát triển bền vững.
Mới đây nhất Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy một Việt Nam trên đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh. Đón đầu sự kiện này, ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch với nhiều chính sách khuyến khích du khách trong nước, quốc tế.
SEA Games 31 quy tụ đầy đủ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với gần 5.000 vận động viên, là một cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch bền vững tới đông đảo bạn bè quốc tế. SEA Games 31 diễn ra thành công đã tạo ra “cú hích” lớn cho sự phục hồi, phát triển kinh tế và đưa du lịch bền vững đến gần hơn với du khách.
Cụ thể, trang thông tin Tổng cục Du lịch đã quảng bá hình ảnh, các sự kiện, chương trình du lịch của 12 tỉnh, thành phố nơi diễn ra các môn thi đấu tại SEA Games 31. Các tour du lịch tại các địa phương được thiết kế để phục vụ các đoàn du lịch, kích cầu du lịch bền vững và đặc biệt là du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Một số các điểm đến lý tưởng để phát triển du lịch bền vững đó là Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Với những trợ lực từ các chính sách, hoạt động của Chính phủ, sự phát triển của du lịch nội địa theo hướng bền vững, cộng hưởng với những cơ hội từ SEA Games 31, thị trường du lịch đã sôi động trở lại.
Trong đó, Hà Nội đã “tung” ra nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn, tham quan các địa điểm, di tích lịch sử nổi tiếng nhằm giới thiệu tới du khách những nét văn hóa đặc sắc của địa phương như tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long; tour đêm khám phá Nhà tù Hoả Lò. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm giúp truyền tải nhiều hon những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của Hà Nội và thông qua đó là phát triển du lịch bền vững hơn.
Ngành du lịch tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định SEA Games 31 là cơ hội tuyệt vời để phục hồi du lịch và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Ninh Bình đã định hướng tổ chức, xây dựng kế hoạch lịch trình đến các địa điểm tiêu biểu như Tràng An, Bái Đính, Cố Đô Hoa Lư, Tam Cốc để phục vụ cho du khách trong dịp này. Hoạt động thể thao không chỉ là cơ hội để gắn kết các quốc gia trong khu vực mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn.
Từ những định hướng chung, Việt Nam đã chú trọng vào công tác hoạt động nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách và song song với đó vẫn là duy trì và phát triển du lịch bền vững. Theo đó, các hoạt đông du lịch bền vững vẫn dựa trên những yếu tố cốt lõi, tăng trưởng theo kỳ vọng nhưng không quên chú trọng đến những phương diện khác.
Trụ cột phát triển du lịch bền vững
SEA Games 31 quay trở lại Việt Nam là quãng thời gian du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Ngành du lịch Việt Nam luôn tập trung đẩy mạnh du lịch thông minh và phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững dựa theo ba phương diện môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế. Tất cả cần được phối hợp để đem lại tính khả thi về mặt kinh tế và tạo ra những lợi ích nhất định trong hoạt động kinh doanh và lợi ích địa phương.
Trong kế hoạch phát triển du lịch bền vững có sự tham gia của các bên liên quan, hướng tới địa phương nơi du khách sẽ tới. Các bên liên quan gồm các thành viên cộng đồng địa phương, chính quyền, tổ chức phi chính phủ cũng như ngàng du lịch, du khách và nhiều nhóm khác. Tất cả cần phối hợp để tạo ra các tổ chức kinh doanh về du lịch bền vững nhằm đem lại các lợi ích địa phương và khả thi về mặt kinh tế.
Phát triển du lịch bền vững bảo vệ, thân thiện với môi trường
Phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ mật thiết với môi trường. Song hành cùng phát triển du lịch bền vững là duy trì, bảo vệ và thúc đẩy một môi trường thân thiện. Do đó, nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững là giảm thiểu các tác động đến môi trường đồng thời có những tác động làm tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn cảnh quan, giảm ô nhiễm rác thải và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường.
Được biết Việt Nam và các nước ASEAN đã có các cam kết về bảo vệ môi trường, hành động giảm thiểu chất thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì thế sự kiện SEA Games 31 lần này được xem là cơ hội để giao lưu, kết nối, quảng bá du lịch bền vững, du lịch xanh tại nước nhà.
Cụ thể, tại các địa điểm tổ chức các hoạt động thi đấu, các địa phương đã được hướng dẫn cụ thể về nội dung giảm rác thải nhựa, tuyên truyền tới các vận động viên, cổ động viên, tình nguyện viên và doanh nghiệp cung ứng. Tại các điểm đến du lịch, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã tăng cường triển khai các chương trình, truyền thông nhằm hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, cung cấp các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn như sử dụng các đồ hộp, cốc, bát làm bằng bột ngô, túi vải,…
Gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa – xã hội
Du lịch bền vững không gây tổn hại đến các cấu trúc xã hội, văn hóa cộng đồng và là chất xúc tác để nâng cao giá trị văn hóa và truyền thông địa phương. Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững hơn, khuyến khích các bên liên quan tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch, triển khai, giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.
Hoạt động du lịch phát triển mở rộng cơ hội giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các cùng miền và khu vực, góp phần giáo dục, đào tạo kiến thức, rèn luyện tinh thần, thể chất cho mọi tâng lớp nhân dân và tuyên truyền, giới thiệu đến du khách, vận động viên quốc tế.
Nằm trong chuỗi sự kiện du lịch được triển khai trong giai đoạn SEA Games 31, tour đêm giới thiệu Hoàng Thành Thăng Long và di tích Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng giúp du khách có cái nhìn tổng thể, chiều sau về di tích lịch sử và được tìm tòi hướng tới những giá trị văn hóa thiêng liêng, tự hào của người Việt. Đây là hoạt động kích cầu du lịch sau thời gian dài dịch bệnh và cũng là trải nghiệm ý nghĩa, minh chứng rõ nét cho mục tiêu phát triển du lịch bền vững của nước nhà.
Kinh doanh du lịch giúp tạo ra các nguồn kinh phí để bảo tồn, nâng cao giá trị và khôi phục các di sản kiến trúc, nghệ thuật, vật thể và phi vật thể, văn hóa, thủ công, mỹ nghệ, trang phục, phong tục truyền thống,… Tuy nhiên, có nhiều thách thức trong việc giữ gìn các giá trị như do xu hướng thị trường hóa các hoạt động văn hóa, do mâu thuẫn nảy sinh khi phát triển du lịch hoặc do tương phản về lối sống. Do đó nhu cầu phát triển du lịch bền vững, bảo tồn các di sản ngày càng cấp thiết.
Phát triển kinh tế theo mục tiêu phát triển bền vững
Phát triển du lịch bền vững không chỉ đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng mà còn là tiền đề, tạo ra cơ hội công ăn việc làm ổn định cho các địa phương và các bên liên quan. Có thể thấy phát triển du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích lớn như góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương; góp phần cải thiện điều kiện về hạ tầng và dịch vụ xã hội cho địa phương, …
Việc thực hiện kinh doanh du lịch đa dạng sẽ không được phép phá hủy các nguồn tự nhiên, văn hóa, và kinh tế mà có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hóa và mang lợi tức đến cho cộng đồng cũng như cho chính các doanh nghiệp tổ chức.
Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam hiện nay còn gắn liền với kinh tế xanh, tạo thêm động lực, góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế – xã hội Việt Nam. Du lịch phát triển bền vững đã góp phần tăng tỷ trọng của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ và góp phần đem lại diện mạo mới cho đô thị, nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và nhiều đại phương khác.
Phần kết
Phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục đòi hỏi theo dõi các tác động và đáp ứng hài hòa các tiêu chí phát triển bền vững như tối ưu tài nguyên, tôn trọng văn hóa – xã hội, đảm bảo hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, những giải pháp cho sự phát triển đó chỉ mang tính tương đối bởi vì trong xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển.
Kiên định phá triển du lịch bằng những giá trị bền vững chính là hướng đến một tương lai lâu dài và tốt đẹp. Việt Nam cần giữ gìn, phát huy những giá trị bền vững đó để chung tay xây dựng một môi trường văn minh, thân thiên, đưa hình ảnh “Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Các hoạt động thể thao của SEA Games 31 đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phục hồi và phát triển du lịch bền vững, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Vì vậy trong giai đoạn tiếp theo, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của SEA Games 31, các doanh nghiệp, địa phương cần có nhiều hơn các hoạt động, biện pháp nhằm duy trì và củng cố sự phát triển bền vững của du lịch.
Sinh viên thực hiện: Hoàng Hương Quỳnh
Mã sinh viên: 19051570
Mã lớp học phần INE3104 3