Top 10 vị trí thực tập ngân hàng phổ biến nhất cho sinh viên kinh tế

Thực tập ngân hàng

Ngân hàng luôn là nơi thuộc top môi trường làm việc “hot” nhất trong lĩnh vực kinh tế bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp, mức lương cực kì hấp dẫn,… Tuy nhiên, để có thể làm việc tại ngân hàng thì đòi hỏi các ứng viên đều phải có trình độ chuyên môn, kiến thức, bằng cấp từ cao đẳng trở lên và đặc biệt là phải trả qua kỳ thực tập ngân hàng. Hiện nay các ngân hàng đều có các chương trình tuyển thực tập sinh hàng năm, các thực tập sinh sau khi trải qua quá trình đào tạo sẽ đều có cơ hội trở thành nhân viên chính thức. Hãy cùng tìm hiểu về công việc thực tập tại ngân hàng nhé!

1.Thực tập ngân hàng là làm gì?

Thực tập ngân hàng là quá trình học việc mà trong đó, bạn sẽ được hướng dẫn, đào tạo và tiếp xúc một phần với các nghiệp vụ tại ngân hàng. Chương trình thực tập tại ngân hàng hiện nay thường diễn ra trong vòng ít nhất là 3 tháng. Khối lượng công việc thực tập không nhiều như nhân viên chính thức khác và chủ yếu làm quen công việc là chính. Mức lương thấp, chỉ phụ cấp một khoản nhỏ hoặc thậm chí nhiều nơi không có phụ cấp còn được biết đến với cụm từ: “thực tập không lương”.

Mỗi năm, các ngân hàng lớn nhỏ đều sẽ có “suất” thực tập dành cho sinh viên các khối ngành tài chính – ngân hàng và các khối ngành kinh tế liên quan để tạo điều kiện cho các bạn học hỏi, gia nhập ngành. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn tuyển dụng của mỗi ngân hàng là khác nhau, nhu cầu thực tập cho các vị trí cũng không giống nhau nhưng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong các ngân hàng đều rất cao.

2. Thực tập ngân hàng có các vị trí nào?

Top 10 vị trí tuyển thực tập sinh phổ biến tại ngân hàng cho sinh viên kinh tế:

2.1. Giao dịch viên

Giao dịch viên ngân hàng
Giao dịch viên ngân hàng

Có thể nói, vai trò phổ biến nhất trong số các công việc ngân hàng là giao dịch viên. Một lưu ý là vị trí giao dịch viên, cho dù chỉ là thực tập sinh thì cũng thường có yêu cầu về ngoại hình của ứng viên. Thực tập ngân hàng trong vị trí giao dịch viên, bạn sẽ quen với các nghiệp vụ như: Thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt hoặc không cần tiền mặt với khách hàng, chào đón khách hàng, giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ làm thẻ, hồ sơ, đổi tiền, quản lý tiền mặt tại cây ATM, đảm bảo chất lượng các dịch vụ khi giao dịch với khách hàng…

2.2. Nhân viên kinh doanh

Nhân viên ngân hàng
Nhân viên kinh doanh tại ngân hàng 

Nhân viên doanh là vị trí không thể thiếu ở ngân hàng. Thực tập ngân hàng trong bộ phận này có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để “bán” các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, tư vấn mở tài khoản, giải đáp các thắc mắc về các gói sản phẩm, chăm sóc khách hàng, báo cáo công việc cho cấp trên. Công việc của một nhân viên kinh doanh đòi hỏi tính kiên nhẫn cao và cần nhiều kĩ năng mềm như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng đàm phán, kĩ năng giải quyết vấn đề… Để phát triển bản thân ở vị trí này đòi hỏi ứng viên phải có tính kỉ luật và chịu áp lực cao bởi nhân viên kinh doanh thường sống bằng hoa hồng chứ không phải lương cứng.

2.3. Nhân viên tín dụng ngân hàng

Nhân viên tín dụng ngân hàng
Nhân viên tín dụng ngân hàng

Nhân viên tín dụng còn được hiểu đơn giản là nhân viên cho vay. Đây là vị trí tuyển thực tập sinh nhiều nhất tại các ngân hàng thương mại. Thực tập ngân hàng trong vị trí nhân viên tín dụng có tính thách thức cao, qua đó nếu có năng lực, bạn sẽ thể hiện bản thân được rất nhiều. Nhiệm vụ chính gồm có: Tìm kiếm khách hàng tiềm năng có nhu cầu vay vốn, tìm hiểu thông tin, lắng nghe khách hàng và giới thiệu các gói vay vốn phù hợp với họ, hỗ trợ hoàn thành hồ sơ và thủ tục vay vốn.

2.4. Nhân viên Telesales

Nhân viên Telesales ngân hàng
Nhân viên Telesales ngân hàng

Một trong các công việc thực tập ngân hàng phổ biến khác phải kể đến là nhân viên telesales. Tưởng chừng như đơn giản chỉ bao gồm thực hiện các cuộc gọi nhưng thực chất, vị trí này lại khá áp lực và bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều: Sự am hiểu về các dịch vụ tín dụng, cho vay tín chậm, mở thẻ… của ngân hàng; tính kiên nhẫn và khả năng giữ bình tĩnh; chịu được áp lực về thời gian, KPI cũng như cách giao tiếp, tư vấn và thuyết phục khách hàng.

2.5. Nhân viên tư vấn đầu tư

Nhân viên tư vấn đầu tư
Nhân viên tư vấn đầu tư

Nhân viên tư vấn đầu tư là một vị trí cần rất nhiều kĩ năng, nghiệp vụ của ngân hàng. Thực tập ngân hàng tại vị trí này cần một số nghiệp vụ, kĩ năng cần có là nghiên cứu về các dự án đầu tư, có kiến thức chuyên môn vững chắc, tư vấn các giải pháp tài chính hợp lý cho khách hàng. Đồng thời, bạn cũng có thể thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ, giải pháp tài chính do ngân hàng cung cấp, giới thiệu về các gói cho vay…

2.6. Nhân viên thanh toán quốc tế

Nhân viên thanh toán quốc tế
Nhân viên thanh toán quốc tế

Trong điều kiện giao thương quốc tế quốc tế phát triển thì bộ phận thanh toán quốc tế ở ngân hàng cũng vì thế mà ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Bạn sẽ phải có kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế,… Nếu thực tập ngân hàng trong vai trò này, bạn sẽ được học cách tư vấn, hỗ trợ khách hàng về các dịch vụ thanh toán quốc tế, ngoại tệ, giải quyết những khiếu nại và trả lời câu hỏi của khách hàng về dịch vụ, giải quyết vấn đề phát sinh trong quy trình thanh toán quốc tế, chuyển và nhận tiền từ nước ngoài…

2.7. Nhân viên kiểm toán nội bộ

Nhân viên kiểm toán nội bộ
Nhân viên kiểm toán nội bộ

Vị trí nhân viên thực tập kiểm toán nội bộ thường không tuyển nhiều và phù hợp cho các bạn học kế toán – kiểm toán hơn. Nhiệm vụ của vai trò này là đánh giá nội bộ các hoạt động, giấy tờ, sổ sách trong ngân hàng; đối chiếu với quy định của Nhà nước, phát hiện sai sót, giám sát và báo cáo. Tuy nhiên, vì thực tập sinh ngân hàng chưa có kinh nghiệm nên ít khi thực sự được tiếp cận đầy đủ với tài liệu và nghiệp vụ ở vai trò nhân viên kiểm toán nội bộ, thường chỉ là hỗ trợ nhân viên, chuyên viên chính thức và thực hiện một số phần nhỏ trong tổng thể công việc.

2.8. Nhân viên vận hành

Nhân viên ngân hàng
Nhân viên vận hành

Nhân viên vận hành là một vị trí cần khả năng đa nhiệm, quản lý thời gian và sắp xếp công việc hiệu quả. Công việc chính của vị trí này là: Giám sát, điều phối hoạt động hàng ngày của ngân hàng, đảm bảo sự phối hợp tốt nhất của nhân viên trong phòng ban và giữa các bộ phận với nhau, đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và công việc của ngân hàng diễn ra trôi chảy. Bên cạnh đó, nhân viên vận hành cũng sẽ kiểm tra hoạt động tài chính ngân hàng, vừa hỗ trợ, điều phối nhân viên lại vừa hỗ trợ khách hàng.

2.9. Nhân viên phân tích tài chính

Nhân viên phân tích tài chính
Nhân viên phân tích tài chính

Công việc phân tích tài chính tại ngân hàng cần trình độ chuyên môn cao và kĩ năng công nghệ , tầm nhìn nên khi đi thực tập thì không dễ. Bạn sẽ phân tích số liệu, thông tin khách hàng, đánh giá và tìm cách mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng qua việc đưa ra lời khuyên cho bộ phận tiếp xúc với khách hàng; phát triển hệ thống quản trị, thông tin của ngân hàng…

2.10. Nhân viên quản lý rủi ro

Nhân viên quản lí rủi ro
Nhân viên quản lí rủi ro

Vị trí nhân viên quản lý rủi ro ở ngân hàng là rất quan trọng. Cho dù chỉ mới là thực tập ngân hàng thì bạn cũng sẽ được tham gia vào các quá trình: Phân tích, đánh giá rủi ro của các khoản đầu tư dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng và các yếu tố khách quan khác; xây dựng quy trình đánh giá rủi ro, phát triển kỹ thuật phân tích rủi ro; đảm bảo các chính sách hạn chế rủi ro được thực hiện ở tất cả chi nhánh của ngân hàng…

3. Các ngân hàng tuyển thực tập sinh

Cơ hội để trở thành nhân viên ngân hàng chính thức là hoàn toàn có thể khi các bạn trải qua kì thực tập sinh với kết quả tốt. Hàng năm, các ngân hàng đều tổ chức các chương trình thực tập sinh rất hấp dẫn, bạn có thể tham khảo một số ngân hàng tuyển thực tập sinh với số lượng lớn trong năm dưới đây: 

Các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam
Các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam

 

  • Ngân hàng BIDV

BIDV là 1 trong top 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam về quy mô, doanh thu, khối lượng tài sản,…Đây cũng là ngân hàng thuộc top 13 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, vì vậy, sự cạnh tranh khi ứng tuyển vào ngân hàng này là rất lớn. BIDV là nơi rất thích hợp cho các bạn sinh viên muốn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và phát triển các kĩ năng.

  • Ngân hàng Sacombank

Hàng năm, từ tháng 9 cho đến tháng 11, Sacombank đều tổ chức ngày hội tuyển dụng thực tập sinh tiềm năng với quy mô lớn lên đến gần 1000 sinh viên thuộc các khoa, ngành liên quan trên địa bàn cả nước.Thống kê cho thấy 70% sinh viên sau khi thực tập tại Sacombank đều trở thành nhân viên chính thức. Đây là một cơ hội tốt cho các bạn sinh viên ứng tuyển!

  • Ngân hàng VP bank

Với lịch sử hình thành gần 30 năm, VP bank đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực tài chính, tín dụng khi chú trọng phát triển các sản phẩm và cải thiện chất lượng dịch vụ. Đây là môi trường làm việc thích hợp với các bạn trẻ, năng động, ham học hỏi những kiến thức mới.

Hàng năm, VP bank đều có các chương trình tuyển dụng thực tập sinh ở các vị trí khác nhau tùy từng vùng miền và thời gian tổ chức.

  • Ngân hàng TP bank

Đúng như cái tên “Tiên phong”, TP bank là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực “ngân hàng số”. Là một ngân hàng trẻ nhưng TP bank những năm gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh khi triển khai các dịch vụ tiện ích đi đầu trong các ngân hàng thương mại.

TP bank mỗi năm đều có 4 kì nhận hồ sơ thực tập ngân hàng vào các tháng đầu tiên của mỗi quý. Đây là môi trường làm việc thích hợp cho các bạn sinh viên gen Z bởi sự trẻ trung, linh hoạt và ứng dụng công nghệ hiện đại.

  • Ngân hàng ACB

Thực tập ngân hàng ACB
Chương trình “The Next Banker” của Ngân hàng ACB

Chương trình “The Next Banker” của ACB hàng năm là một chương trình trải nghiệm thực tập ngân hàng với quy mô lớn giúp các bạn sinh viên có nhiều cơ hội chủ động tìm hiểu về công việc tương lai của mình.

Các ứng viên có thể tham gia chương trình bằng cách ứng tuyển vào các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất như: Giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp,…

Tuy nhiên, điều kiện để tuyển dụng khá cao, bạn cần trau dồi các kĩ năng và kiến thức cần thiết trước khi ứng tuyển.

4. Bí kíp tạo CV ấn tượng với nhà tuyển dụng ngân hàng

  • Chọn đúng mẫu CV xin việc của ngân hàng

Bạn có thể lên các trang tuyển dụng và hỗ trợ tạo CV online với những mẫu có sẵn rất đa dạng và đẹp mắt như: TopCV, JobOKO, CVonline,…để có thể chọn được mẫu CV ứng tuyển ngân hàng phù hợp.

  • Đối với các phần của CV:

– Thông tin cá nhân: Nên viết ngắn gọn, chính xác và đầy đủ. Lưu ý khi chọn ảnh CV phải là bức ảnh đẹp, rõ mặt, tươi sáng bởi đây là ấn tượng đầu tiên của bạn đối với nhà tuyển dụng.

– Mục tiêu nghề nghiệp: Trong phần này bạn nên ghi thành một đoạn văn ngắn và trình bày mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khi tham gia kì thực tập là gì. Mục tiêu nên là mục tiêu thực tế, phù hợp với sinh viên thay vì những mục tiêu quá lớn lao trong tương lai.

– Trình độ học vấn: Ở mục này bạn sẽ cung cấp các thông tin về khoa, ngành, trường bạn đang theo học, có thể cung cấp thêm điểm GPA tính đến thời điểm đăng kí thực tập.

– Kinh nghiệm làm việc: Bạn nên liệt kê các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể chia sẻ các hoạt động ngoại khóa, các dự án, chương trình bạn tham gia với vai trò gì và đạt kết quả thế nào.

Kĩ năng: Liệt kê khoảng 4-6 kĩ năng cần thiết đối với vị trí bạn ứng tuyển tại ngân hàng. Các kĩ năng quan trọng cơ bản như tin học văn phòng, chứng chỉ tiếng Anh, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tư vấn, CSKH,… 

Lời kết

Thực tập ngân hàng là một cơ hội tốt để bạn bước đầu được tiếp xúc và rèn luyện trong môi trường thực tế. Bài viết trên đây là một số thông tin, kiến thức cơ bản liên quan đến công việc thực tập sinh tại ngân hàng. Hi vọng sẽ giúp các bạn sinh viên kinh tế hiểu được phần nào về các vị trí, công việc và các kĩ năng khi chuẩn bị CV ứng tuyển thực tập sinh. Hãy cân nhắc kĩ các vị trí ứng tuyển, lựa chọn ngân hàng phù hợp và chuẩn bị thật tốt từ bước tạo CV nhé.

Chúc các bạn thành công!

Xem thêm các bài viết về lĩnh vực ngân hàng:

Gửi tiết kiệm ngân hàng – 1 kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”

THẺ NGÂN HÀNG CÓ CHIP; SỨ GIẢ BẢO MẬT CỦA NGÂN HÀNG 

 

Người viết: Ngô Thị Hương Giang

MSSV: 19051058

Bài tập lớn: 211_ INE3104 6