Nợ xấu ngân hàng: ”Quả bom nổ chậm” ngày càng trẻ hóa. Điểm mặt 5 nhóm nợ xấu người vay cần lưu ý

Một người đàn ông bỏ chạy vì quả bom nợ xấu ngân hàng đang đuổi theo

“Nợ xấu ngân hàng” – nghe có vẻ như một thứ gì đó rất khô khan và khó hiểu, phải không? Tuy nhiên, nó lại là một vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi tỷ lệ nợ xấu đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Với lối suy nghĩ phóng khoáng ‘’ tiêu trước trả sau ‘’, nhiều bạn trẻ đã vô tình hình thành cho mình những khoản nợ ngầm mà không hề hay biết.

Vậy nợ xấu ngân hàng là gì? Những khoản nợ xấu nào sẽ được diện vào dạng ‘’ báo động đỏ ‘’ ? Làm sao để kiểm tra những khoản nợ đó? Giải pháp xử lý chúng là gì?

I.  Nợ xấu ngân hàng

Một người đàn ông đang có thái độ bối rối, hoang mang vì bị xích chặt vào nợ xấu ngân hàng
Nợ xấu ngân hàng là gì ?

1. Nợ xấu ngân hàng là gì?

Nợ xấu ngân hàng được hiểu là những khoản nợ quá hạn trên 90 ngày mà ngân hàng không có khả năng thu hồi hoặc có khả năng thu hồi nhưng không có giá trị kinh tế từ đối tượng vay mượn.

2. Điểm mặt 5 nhóm nợ xấu ngân hàng người vay cần lưu ý

Nợ xấu ngân hàng được chia làm 5 nhóm, nợ nhóm 1 là dư nợ trong chuẩn thời gian quá hạn không quá 10 ngày, nợ nhóm 2 là dư nợ cần chú ý thời gian quá hạn nằm trong khoảng 10-90 ngày, nợ nhóm 3 là dư nợ dưới chuẩn thời gian quá hạn nằm trong khoảng 91-180 ngày, nợ nhóm 4 là dư nợ nghi ngờ thời gian quá hạn nằm trong khoảng 181-360 ngày, nợ nhóm 5 là dư nợ có thể mất vốn quá hạn trên 360 ngày
Phân loại nợ xấu ngân hàng

Nhóm 1: Nợ xấu ngân hàng đủ tiêu chuẩn

Nợ đủ tiêu chuẩn gồm 3 loại như sau:

  • Nợ trong hạn và được đánh giá có khả năng thu hồi đủ cả gốc và lãi đúng hạn.
  • Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá có khả năng thu hồi cả gốc và lãi khoản nợ quá hạn và khoản nợ còn hạn đúng hạn.
  • Khoản nợ được xếp vào nhóm nợ có rủi ro thấp.

Nhóm 2: Nợ xấu ngân hàng cần chú ý

Nợ cần chú ý gồm 3 loại như sau:

  • Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày (trừ khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày xếp vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn và nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
  • Khoản nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn lần 1 và đang còn trong hạn (trừ khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và khoản nợ được tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn).
  • Khoản nợ được phân loại vào nhóm có rủi ro thấp hơn hoặc cao hơn.

Nhóm 3: Nợ xấu ngân hàng dưới tiêu chuẩn

Nợ dưới tiêu chuẩn gồm 4 loại như sau:

  • Nợ quá hạn từ 91 – 180 ngày (trừ khoản được xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn).
  • Nợ đã được gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn (trừ khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn và nợ có rủi ro cao hơn.
  • Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do người vay không có khả năng chi trả lãi theo hợp đồng (trừ khoản nợ thuộc nhóm nợ có rủi ro cao hơn).

Nhóm 4: Nợ xấu ngân hàng nghi ngờ

Nợ nghi ngờ gồm 6 loại:

  • Nợ quá hạn từ 181 – 360 ngày (trừ khoản được xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao).
  • Nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đã quá hạn đến 90 ngày kể từ thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu (trừ nợ xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn).
  • Nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 2 còn trong hạn (trừ nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn).
  • Nợ được quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chưa thu hồi được cách ngày có quyết định thu hồi từ 30 – 60 ngày.
  • Nợ phải thu hồi theo kết quả thanh tra, kiểm tra đã quá hạn đến 60 ngày chưa thu hồi được.
  • Nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi trước hạn do người vay vi phạm hợp đồng cho vay chưa thu hồi được từ 30 – 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.

Nhóm 5: Nợ xấu ngân hàng có khả năng mất vốn

Nợ có khả năng mất vốn gồm 8 loại như sau:

  • Nợ quá hạn trên 360 ngày.
  • Nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu và tiếp tục quá hạn từ 91 ngày trở lên kể từ ngày cơ cấu lại lần đầu.
  • Nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 2 và tiếp tục quá hạn.
  • Nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 3 trở lên (trừ khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn).
  • Nợ được quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quá hạn trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi chưa thu hồi được.
  • Nợ phải thu hồi theo kết quả thanh tra đã quá hạn trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi chưa thu hồi được.
  • Nợ buộc thu hồi trước hạn theo quyết định của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài do người vay vi phạm thỏa thuận đã quá hạn 60 ngày chưa thu hồi được.
  • Khoản nợ có người vay là tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản.

II. Cách kiểm tra nợ xấu ngân hàng

Để kiểm tra bản thân có đang vướng nợ xấu hay không, người có nhu cầu có thể áp dụng một trong những cách dưới đây để kiểm tra nhanh nhất

Kiểm tra thông qua website

Bước 1: Truy cập trang web của hệ thống CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/ để đăng ký thông tin

Trang web của ngân hàng nhà nước Việt Nam, nơi tra cứu tình hình tài chính cá nhân, tra cứu nợ xấu ngân hàng
Trang web tra cứu nợ xấu ngân hàng

Bước 2: Đăng ký thông tin cá nhân. Điền đầy đủ, chính xác các thông tin được đưa ra của hệ thống và tạo mật khẩu tài khoản.

Bước 3: Nhập mã OTP gửi về điện thoại đã đăng ký

Bước 4: Sau 1 ngày, nhân viên CIC sẽ gọi điện thoại cho bạn để xác thực thông tin qua hình thức hỏi – đáp

Bước 5: Sau khi tạo tài khoản thành công, kết quả đăng ký, tên đăng nhập, mật khẩu sẽ được gửi qua SMS/Email của bạn.

Bước 6: Khi báo cáo tín dụng được phê duyệt.

Người dùng truy cập vào website và thực hiện đăng nhập, sau đó chọn [Khai thác báo cáo] để kiểm tra nợ xấu CIC của bản thân tại mục thông tin tín dụng.

Tham khảo hướng dẫn chi tiết hơn tại đây

Kiểm tra thông qua CMND/CCCD

Đối với cách này, cá nhân có nhu cầu cần đến trực tiếp ngân hàng cho vay tín dụng và Cung cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho tổ chức tín dụng

Sau đó, tổ chức tín dụng sẽ tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả cá nhân có đang bị nợ xấu ngân hàng hay không

III. Nợ xấu ngân hàng có ảnh hưởng như thế nào?

Uy tín tín dụng giảm sút, khó tiếp cận nguồn vốn

Nếu để phát sinh nợ xấu ngân hàng, tất cả thông tin về người vay bao gồm họ tên, các khoản vay trong quá khứ, các khoản vay hiện tại, nơi vay vốn, thời hạn nợ quá hạn sẽ được cập nhật trên trung tâm tín dụng là CIC. Thời hạn lưu giữ từ 3 – 5 năm kể từ ngày người vay thanh toán hết cả gốc và lãi khoản nợ xấu.

Do vậy, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin của người phát sinh nợ xấu. Từ đó, những người sở hữu khoản nợ trong nhóm 3, 4, 5 sẽ khó được tiếp tục cho vay trong tương lai, đánh mất cơ hội được vay vốn sau này.

Vượt qua ranh giới pháp luật

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về “bùng nợ” có thể gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Theo đại diện của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) có mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Hệ lụy về sức khỏe, tinh thần

Tình trạng nợ nần kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Tuy không phải một hậu quả hữu hình có thể nhìn thấy, nhưng những hậu quả về việc lo âu về tài chính, nghĩ cách “bùng” nợ xấu có thể gây nên những tác hại lâu dài lên sức khoẻ tinh thần, thể chất và đời sống của người đang “trốn” nợ, và cả những mối quan hệ gia đình và xã hội.

IV. Giải pháp xử lý nợ xấu ngân hàng

Khi bị lưu thông tin trên trung tâm tín dụng là CIC, người vay sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn sau này. Vậy khi bị nợ xấu ngân hàng thì phải giải quyết làm sao?

Đối với khoản vay dưới 10 triệu đồng

Nếu khoản nợ xấu ngân hàng dưới 10 triệu đã được tất toán, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cung cấp lịch sử tín dụng của người vay. Điều này đã được quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN. Do vậy, người vay cần nhanh chóng thanh toán hết số nợ để được xóa thông tin trên hệ thống CIC. 

Đối với khoản vay trên 10 triệu đồng

Nếu phát sinh nợ xấu ngân hàng trên 10 triệu đồng, lịch sử tín dụng của người vay sẽ được cập nhật liên tục hàng tháng. Sau 12 tháng kể từ khi khoản nợ được trả hết, người vay sẽ có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chi cho vay của ngân hàng. Khi đó, nếu có nhu cầu vay, người vay sẽ được xét duyệt khoản vay vốn.

Vì thế, ngay khi hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, người vay cần thông báo với đơn vị quản lý nợ để yêu cầu xác minh khoản nợ đã được thanh toán. 

Lưu ý:

Với những khoản nợ thuộc nhóm 3,4,5 thì thông tin sẽ được lưu trong 5 năm tiếp theo. Người vay khoản nợ xấu này sẽ không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào.

Vì vậy, người vay cần có kế hoạch vay vốn và kế hoạch trả nợ rõ ràng để tránh những hậu quả của nợ xấu

Xem thêm các bài viết liên quan tại:

Vay online an toàn: 5 điều cần lưu ý

Cảnh giác với các tội phạm công nghệ mới khi sử dụng SmartBanking BIDV 2023

                   Sinh viên thực hiện: Vũ Thị Thu Ngân

                   Mã sinh viên: 21050955

                   Lớp: QH – 2021 – E KTQT CLC 5

                   Lớp học phần: INE3104 5