Kinh tế vĩ mô và tài chính ngân hàng luôn là những lĩnh vực kiến thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sinh viên các ngành đào tạo kinh tế hay ngân hàng vừa cần phải có kiến thức tổng quan về kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ mới có thể nắm bắt được tường tận cách hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng.
Đồng thời tài chính ngân hàng là một lĩnh vực không ngừng thay đổi, đòi hỏi sinh viên cập nhật kiến thức và kỹ năng để liên tục ứng biến và nắm bắt kịp thời. Để giúp các sinh viên, những người có nhu cầu tìm hiểu và phát triển kiến thức trong lĩnh vực này, việc đọc và nghiên cứu thêm các tài liệu là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định được những nguồn uy tín, đáng tin cậy và có kiến thức chuyên môn cao để có thể có tính tham khảo cao.
Dưới đây là 8 nguồn tài liệu bao gồm các cuốn sách, nguồn bài báo nghiên cứu và nguồn dữ liệu, thông tin thời sự về kinh tế vĩ mô, ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ. Các nguồn tài liệu đảm bảo được kiến thức từ căn bản đến nâng cao hơn, giải thích dễ hiểu đối với người mới bắt đầu và là điểm khởi đầu tốt cho những nghiên cứu mở rộng hơn sau này.
Nội dung
I. Tài chính ngân hàng – 8 nguồn tài liệu uy tín về kinh tế vĩ mô-tiền tệ cho sinh viên.
1. The Financial system, Financial Regulation and Central Bank Policy – Cuốn sách căn bản về kinh tế vĩ mô và tiền tệ ngân hàng
The Financial System, Financial Regulation and Central Bank Policy
link: Cargill
Thomas F. Cargill là một nhà nghiên cứu tại Independent Institute và là Giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Nevada, Reno. Ông là người có thâm niên nghiên cứu lâu năm và đã thực hiện giảng dạy, nghiên cứu và công tác tại các trường đại học và tổ chức danh tiếng, bao gồm cả Cục Giám sát Tiền tệ (Comptroller of the Currency).
Năm 2017 ông đã cho ra mắt cuốn sách The Financial system, Financial regulation and Central Bank policy, đây có thể coi là một cuốn sách rất phù hợp với những người mới bắt đầu tìm hiểu về kinh tế học vĩ mô hay tài chính và tiền tệ. Cuốn sách sẽ mở đầu với các kiến thức căn bản từ cơ sở lý luận của và khung thể chế của hệ thống tài chính và tiền tệ của một quốc gia cho đến đo lường các biến trong vĩ mô như lãi suất, cung tiền và lạm phát,… ngoài ra cuốn sách cũng phân loại các thể loại tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Tiến đến phần cuối của cuốn sách, người đọc sẽ được tìm hiểu về ngân hàng trung ương của các một quốc gia, về mục tiêu, nhiệm vụ và cách thức hoạt động của hệ thống quản lý để có thể đảm bảo các điều kiện kinh tế vĩ mô và môi trường cho vay ổn định.
Nhìn chung cuốn sách sẽ bao gồm các yếu tố cơ bản của hệ thống tài chính-ngân hàng-tiền tệ và đầy đủ để cung cấp các kiến thức căn bản về kinh tế vĩ mô nhưng cần thiết đối với sinh viên ngành tài chính ngân hàng. Trả lời các câu hỏi cơ bản về thế nào là hệ thống tài chính ngân hàng, thể chế, mục đích và cách thức hoạt động ra sao.
2. Central Bank policy: Theory and Practice – Cuốn sách chuyên sâu về Ngân hàng Trung ương và chính sách tiền tệ
Central Bank Policy: Theory and Practice
Link: Central Bank
Cuốn sách Central Bank Policy: Theory and Practice của Perry Warjiyo và Solikin M. Juhro là một tài liệu chuyên sâu, cung cấp cái nhìn toàn diện về vai trò, chức năng và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Tác phẩm không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn minh họa các ví dụ thực tiễn, giúp người đọc hiểu rõ cách ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ, quản lý lạm phát và đảm bảo sự ổn định kinh tế. Cuốn sách là nguồn tài liệu quý giá dành cho sinh viên tài chính ngân hàng, nhà nghiên cứu, cũng như những người làm việc trong lĩnh vực tài chính mong muốn nắm vững các nguyên tắc cốt lõi của chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương khi cung cấp đầy đủ các khung quản lý và điều hành chính sách tiền tệ khác nhau.
3. International Economics: Theory and Policy – Cuốn giáo trình quen thuộc về kinh tế quốc tế, chính sách tiền tệ và Ngân hàng Trung ương trên thế giới
International Economics: Theory and Policy
Link: Krugman
Cuốn sách International Economics: Theory and Policy của Paul Krugman, Maurice Obstfeld và Marc J. Melitz là tài liệu nền tảng không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu sâu về kinh tế quốc tế. Với sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết kinh tế hiện đại và các ví dụ thực tế, cuốn sách cung cấp một cái nhìn toàn diện về thương mại quốc tế, tài chính toàn cầu, và cách các chính sách kinh tế ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thế giới.
Tác phẩm đặc biệt hữu ích trong việc phát triển tư duy phân tích, giúp người đọc nắm bắt các khái niệm phức tạp như lý thuyết lợi thế so sánh, tỷ giá hối đoái, chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở và chính sách thương mại. Ngoài ra, cuốn sách còn mang lại những góc nhìn quan trọng về cách các quốc gia tương tác trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức trong nền kinh tế hiện đại. Đây là cuốn sách rất hữu dụng khác dành cho sinh viên tài chính ngân hàng hay kinh tế quốc tế.
4. International Monetary Fund: World Economic Outlook – Tuyển tập báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu
International Monetary Fund – World Economic Outlook
Link: WEO
Bên cạnh các cuốn sách, nguồn thông tin từ các báo cáo định kỳ của các tổ chức thế giới cũng là một nguồn rất hữu dụng cho sinh viên tìm hiểu các thông tin về tình hình kinh tế thế giới. Trong đó, báo cáo World Economic Outlook (WEO) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là một tài liệu kinh tế vĩ mô phổ biến hàng đầu, được xuất bản 2 lần mỗi năm và được cập nhật thêm qua các quý trong năm. Đây là nguồn thông tin quan trọng cung cấp phân tích chi tiết về triển vọng kinh tế toàn cầu, các xu hướng kinh tế khu vực và quốc gia, cũng như những thách thức chính sách đang nổi lên.
Báo cáo WEO tập trung vào các vấn đề quan trọng như tăng trưởng GDP toàn cầu, tỷ lệ lạm phát, thương mại quốc tế, và dòng vốn xuyên biên giới. Ngoài ra, mỗi phiên bản của báo cáo thường có các chuyên đề nghiên cứu sâu về những vấn đề kinh tế toàn cầu nổi bật như biến đổi khí hậu, tác động của công nghệ, hay bất bình đẳng kinh tế. Báo cáo mang đến thông tin và cơ sở dữ liệu chi tiết, giúp người đọc cụ thể là các sinh viên kinh tế nói chung và tài chính ngân hàng nói riêng đưa ra các phân tích và quyết định dựa trên nền tảng thông tin chính xác và toàn diện.
5. Bank for International Settlement – Hệ thống Ngân hàng Trung Ương thế giới
Bank for International Settlement
Link: BIS
Bank for International Settlements (BIS) là tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu, được thành lập vào năm 1930, với trụ sở chính đặt tại Basel, Thụy Sĩ. BIS được biết đến như “Ngân hàng Trung ương của các Ngân hàng Trung ương,” đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và thúc đẩy sự ổn định tài chính toàn cầu.
Website chính thức của BIS là một nguồn tài liệu đáng tin cậy, cung cấp các báo cáo, nghiên cứu và thống kê liên quan đến hệ thống tài chính quốc tế. Các nội dung nổi bật bao gồm:
– Báo cáo về chính sách tiền tệ.
– Các nghiên cứu học thuật, bài báo khoa học liên quan đến hệ thống tài chính
– Thống kê toàn cầu về dòng vốn, tỷ giá, và thị trường tài chính.
– Nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề như công nghệ tài chính, rủi ro hệ thống, và quản lý tài sản.
6. Tổng cục Thống kê Việt Nam – Nguồn tư liệu quý về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam
Tổng cục Thống kê Việt Nam
Link: GSO
Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) là cơ quan nhà nước chuyên trách trong việc thu thập, phân tích và cung cấp dữ liệu thống kê quốc gia. Với vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân, GSO là một nền tảng dữ liệu chủ chốt phục vụ cho việc hoạch định chính sách, nghiên cứu kinh tế vĩ mô và đánh giá phát triển xã hội tại Việt Nam.
Giống với BIS, trang web cổng thông tin của GSO liên tục cập nhật các thông tin, dữ liệu và là kho tài liệu đa dạng và phong phú, như:
– Các báo cáo thống kê định kỳ về GDP, lạm phát, dân số, và năng suất lao động.
– Dữ liệu chi tiết về các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp và đầu tư.
– Tổng quan về các xu hướng kinh tế – xã hội, thị trường tín dụng và các chỉ số phát triển bền vững.
Đối với các tìm kiếm về dữ liệu kinh tế-xã hội trong nước, nguồn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu và đảm bảo tính khách quan, bắt kịp xu hướng với diễn biến thực tế của quốc gia.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Link: NHNN
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời là trung tâm điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Với sứ mệnh đảm bảo ổn định tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả của hệ thống ngân hàng, SBV đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.
Cổng thông tin của Ngân hàng Trung ương cũng cung cấp các thông tin về hành lang lãi suất, tỷ giá hối đoái, các thông tin về cung tiền cũng như các văn bản pháp luật về quy định hoạt động của SBV, đều là các công cụ vô cùng quan trọng đối với các khối ngành tìm hiểu sâu về hệ thống tài chính ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có các viện nghiên cứu, tạp chí khoa học trực thuộc như Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng cung cấp các báo cáo và bản tin kinh tế vĩ mô và rất hữu ích để sinh viên có thể tham khảo các thông tin liên quan đến giá cả, điều kiện tài chính, tăng trưởng tín dụng của kinh tế Việt Nam.
8. Hedge Academy – Nơi cung cấp các bài viết và khóa học về kinh tế vĩ mô và hoạt động của Ngân hàng Trung ương.
Hedge Academy
Link: Hedge Academy
Hedge Academy là tổ chức giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam được thành lập bởi một cựu sinh viên ngành tài chính ngân hàng của trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN. Với mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, Hedge Academy tập trung vào việc cung cấp các khóa học thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của sinh viên, người mới đi làm, cũng như các chuyên gia tài chính muốn nâng cao trình độ.
Trang mạng xã hội của Hedge Academy cũng cung cấp các bài phân tích vĩ mô, tài chính tuy có đậm dấu ấn cá nhân nhưng không kém phần thiết thực và hữu dụng. Các bài đăng chủ yếu làm rõ những khác biệt trong hệ thống tiền tệ-tài chính giữa các quốc gia với nhau, đặc biệt là Việt Nam so với các nước đang phát triển (khác biệt trong khung điều hành, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước,…). Đồng thời, Hedge Academy cũng cung cấp các khuyến nghị liên quan đến danh mục đầu tư miễn phí và có đi kèm phân tích và giải thích chi tiết cho các khuyến nghị dựa trên các tác động từ hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sinh viên hoàn toàn có thể tham khảo các bài đăng của Hedge trên mạng xã hội và nếu hứng thú có thể tìm hiểu các khóa học trung tâm cung cấp.
II. Lời kết
Những nguồn tài liệu này đều là những nguồn đã được kiểm chứng chất lượng và độ phổ biến trong việc được sử dụng cho các báo cáo định kỳ và nghiên cứu hệ thống tiền tệ trong nước. Việc đọc và nghiên cứu các nguồn tài liệu này sẽ giúp sinh viên UEB ngành tài chính ngân hàng nắm được những kiến thức căn bản và phù hợp với thực tiễn, xây dựng dần lối tư duy logic đối với lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính ngân hàng. Mỗi nguồn tài liệu không chỉ mang lại những kiến thức lý thuyết mà còn cung cấp các dẫn chứng thực tiễn, giúp sinh viên hiểu và áp dụng được lý thuyết vào bối cảnh thực tiễn.
Để thực sự nắm rõ được tổng quan bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam, hướng tiếp cận từ kinh tế vĩ mô và hoạt động của Ngân hàng Trung ương là rất cần thiết. Sinh viên cần lựa chọn cho mình những cuốn sách và nguồn tài liệu phù hợp, có tính chọn lọc để nghiên cứu để đảm bảo tính đúng sai của kiến thức và độ tin cậy cao trong phân tích.
Bạn có thể tham khảo thêm: Tín dụng tiêu dùng: 3 Đặc điểm nổi bật và Quản lý rủi ro khi vay
Nguyễn Như Phong – QH2022 E KTQT 3 – 22051178 – INE 3104 4.