Kinh tế toàn cầu năm 2021 khép lại với xu hướng phục hồi kể từ khi chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, đà phục hồi có sự phân hóa rõ ràng giữa các nền kinh tế. Nhiều tổ chức kinh tế dự báo xu hướng phục hồi này vẫn tiếp diễn trong năm 2022, nhưng nhiều khả năng tốc độ sẽ chậm lại khi hiệu ứng của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, kích cầu giảm sút và các nước vừa phải kiểm soát dịch bệnh, vừa phải thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Nội dung bài viết
Thực trạng kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19
Nền kinh tế toàn cầu đã dần phục hồi trong năm 2021, nhưng vẫn đang phải đối mặt với viễn cảnh bất định trong ngắn hạn do sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới. Sau hai năm khủng hoảng COVID-19, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chưa đồng đều vẫn đang diễn ra, nhưng động lực đã yếu đi bởi nhiều bất định và rủi ro khác nhau. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo tăng trưởng 4,2%; tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,5%.
Kinh tế nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 4, nên đã làm chệch quá trình phục hồi kinh tế trong quý III năm 2021 (GDP quý 3 năm 2021 giảm 6,02%). Sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài và gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề. Hệ quả là GDP của nước ta năm 2021 ước tính chỉ tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12 năm 2020.
Mặc dù đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 4/2021 với tỷ lệ xét nghiệm và tiêm vắc-xin còn thấp, nhưng các cấp có thẩm quyền đã ứng phó một cách nhanh chóng và triển khai tiêm vắc-xin diện rộng trên toàn quốc. Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 12 năm 2021, trên 75% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và trên 55% đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Nỗ lực tiêm vắc-xin đã tạo điều kiện cho Chính phủ chuyển từ chính sách “không COVID-19” với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tổn thất kinh tế nghiêm trọng nhằm giảm thiệt hại về người sang chính sách “sống chung với COVID-19”, theo đó nền kinh tế được mở cửa trở lại trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tễ. Thực tế cho thấy, đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021 đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp. Đợt bùng phát dịch này đã làm trầm trọng thêm tình hình thị trường lao động.
Thị trường lao động của Việt Nam vốn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch tại thời điểm đợt dịch này bắt đầu. Các đợt giãn cách xã hội vào quý 3/2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu lao động, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của người lao động bị giảm 12,6% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước. Theo khu vực kinh tế, với biện pháp giãn cách xã hội, lao động trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt giãn cách vào quý 3/2021, nhưng niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo Điều tra tình trạng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ tháng 9 đến tháng 11/2021, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa tại Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt cao (35%). Trong số những doanh nghiệp còn mở cửa, có đến 57% phải cắt giảm giờ làm. Tổng doanh số trong giai đoạn từ tháng 9 – tháng 11/2021 bị giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thực tế, 57% doanh nghiệp cho biết họ đã nhận được một phần hỗ trợ của Chính phủ so với tỷ lệ 19% trong tháng 6/2020 và 36% trong tháng 1/2021. Về tài chính tiền tệ, cung tiền và tín dụng được mở rộng nhanh chóng đã đảm bảo thanh khoản dồi dào, trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Do đó, tăng trưởng tín dụng liên tục cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào trong khủng hoảng.
Bất chấp cung tiền tăng nhanh và giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới lên cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,84% nhờ giá lương thực, thực phẩm ổn định và sức cầu trong nước yếu. Kết quả này có thể được lý giải bằng một số yếu tố như: Bất chấp khủng hoảng, tổng thu ngân sách đến tháng 11/2021 đã vượt dự toán. Mặt khác, tổng chi ngân sách thấp hơn nhiều so với kết quả năm 2020. Ngoài ra, ứng phó của Chính phủ với đợt bùng phát dịch COVID-19 trong quý 3 vẫn tương đối khiêm tốn và manh mún về quy mô.
Các cấp có thẩm quyền đã công bố một số gói hỗ trợ tài khóa trong năm 2021 dành cho doanh nghiệp (vào tháng 4, tháng 9 và tháng 10), dành cho hộ gia đình và người lao động khu vực phi chính thức (vào tháng 7) tổng cộng bằng 2,5% GDP; nhưng do những thách thức trong triển khai nên tổng mức hỗ trợ chỉ đạt khoảng 1,8% GDP, chủ yếu qua biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm. Mặc dù ngân sách bội thu trong 11 tháng đầu năm, nhưng cân đối thu, chi của Chính phủ của cả năm 2021 vẫn ghi nhận bội chi tương đương 4,8% GDP.
Thu ngân sách cả năm 2021 cao hơn khoảng 1,0% so với năm 2020, và các cấp có thẩm quyền cũng đã cố gắng tăng chi ngân sách từ thời điểm mở cửa lại nền kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Ví dụ, tổng chi ngân sách tháng 11 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4/2021 nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (tăng hơn 150% so cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2021, giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn thấp hơn khoảng 36% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 dự kiến tiếp tục xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh thích ứng, sống chung với dịch bệnh và triển khai các chương trình, kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ chậm lại trong năm 2022 khi hiệu ứng của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, kích cầu giảm sút và các nước vừa phải phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành vào tháng 3/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng về thời gian và mức độ bất ổn. Mức độ tác động do cuộc xung đột gây ra đối với kinh tế toàn cầu là rất khó định lượng, phụ thuộc một phần vào thời gian xảy ra cuộc chiến và các phản ứng chính sách.
Theo ước tính của OECD, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2022 từ mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Fitch Ratings nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể khi các thách thức lạm phát gia tăng và xung đột giữa Nga và U-crai-na đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu. Theo đó, tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 12/2021, chỉ đạt 3,5%.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, do chính phủ các nước thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ được thực hiện trong thời gian đại dịch. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu phát triển sẽ giảm xuống còn 3,8% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5% của năm 2021.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, WB dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 sẽ ở mức 4,6%, thấp hơn so với mức 6,3% của năm 2021. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định biến thể Omicron đang là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng cùng với gián đoạn nguồn cung đã khiến lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh hơn so với dự báo. Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021. Đối với các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo kinh tế Hoa Kỳ giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây và đạt mức 4% trong năm 2022.
Hình 1. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 và 2022 của các tổ chức quốc tế
Nguồn: WB, IMF, Fitch Ratings
Biến thể Delta xuất hiện trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng diễn ra chậm trong nửa đầu năm 2021, các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và lạm phát cao hơn. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều nước ưu tiên khôi phục hoạt động sản xuất, cung ứng trước tình trạng chênh lệch cung – cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nhằm tạo môi trường kinh doanh có sức bật cho khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng (Đồ thị 4 và Đồ thị 5).
Đồ thị 4: Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 (%)
Nguồn: IMF – World Economic Outlook (October 2021)
Đồ thị 5: Thương mại toàn cầu dự kiến tiếp tục cải thiện
Nguồn: WTO
Thách thức trong bối cảnh phục hồi kinh tế
Mặc dù kinh tế toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng rủi ro gia tăng đáng kể có thể làm chững lại đà phục hồi vốn đang bấp bênh và khá mong manh.
Thứ nhất, không ai có thể chắc chắn khi nào đại dịch Covid-19 được kiểm soát triệt để, đặc biệt là nguy cơ những biến thể mới có thể xuất hiện làm tái bùng phát dịch bệnh ngay cả ở những nước phát triển đã phổ cập vắc-xin, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, điều kiện tài chính toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn. Áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, buộc các ngân hàng trung ương, các chính phủ giảm quy mô kích thích kinh tế và kích hoạt “bình thường hóa lãi suất”. Việc thắt chặt chính sách quá nhanh có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong số các nền kinh tế lớn, lạm phát là một vấn đề tương đối nóng ở Mỹ và Anh và được dự báo có mức tăng lạm phát lớn nhất trong năm 2022, chủ yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu cải thiện, đẩy chi phí hàng hóa và dịch vụ lên cao, kinh tế toàn cầu phục hồi bấp bênh khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại môi trường lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp có thể khiến kinh tế toàn cầu quay trở lại thập niên lạm phát đình trệ.
IMF cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế toàn cầu do sự mất cân bằng lớn nguồn cung vắc-xin Covid-19, khi có gần 60% dân số tại các nước phát triển đã được tiêm chủng, tỷ lệ này tại nền kinh tế mới nổi là 36%, trong khi tại các nước có thu nhập thấp mới chỉ có 4%, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt.
Thứ ba, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra không đồng đều. Như đã đề cập ở trên, các nền kinh tế phát triển hiện nay đang là động lực chính của sự phục hồi. Điều này làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nước, đẩy các nước có thu nhập thấp vào nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng như sự phụ thuộc lớn hơn vào các nước phát triển.
Thứ tư, căng thẳng chính trị giữa các nước lớn có thể cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, tài chính và đầu tư, cùng với các lệnh trừng phạt vẫn đang tiếp diễn. Theo Economist Intelligence Unit – EIU (Anh), điều này có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa các nền kinh tế ủng hộ Trung Quốc và ủng hộ Mỹ. Từ đó, gián tiếp làm gia tăng sự không chắc chắn trong thương mại và kinh tế toàn cầu.
Một số giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin cho toàn dân, cần tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau để phát triển kinh tế:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu khai thông điểm nghẽn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh; Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phục hồi kinh tế và gia tăng sức chống chịu sau đại dịch Covid-19.
Một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều quan trọng, bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi.
Do đó, ở đâu có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh; có thể chế bảo đảm bảo vệ tài sản và các quyền giao kết hợp đồng thì ở đó, dễ dàng khởi sự kinh doanh, thích nghi với các quy định mới và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Chất lượng môi trường kinh doanh cũng có vai trò quan trọng đối với đầu tư nước ngoài và sự liên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách.
Cần thường xuyên chủ động rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu khai thác khoáng sản, vãng lai, thu từ tiền sử dụng đất đối với các dự án chưa nộp. Triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên dành nguồn chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi hành chính, hội họp, đi công tác; đồng thời bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và tăng chi tiêu cho an sinh xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Hình minh hoạ
Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, dự án khởi công mới. Do vậy, cần khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Trong thực hiện cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thứ năm, tăng chi cho an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Hình minh hoạ
Cần rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức và đối tượng thất nghiệp; Hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; Cho người lao động vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội;…
Việc triển khai các hỗ trợ cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo tiền hỗ trợ được chuyển nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động; Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động; Nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề chất lượng cao,… để góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Thứ sáu, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xuất khẩu bền vững.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm ở một số bài viết sau:
Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi sẽ ảnh hưởng đà phục hồi trong nước
Sinh viên thực hiện: Trương Thị Minh Thoa
MSV: 19051590
Lớp: INE 3104 1