Định vị thương hiệu là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của mọi doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh chiếm lĩnh thị trường và ghi danh trong tâm trí khách hàng. Nhưng định vị thương hiệu là gì đúng nghĩa, tại sao nó lại quan trọng như vậy và làm thế nào chúng ta có thể xây dựng chiến lược phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình?
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về định vị thương hiệu, đồng thời giới thiệu Top 5 chiến lược định vị thương hiệu được xem là hiệu quả nhất trong thế giới kinh doanh mà doanh nghiệp nào cũng nên tham khảo. Hãy cùng nhau khám phá bí mật về sức mạnh của định vị thương hiệu và những cách tiếp cận tối ưu nhất để giúp doanh nghiệp của bạn nổi bật giữa đám đông nhé!
Nội dung bài viết
I. Định vị thương hiệu là gì?
Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là một chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng và quảng bá cho thương hiệu của mọi doanh nghiệp.
Theo Philip Kotler – cha đẻ của Marketing hiện đại đã định nghĩa như sau: “định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng”. Bên cạnh đó, có rất nhiều quan điểm khác về việc giải thích khái niệm của định vị thương hiệu, nhưng về cơ bản các khái niệm này đều xoay quanh việc thương hiệu của bạn cần một vị trí “đắc địa” trên bản đồ bao gồm rất nhiều thương hiệu khác đang cùng cạnh tranh trong cuộc chiến giành tâm lý khách hàng.
Giống như hình ảnh thương hiệu, định vị thương hiệu không đơn thuần là những gì doanh nghiệp bạn truyền tải, mà còn là những gì khách hàng cảm nhận được. Đây chính là chiến lược tiếp thị mà các thương hiệu xây dựng để thiết lập bản sắc thương hiệu riêng, đồng thời truyền tải đề xuất giá trị, thôi thúc khách hàng chọn mua sản phẩm của họ thay vì từ một thương hiệu khác.
Ngoài ra, chiến lược này còn được áp dụng khi một công ty muốn thúc đẩy khách hàng tạo dựng mối liên kết giữa thương hiệu và đề xuất giá trị của thương hiệu đó.
Tóm lại, có thể hiểu đơn giản: Định vị thương hiệu là việc tạo ra giá trị riêng, giúp khách hàng của bạn phân biệt được với những thương hiệu khác. Đây là một yếu tố quan trọng nằm trong chiến lược Marketing.
II. Tại sao cần chiến lược định vị thương hiệu?
Trong bối cảnh thị trường hàng hoá đa dạng, cạnh tranh khốc liệt, việc nhận diện, phân biệt sự khác nhau giữa các thương hiệu của một sản phẩm ít nhiều gây khó dễ với người tiêu dùng. Đứng trước tình hình đó, những chiến lược định vị thương hiệu ra đời để giúp các doanh nghiệp tạo một ấn tượng riêng cho sản phẩm của mình. Lợi ích mà một chiến lược định vị thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến như:
- Tăng độ nhận diện về sản phẩm cho khách hàng, tăng doanh thu: Khi có vị trí nhất định trên thị trường sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng mà không cần phải thông qua các chiến dịch truyền thông rầm rộ, giúp tối ưu được các chi phí marketing.
- Tạo ra sự khác biệt độc đáo cho doanh nghiệp: Định vị thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật, khẳng định vị thế và tạo ấn tượng đối với khách hàng
- Xây dựng niềm tin, tạo ra một sự liên kết mạnh mẽ giữa thương hiệu và khách hàng: Có sự định vị tốt, đồng nghĩa với việc thương hiệu sẽ tạo được chỗ đứng nhất định, tạo được sự tín nhiệm và lượng khách hàng trung thành để phát triển trong tương lai.
III. Top 5 chiến lược định vị thương hiệu hiệu quả cho doanh nghiệp
1. Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên chất lượng của sản phẩm
Chiến lược định vị thương hiệu này tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, những giá trị cốt lõi của thương hiệu và quảng bá chúng đến khách hàng thông qua các chiến lược truyền thông. Bằng cách này, thương hiệu có thể khắc sâu vào tâm trí khách hàng hình ảnh độc nhất về thương hiệu, và mỗi khi được gợi nhắc đến một giá trị nào đó có liên quan thì khách sẽ ngay lập tức nghĩ đến thương hiệu. Đây là một chiến lược lâu dài và bền bỉ.
Ưu điểm của chiến lược này là khi đã định vị thành công thì thương hiệu của bạn sẽ sống mãi với thời gian, tạo ra ấn tượng về chất lượng, xây dựng niềm tin cốt lõi từ phía khách hàng.
Điển hình là Toyota đã xây dựng một thương hiệu đáng tin cậy và độc đáo trong lĩnh vực ô tô. Như một trong những hãng xe hàng đầu thế giới, Toyota đã gắn liền với những giá trị cốt lõi như chất lượng, độ tin cậy, hiệu quả nhiên liệu, và sự tiện nghi trong di chuyển. Sự độc đáo của thương hiệu nằm ở việc họ tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, cùng với cam kết bền vững và chăm sóc khách hàng tận tâm.
2. Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên giá cả
Chiến lược định vị dựa trên giá thấp là việc doanh nghiệp tập trung vào việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ với giá cả thấp nhất có thể. Thay vì tập trung vào các yếu tố như sự sang trọng hay cầu kỳ của sản phẩm, chiến lược này đặt trọng điểm vào việc tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành, nhằm mang lại cho khách hàng một sự lựa chọn vô cùng hấp dẫn từ góc độ giá cả.
Ưu điểm lớn nhất của chiến lược này chính là giá cả vô cùng cạnh tranh so với đối thủ, giúp tăng cơ hội thu hút một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhạy cảm với giá; từ đó có thể mở rộng sang các lợi ích khác như kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả và tăng độ tích cực cho thương hiệu.
Điển hình thành công khi sử dụng chiến lược này không thể không nhắc tới Walmart – thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới của xứ cờ hoa.
Theo Sam Walton – nhà sáng lập, ông đã lựa chọn định vị thương hiệu “giá rẻ” cho Walmart thông qua 3 chiến lược định giá:
- Giá thấp hàng ngày: cung cấp sản phẩm chất lượng với mức giá thấp nhất có thể một cách liên tục mà không cần bất kỳ ưu đãi giảm giá hay nhân dịp gì
- Định giá theo định hướng thị trường: theo sát chiến lược của đối thủ cạnh tranh để đưa ra quyết định phù hợp
- Định giá đăng ký theo tỷ lệ cố định: một nhóm các sản phẩm có cùng tính năng sẽ được đặt một mức giá cố định.
Tìm hiểu thêm: Chiến lược thương hiệu Walmart: Giàu nhất nhờ bán hàng giá thấp nhất
3. Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên người nổi tiếng
Định vị thương hiệu dựa trên những người có sức ảnh hưởng là một trong những chiến lược rất được ưa chuộng bởi những nhãn hàng lớn trên thế giới. Thông qua việc liên kết với người nổi tiếng, doanh nghiệp có thể tận dụng sự ảnh hưởng của họ để tạo ra ấn tượng tích cực và gắn kết mạnh mẽ với khách hàng.
Tạo ra sự tin tưởng và lòng trung thành từ phía khách hàng chính là ưu điểm đầu tiên khi nhắc tới chiến lược này. Khách hàng có thể cảm thấy an tâm hơn khi một người mà họ kính trọng chấp nhận và ủng hộ thương hiệu. Từ đó giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và gắn kết mạnh mẽ với đối tượng khách hàng mục tiêu.
Tiêu biểu như Nike từng cộng tác với hàng trăm diễn viên, ca sĩ, vận động viên nổi tiếng trong khắp thời gian thương hiệu hoạt động. Như chiến lược hợp tác giữa Nike và huyền thoại bóng rổ Michael Jordan đã mở ra kỷ nguyên sneaker bao trùm thế giới. Dõi theo mỗi bước chạy của Jordan, người ta thấy bóng dáng của thương hiệu Nike – Một thương hiệu trẻ trung, hiện đại và “Just do it”.
Tìm hiểu thêm: Nike và tầm nhìn chiến lược kinh doanh: Xây dựng 1 thương hiệu vĩ đại qua thời gian
4. Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên đối thủ cạnh tranh
Sử dụng đối thủ cạnh tranh làm khung tham chiếu để phân biệt thương hiệu là một kiểu định vị được áp dụng khá nhiều bởi những thương hiệu mới chưa có thị phần. Định vị thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh là đưa ra những ưu điểm của thương hiệu, khẳng định rằng thương hiệu vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường và khách hàng mà còn tạo ra một hình ảnh thương hiệu độc đáo và hiệu quả. Đó là bởi vì thông qua nghiên cứu về đối thủ, giúp xác định thị trường và nhu cầu cụ thể của khách hàng để tôi ưu hoá chiến lược.
Ví dụ: Samsung và Apple, Coca Cola và Pepsi, Milo và Ovaltine, … Những thương hiệu này liên tục tung ra các thông điệp quảng cáo “cà khịa” nhau, gieo vào tâm trí khách hàng những đặc điểm nổi bật của thương hiệu so với đối thủ. Ngoài ra, một số thương hiệu cũng định vị bản thân vượt trội hơn so với các đối thủ khác trong ngành, ví dụ Vinamilk khẳng định vị thế “thương hiệu sữa số 1 tại Việt Nam”.
Một trong những màn đối đầu công nghệ lớn nhất và ấn tượng nhất trong 1 thập kỷ qua chính là cuộc chiến giữa Apple và Samsung. Hai công ty này luôn cạnh tranh gay gắt với nhau trong những lĩnh vực thiết kế như smartphone, smartwatch hay tai nghe.
Tìm hiểu thêm: Chiến lược marketing của Apple – “Gã khổng lồ” ngành công nghệ
5. Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên vấn đề – giải pháp
Chiến lược này được xây dựng từ việc xác định được những khó khăn của khách hàng, xác định nhu cầu chưa được thỏa mãn để đưa ra giải pháp từ chính sản phẩm, dịch vụ của công ty mình. Thay vì chỉ đơn giản là quảng cáo tính năng hoặc lợi ích của sản phẩm, chiến lược này đặt mình vào tâm trạng và nhu cầu thực sự của khách hàng.
Ưu điểm của chiến lược này là tạo ra sự liên kết mạnh mẽ với khách hàng; tăng tính thực tế, ứng dụng của sản phẩm và tăng hiệu quả truyền thông thông qua việc truyền đạt một vấn đề, thông điệp cụ thể, rõ ràng.
Một ví dụ điển hình của Chiến lược định vị thương hiệu dựa trên vấn đề – giải pháp chính là thương hiệu kem đánh răng Close Up. Close Up hiểu khó khăn của khách hàng chính là: rào cản giao tiếp vì hơi thở không thơm mát, từ đó đưa ra giải pháp từ kem đánh răng với thông điệp “Đã đến lúc xích lại gần nhau hơn”.
Tìm hiểu thêm: Chiến lược marketing của Closeup: Chinh phục trái tim người dùng Việt
IV. Làm thế nào để tạo ra một chiến lược định vị thương hiệu phù hợp với doanh nghiệp của bạn?
Có rất nhiều cách khác nhau để giúp công ty tạo dựng và mở rộng quy mô chiến dịch định vị thương hiệu, do đó, cách thức tạo ra còn phụ thuộc vào sứ mệnh, sản phẩm, phân khúc khách hàng và quy mô của doanh nghiệp. Clibme sẽ gợi ý cho bạn các bước cơ bản sau:
- Bước 1: Xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Đây là một việc đòi hỏi quá trình nghiên cứu, tìm tòi lâu dài, kiên trì. Bạn cần xác định rõ những điểm mạnh và khác biệt của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Điều này có thể là chất lượng, giá trị, sáng tạo, hoặc một yếu tố độc đáo khác mà khách hàng không tìm thấy ở đối thủ.
- Bước 2: Phân tích thị trường và đối thủ
Đây là cơ sở để xây dựng một chiến lược đúng đắn. Nắm vững đặc điểm của thị trường, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đồng thời, xác định những đối thủ cạnh tranh, họ đang đặt mình ở vị trí nào và điều gì làm nổi bật họ.
- Bước 3: Chọn lựa chiến lược định vị phù hợp
Thông qua phân tích sản phẩm, khách hàng và đối thủ hãy chọn lựa kỹ càng một chiến lược phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn. Đặc biệt, phải luôn tạo ra một hình ảnh tích cực cho thương hiệu thông qua logo, slogan và thông điệp.
- Bước 4: Tích hợp chiến lược định vị vào mọi góc độ của doanh nghiệp
Chiến lược định vị không chỉ là về quảng cáo. Hãy tích hợp nó vào mọi khía cạnh của doanh nghiệp, từ sản phẩm và dịch vụ đến trải nghiệm khách hàng và truyền thông. Điều này giúp đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả của chiến lược.
- Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh chiến lược liên tục
Các thương hiệu không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hãy lắng nghe ý kiến của khách hàng, theo dõi thị trường và làm mới chiến lược của bạn để đảm bảo sự độc đáo và phù hợp trong mọi tình huống kinh doanh.
V. Kết luận
Trong cuộc đua khốc liệt của thị trường hiện đại, Định Vị Thương Hiệu trở thành chìa khóa quyết định giữa sự nổi bật và sự lẫn lộn. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp xác định vị trí của mình mà còn tạo ra một hình ảnh độc đáo và gắn kết mạnh mẽ với khách hàng. Trong bài viết này, chúng ta đã khám phá Top 5 Chiến Lược Định Vị Thương Hiệu Hiệu Quả Cho Doanh Nghiệp, đảm bảo rằng mỗi doanh nghiệp có thể điều chỉnh và áp dụng chúng theo đặc trưng riêng của mình.
Đừng để từ khóa “Định Vị Thương Hiệu” chỉ là một khái niệm, mà hãy biến nó thành một chiến lược thực tế đánh bại mọi thách thức.
Nếu bạn quan tâm đến Marketing, có thể tham khảo các bài viết hữu ích dưới đây:
Storytelling: Nghệ thuật kinh điển trong marketing của 3 thương hiệu hàng đầu thế giới
Spotify Wrapped – nhật ký âm nhạc thành công nhất năm 2023: Vì sao?
Vinamilk trình làng bộ nhận diện thương hiệu mới
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thu Hà
Mã sinh viên: 21050844
Lớp: QH-2021-E KTQT CLC 5
Mã lớp học phần: INE3104 5