Nếu với ngành hàng tiêu dùng FMCG, các chiến dịch marketing được thỏa sức sáng tạo, bay bổng với câu từ, thì với ngành dược điều đó lại phải tuân theo một khuôn khổ riêng. Như đã biết, ngành dược là ngành ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người nên marketing của ngành này đòi hỏi độ chính xác cao, tính khoa học, tính đúng đắn nhằm mang đến những sản phẩm thuốc, dược phẩm an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.
Marketing dược phẩm đóng vai trò quan trọng cho tập đoàn và nhà sản xuất dược phẩm. Để triển khai marketing ngành dược thành công, bạn phải cộng hưởng rất nhiều yếu tố quan trọng.
Nội dung bài viết
I. Marketing Dược là gì?
Marketing dược hay marketing dược phẩm (Tiếng Anh: Pharma marketing) là một lĩnh vực đặc thù trong ngành tiếp thị đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa kiến thức về dược học và tư duy marketing để đạt hiệu quả trong việc tiếp cận và đưa sản phẩm dược phẩm đến người tiêu dùng, bác sĩ, nhà thuốc và cơ sở y tế khác.
Tuy nhiên, marketing dược không chỉ đơn thuần là hai miếng ghép hình chỉ gắn vào nhau là thành một thể thống nhất. Nếu bạn nắm vững thủ pháp marketing mà thiếu hiểu biết về bệnh học, sức khỏe người tiêu dùng, thông tin thuốc thì không khác gì lang băm quảng cáo.
Đặc biệt, dược phẩm là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Thậm chí là đến tính mạng của người tiêu dùng. Vì vậy dù bạn là người mới hay dân chuyên thì điều cơ bản nhất là bạn cần hiểu kỹ về bệnh học liên quan và thành phần, công dụng của sản phẩm. Có thể bạn không cần là một dược sĩ giỏi. Nhưng ít nhất bạn phải hiểu rõ sản phẩm mình phụ trách.
Mục tiêu của Marketing Dược
Marketing dược phẩm hướng đến 2 mục tiêu cơ bản, luôn đi song hành và bổ trợ cho nhau là:
Mục tiêu sức khỏe: Doanh nghiệp phải cung cấp dược phẩm chất lượng, hiệu quả và an toàn cho người sử dụng, tức là mang lại giá trị thực và hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu kinh tế: Sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả để tồn tại và phát triển bền vững. Mục tiêu kinh tế là mục tiêu quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại của một công ty. Marketing dược phẩm phải nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu lớn nhằm đóng góp cho xã hội.
Đặc điểm của Marketing Dược
Hoạt động marketing dược phải đáp ứng được 5 đúng: đúng thuốc, đúng số lượng, đúng nơi, đúng giá, đúng lúc.
Đúng giá: Đây là một trong 04 chính sách quan trọng của marketing – mix. Trong thực tế, giá là một trong những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến quyết định người tiêu dùng. Hơn thế, thuốc là loại hàng hoá tối cần, người tiêu dùng bắt buộc phải điều trị bệnh. Lượng hàng hoá này tại hầu như tại các cửa hàng bán lẻ gần như không có hiệu tượng mặc cả giá. Vì vậy, marketing dược phẩm đảm bảo đúng giá thuốc tạo thị trường bình ổn là điều cần thiết.
Đúng lúc: Thuốc là loại dược phẩm cần thiết đối với sức khỏe của người bệnh. Cần sẵn sàng đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu là trách nhiệm của người quản lý marketing.
Đúng thuốc: Trong ngành dược yếu tố chính xác là phải đảm bảo, cần tránh những điều không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Cung cấp đúng loại dược chất, đúng hàm lượng trên nhãn chính là đảm bảo chất lượng thuốc.
Đúng nơi: Toa thuốc được bác sĩ kê đơn, chỉ có dược sĩ là người phân phát thuốc chính xác. Marketing dược là phải chú trọng mối quan hệ thương mại tốt với các nhà phân phối. Cần đảm bảo giữa nhà phân phối và người bán lẻ, bệnh nhân có mối quan hệ thống nhất.
Đúng lượng thuốc: Xác định chính xác lượng thuốc sản xuất kinh doanh ra thị trường là điều cần thiết đối với marketing dược. Quy cách số lượng thuốc đóng gói cần phù hợp với thị trường mục tiêu ở bệnh viện, hiệu thuốc,..
Vai trò của Marketing Dược
Giúp khách hàng hiểu sản phẩm.
Thông qua marketing ngành dược, khách hàng có thể tìm hiểu về thông tin bệnh một cách dễ dàng. Ngoài ra, nội dung của marketing cho ngành dược tuy mang tính chuyên môn cao nhưng được truyền tải bằng ngôn từ dễ hiểu. Nhờ đó thông tin nhanh chóng đi sâu vào tâm trí khách hàng. Khách hàng có thể tiếp cận với dược phẩm một cách chủ động và tiết kiệm thời gian.
Tăng tính cạnh tranh
Dược phẩm là một ngành không thể thiếu đối với xã hội. Việc kinh doanh dược phẩm có tính cạnh tranh cao, rộng lớn và có nguy cơ bão hòa. Vì vậy, để có ưu thế vượt qua các đối thủ cạnh tranh và định vị thương hiệu. Doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư vào công tác marketing và thị trường dược phẩm.
Marketing y dược thúc đẩy bán lẻ
Mục tiêu của marketing dược là mở rộng kênh bán hàng tạo ra một hệ sinh thái bán lẻ dược phẩm đầy triển vọng và là hướng đi mới mà các doanh nghiệp dược phẩm đang nhắm đến.
Tạo ra doanh thu, xây dựng tập tính mua hàng mới
Ngày nay, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng thịnh hành, tác động không nhỏ đến ngành dược phẩm. Thông qua hoạt động marketing mà việc mua dược phẩm tại các website hay sàn thương mại được khách hàng ủng hộ đông đảo.
Marketing dược giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn thương hiệu
Marketing dược tối ưu công cụ tìm kiếm (SEO) giúp website của doanh nghiệp bạn lên top đầu. Khi khách hàng có nhu cầu, họ sẽ chủ động tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp của bạn. Thương hiệu của doanh nghiệp nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc với công chúng.
Marketing dược là yếu tố quan trọng trong quản lý kinh tế
Hiện nay, quản lý ngành dược sẽ thông qua các chính sách, quy chế để điều tiết thị trường. Ở khía cạnh quản lý vi mô, marketing dược là cốt lõi quyết định chiến lược marketing của công ty đó, cân bằng giữa tính y tế và kinh tế.
II. 5 chiến lược quan trọng trong Marketing Dược
Chất lượng sản phẩm là gốc
Dược phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người, vấn đề chất lượng cần được đặt lên hàng đầu. Điều này chính là cốt lõi để Marketing Dược đạt được mục tiêu.
Để làm nổi bật chất lượng vượt trội của sản phẩm, hãy nói về:
- Nguồn gốc, xuất xứ
- Các số liệu thực tế được kiểm chứng
- Giấy tờ liên quan
- Đánh giá chuyên môn từ các chuyên gia
Quan tâm hoạt động chăm sóc khách hàng
Chăm sóc khách hàng đóng vai trò quan trọng, để đạt được cả hai mục tiêu của marketing dược.
- Mục tiêu 1: tiếp thu ý kiến. Phản hồi của người dùng là cơ sở đế cải tiến trong chất lượng sản phẩm.
- Mục tiêu thứ 2: tiếp cận đúng lúc. Kích thích khách hàng mua sản phẩm, thúc đẩy gia tăng doanh số vô cùng dễ dàng
Marketing ngành Dược xuất phát từ trái tim
Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, các bài PR Dược phẩm tràn đầy các trang báo mạng, người bệnh thậm chí bị bội thực thông tin, nhất là những bệnh mạn tính như dạ dày, đại tràng, trĩ… Nếu quảng cáo nhãn hàng nào cũng nói rằng mình an toàn và “chữa được bệnh” (quảng cáo lý tính) thì không thể chạm đến số đông, bởi hiện tại Marketing cảm xúc đang là xu hướng chung của các ngành và luôn tạo ra sự gắn kết chặt chẽ với khách hàng.
Xem thêm tại >>> Chiếm được trái tim khách hàng và Marketing ngành dược – Inbound Marketing Agency – ONESE Holdings
Thể hiện trách nhiệm xã hội
Mục tiêu cuối cùng của marketing dược là việc mang lại giá trị đích thực cho sức khỏe cộng đồng. Các hoạt động của doanh nghiệp luôn gắn với trách nhiệm xã hội, ngoài nâng cao vị thế và tạo ra giá trị vô hình của thương hiệu. Bên cạnh đó, còn tạo thiện cảm vô cùng tốt đẹp và bền vững trong tâm trí khách hàng, khiến công chúng lan truyền mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt về doanh nghiệp. Đó là hình thức Marketing vô cùng hiệu quả.
Chiến lược Marketing Dược phẩm cần dài hạn
Mục tiêu của chiến dịch marketing dược phẩm không thể đạt được trong thời gian ngắn. Đặc điểm của marketing dược cần phối hợp tạo ra một chiến lược marketing đủ dài hạn để tạo độ phủ, cũng như tích hợp kênh truyền thông phù hợp để chiến dịch phát huy hiệu quả lâu dài.
III. Case-study nổi bật về Marketing Dược phẩm: “Cuộc hành trình của Morin”
Đầu năm 2018, Công ty Dược phẩm quốc tế ITP cho ra mắt sản phẩm mới mang tên Moringa Kid. Đây là loại cốm chùm ngây giúp trẻ cải thiện các vấn đề tiêu hoá và hỗ trợ tăng cân tự nhiên. Xuất hiện giữa thị trường dược phẩm vốn luôn phong phú các mặt hàng tăng cường sức khoẻ dành cho trẻ nhỏ, Moringa Kid mong muốn tạo ra những dấu ấn khác biệt về cả mặt sản phẩm và thương hiệu để đến gần hơn với người tiêu dùng.
Eonmix Creative Agency đã xây dựng nhân vật đại diện thương hiệu Moringa Kid cùng một chuỗi bộ phim xoay quanh nhân vật đó với các yêu cầu:
- Viral nhân vật đại diện, quảng bá sản phẩm.
- Xây dựng hình ảnh đẹp về nhãn hàng trong mắt công chúng mục tiêu qua những câu chuyện của nhân vật Morin (những bài học về tình bạn, lòng dũng cảm, cách sống và chia sẻ tình yêu thương…).
- Đưa thương hiệu cốm chùm ngây Moringa Kid trở thành thương hiệu thân thuộc với đối tượng các bà mẹ có con biếng ăn, chậm lớn.
- Tạo được sự khác biệt so với đối thủ.
Chiến dịch thực hiện hướng tới 2 mục tiêu:
- Mục tiêu doanh thu: Thúc đẩy doanh số bán hàng từ sản phẩm cốm cũ.
- Mục tiêu marketing: Gia tăng độ nhận diện thương hiệu giai đoạn launching sản phẩm mới.
Insight
Trẻ biếng ăn, chậm lớn là nỗi lo thường trực của nhiều bà mẹ. Vì nỗi lo ấy, các mẹ sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ, tìm mọi món ăn, vị thuốc tốt nhất bồi bổ cho bé yêu của mình. Dù không nói ra nhưng người mẹ nào cũng muốn con mình lớn khỏe, “có da có thịt, mũm mĩm một chút mới đáng yêu”.
Đáp ứng nhu cầu ấy, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều các sản phẩm tăng cường sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Nhưng cách tiếp cận của các sản phẩm này hoặc quá thiên về khoa học, khiến những người không có kiến thức chuyên ngành khó mà hiểu được, hoặc quá sơ sài, khiến các mẹ không dám đặt niềm tin.
Tựu chung, trên hành trình cùng bé lớn khôn, quá nhiều áp lực và khó khăn từ bên ngoài làm người mẹ phần nào cảm thấy bị động và đơn độc. Nuôi con bỗng trở thành một gánh nặng không lời.
Kết quả chiến lược
Về marketing:
- Xây dựng hoàn thiện và đồng bộ các kênh marketing online cho nhãn hàng, gồm 1 website chính và 5 landing page vệ tinh; 1 fanpage có 37.000 lượt follow và hơn 220 khách hàng đánh giá 5 sao; hệ thống chatbot và nhắn tin trực tuyến hỗ trợ khách hàng 24/24 vận hành ổn định…
- Mỗi topic thảo luận trên các group và forum thu hút từ 4000-7000 lượt xem và chia sẻ về sản phẩm.
- Các video marketing duy trì ổn định lượt tiếp cận hơn 10.000 views/video.
Về doanh thu:
- Doanh thu tổng tăng khoảng 30% sau khi triển khai chiến dịch.
- Hơn 10.000 khách hàng nhắn tin tìm hiểu về sản phẩm trên fanpage khi chiến dịch được triển khai.
Tham khảo sản phẩm tại >>> CỐM MORINGA KID 100% NON GMO BÉ TIÊU HOÁ KHOẺ, TĂNG CÂN TỰ NHIÊN
V. Kết luận
Marketing dược là xương sống của việc quảng bá một thuốc mới đến cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Marketing ngành dược còn xây dựng hình ảnh của nhà sản xuất trong ngành. Sự ra đời của ngày càng nhiều công ty dược phẩm hiện nay khiến cho sự cạnh tranh tăng lên, do đó các hình thức marketing cũng ngày càng được cập nhật và “quyết liệt” hơn. Ngành dược phẩm thường chịu quản lý chặt chẽ từ nhiều bên, giấy tờ phức tạp, nội dung quảng cáo nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất mà dược phẩm cần xây dựng là sự an toàn.
Hy vọng bài chia sẻ này giúp bạn đọc hiểu được marketing dược là gì? Những lưu ý cơ bản trong cách xây dựng chiến lược marketing dược phẩm. Tuy nhiên, hãy nhớ chìa khóa cho sự thành công chính là sự nhất quán trong thông điệp và hình ảnh thương hiệu. Hai mục tiêu trên sẽ giúp bạn để lại ấn tượng đậm sâu trong trí nhớ khách hàng và thúc đẩy bán hàng hiệu quả.
Xem thêm tại:
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Hải Anh
Mã sinh viên: 21050773
Lớp học phần: INE3104 6
Lớp QH2021 E KTQT CLC6
Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN