Làm thế nào để trở thành 1 Global Citizen?

Be a Global Citizen

Toàn cầu hoá là một hiện tượng đột phá, mang tính cách mạng, làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, lối sống của con người…đặc biệt về lĩnh vực kinh tế. Sự xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia kéo theo những chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, “Công dân toàn cầu” trở thành thế hệ công dân mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.

1. Global Citizen là gì?

Công dân toàn cầu ( Tiếng Anh là Global Citizen) là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Một công dân toàn cầu có cả văn hóa và thế giới quan vượt ra biên giới quốc gia, văn hóa, sắc tộc và kinh tế. Họ sử dụng kiến thức về sự đa dạng trên thế giới để hiểu các nền văn hóa và quan điểm khác nhau nhằm tương tác hiệu quả với mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

Những Công dân toàn cầu trên khắp thế giới trong quá trình toàn cầu hóa
Những Công dân toàn cầu trên khắp thế giới trong quá trình toàn cầu hóa

1.1 Nguồn gốc hình thành

Có lẽ bạn chưa biết, “Công dân toàn cầu” là khái niệm được xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Nhà triết học Diogenes khi được hỏi đến từ đâu, ông đã trả lời: “Tôi là công dân của thế giới.”  Năm 1970, Hannah Arendt cho rằng: “Một công dân được định nghĩa là một công dân trong cộng đồng công dân của một quốc gia, và trong cộng đồng các quốc gia.”

Do sự hoạt động và phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế, các công ty đa quốc gia, các chính sách thu hút chất xám của chính phủ các nước và nhu cầu tồn tại, phát triển trong những môi trường thuận lợi hơn của con người, quá trình toàn cầu hóa đã làm phát sinh thế hệ công dân toàn cầu, một thế hệ công dân đa quốc tịch và xuyên biên giới.

1.2 Quá trình hình thành và bùng phát thế hệ công dân toàn cầu

Sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia
Sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia

 

Ban đầu là nhu cầu làm việc và quản lý của các công ty đa quốc gia. Những công ty này có chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất, thí nghiệm… rải khắp các châu lục. Từ đội ngũ quản lý này đã manh nha hình thành những công dân toàn cầu đầu tiên.

Sau đó để tiếp tục cuộc chiến “tranh giành chất xám” khốc liệt trên thế giới, ngay từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ của nhiều quốc gia như Đức, Mỹ đã có chiến dịch ưu đãi, mời gọi các nhà khoa học, danh nhân nổi tiếng đến sinh sống và làm việc tại đất nước mình. Ngày nay, đã có nhiều quốc gia tạo điều kiện nhập quốc tịch dễ dàng cho các doanh nhân, nhà khoa học hay những người tốt nghiệp tiến sĩ của các trường đại học danh tiếng.

Kế đến, đó còn là những người có nhu cầu và điều kiện làm việc ở hai quốc gia khác nhau. Họ đi lại, sinh sống hoặc làm việc thường xuyên bên ngoài cương thổ quê hương mình.

2. Tại sao phải trở thành công dân toàn cầu?

Công dân toàn cầu đang là xu hướng được các bạn trẻ yêu thích và theo đuổi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, có nhiều thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế… trên quy mô toàn cầu, việc trở thành công dân toàn cầu mang lại nhiều lợi ích cho họ như:

  • Được tiếp cận với các quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc, được phép đi lại du lịch tại nhiều quốc gia, tiếp thu nền giáo dục chất lượng và hệ thống y tế phát triển…
  • Được làm việc tại các công ty đa quốc gia:  Cùng với toàn cầu hóa là sự ra đời của các siêu tập đoàn thống trị thế giới như Google, Apple, Samsung… thì một công dân toàn cầu có thể sống, học tập và làm việc tại bất cứ đâu sẽ có nhiều cơ hội hơn để được làm việc ở các tập đoàn này. 
  • Mở rộng cơ hội kinh doanh: Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các liên kết kinh tế được thành lập, cá nhân và doanh nghiệp sẽ có lợi ích to lớn nếu biết hội nhập theo xu hướng, có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế và việc làm ăn kinh doanh sẽ được mở rộng trên phạm vi rộng hơn từ khu vực đến toàn cầu.

Không thể phủ nhận rằng công dân toàn cầu mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội nhờ lượng kiến thức và kinh nghiệm họ tích lũy được khi sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia và nhiều nền văn hoá khác nhau. Họ có thể làm được nhiều việc, ở nhiều nơi, linh hoạt trong mọi tình huống.

Ví dụ: Trước đây các công ty tìm kiếm nhân sự khó có thể tìm được nhân sự phù hợp vì bị giới hạn trong nước thì giờ đây, họ có thể tìm được người trên phạm vi toàn thế giới với trình độ tốt và chi phí thấp hơn.

3. Tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu đối với sinh viên

Theo đại học ĐH Swinburne Việt Nam,  có 3 tiêu chí để trở thành một công dân toàn cầu

Sinh viên và tiêu chuẩn để trở thành công dân toàn cầu
Sinh viên và tiêu chuẩn để trở thành công dân toàn cầu
  • Kiến thức – Global Knowledge

Tri thức toàn cầu là yếu tố đầu tiên để thích ứng trong môi trường toàn cầu hóa kinh tế. Để làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới, sinh viên cần được trang bị những kiến thức mới nhất. Bắt kịp những thay đổi mới của công nghệ, áp dụng vào chuyên ngành chính là cách để thành công cho dù bạn theo đuổi lĩnh vực nào.

Kiến thức toàn cầu liên quan đến tư duy toàn cầu. Công dân toàn cầu với kiến thức toàn diện sẽ có xu hướng quan tâm đến các vấn đề xã hội được cả thế giới quan tâm. Từ đó, họ có thể áp dụng kinh nghiệm toàn cầu để xử lý các vấn đề nảy sinh tại địa phương và kết nối với thế giới.

  • Kỹ năng – Global Skills

Kỹ năng toàn cầu là khả năng ứng dụng và thực hành trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, kỹ năng được chia ra làm hai nhóm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, cách thức sống, làm việc và học tập trong môi trường toàn cầu.

Các kỹ năng mềm liên quan tới cách thức học tập và làm việc được đánh giá là ngày càng quan trọng đặc biệt trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở thời kỳ này, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các kỹ năng chuyên môn lặp đi lặp lại hoặc có logic nhất định sẽ dần được thay thế bởi người máy.

Vì vậy kỹ năng sống của con người mà máy móc không thay thế được sẽ ngày càng trở nên quan trọng và cần được đào tạo, rèn luyện thực hành. Các kỹ năng học tập và làm việc mà nhà tuyển dụng cần sẽ liên quan tới thái độ tích cực, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo, phát triển trí tuệ cảm xúc.  

  • Cơ hội công việc – Global Employment

Với kỹ năng, kiến thức toàn cầu, sinh viên khi ra trường sẽ có khả năng làm việc trên toàn thế giới. Đây là mục tiêu sẽ đạt được trong một thế giới ngày càng phẳng và được trang bị đủ về kiến thức và kỹ năng toàn cầu.  

Internet và các thiết bị IoT phát triển tạo cơ hội cho làm việc toàn cầu mà không cần phải sang nước khác để là việc tự phát triển của Internet có thể cho phép chúng ta ngồi tại một quốc gia có thể làm việc với nhiều quốc gia khác trong vô số ngành nghề từ công nghệ, thương mại, luật, bác sĩ…. Đây là cơ hội chỉ có do tác động của quá trình toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Để trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta phải tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ngoài việc tiếp thu kiến thức lý thuyết thụ động, có thể tham gia các chương trình, hoạt động ngoại khóa như “Trại hè Công dân toàn cầu ( Gobal Ctizen Program) do tổ chức AIESEC” tổ chức hay “Chương trình công dân toàn cầu Swinburne” sẽ giúp chúng ta được đào tạo chuyên nghiệp và có trải nghiệm cụ thể

4. Phẩm chất cần có của một công dân toàn cầu

  • Cởi mở và tự tin

Bạn phải sống cực kỳ năng động và thích nghi với sự thay đổi liên tục. Nhờ có Internet, môi trường sống mở rộng ra toàn cầu, làm mờ biên giới các nước, không ngừng đặt ra những thử thách, đòi hỏi ta phải thích nghi với lối sống và văn hóa mới mà không cần phải ra nước ngoài.Vì vậy, một tư duy cởi mở chính là điều kiện cần đầu tiên của một công dân toàn cầu. Tư duy cởi mở mới giúp bạn sẵn sàng đón nhận những sự đặc biệt của nhiều giá trị văn hóa khác nhau, nghệ thuật, cách suy nghĩ và ý nghĩa khác nhau.

  • Nhập gia tùy tục

Từ ngày xưa, ông bà có câu “nhập gia tùy tục”. Và câu nói đó vẫn đúng cho tới ngày nay. Là công dân toàn cầu, ta phải chủ động thay đổi lối sống, bằng cách thay đổi thời gian biểu của bản thân để phù hợp với quốc gia đang sinh sống. Quan sát lối sống của người bản địa chính là chìa khóa đầu tiên để thích nghi và linh hoạt điều chỉnh các hoạt động của cá nhân.

  • Thích khám phá và trải nghiệm

Một công dân toàn cầu luôn là người yêu khám phá, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới lạ. Vì thế mà các công dân toàn cầu luôn cảm thấy thú vị và không cảm thấy khó khăn khi đến một quốc gia mới. Họ tìm đến những nơi độc đáo của văn hóa bản địa, tìm hiểu lịch sử, thói quen của người địa phương. Họ đặt những câu hỏi “Tại sao?” để tìm những điều làm nên lối sống hiện tại của người bản địa để thấu hiểu và thích nghi tốt hơn.

  • Thân thiện và hòa nhập 

Một công dân toàn cầu đích thực luôn biết cách hòa mình vào lối sống của cư dân bản địa. Hoang mang và sợ hãi luôn là điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt khi tiếp xúc với luồng văn hóa, tư duy mới. Cuộc sống ở quốc gia mới hẳn thật sự khó khăn, nhưng họ không hề nghĩ “cả thế giới đang chống lại mình”. Ngược lại, công dân toàn cầu xem đó là cơ hội để học hỏi thêm những điều mới và cố gắng thực hiện từng bước một. Họ mạnh dạn làm quen với những người bạn mới, nhờ họ chỉ dẫn để dần làm quen với những điều mới lạ.

5. Một số gương mặt công dân toàn cầu tiêu biểu của Việt Nam

Đinh Văn Năm (32 tuổi) trở thành niềm tự hào của đồng bào H’Rê xã Long Hiệp, huyện Minh Long, Quảng Ngãi. Không giới hạn ở môi trường trong nước, chàng trai H’Rê đã trở thành công dân toàn cầu với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, rồi trở về nước cùng tham gia xây dựng trung tâm phát triển phần mềm đang lớn mạnh từng ngày với công việc chính là hợp tác cùng đối tác “bí mật” từ Nhật Bản.

Anh Đinh Văn Năm phát biểu tại lễ tổng kết cuối năm của đối tác Nhật Bản
Anh Đinh Văn Năm phát biểu tại lễ tổng kết cuối năm của đối tác Nhật Bản

Nguyễn Phương Nữ du học sinh Việt tại Đại học Macalester, Mỹ, xuất sắc là một trong 3 gương mặt trẻ nhận giải thưởng “Sinh viên toàn cầu” năm 2020 (Global Citizenship Student Awards 2020).

 Nữ sinh Việt nhận giải thưởng "Sinh viên toàn cầu” năm 2020
Nữ sinh Việt nhận giải thưởng “Sinh viên toàn cầu” năm 2020

Phương là một sinh viên quốc tế chuyên ngành nghiên cứu sinh học và môi trường với niềm đam mê bảo tồn sinh thái. Trong suốt thời gian học tập tại Macalester, cô đã tham gia một số chương trình nghiên cứu và bảo tồn ở tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ), Việt Nam, Nam Phi và hoạt động tại tổ chức Văn hoá Việt Nam tại Macalester (Vietnamese Cultural Organization – VCO).

Thu Hương là một công dân toàn cầu thực thụ khi đã sống tại 7 quốc gia ở 4 châu lục, là đồng tác giả cuốn sách “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới – Những bước để trở thành công dân toàn cầu” . Ngoài 7 quốc gia mà Hương đã và đang sinh sống là Việt Nam, Séc, Argentina, Pháp, Canada, Mexico và Mỹ. Cô đã đặt chân tới tổng cộng 27 đất nước khắp 5 châu lục.

 Công dân toàn cầu Hồ Thu Hương
Công dân toàn cầu Hồ Thu Hương

Lớn lên tại một thành phố nhỏ nằm phía đông nước Séc, Hương đã quyết tâm tìm đường vươn ra thế giới. Cô tin rằng, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên không thể quyết định cuộc sống sau này của chúng ta. Các bạn trẻ Việt Nam có đủ yếu tố và phẩm chất để trở thành những công dân toàn cầu và tự tin sánh vai với thế giới nếu vận dụng được khả năng và điểm mạnh của mình.

6. Lời kết

Như vậy, qua bài viết chúng ta đã hiểu được như thế nào là công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu là mục tiêu của người Việt trẻ cũng như mọi công dân trên thế giới này, trở thành công dân toàn cầu hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải trau dồi kiến thức và rèn luyện bản thân ngay từ bây giờ để mở ra cánh cửa tương lai cho bản thân trong thời đại hội nhập toàn cầu.