Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới với tỉ lệ lây nhiễm tăng “chóng mặt” dù thế giới đã tìm ra được các loại Vacxin để ứng phó với dịch bệnh này. Có thể nói, những ảnh hưởng do Covid- 19 gây ra rất nghiêm trọng với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vậy những tác động tiêu cực đó như ảnh hưởng đến nền kinh tế như nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng đọc bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
1. Bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid – 19
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào ngày 08/12/2019, sau đó diễn biến rất phức tạp do tốc độ lây lan của đại dịch tăng theo cấp số mũ. Đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới WHO về bùng phát dịch bệnh. Đến 06/02/2020, số người chết do bệnh viêm phổi cấp lên tới 565, trong đó có 563 người ở Trung Quốc, một người ở Philippines, một người ở Hồng Kông; số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 28.276 trên toàn cầu.
Trước tình hình này, ngày 31/01/2020, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra.Ngày 11/3/2020, tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức công bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARCS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngày 16/06/2022, tổng số ca nhiễm trên thế giới là 537.353.020 ca và số ca tử vong lên tới 6.314.405 ca. Trong đó, Hoa Kỳ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với số ca nhiễm là 85.871.798 và hơn 1.009.151 người tử vong.
Tại Châu Âu, Italy tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với tổng số ca nhiễm là 17.726.696 và số ca tử vong là 167.553. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai với số ca nhiễm là 12.515.127 và số ca tử vong là 107.239. (số liệu thống kê vào ngày 16/06/2022).
Tại Châu Á, Ấn Độ có tổng số ca nhiễm là 43.245.517 ca và số ca tử vong là 524.792 ca, đứng đầu Châu Á. Hàn Quốc là quốc gia có số ca ghi nhận tăng gần 8.000 ca và nâng tổng ca nhiễm thành 18.256.457 với 24.497 người tử vong.
Tại Châu Đại Dương, Australia chiếm số ca nhiễm cao nhất trong khu vực lên đến 7.724.035 ca với 9.218 ca tử vong.
Tại Việt Nam, có 10.734.151 ca nhiễm với 43.083 người tử vong tính đến thời điểm hiện tại.
Như vậy, có thể thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 là rất lớn, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến xã hội mà còn cả kinh tế toàn cầu.
2. Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới và Việt Nam
2.1. Với kinh tế thế giới
Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia nhận định rằng đang tạo ra 2 thách thức lớn:
(1) Sự bất trắc gây ra bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thể đánh giá chính xác được mức độ nguy hiểm, thời điểm kiểm soát được dịch.
(2) Tác động tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Hai yếu tố này tác động rất lớn đến kinh tế thế giới, từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung – cầu, đến việc giảm nhu cầu, thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng, dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính.
Cụ thể đối với một số nền kinh tế:
Với kinh tế Mỹ, tăng trưởng GDP của Mỹ quý 2/2020 được dự báo chỉ đạt 0% hoặc thậm chí âm. Để phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc đông người, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn tại Mỹ như Macy’s, TJ Max, Walmart, Target… đã thông báo giảm thời gian mở cửa hoặc tạm thời đóng cửa đến cuối tháng 3/2020.
Nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đang ưu tiên giảm lượng hàng tồn kho, chú trọng nhập thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, chống đại dịch Covid-19. Nếu tình hình đại dịch tại Mỹ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng may mặc, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Ngân hàng Unicredit Bank Austria dự báo, GDP Áo sẽ giảm 0,6%, chủ yếu do đại dịch Covid-19; nền kinh tế Áo sẽ suy giảm trong nửa đầu năm, sau đó hồi phục và phát triển trong nửa cuối năm nay. Theo thông tin của Hiệp hội Thương mại Áo, khoảng 80% các nhà bán lẻ trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang, điện từ và trang sức đã bị lỗ trung bình khoảng 25% kể từ đầu tháng 3/2020.
Kinh tế thế giới đang được nhận định trong giai đoạn suy thoải do tác động của đại dịch Covid-19. Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, bất chấp những biện pháp kích cầu khẩn cấp quy mô lớn của các ngân hàng châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Australia; triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới liên tục được điều chỉnh giảm trong 2 tháng qua, từ 3,1% xuống 1,6%; hầu hết các nền kinh tế lớn bước vào giai đoạn suy thoái.
Với kinh tế khu vực, các chuyên gia đánh giá các nền kinh tế trong khu vực đều chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19: kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng âm trong Quý 1/2020 do các thị trường đầu ra của ngành sản xuất Trung Quốc như Mỹ, EU đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
ASEAN chịu tác động lớn khi hoạt động giao thương, du lịch với Trung Quốc, Mỹ, EU bị gián đoạn. Một số bài báo tại Mỹ trích dẫn các số liệu, nhận định ngành du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại nặng do lượng du khách quốc tế giảm đột ngột. Hoạt động sản xuất công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu cũng sẽ chậm lại. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực sẽ giảm đáng kể do nhu cầu rút vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh và suy thoái toàn cầu vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội để các nước trong khu vực chuyển đổi đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn khi các nước và tập đoàn quốc tế thấy rõ các tác động, rủi ro của việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
2.2. Với kinh tế Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.
Cụ thể, sự tác động đối với từng lĩnh vực như sau:
2.2.1. Đối với ngành chế tạo
Các ngành và doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam (chiếm 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực kể từ khi đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, bởi đây là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ.
Việc thiếu nguyên liệu đầu vào do kinh tế Trung Quốc thu hẹp và việc Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới thời gian vừa qua, cùng với việc Trung Quốc thực hiện chính sách giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố để hạn chế dịch lây lan, sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam.
Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến một số dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam phòng lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI lớn, như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda,… đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu tồn kho và nguồn thay thế hạn chế.
Để khắc phục khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp lớn, như Samsung đã phải thuê máy bay chở linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.Các chuyên gia Fitch Solutions nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến cho xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và với thế giới nói chung sa sút và càng khiến tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời do thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng hơn.
2.2.2. Đối với ngành du lịch
Có thể nói, ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa sẽ bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Trong năm 2019, ngành dịch vụ du lịch đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra hơn 330 triệu việc làm. Tuy nhiên, trong những dự tính gần đây của UNWTO, ngành công nghiệp này đang mất đến hơn 100 triệu việc làm do Covid-19, trong số đó có hơn 75% việc làm tại các quốc gia trong khối G20 và có hơn 25 triệu việc làm đã mất đi chỉ tính riêng trong tháng 4 .
Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam ước tính sẽ thiệt hại trong “khoảng từ 6 – 7 tỉ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc, sẽ giảm 90 – 100%. Ngoài Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, khoảng 50% – 60% trong giai đoạn có dịch.
Tuy nhiên, con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chính là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay bởi đại dịch toàn cầu. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…).
2.2.3. Đối với giao thương quốc tế
Sự sa sút về kinh tế thế giới cũng như đóng cửa biên giới tạm thời của Trung Quốc cũng tác động làm gián đọan quan hệ giao thương của nước này với thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình trạng xuất nhập khẩu bị đình trệ khiến thuế xuất nhập khẩu, một nguồn thu ngân sách quan trọng, cũng bị tác động rõ rệt.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, số thu từ hoạt động XNK đạt 23.700 tỷ đồng, giảm hơn 2.300 tỷ đồng so với tháng 1, bình quân mỗi ngày số thu 2 tháng đầu năm nay khoảng 1.308 tỷ đồng, ít hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng có số doanh thu lớn (máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu,…) đều giảm. Trong đó, ô tô nguyên chiếc các loại ghi nhận lượng sụt giảm kỷ lục nhất khi tháng 2 chỉ có 6.000 xe được nhập về, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019, khi chỉ đạt 650.000 tấn.
Ngoài ra, máy móc, thiết bị, phụ tùng có giá trị nhập khẩu 2,5 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng 1. Sắt thép nhập khẩu các loại cũng giảm gần 9% sản lượng, chỉ đạt 900.000 tấn. Năm 2020, số thu ngân sách được giao của hải quan là 338.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải thu gần 28.200 tỷ. Tuy nhiên, với số thu sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, để đạt kế hoạch, dự kiến bình quân mỗi tháng còn lại hải quan phải thu 28.830 tỷ đồng.
Kết luận
Từ những phân tích trên, có thể nhận định rằng tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19 như một “cú sốc” lâu dài đối với nền kinh tế thế giới. Dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập, gián đoạn thương mại quốc tế, gứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Sự phục hồi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sau đại dịch không chỉ phụ thuộc vào các chính sách, chủ trường của chính phủ trong việc triển khai các chương trình tiêm chủng mà còn phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp giúp nền kinh tế toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn trước nguy cơ phải đối mặt với những cú cốc mới về kinh tế trong tương lai.
Để hiểu hơn về vấn đề này, hãy cùng xem thêm tại các bài viết chi tiết tại đây >>>>>
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thúy Hằng
Mã sinh viên: 19051459
Lớp: 212_INE3104 1