CHI PHÍ LOGISTICS CỦA VIỆT NAM – HƯỚNG ĐI NÀO CHO VIỆC CẮT GIẢM CHI PHÍ TRỞ NÊN HIỆU QUẢ?

Cắt giảm chi phí Logistics
Cắt giảm chi phí Logistics
Cắt giảm chi phí logistics

Những năm gần đây, Việt Nam đang phát triển mạnh ngành logistics và chuỗi cung ứng. Dù đã có những thành tựu đáng kể nhưng xét về mặt bằng chung, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Một trong số đó là vấn đề chi phí Logistics quá cao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Để có thể hiểu về chi phí logistics cũng những những giải pháp cắt giảm chi phí này, hãy cùng xem bài viết dưới đây.

1. Logistics là gì?

Theo điều 233 Luật Thương mại 2005: “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng; vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác; tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu; giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Nói cách khác, hoạt động Logistics là một quá trình trong chuỗi cung ứng một sản phẩm nào đó bao gồm các hoạt động vận chuyển, lưu kho, xếp dỡ hàng hóa, phân chia đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục cẩn thiết để có thể lưu chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác.

Logistics là gì?
Logistics là gì?

Có thể thấy, logistics là cả một quá trình mà khó có thể định nghĩa nó một cách chính xác và đầy đủ nhất. Tuy nhiên, quá trình logistics là một quá trình xuyên suốt và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của một đất nước. Việc chi phí logistics của một đất nước quá cao là một bài toán khó mà đất nước nào gặp phải cũng phải tìm cách để cắt giảm nó một cách hiệu quả nhất.

2. Thực trạng chi phí logistics của Việt Nam

Phương pháp tính chi phí logistics

Các quốc gia tính chi phí logistics dựa trên chi phí các thành phần cấu thành. Cho đến nay, cách tính chi phí logistics chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy một số yếu tố chi phí được coi là trung tâm của chi phí logistics bao gồm chi phí vận tải, chi phí lưu kho, chi phí tồn trữ và chi phí quản lý, hầu hết các học giả, nghiên cứu đều đề cập đến các chi phí này. Nhiều nước đã áp dụng cách tính chi phí logistic quốc gia theo các yếu tố này.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho ngành dịch vụ logistics, như Báo cáo của ALG-2014, Báo cáo Niên giám thống kê Vận tải và Logistics 2018 (thực hiện 2020 phối hợp với Bộ Giao thông vận tải), đều theo cách tính chi phí logistics quốc gia trên cơ sở các yếu tố trên.

Theo báo cáo cuối kỳ 2014 “Dịch vụ vận tải tư vấn hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải về phát triển vận tải đa phương thức” của Ngân hàng Thế giới (WB) thì chi phí logistic của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so với các nước phát triển.

Năm 2018, LPI của Việt Nam là 39/160, có bước tiến vượt bậc so với 2010 là 53, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Điều này cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đã được cải thiện nhiều.

Chi phí Logistics trên GDP năm 2018
Chi phí logistic trên GDP năm 2018

Chi phí logistics trên GDP thể hiện trình độ phát triển và vai trò của logistics trong nền kinh tế. So sánh với các quốc gia khác như Trung Quốc có tỉ lệ này là 14,5%, các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Singapore là khoảng 7,5-8,5% thì chi phí logistics trên GDP của VN vẫn còn quá cao.

Trước tình hình này, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp hữu hiệu nhằm cắt giảm chi phí này, đem lại nguồn lợi cho các doanh nghiệp và các đối tác cùng tham gia hoạt động vận tải này.

3. Các yếu tố dẫn đến việc chi phí logistics tại Việt Nam tăng cao

Chi phí vận tải

Chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Một trong những điểm chưa tốt là chi phí phi chính thức có tỷ trọng vẫn còn cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ, so với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá.

Chi phí vận tải nhiều khiến cho chi phí logistics tăng mạnh
Chi phí vận tải nhiều khiến cho chi phí logistics tăng mạnh

Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế, là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Chi phí lưu kho

Chi phí lưu kho còn cao do nhiều nguyên nhân.

Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá. Các trung tâm logistics có số lượng không nhiều, mới phát triển trong những năm gần đây và tập trung chủ yếu ở một số khu công nghiệp phía Nam.

Thứ hai, về quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm nhìn chung còn nhỏ và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

Phần lớn các trung tâm có quy mô đầu tư chưa đồng bộ nên đã hạn chế vai trò cũng như các chức năng cơ bản của một trung tâm logistics. Thiết bị lưu kho, xếp dỡ lạc hậu, không đồng bộ, làm chậm quá trình bốc dỡ, gây hỏng hóc hàng hoá. Chi phí của các trung tâm này còn cao do giá điện cao.

Chi phí hành chính

Xét về mặt pháp lý, quy định về kinh doanh dịch vụ logistics mới chỉ có Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20/2/2018), quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Các quy định nằm rải rác ở những văn bản Luật khác và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi pháp luật ngành logistics còn chưa đồng bộ, nhất quán.

Đơn cử như pháp luật hải quan Việt Nam, khi rà soát với các cam kết của EVFTA cho thấy pháp luật hải quan Việt Nam về cơ bản đã tương thích với pháp luật hải quan của các nước trên thế giới.

Các thủ tục hành chính trong logistics dần được cải thiện
Các thủ tục hành chính dần được cải thiện

Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đo thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tổng thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan hàng thì thời gian của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28% (tương đương 32 giờ 37 phút/115 giờ). 72% thời gian còn lại phụ thuộc vào việc xử lý thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến quá trình làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Những kiểm tra chuyên ngành này lại liên quan đến pháp luật của các Bộ, ngành khác nhau, trong đó, tình trạng phổ biến tại các bộ quản lý chuyên ngành là danh mục hàng xuất nhập khẩu quá tải, không rõ ràng và giải thích khác nhau. Điều này ảnh hưởng lớn đến thời gian vận chuyển hàng, làm tăng chi phí logistics.

4. Hướng giải quyết vấn đề chi phí logistics cao tại Việt Nam

Giải pháp giảm chi phí logistics của nhà nước

Cần bổ sung và hoàn thiện bộ máy nhà nước về quản lý, các chính sách về giá dịch vụ logistics. Bởi chỉ khi có chính sách phát triển phù hợp thì nhận thức của các doanh nghiệp và cá nhân mới được nâng cao, mới có thể quản lý, kết nối hiệu quả các ban ngành trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển, đẩy nhanh quá trình tăng trường kinh tế Việt Nam.

Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như chi phí logistics qua các hội nghị, hội thảo, phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, cần có những chuyên gia phổ cập kiến thức, học học kinh nghiệm của các nước đã phát triển để nâng cao nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ logistics.

Thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước sử dụng dịch vụ thuê ngoài logistic (3PL) thay vì tự cung tự cấp (1PL), từ đó góp phần làm giảm chi phí logistics của doanh nghiệp nói riêng và tăng doanh thu ngành nói chung.

Ngoài ra, do Việt Nam còn chưa có một nguồn chính thức nào tổng hợp, nghiên cứu và công bố số liệu cụ thể và chính xác về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, số lượng doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực trong ngành logistics.

Bởi vậy, nhà nước cần thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng một hệ thống chỉ tiêu thống nhất để đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động kinh doanh của ngành logistics, từ đó có hướng giải quyết tốt hơn cho việc phát triển ngành và cũng giúp cho các bên liên quan tham gia có thể hiểu sâu sắc hơn về tình hình logistics ở Việt Nam.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông để thuận tiện cho quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra nhanh chóng, ít rủi ro.

Ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu trực tuyến nhằm giảm bớt các thủ tục cần thiết, tiết kiệm thời gian và giúp kiểm soát, quản lý thông tin một cách dễ dàng hơn ở bất cứ đâu.

Đầu tư xây dựng, phát triển kho bãi đông lạnh, dây chuyền cung ứng lạnh phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng tươi sống.

Đầu tư xây dựng hệ thống cảng mở để giảm bớt chi phí thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu, xây dựng trung tâm logistics tại các khu vực trọng điểm, ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có các dự án tại khu kinh tế trọng điểm.

Hướng giải quyết phía doanh nghiệp để giảm chi phí logistics

Các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý quá trình vận hành nhằm giảm thiểu chi phí kiểm soát, nắm bắt tốt hơn lộ trình hàng hóa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp không chuyên về dịch vụ logistics nên thuê ngoài dịch vụ nhằm giảm thiểu những rủi ro không đáng có về việc thiếu hiểu biết. Bởi nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong các vấn đề về thủ tục giấy tờ, tiết kiệm chi phí giao nhận do được thực hiện đồng loạt chứ không phải vận chuyển đơn lẻ.

Ngoài ra, chi phí về phương tiện vận tải cũng chiếm một phần lớn trong tổng chi phí logistics, vì vậy, các doanh nghiệp cần có những chính sách đàm phán hoặc ký kết hợp đồng với các hãng cung cấp nhiên liệu cho vận tải (xăng, dầu) hoặc các hãng tàu, hãng vận chuyển để giảm giá dịch vụ, từ đó giúp tiết kiệm chi phí logistics một cách đáng kể.

Ngoài ra, việc nâng cấp các phương tiện vận tải cũng sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt các chi phí sửa chữa, tiết kiệm nhiên liệu. Song song với đó, đào tạo đội ngũ kinh doanh, đội ngũ nhân lực trong toàn bộ quá trình vận hành sẽ giúp tăng cao hiệu quả của dịch vụ logistics.

Trên đây là một vài giải pháp giúp cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp và các bên liên quan.

Người thực hiện: Đinh Hoàng Trung – 17050653

QH2017-E KQTQ CLC 1

Để tìm hiểu thêm về các kiến thức liên quan đến logistics, vui lòng truy cập: