Hiện nay, mặc dù có nhiều hình thức đầu tư rủi ro, đem lại lợi nhuận cao như vàng, bất động sản, chứng khoán, tiền ảo,.. nhưng gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được lòng nhiều nhà đầu tư và là lựa chọn hàng đầu khi họ có tiền nhàn rỗi. Thậm chí, gửi tiết kiệm ngân hàng còn được ví von là một hình thức đầu tư “ ăn chắc mặc bền”.
Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến bạn gửi tiết kiệm ngân hàng là gì, vì sao nó lại được xem là hình thức đầu tư “ăn chắc mặc bền” và các lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Nội dung bài viết
1. Gửi tiết kiệm ngân hàng là gì?
Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức mà khách hàng gửi một khoản tiền vào ngân hàng với mục đích chính đó là tiết kiệm. Cụ thể, đây là một khoản tiền nhàn rỗi, chưa có kế hoạch sử dụng, chứ không phải khoản tiền cho việc chi tiêu hàng ngày, thanh toán cá nhân. Khách hàng sẽ nhận được một khoản lợi nhuận nhất định từ ngân hàng bằng hình thức gửi tiết kiệm này.
Hình thức phổ biến và cổ điển nhất của gửi tiết kiệm ngân hàng là loại tiền gửi tiết kiệm có sổ. Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, ngân hàng cấp cho người gửi một cuốn sổ dùng để ghi nhận các khoản tiền gửi vào và tiền rút ra. Quyển sổ này đồng thời là có giá trị như một chứng thư xác nhận về khoản tiền đã gửi. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
2. Tại sao gửi tiết kiệm ngân hàng là 1 kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”?
Được ví von là một hình thức tích lũy “ăn chắc mặc bền”, gửi tiết kiệm ngân hàng được xem như hình thức tích lũy truyền thống mà mỗi gia đình đều nghĩ đến khi có tiền nhàn rỗi. Dưới đây là một số lý do khiến hầu hết mọi người lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng làm một kênh đầu tư mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn như vàng hay bất động sản, chứng khoán…
Khách hàng được bảo về quyền lợi khi gửi tiết kiệm ngân hàng
Hiện nay, dưới sự quản lý của Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) góp phần quan trọng trong sự phát triển của hệ thống ngân hàng nội địa Việt Nam. Bởi nếu như ngân hàng bị mất khả năng thanh toán, khách hàng vẫn được nhận lại tiền gửi của mình. Vì thế, bất kì cá nhân nào có tiền nhàn rỗi thì hoàn toàn có thể yên tâm gửi tiền của mình vào ngân hàng và đây cũng là cách đầu tư bảo toàn vốn (không lo mất vốn khi đầu tư).
Khách hàng gửi tiền cũng không cần lo lắng về việc nguồn vốn của tổ chức cạn kiệt hoặc không đủ để thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng mất khả năng thanh toán, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo lãnh cho tổ chức tín dụng này đi vay từ các tổ chức khác.
Tính minh bạch và an toàn
Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng chứng thực, có căn cứ bằng văn bản như sổ tiết kiệm hoặc thông qua tài khoản ngân hàng online (internet banking, mobile banking và SMS banking). Vì thế bạn có thể kiểm soát nguồn tiền của mình mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng. Trong trường hợp xảy ra các phát sinh ngoài ý muốn, bạn có thể lấy đó là căn cứ để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Bên cạnh đó, đã có nhiều bài báo về các vụ trộm vào nhà hay lừa đảo cướp đoạt tài sản thậm chí gây thiệt hại đến tính mạng. Nỗi lo này sẽ không còn nữa nếu bạn đem tài sản để vào ngân hàng bảo quản. Dù lấy được sổ tiết kiệm của bạn thì bọn chúng cũng không thể rút tiền từ tài khoản của bạn bởi muốn rút tiền phải có giấy ủy uyền được lập tại ngân hàng đó hoặc đã được công chứng và phải xuất trình giấy tờ tùy thân (CMND, căn cước công dân) và ký tên vào giấy chứng nhận rút tiền.
Mang đến thu nhập ổn định từ mức lãi suất ngân hàng mỗi tháng
Trong khi các kênh đầu tư khác khá bất ổn và gây rủi ro mất vốn cho nhà đầu tư thì tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn mang lại lãi suất (dù thấp nhưng luôn dương) cho khách hàng. Do đó, thay vì chỉ giữ tiền ở nhà, bạn nên gửi tiết kiệm ngân hàng. Đồng thời, lạm phát sẽ làm cho đồng tiền dần trở nên mất giá nên mặc dù gửi ngân hàng không mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận đáng kể nhưng luôn bảo toàn vốn cho họ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể tính toán ra tiền lãi của mình hàng tháng hoặc cho đến lúc đáo hạn nhờ vào ba yếu tố then chốt tác động trực tiếp đến tiền lãi, đó là thời hạn tiền gửi, số tiền gửi và lãi suất. Điều rõ ràng nhất khi nhìn vào bảng lãi suất của một ngân hàng, tất cả nhà đầu tư đều có thể nhận thấy khi thời hạn tiền gửi càng dài, lãi suất sẽ càng cao. Nhờ vậy mà họ có thể dự tính trước kế hoạch cho tương lai.
Các hình thức đầu tư khác không ổn định và chứa nhiều rủi ro
Nếu như trước đây, bất động sản là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhất do lợi nhuận thuộc hàng “khủng” nhất thì nhiều năm trở lại đây, kênh này được giới đầu tư rất “dè chừng” do các chính sách của nhà quản lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản.
Với kênh đầu tư vàng, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Giá vàng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách điều hành thị trường vàng của Chính Phủ nên có sự biến động so với thế giới. Do đó, hoạt động đầu tư vàng ở Việt Nam có thể rủi ro cao.
Về kênh đầu tư chứng khoán, mặc dù mang lại lợi nhuận tuyệt vời cho nhà đầu tư nhưng nó cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và mang tính rủi ro cao nhất. Kênh đầu tư chứng khoán đòi hỏi rất nhiều không chỉ kiến thức, thời gian, tiền bạc mà cả về tâm lý, dù bạn đã học hỏi được rất nhiều điều nhưng đứng trước tình huống có thật thì lại rất dễ gây stress tạo nên những quyết định sai lệch.
3. Một số lưu ý khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng
Mặc dù được ví von là kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”,tuy nhiên hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Do đó, khách hàng cần lưu ý một số điều sau đây khi quyết định lựa chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Chọn ngân hàng uy tín để gửi tiết kiệm ngân hàng
Để có cái nhìn đa chiều hơn về dịch vụ ngân hàng, bạn cần tìm hiểu về ngân hàng mà mình sẽ chọn bằng nhiều cách, như dựa trên các đánh giá phản hồi từ các khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng đó, đọc các thông tin liên quan về báo cáo tài chính quý, năm… thường được công bố trên website hoặc trực tiếp trải nghiệm dịch vụ tư vấn của họ.
Nhìn chung, khi lựa chọn ngân hàng uy tín để gửi tiết kiệm ngân hàng thường dựa vào 2 yếu tố là an toàn và lãi suất để đánh giá.
– An toàn:
Hiện nay, có thể chia các ngân hàng ra làm ba nhóm cơ bản:
- Nhóm 1: Các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank.
- Nhóm 2: Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân: Các ngân hàng TMCP tiêu biểu như Đông Á, Sacombank, VPBank, SeaBank…
- Nhóm 3: Các ngân hàng TNHH nước ngoài như Standard Charter, CitiBank, Indovinabank, Shinhanbank, Maybank …
Đánh giá về mức độ an toàn thì nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước luôn được đánh giá xếp ở vị trí thứ nhất bởi có sự hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước, tiếp đến là nhóm thứ 2 rồi mới đến nhóm thứ 3.
– Lãi suất:
- Các ngân hàng thuộc nhóm 1 được đánh giá an toàn nhất nhưng lãi suất gửi tiết kiệm thường ít biến động và đặc biệt thấp hơn các ngân hàng nhóm 2.
- Lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng nhóm 2 đưa ra biến động nhiều nhưng cao hơn nhiều so với các ngân hàng nhóm 1.
- Riêng các ngân hàng thuộc nhóm 3 thì lãi suất gửi tiết kiệm cho VND thấp hơn nhiều các ngân hàng trong nước.
Dựa vào 2 tiêu chí trên khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn ngân hàng uy tín để gửi tiết kiệm phù hợp.
Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi
Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.
Vì thế khi gửi tiết kiệm ngân hàng nên kiểm tra kỹ thông tin cá nhân để tránh sai sót và đặc biệt, hãy đảm bảo rằng mình chỉ sử dụng duy nhất một chữ ký trên sổ tiết kiệm.
Trong trường hợp bạn thay đổi chữ ký thì phải liên hệ ngay với ngân hàng để được xác minh lại. Các thông tin khác cũng cần kiểm tra bao gồm: Tên ngân hàng, loại hình tiền, kỳ hạn gửi tiền, ngày gửi tiền và ngày đến hạn, lãi suất, họ tên, địa chỉ, số CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của chủ sở hữu gửi tiền tiết kiệm và đồng sở hữu (nếu có).
Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, cần lưu ý đến sức mạnh của lãi kép
Đa số người gửi tiết kiệm ngân hàng đều bắt đầu với số tiền nhỏ và số tiền lãi không nhiều. Tuy nhiên, sức mạnh của việc tiết kiệm nằm ở việc tích lũy lâu dài và thường xuyên. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những ai vận dụng được nó sẽ nhận sự giàu có, còn những ai không hiểu… sẽ phải trả giá cho nó“.
Lãi kép (còn gọi là lãi suất kép) được hiểu đơn giản là khi gửi tiết kiệm hoặc đầu tư nhận được lãi về, bạn liên tục dồn lại vốn và lãi đã sinh ra vào một chu kỳ tiết kiệm / đầu tư mới để toàn bộ số tiền sẽ sinh lãi cao hơn ở chu kỳ sau.
Tham khảo thêm bài viết: Sức mạnh vô biên của lãi kép và lí do nên bắt đầu tiết kiệm ngay
Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến
Trong quá khứ, mỗi khi cần gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc rút tiết kiệm thì khách hàng cần phải thu xếp tới các văn phòng giao dịch ngân hàng trong giờ hành chính. Điều này rất bất tiện với những người bận rộn hoặc làm công sở.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã phát triển đa dạng các hình thức tiết kiệm ngân hàng trực tuyến trên ngân hàng điện tử. Chỉ mất khoảng 1 phút, bạn có thể gửi tiết kiệm, cũng như rút tiền thông qua tài khoản ngân hàng điện tử, kể cả ngoài giờ hành chính và trong ngày nghỉ.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến yếu tố bảo mật khi thực hiện bất kỳ giao dịch trực tuyến nào. Cụ thể, bạn không nên vào các trang website lạ, phải sử dụng các phần mềm quét virus uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới. Đồng thời, cần tiếp nhận các thông báo của ngân hàng nơi bạn mở tài khoản gửi tiết kiệm ngân hàng để phòng tránh các rủi ro kịp thời.
4. Kết luận
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc các lý do tại sao gửi tiết kiệm ngân hàng được ví như là một kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”; đồng thời, cũng nêu ra một số lưu ý khi gửi tiết kiệm. Mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm kiến thức về loại hình gửi tiết kiệm ngân hàng để phục vụ cho việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với mục đích của các bạn.
Xem thêm các bài viết để hiểu thêm về lĩnh vực ngân hàng :
Tổng quan 5 loại ngân hàng phổ biến hiện nay
Digital Banking là gì? 4 điều cơ bản cần biết về Digital Banking
Người thực hiện: Lâm Thị Thúy Hạnh
MSV: 18050451
Lớp: INE3104 6