EVFTA thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh COVID19

Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, Hiệp định EVFTA là công cụ quan trọng tạo sức bật cho xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại và phục hồi…

Hiệp định EVFTA là gì?

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) hay còn có tên tiếng Anh là “The European Union Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA)”  là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.

EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.  Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016, văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 8/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/6/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.

Hình ảnh trao công hàm EVFTA
Việt Nam trao công hàm cho EU thông báo quyết định của Quốc hội phê chuẩn EVFTA, EVIPA tại trụ sở Bộ Ngoại Giao

Để tìm hiểu thêm về hiệp định EVFTA, xem tại: https://luatduonggia.vn/hiep-dinh-evfta-la-gi-noi-dung-tinh-than-hiep-dinh-va-cam-ket-cua-cac-ben/

Cơ hội từ hiệp định

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai ở cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù có những trở ngại nhất định nhưng các chuyên gia kinh tế Việt Nam đều thống nhất nhận định, EVFTA có hiệu lực đúng thời điểm, là động lực duy trì, tạo cơ sở cho sự hồi phục và phát triển nhanh cho nền kinh tế hai bên ngay sau khi đại dịch được khống chế.

Mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tới thị trường EU

Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế tuyệt vời cho các doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU ngày 27/10/2021.

Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi EVFTA đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Nhờ có EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định.

Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, thương mại hai bên vẫn tăng trưởng khả quan với kim ngạch 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2020. Kết quả này đạt được nhờ vào việc tận dụng hiệu quả các lợi thế từ EVFTA và sự phục hồi như nhu cầu tiêu dùng của EU sau khi tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID – 19 tại khu vực này được đẩy mạnh, dịch bệnh ở EU được kiểm soát.

Trước đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) xác nhận Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR và nằm trong tốp 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, thương mại điện tử trở thành điểm sáng. “Ví dụ rõ nét nhất là hàng tấn vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu qua EU thông qua nền tảng thương mại điện tử, đánh dấu lần đầu tiên nông sản Việt được xuất khẩu xuyên biên giới thông qua hình thức này”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Vải thiều Bắc Giang
Hình ảnh vải thiều Bắc Giang

Cùng với xuất khẩu, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu gia tăng đáng kể khi có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Với tác động của COVID-19, tiềm năng mà EVFTA mang lại đã bước đầu mang lại những “trái ngọt” cho xuất nhập khẩu Việt Nam. EVFTA giúp cho Việt Nam tiếp cận đa dạng các mặt hàng từ EU với mức thuế quan được cắt giảm mạnh. Đây là bước đệm để xúc tiến quan hệ thương mại giữa 2 đối tác Việt Nam – EU.

EVFTA tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Với việc ký kết EVFTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rất cạnh tranh so với hàng hóa cùng loại từ các đối thủ như Trung Quốc và một số nước ASEAN, với mức thuế nhập khẩu chênh lệch 10-15% và có thể cạnh tranh bình đẳng về giá với các quốc gia hiện EU không áp dụng thuế quan, hạn ngạch như Campuchia, Myanmar, Bangladesh, . . .

Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ngoại hối của EU chiếm 1.97% trong 4 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với 1,88% trong 4 tháng đầu năm 2020.

Với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu 2021 trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rộng, EVFTA thực sự đã phát huy tác dụng, giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, tốc độ nhập khẩu hàng hóa của EU từ Thái Lan tăng 10,9%, thấp hơn so với tốc độ tăng từ Việt Nam là 11,1%.

Xuất khẩu Việt Nam
Xuất khẩu Việt Nam (Hình ảnh minh họa)

EVFTA cắt giảm mạnh thuế

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế về xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu khỏi lãnh thổ của mình.

Về thuế nhập khẩu, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu tương ứng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, với việc giảm thuế nhập khẩu, Việt Nam sẽ dễ dàng nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến từ thị trường EU để phục vụ nhu cầu sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt, thép và các sản phẩm từ nhựa, cao su.

Sau 1 năm thực hiện EVFTA, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế, đạt được tăng trưởng hai con số về xuất khẩu.

Tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

EVFTA đã tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam, đặc biệt là cơ hội cho các nhà đầu tư tận dụng. Theo Tổng cục đầu tư nước ngoài, EU hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ tư tại Việt Nam vào năm 2020, với hơn 2.240 DA còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Đánh giá về kết quả thu hút đầu tư từ EU, tính đến tháng 9 năm 2021, EU có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020).

Theo Báo Thế giới và Việt Nam (2021), Hà Lan là quốc gia đứng đầu trong khối EU về đầu tư tại Việt Nam với 382 dự án và 10,36 tỷ USD, tương đương 46,5% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Hà Lan năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010 và đây là con số ấn tượng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19.

Vẫn còn những thách thức

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua các yêu cầu bắt buộc về rào cản kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường,.. của EU. Các quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu cao, do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải hoàn thiện nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này.

Ví dụ đối với mặt hàng thủy sản, quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm sản phẩm, quy tắc xuất xứ và yêu cầu “chứng nhận chất lượng tự nguyện”, về trách nhiệm môi trường của nhiều tổ chức ở Châu Âu, và đây cũng là vấn đề lớn mà ngành thủy sản Việt Nam hiện nay gặp phải.

Xuất khẩu thủy sản
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề

Hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí xuất xứ mới có thể được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo FTA vào EU theo EVFTA.

Sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của EU cũng là một trong các thách thức. Cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.Thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU còn kém cạnh tranh so với các nước xuất khẩu khác; trong khi thị trường EU rất chú trọng vấn đề thương hiệu.

Trên thực tế các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm.

Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Tiêu chuẩn cao trong EVFTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá. Các sản phẩm thế mạnh như nông thủy sản, dệt may, da giày Việt Nam cho thấy điều đó bất chấp khó khăn của dịch bệnh.”

Ngoài ra, chi phí thương mại của Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai khi mà EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp cần làm gì?

Trước hết, để vượt qua các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.

Một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Ngoài ra, các công ty phải tự mình thay đổi tư duy kinh tế, tức là sự tồn tại và phát triển của các công ty phải hoàn toàn dựa vào uy tín và khả năng cạnh tranh của họ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Chỉ những công ty thực sự có bản lĩnh kinh doanh và đáp ứng được nhu cầu của thị trường mới có thể tồn tại, phát triển và tạo dựng được danh tiếng, vị thế trên thị trường quốc tế và trong nước về lâu dài.

 

Tham khảo thêm các thông tin về Kinh tế Quốc tế và Hiệp định EVFTA:

HIỆP ĐỊNH RCEP: 1 MIẾNG BÁNH NGON HAY MỒI CÂU CỦA TRUNG QUỐC?

Hiệp định CPTPP: Hướng đi nào cho Việt Nam trong năm 2022?

FDI là gì? 4 điều quan trọng bạn cần biết

HIỆP ĐỊNH RCEP: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ VIỆT NAM NĂM 2022

EVFTA có hiệu lực – Top 5 nhóm ngành chắc chắn hưởng lợi ngay lập tức

 

Người viết: Lê Phương Linh

MSV: 20050863

Lớp: INE3104-3