Du lịch 4.0 đang trở thành một xu hướng mới của ngành du lịch, nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi rằng Du lịch 4.0 là gì và làm thế nào nó đang thay đổi cách chúng ta du lịch và cung cấp những cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành? Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những khía cạnh của Du lịch 4.0, từ những xu hướng phát triển tất yếu đến những cơ hội nghề nghiệp đang chờ đón trong tương lai của ngành du lịch.
Nội dung bài viết
I. Giới thiệu
Thuật ngữ “du lịch 4.0” hay “du lịch thông minh” xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc CMCN 4.0 chính thức diễn ra.
Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến cho ngành du lịch như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Big data, Blockchain,… đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, các hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, ngày càng trở nên hiện đại hơn và thông minh hơn. Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ với du lịch đã hình thành nên “du lịch 4.0”.
Du lịch 4.0 là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.
Xoay quanh thuật ngữ “du lịch 4.0”, hiện ở Việt Nam tồn tại rất nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau. Có thể khái lược một số cách nhìn nhận về du lịch 4.0 tại Việt Nam như sau:
– Cách hiểu sơ khai : Du lịch 4.0 hay còn gọi là Smart Travel, là trào lưu du lịch mới, khác với những tour du lịch truyền thống trong đó người ta chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại có mức chi phí thấp và an toàn. Hiểu theo cách này, du lịch 4.0 ở đây chính là “đi du lịch thông minh”, ám chỉ việc khách du lịch chủ động, tính toán, lên kế hoạch cụ thể cho chuyến du lịch một cách thông minh nhất để đạt được giá trị trải nghiệm tối đa trong khi chi phí lại ở mức tối thiểu.
– Cách hiểu hiện nay: Du lịch 4.0 hay còn gọi là Smart Tourism, là du lịch có sự kết hợp của yếu tố công nghệ. Trong đó:
+ Du lịch 4.0 là phương tiện, công cụ hỗ trợ du lịch. Hiểu theo cách này, công nghệ được ứng dụng để tạo ra các phương tiện, công cụ thông minh hỗ trợ cho các hoạt động du lịch, ví dụ như tiện ích thuyết minh tự động, phần mềm quản lý hành chính điện tử, phần mềm quản lý hướng dẫn viên du lịch, phần mềm đặt vé trực tuyến, tiện ích chỉ đường và tìm kiếm khách sạn, khu vui chơi giải trí,…
+ Du lịch 4.0 là một loại hình du lịch mới, bổ sung vào hệ thống phân loại các loại hình du lịch ở Việt Nam (du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch thăm thân, du lịch chữa bệnh, du lịch nông thôn, du lịch đô thị,…).
+ Du lịch 4.0 là sản phẩm du lịch mới, bao gồm các dịch vụ trải nghiệm được tạo ra bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cung cấp cho khách du lịch. Ví dụ: tour du lịch thực tế ảo, phim 3D – 3600, các trò chơi giải trí công nghệ,…
II. Những xu hướng phát triển tất yếu của du lịch 4.0
2.1. Du lịch 4.0 là xu thế phát triển chung của du lịch thế giới
Khác với du lịch truyền thống, du lịch 4.0 chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị hiện đại, thông tin, dữ liệu toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai du lịch 4.0 dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh trong du lịch.
Châu Âu được đánh giá là khu vực có lợi thế và dẫn đầu trong xu hướng phát triển mới này. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đã đầu tư mạnh cho du lịch 4.0 như áp dụng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…
Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch.
2.2. Du lịch 4.0 là thị trường tiềm năng lớn cho du lịch Việt Nam
Theo thống kê của WeAreSocial (wearesocial.com) năm 2018, toàn thế giới có 4,02 tỷ người dùng Internet (chiếm 53%), gần 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội, hơn 5,1 tỷ người dùng điện thoại di động (chiếm 68%) trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh có kết nối và sử dụng Internet. Ở Việt Nam với gần 100 triệu dân thì có đến 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm 67% dân số), 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57%), hơn 70 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 73%).
Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và thiết bị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam là rất lớn. Đây là tiền đề lớn để Việt Nam phát triển du lịch 4.0.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, khách du lịch sử dụng Internet, các tiện ích thông minh, các thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ đang trực tiếp trở thành những vị “khách du lịch thông minh” tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Mặc dù với loại hình du lịch mới này, khách hàng tiềm năng lớn nhưng thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường với khoảng 80% thị phần. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến như Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn… Vì vậy, du lịch thông minh sẽ là “thị trường màu mỡ”cho các đơn vị kinh doanh du lịch Việt Nam.
2.3. Sự chủ động và tích cực tiếp cận Du lịch 4.0 của ngành Du lịch
Du lịch 4.0 là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được xu thế cũng như có những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh, thì ngành Du lịch Việt Nam từ các cơ quan quản lý du lịch, các địa phương đến các doanh nghiệp du lịch đã chủ động tiếp cận loại hình du lịch mới này.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ lập trình web đã hỗ trợ các hoạt động du lịch như: Bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Bên cạnh các hệ thống website, mạng xã hội cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm du lịch và góp phần quảng bá du lịch.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.
Đề án xác định các quan điểm và mục tiêu chung của ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch 4.0, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ ba, Các địa phương du lịch cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông để triển khai những dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch như tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide.
Đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội trong năm 2018 đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long. Đầu năm 2018, Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Thứ tư, sự tích cực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Năm 2016, sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Đặc biệt, Tripi còn cho phép khách hàng tìm kiếm, so sánh giá các sản phẩm du lịch và cập nhật chính xác 24/24 tình trạng sản phẩm.
IVIVU (ivivu.com) cũng là một trong những sàn giao dịch du lịch lớn, cho phép khách du lịch tìm kiếm thông tin, so sánh, lựa chọn và thực hiện các giao dịch đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn với hơn 300 tour du lịch, hơn 5.000 khách sạn tại Việt Nam và 345.000 khách sạn toàn thế giới để du khách lựa chọn.
III. Những cơ hội nghề nghiệp của Du lịch 4.0 mang lại
- Chuyên viên trải nghiệm khách hàng: Khi khách hàng trở nên tâm điểm của Du lịch 4.0, các chuyên viên trải nghiệm khách hàng sẽ được tuyển dụng để đảm bảo rằng các trải nghiệm du lịch được tối ưu hóa và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
- Chuyên viên công nghệ du lịch: Các chuyên viên công nghệ du lịch sẽ được tuyển dụng để phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như ứng dụng di động, hệ thống đặt phòng trực tuyến, hệ thống thanh toán điện tử, hệ thống quản lý dữ liệu du lịch, và các giải pháp IoT, AI, VR, AR và blockchain trong ngành du lịch.
- Chuyên viên marketing và quảng cáo: Với sự phát triển của Du lịch 4.0, các công ty du lịch cần có những chuyên viên marketing và quảng cáo đầy tài năng để quảng bá và giới thiệu các trải nghiệm du lịch thông minh đến khách hàng.
- Chuyên viên phát triển kinh doanh: Các chuyên viên phát triển kinh doanh sẽ được tuyển dụng để tìm kiếm những cơ hội mới trong ngành du lịch thông minh, kết hợp các giải pháp công nghệ và trải nghiệm du lịch để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch độc đáo và thu hút khách hàng.
- Chuyên viên quản lý du lịch: Với sự phát triển của Du lịch 4.0, các chuyên viên quản lý du lịch sẽ được tuyển dụng để quản lý và điều hành các hoạt động du lịch thông minh, đảm bảo an toàn và chất lượng cho khách hàng, giảm thiểu tình trạng quá tải và tăng tính bảo mật cho các dữ liệu du lịch.
IV. Kết luận
Du lịch 4.0 đang là xu thế tương lai của ngành du lịch, mở ra cơ hội nghề nghiệp đầy tiềm năng cho các chuyên gia trong lĩnh vực này. Với sự kết hợp của công nghệ và trải nghiệm du lịch độc đáo, Du lịch 4.0 đem lại những trải nghiệm đến từng chi tiết cho khách hàng. Các chuyên gia du lịch có thể tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, học hỏi những kỹ năng mới và trở thành một chuyên gia đa tài.
Bên cạnh đó, Du lịch 4.0 còn tạo ra những cơ hội để khám phá những điểm đến mới lạ và độc đáo nhờ vào sự kết hợp giữa công nghệ và du lịch. Nếu bạn đam mê ngành du lịch và mong muốn phát triển sự nghiệp của mình trong một môi trường kỹ thuật số và sáng tạo, Du lịch 4.0 chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời.
Tài liệu tham khảo:
1. P.T. Hạnh, N.T. Nam, PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DU LỊCH VIỆT NAM, Tạp Chí Khoa Học. (2022) 10. https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/336474/CVv443S582022071.
2. M.P.T.T. Linh, Smart tourism – An inevitable development trend of Vietnam’s tourism industry, Tạp Chí Công Thương. (n.d.).
3. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 36-NQ/TW về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Xem thêm: Hải Dương có gì chơi? “Bỏ túi” 12 địa điểm không thể bỏ lỡ
Phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Sinh viên thực hiện: Hoàng Thị Nguyệt Hà
Mã sinh viên: 21050841
Lớp: QH – 2021 – E KTQT CLC 3
Mã lớp học phần: INE3104 6