Cho vay ngang hàng – P2P lending: Hình thức vay vốn đầy tiềm năng

Mô hình P2P Lending ( Peer to Peer Lending), gọi đơn giản là cho vay ngang hàng, đã và đang phát triển nhanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, góp phần mở rộng quy mô cung ứng dịch vụ tài chính, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng. Vậy P2P lending là gì và có những ưu nhược điểm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. P2P lending là gì?

P2P lending, viết tắt của Peer to Peer Lending, hay còn gọi là cho vay ngang hàng là một giải pháp tài chính mà người vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau, không cần thông qua bất kỳ một tổ chức tài chính trung gian nào khác. Việc kết nối giữa bên vay và bên cho vay được thực hiện trực tuyến thông qua các website, sàn giao dịch trực tuyến của các công ty P2P lending.

Mô hình P2P lending được ra đời năm 2005 tại Anh, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước trên thế giới và phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, mô hình P2P lending du nhập vào thị trường tài chính năm 2016 và hiện đang trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính.

2. Cách thức hoạt động của P2P lending

mo-hinh-hoat-dong-cua-P2P
mô hình hoạt động của P2P

Khái quát mô hình hoạt động của hình thức cho vay ngang hàng.

  1.  Người vay đưa ra đề xuất nhu cầu vay vốn: quy mô, thời hạn, lãi suất…
  2.  Nhà cung cấp (platform) cân nhắc, đánh giá cho điểm tín dụng dựa trên những thông tin do người vay cung cấp và các nguồn thông tin tích hợp có sẵn và xác định mức lãi suất tương ứng với mức độ rủi ro của khoản vay và đăng tải lên trang web của nhà cung cấp.
  3.  Người cho vay (nhà đầu tư) tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên cơ sở các đơn hàng trên trang web để lựa chọn theo lãi suất và mức độ rủi ro đáp ứng yêu cầu của mình.
  4. Nếu có đủ các nhà đầu tư đồng ý tài trợ cho khoản vay (thông thường một khoản vay được chia thành nhiều món nhỏ để nhiều nhà đầu tư cùng tham gia cho vay và mỗi nhà đầu tư có điều kiện đa dạng hóa danh mục), sẽ có một ngân hàng đối tác (originating bank) thẩm định và đứng ra thu xếp.
  5. Ngân hàng đối tác bán một loại chứng chỉ cho nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến khoản vay. Cùng lúc đó, nhà cung cấp dịch vụ bán chứng chỉ này cho nhà đầu tư đồng ý tài trợ cho khoản vay đã được xác định (nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò tương tự như một tổ chức bảo lãnh phát hành chứng chỉ cho ngân hàng).
  6.  Tiền vay sau đó được chuyển vào tài khoản của người vay tại ngân hàng đối tác.
  7. Nhà cung cấp dịch vụ nhận phí dịch vụ (thông thường tính bằng % của khoản vay) từ người đi vay và người cho vay.Khi khoản vay đáo hạn, người đi vay hoàn trả và nhà đầu tư (người cho vay) nhận lại gốc và lãi trên cơ sở chứng chỉ mà họ nắm giữ.

3. Ưu, nhược điểm của cho vay ngang hàng:

Đối với người vay:

uu-diem-voi-nguoi-vay
ưu điểm với người vay

Ưu điểm:

Người dùng có nhu cầu vay những nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả nhưng lại khó tiếp cận những kênh cung ứng vốn truyền thống sẽ thông qua P2P lending để tìm được nguồn cung ứng hợp lý.

  • Thủ tục nhanh chóng, không rườm rà, không cần nhiều giấy tờ, duyệt hồ sơ nhanh.
  • Mức vay linh hoạt, lãi suất thấp.
  • Không bị phạt trả nợ trước hạn
  • Chỉ cần có một chiếc Smartphone có kết nối Internet là bạn có thể vay tiền qua mô hình Peer To Peer mà không cần phải di chuyển.

Nhược điểm:

  • Lãi suất có thể cao hơn lãi ngân hàng nếu như xếp hạng tín dụng thấp
  • Nếu điểm tín dụng quá thấp có thể không được vay
  • Không thể vay các khoản có giá trị lớn
  • Thanh toán trễ hạn sẽ bị mất điểm tín dụng và ảnh hưởng đến các khoản vay sau này

Đối với người cho vay:

Uu-diem-doi-voi-nguoi-cho-vay
Ưu điểm đối với người cho vay

Ưu điểm:

  • Thông qua P2P, nguồn tiền nhàn dỗi sẽ được tối ưu hóa, đem lại thu nhập thụ động cho nhà đầu tư.
  • Không mất nhiều công sức tính toán hay nghiên cứu như những dạng đầu tư khác, đầu tư qua P2P có cách thức đơn giản hơn.
  • Từ những khoản tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư chỉ cần lựa chọn các cơ hội đầu tư từ những danh sách có sẵn, và sàn P2P Lending sẽ chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật thông tin, thông báo tình hình các khoản đầu tư một cách thường xuyên.

Nhược điểm:

  • Rủi ro mất tiền nếu người vayvỡ nợ.
  • Rủi ro vận hành: có thể xảy ra khi phần mềm bị lỗi hoặc ngừng hoạt động (hoặc đơn giản là nhà cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường).
  • Dữ liệu của khách hàng và điều kiện để dịch vụ cung cấp liên tục sẽ bị ảnh hưởng.
  • Các khoản tiền cho vay không được bảo hiểm như tài khoản tiết kiệm. Vì thời hạn cho vay thường từ 3-5 năm nên tính thanh khoản thấp hơn so với đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu.
  • Trong tương lai có thể có nhiều biến động. Một số nền tảng cho vay chỉ đồng ý cho nhà đầu tư được “công nhận” tham gia.

________________

Tham khảo thêm: Những điều cần biết về Peer – To – Peer Lending (P2P)

4. Tình hình tại Việt Nam:

Cho-vay-ngang-hang-P2P
Cho vay ngang hàng P2P

Hiện nay, P2P lending được đánh giá là ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam bởi nhu cầu vay vốn ngày càng lớn mà hình thức cho vay ngang hàng lại vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 40 công ty P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, thì đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng tại Việt Nam.

Theo xu hướng thị trường về nguồn vốn thì nhu cầu vay vốn cũng như nhu cầu đầu tư ngày càng phát triển theo cơ chế thị trường. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại World Bank (Ngân hàng thế giới) thì tại Việt Nam hiện vẫn còn 79% dân số chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng mặc dù họ luôn có mong muốn vay tiền để tiêu dùng hoặc đầu tư. Do đó, Việt Nam được xem là mảnh đất vô cùng màu mỡ cho sự phát triển hoạt động cho vay ngang hàng cũng như các công ty P2P lending.

5. Một số công ty phát triển lĩnh vực P2P lending tại Việt Nam

Lendbiz

Công ty Cổ phần Lendbiz được thành lập năm 2017 là  công ty tài chính  hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending, là cầu nối trung gian giúp những người đang có những khoản tiền nhàn rỗi muốn đầu tư và những người đang có nhu cầu vay gặp gỡ nhau. Mô hình này mang lợi ích cho tất cả các bên, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam

Đặc điểm sàn giao dịch Lendbiz

  • Website hoạt động: https://lendbiz.vn/
  • Số vốn đầu tư tối thiểu là 10 triệu đồng
  • Tỷ suất lợi nhuận đầu tư từ 15-20%/năm
  • Hàng tháng liên tục tái đầu tư, Nhà đầu tư sẽ nhận thêm 1.47% để nâng tỷ suất lợi nhuận thành 15.47 – 21.47% mỗi năm
  • Phí dịch vụ của Lendbiz bao gồm phí thẩm định hồ sơ và phí dịch vụ quản lý từ 1- 5% trên tổng số tiền đầu tư đã huy động thành công (Đối với người vay)

Cơ chế hoạt động

  • Lendbiz đã xây dựng ra hệ thống đánh giá toàn diện khách hàng với trên 100 tiêu theo các nhóm chỉ tiêu tài chính, phi tài chính nhằm xác định mức độ rủi ro của khách hàng. Đồng thời, các chuyên gia thẩm định còn trực tiếp gặp và thẩm vấn các chủ kinh doanh để đánh giá về uy tín, tình hình vay nợ và mức độ ổn định trong hoạt động kinh doanh để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.
  • Các nhà đầu tư dễ dàng cho trực tuyến thông qua app điện thoại hoặc website. Người cho vay có quyền lựa chọn người vay và đặt lệnh có thể lựa chọn công cụ đầu tư tự động (Auto Invest) để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro hoặc tự mình đặt lệnh.
  • Khoản vốn sẽ được giải ngân sau ngay khi số tiền gọi vốn được các nhà đầu tư đăng ký đủ. Lendbiz thực hiện soạn thảo, ký kết hợp đồng và lưu trữ theo sự ủy quyền, đồng thời hàng tháng  Lendbiz sẽ đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn. Nhà đầu tư có thể theo dõi các khoản đầu từ và nhận thông tin biến động số dư tài khoản qua SMS hoặc App trên điện thoại.
  • Các nhà đầu tư cho vay có thể tái đầu từ cả gốc và lãi đã nhận để có thể tiếp tục thu lại lợi nhuận.

eLoan

eLoan là một sàn giao dịch đầu tư cộng đồng P2P lending theo mô hình thành công toàn cầu, nối kết các nhà đầu tư với các hồ sơ gọi đầu tư được giới thiệu bởi các đối tác. Bằng cách kết nối trực tuyến trên nền tảng eLoan, các đối tác tài chính có thể liên hệ được các nhà đầu tư tiềm năng cho các khoản tài trợ của họ.

Đặc điểm sàn giao dịch eLoan

  • Website hoạt động: https://eloan.vn/
  • Số tiền đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng
  • Lãi suất từ 15% – 20%/năm.
  • Phí dịch vụ trên eLoan dao động từ 3% – 5% tùy thuộc vào mức độ uy tín mỗi khoản gọi đầu tư và được xét duyệt linh hoạt cho từng đối tượng khách hàng (Đối với người vay)

Cơ chế hoạt động

  • Các nhà đầu tư chọn khoản gọi đầu tư đã được phân loại sẵn dựa trên bảng phân tích eLoan cung cấp trên trang website. Các khoản đầu tư này sẽ do eLoan hoặc đối tác tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng…) thẩm định, cân nhắc lựa chọn và khởi tạo hồ sơ để trình bày cho nhà đầu tư lựa chọn.
  • Nhà đầu tư dựa vào nguồn vốn mà mình muốn đầu tư để xác định số tiền tài trợ cho khoản gọi đầu tư đã chọn.
  • Nhà đầu tư nhận lại khoản tiền gốc và lãi chia lợi nhuận theo đúng thời hạn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn tá đầu tư cả vốn lẫn lãi cho một khoản gọi đầu tư khác để tiếp tục kiếm thêm lợi nhuận.

Vay mượn

Vay mượn không phải là ngân hàng, cũng không phải là công ty tài chính mà Vay mượn sử dụng công nghệ tiên tiến để kết nối nhu cầu của người vay và nhà đầu tư bằng cách cung cấp cho người vay mức giá tốt nhất, đồng thời giúp nhà đầu tư lợi nhuận cao nhất.

Đặc điểm sàn giao dịch của Vay mượn

  • Website hoạt động: https://vaymuon.vn/
  • Số tiền đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng
  • Lãi suất khoản vay 12-20%/1 năm

Cơ chế hoạt động

  • Người vay gửi yêu cầu vay và đăng ký khoản vay, dựa vào yêu cầu của người vay, Vay mượn sẽ đánh giá tín nhiệm và giới thiệu người vay đến nhà đầu tư.
  • Thông qua website bên cho vay là nhà đầu tư sẽ quyết định cho những người vay có nhu cầu vay tiền một khoản tiền nhất định từ 1 triệu đến 10 triệu theo hình thức tín chấp. Nhà đầu tư được hưởng lãi suất khoản vay theo thỏa thuận với người vay tại từng thời điểm

Bên cạnh đó, trên thị trường tài chính Việt Nam cũng còn nhiều công ty khác hoạt động với mô hình kinh doanh P2P lending như Vnvon,Validus, … Mỗi công ty đều góp phần xây dựng nên sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, đồng thời thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển.

________________

Tham khảo thêm: Top 5 công ty phát triển lĩnh vực P2P lending tại Việt Nam

6.Lời kết

Trên đây là toàn bộ thông tin giúp khách hàng hiểu rõ hơn về hình thức P2P lending (cho vay ngang hàng). Hy vọng với bài viết trên, khách hàng có thể có thêm lựa chọn về hình thức vay vốn khi chưa thể tiếp cận được với vốn vay ngân hàng nhằm giải quyết nhanh chóng các phát sinh về tài chính trong cuộc sống.

________________

Đọc thêm bài viết liên quan tại:

Digital Banking là gì? 4 điều cơ bản cần biết về Digital Banking

Mobile Money: Top 04 điều căn bản về giải pháp đột phá trong cách mạng thanh toán điện tử

Bật mí Top 5 Ví điện tử best nhất Việt Nam 2021

Người thực hiện

Ninh Mỹ Hoa – 18040562