Làm sữa chua ngon, không dăm đá và không bị nhớt thực ra không quá khó. Bí quyết nằm ở 5 công thức “bất bại” ngay tại nhà, đảm bảo ai làm cũng thành công được chia sẻ sau đây.
Sữa chua là món ăn ngon, bổ dưỡng và phù hợp với mọi lứa tuổi (Ảnh: Sưu tầm)
Sữa chua là một trong những món ăn tốt cho hệ tiêu hóa, chứa nhiều vitamin, chất dinh dưỡng và lợi khuẩn. Hãy cùng PKN tìm hiểu thêm công dụng cũng như cách làm sữa chua ngon, dẻo mịn, không bị dăm đá cho cả nhà cùng thưởng thức nhé!
Nội dung bài viết
1. Công dụng của sữa chua
Sữa chua hay còn có tên gọi khác là Yaourt thực ra là một chế phẩm sữa, được sản xuất bằng cách cho vi khuẩn lên men sữa. Do đó, nó chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và vi khuẩn có lợi như: Probiotic, Axit Lactic, Calci, Vitamin C, Vitamin D, Protein, kẽm…
Các công dụng nổi bật của sữa chua gồm:
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
- Bổ sung Calci giúp răng và tóc chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương
- Giúp làm đẹp da
- Ngăn ngừa bệnh cao huyết áp
- Giảm thiểu lượng Cholesterol trong máu
- Giúp kiểm soát cân nặng
Một ly sữa chua mỗi ngày sẽ giúp tăng sức đề kháng và tốt cho hệ tiêu hóa (Ảnh: Sưu tầm)
Bạn có thể xem thêm những bài viết khác tại đây
2. Một số công thức làm sữa chua tại nhà cực kỳ đơn giản
Nguyên liệu làm sữa chua rất dễ kiếm, chủ yếu gồm: sữa tươi, men cái, sữa đặc… Ngoài ra, tùy theo sở thích, bạn có thể biến tấu và làm những loại sữa chua với nhiều hương vị khác nhau. Cùng học ngay 5 công thức làm sữa chua ăn tại nhà “chuẩn không cần chỉnh” vừa an toàn, đảm bảo sức khỏe vừa thể hiện được sự khéo léo của bản thân nhé!
2.1. Cách làm sữa chua trân châu Hạ Long
Sữa chua trân châu Hạ Long là một trong những đặc sản nổi tiếng tại thành phố mỏ. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa sữa chua dẻo mịn cùng với trân châu giòn dai, nước cốt dừa béo ngậy đã tạo nên hương vị hấp dẫn các tín đồ ẩm thực. Nào cùng vào bếp với các bước sau.
2.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm sữa chua trân châu Hạ Long
Nguyên liệu cho phần sữa chua:
- Sữa tươi: 1 lít
- Sữa đặc: 1 lon
- Men cái: 1 hộp
Nguyên liệu cho phần trân châu:
- Bột năng: 100gr
- Bột rau câu giòn: 5gr
- Đường cát: 20gr
- Nước sôi: 60ml
Nguyên liệu cho phần cốt dừa:
- Dừa nạo: 400gr
- Nước ấm: 250m
- Bột năng
- Muối
Sữa chua trân châu Hạ Long có vị thanh mát, rất dễ ăn (Ảnh: Sưu tầm)
Bạn có thể xem thêm những bài viết khác tại đây
2.1.2. Cách làm sữa chua trân châu Hạ Long
- Bước 1: Pha sữa đặc, sữa tươi, nước nóng, nước đun sôi để nguội theo tỷ lệ 1:1:1:1.
- Bước 2: Khi hỗn hợp trên hơi ấm ấm, khoảng 40 độ C thì cho men cái vào và khuấy đều.
- Bước 3: Cho hỗn hợp sữa chua đã hòa tan vào từng lọ thủy tinh, đậy kín nắp và ủ trong vòng 6 – 8 tiếng trong nồi cơm điện hoặc thùng xốp.
Không nên đun hỗn hợp sữa ở lửa to hoặc đun sôi (Ảnh: Sưu tầm)
- Bước 4: Sau khi ủ đủ thời gian thì nhẹ tay di chuyển sữa chua vào ngăn đá tủ lạnh.
- Bước 5: Trong lúc chờ đông đá, trộn đều bột năng cùng với bột rau câu giòn, đường lại với nhau. Sau đó vừa rót nước sôi già vừa khuấy đều cho đến khi được một hỗn hợp dẻo mịn, sờ không dính tay thì vê nhỏ, nặn thành những hạt trân châu có đường kính khoảng 1cm.
- Bước 6: Luộc trân châu khoảng 20 phút với lửa vừa. Sau đó tắt bếp, đậy nắp ủ thêm 15 phút cho trân châu được nở đều. Cuối cùng, thả trân châu vào tô nước lạnh, xả qua vài lần rồi thêm đường để tạo độ ngọt, giúp bảo quản lâu hơn.
Trân châu là topping không thể thiếu của món ăn này (Ảnh: Sưu tầm)
- Bước 7: Cho cơm dừa vào máy xay sinh tố, thêm nước ấm và xay nhuyễn. Sau đó vắt lấy nước cốt và đun sôi (có thể thêm một chút muối để tăng độ đậm đà).
- Bước 8: Hòa tan 2 muỗng canh bột năng với một ít nước, đổ vào nước cốt dừa và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sánh lại lại thì tắt bếp.
- Bước 9: Cho trân châu đã chuẩn bị vào hỗn hợp nước cốt dừa, ủ thêm 3 – 5 phút rồi lấy ra ăn kèm với sữa chua.
Vậy là đã có ngay một cốc sữa chua ngon đúng chuẩn Hạ Long rồi (Ảnh: Sưu tầm)
Khám phá ngay những chủ đề hay ho khác tại đây
2.2. Cách làm sữa chua uống
Sữa chua uống được nhiều người yêu thích bởi cách làm đơn giản, bảo quản dễ dàng, thuận tiện khi đem theo và có thể kết hợp cùng nhiều loại hoa quả. Cùng làm thức uống thơm ngon ngay tại nhà theo công thức sau đây.
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm sữa chua uống
- Sữa tươi không đường: 0,5 lít
- Sữa đặc: 1 lon
- Men cái: 2 hũ
- Nước lọc: 1 lít
- Sữa bột (nếu có): 2 thìa cà phê
Sữa chua uống có thể kết hợp cùng các loại mứt hoa quả để thêm phần bắt mắt (Ảnh: Sưu tầm)
2.2.2. Cách làm sữa chua uống
- Bước 1: Cho nước vào nồi đun sôi khoảng 50 – 70 độ C thì cho sữa tươi vào khuấy đều.
- Bước 2: Cho sữa đặc, sữa bột (nếu có) và khuấy đều một chiều cho tan hoàn toàn.
- Bước 3: Cho men cái ra bát rồi thêm 1 muỗng hỗn hợp sữa vào bát, khuấy nhẹ cho tan. Tiếp theo đổ hỗn hợp sữa chua cái vào nồi sữa, khuấy nhẹ nhàng cho hỗn hợp hòa đều vào sữa.
- Bước 4: Đong hỗn hợp ra chai nhỏ, đậy nắp và ủ khoảng 10 – 12 tiếng rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm hoa quả cắt nhỏ hoặc mứt hoa quả để sữa chua thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Thành phẩm đạt chuẩn là sự kết hợp hài hòa giữa vị thanh mát của sữa chua và chua nhẹ của hoa quả (Ảnh: Sưu tầm)
2.3. Cách làm sữa chua dẻo
Sữa chua dẻo là món tráng miệng chưa bao giờ hết hot trong những ngày hè oi bức. Đây là một biến tấu từ sản phẩm truyền thống, khi ăn có vị ngọt mát, từ từ tan trong miệng. Bạn có thể thực hiện món ăn ngon này ngay tại nhà theo công thức được chia sẻ chi tiết sau đây.
2.3.1. Nguyên liệu làm sữa chua dẻo
- Sữa đặc: 140gr
- Men cái: 1 hộp
- Sữa tươi không đường: 220ml
- Gelatin: 10gr
Sữa chua dẻo thường được cắt thành từng miếng vừa ăn (Ảnh: Sưu tầm)
2.3.2. Cách làm sữa chua dẻo
- Bước 1: Cho sữa đặc, sữa tươi và 350ml nước nóng vào nồi khuấy đều. Khi hỗn hợp sữa còn hơi ấm ấm thì cho men cái vào khuấy cho tan hết.
- Bước 2: Rót hỗn hợp vào từng hũ thủy tinh, đậy nắp và đem đi ủ khoảng 8 – 10 tiếng.
- Bước 3: Đổ hỗn hợp đã ủ ra bát lớn. Ngâm gelatin với 4 thìa cà phê nước lọc trong khoảng 3 phút, sau đó đun nóng hoặc cho vào lò vi sóng 40 – 60 giây.
Gelatin là nguyên liệu không thể thiếu khi làm sữa chua dẻo (Ảnh: Sưu tầm)
- Bước 4: Đổ hỗn hợp gelatin vào hỗn hợp, khuấy đều cho hòa quyện vào nhau. Sau đó, đổ lại vào khuôn và để trong ngăn mát 5 tiếng cho đông lại.
- Bước 5: Dùng dao cắt sữa chua dẻo thành từng miếng vừa ăn. Bạn có thể ăn kèm với chè, hoa quả hoặc rắc bột milo lên mặt cho thành phẩm hấp dẫn hơn.
Sữa chua dẻo có thể ăn kèm với các loại trái cây tươi mát (Ảnh: Sưu tầm)
Khám phá ngay những chủ đề hay ho khác tại đây
2.4. Cách làm sữa chua xoài
Trong những ngày hè oi bức, chẳng còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức những ly sữa chua xoài thanh mát, dịu ngọt. Tham khảo bí quyết làm đơn giản, dẻo mịn và không bị dăm đá ngay nhé!
2.4.1. Nguyên liệu làm sữa chua xoài
- Sữa đặc: 1 hộp
- Sữa tươi không đường: 1 hộp
- Men cái: 1 hộp
- Xoài chín: 1 quả
Sữa chua xoài có vị thanh mát, chua dịu nhẹ (Ảnh: Sưu tầm)
2.4.2. Cách làm sữa chua xoài
- Bước 1: Hòa tan sữa đặc, sữa tươi và đun trên lửa nhỏ đến khi hỗn hợp sữa hơi ấm ấm, khoảng 50 độ C là được.
- Bước 2: Đổ men cái vào khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau.
- Bước 3: Đổ hỗn hợp ra hũ, đậy nắp và đem đi ủ 8 – 10 tiếng.
- Bước 4: Xoài rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó cho xoài vào máy xay sinh tố, thêm 30ml nước lọc rồi xay nhuyễn.
Cắt xoài thành từng miếng nhỏ để xay nhanh và nhuyễn hơn (Ảnh: Sưu tầm)
- Bước 5: Lọc xoài qua rây cho hỗn hợp được nhuyễn và mịn.
- Bước 6: Đổ hỗn hợp sinh tố xoài lên mặt trên hoặc trộn đều lại với nhau.
- Bước 7: Cho thành phẩm vào ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh, để khoảng 5 – 6 tiếng là có thể thưởng thức. Cách làm sữa chua xoài tương tự như cách làm thông thường. Bạn có thể thay xoài bằng dâu tây, dưa leo… để thành phẩm ngon và lạ miệng hơn.
Có thể đóng sữa chua xoài thành từng túi nhỏ vừa ăn (Ảnh: Sưu tầm)
Khám phá ngay những chủ đề hay ho khác tại đây
2.5. Cách làm sữa chua Hy Lạp tại nhà
Sữa chua Hy Lạp hay còn được gọi là Greek Yogurt, với đặc điểm cô đặc. Đây là món ăn truyền thống lâu đời của vùng Tây Á, Đông Á, Địa Trung Hải và Ấn Độ. Cách làm không quá khó, tuy nhiên, bạn cần lọc qua nhiều lần để tạo độ dày cũng như độ sánh mịn cần thiết cho món ăn. Cùng bắt tay vào làm ngay tại nhà theo công thức sau đây.
2.5.1. Nguyên liệu làm sữa chua Hy Lạp
- Sữa tươi: 400ml
- Sữa đặc: 50ml
- Men cái: 1 hộp
Sữa chua Hy Lạp có vị chua nhẹ, béo ngậy và ngon (Ảnh: Sưu tầm)
2.5.2. Cách làm sữa chua Hy Lạp
- Bước 1: Cho sữa tươi, sữa đặc vào nồi và khuấy đều. Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi hơi ấm ấm thì tắt bếp.
- Bước 2: Cho men cái vào hỗn hợp sữa và khuấy đều cho nguyên liệu tan hết.
- Bước 3: Rót sữa vào một chiếc bát to, sau đó ủ trong vòng 7 – 8 tiếng.
Quá trình lọc sữa chua để lấy thành phẩm (Ảnh: Sưu tầm)
- Bước 4: Lót một chiếc khăn sạch lên trên rây rồi đặt lên bát lớn và đổ hỗn hợp vào trong. Buộc cố định khăn lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh 10 – 12 tiếng.
- Bước 5: Cuối cùng, bạn lấy thành phẩm và cho vào trong hũ sạch, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
Sữa chua Hy Lạp thường ăn kèm với các loại hoa quả và ngũ cốc (Ảnh: Sưu tầm)
3. Lưu ý trong quá trình ủ sữa chua
Dù bạn làm sữa chua nào thì bước quan trọng nhất vẫn là quá trình ủ. Để món đạt được thành phẩm sánh mịn, không bị nhớt hay bị dăm đá thì bạn nên lưu ý một số điểm sau:
- Không nên ủ ở nhiệt độ quá cao, dễ làm chết men.
- Trong quá trình ủ, không nên di chuyển hay đụng vào hũ đựng.
- Đối với cách ủ bằng nước ấm, bạn không để đổ nước quá gần miệng hũ. Khi nước đã nguội bớt thì có thể chế thêm nước nóng vào.
- Tùy vào nhiệt độ hoặc vật dụng sử dụng mà bạn cần ủ trong khoảng thời gian phù hợp. Nếu làm bằng nồi cơm điện thì cần ủ 8 – 10 tiếng. Còn nếu ủ trong lò nướng thì chỉ cần 6 – 8 tiếng là được. Ngoài ra, nếu thời tiết nóng bức, nhiệt độ cao thì cần giảm thời gian ủ xuống và ngược lại.
- Nếu bạn muốn làm sữa chua với mít, nha đam hay nếp cẩm thì cần tham khảo cách làm từ sữa tươi. Sau khi ủ xong thì cho thêm các loại topping yêu thích lên trên như: mít xé sợi, nha đam, nếp cẩm, trân châu, dừa khô… Cuối cùng là đặt vào trong ngăn mát khoảng 5 – 6 tiếng và thưởng thức.
Ủ là công đoạn quan trọng nhất, giúp thành phẩm ngon và không bị nhớt (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện nay, sữa chua trân châu Hạ Long đang “hot rần rần” trong giới trẻ. Nếu bạn có dịp đi du lịch Hạ Long thì đừng quên ghé những quán ngon nức tiếng để cảm nhận hương vị riêng so với những nơi khác.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những cách làm sữa chua thơm ngon, dẻo mịn và không dăm đá. Món ngon vừa dễ làm vừa tốt cho sức khỏe như thế này thì vào bếp trổ tài chiêu đãi gia đình ngay thôi nào!
4. Một số lỗi khi làm sữa chua hay mắc phải và cách khắc phục
– Sữa chua bị nhớt, dính với nhau, không tách rời. bạn nên kiểm tra xem dụng cụ của bạn đã được khử trùng hay chưa, nhiệt độ ủ đúng chưa, men đã hết lạnh chưa, khi trộn men, bạn đã trộn đúng hay chưa.
– Khi làm bạn phải đảm bảo dụng cụ đã khử trùng. Nhiệt độ ủ khoảng 32 – 48 độ C. Không được ủ ở nhiệt độ quá cao hơn 54 độ C vì men sẽ bị chết. Khi ủ, bạn không được di chuyển hộp hay lắc mạnh.
– Sữa chua bị long chân: Bạn cần lưu ý nhiệt độ ủ cần phù hợp, và giữ nhiệt độ ủ một cách ổn định khi ủ. Không được di chuyển trong quá trình ủ.
– Sữa chua kém đặc, chưa đủ cứng: Nếu bạn dùng nước thì nên cho thêm sữa bột, hoặc thay bằng sữa. Nếu bạn dùng sữa bột thì cần quấy đều cho sữa bột tan hết.
Xem thêm tại đây
Tác giả: PKN với đam mê làm sữa chua bất diệt!
Phan Thị Kim Ngân_21050953
Lớp TMĐT INE3 104 5