Nội dung bài viết
Tại sao Apple đầu tư vào Trung Quốc?
Việc Apple đầu tư vào Trung Quốc đã đem lại cho tập đoạn này thành công vang dội và khoản lợi nhuận kếch xù. Vậy vì lý do gì công ty công nghệ này lựa chọn Trung Quốc làm nơi để gửi gắm? Để có thể có cái nhìn cụ thể và rõ nét về các lựa chọn và quyết định này, bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích quyết định đầu tư của Apple vào Trung Quốc.
1. Giới thiệu về tập đoàn Apple
Apple là một công ty công nghệ của Mỹ được sáng lập bởi Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne vào tháng 4 năm 1976. Được thành lập vào năm 1977, công ty là một trong những nhà sản xuất thiết bị máy tính cá nhân đầu tiên có giao diện người dùng đồ họa. Trụ sở chính hiện ở Cupertino, California, Mỹ. Hiện tại, giám đốc điều hành (CEO) của công ty là Timothy Donald Cook, thường được gọi là Tim Cook.
Các sản phẩm và dịch vụ mà nó cung cấp gồm có: điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, máy nghe nhạc iPod, Apple Watch và Apple TV. Tổng doanh thu hàng năm của công ty trên toàn thế giới đạt 274,5 USD tỷ cho năm tài chính 2020. Apple là công ty công nghệ lớn nhất thế giới theo doanh thu và là một trong những công ty giá trị nhất thế giới.
Tập đoàn này chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2008, mặc dù trước đó, các sản phẩm của Apple có giá cao trên thị trường xám của Trung Quốc. Công ty đã nhanh chóng mở rộng thị trường trung quốc thông qua cửa hàng và phân phối hàng hiệu ở Trung Quốc. Đến nay, Apple Inc. đã giành được thị phần lớn nhất trong quý tại Trung Quốc, vượt qua sự gián đoạn của COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
2. Lý do Apple đầu tư vào Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 2.360 nhà máy sản xuất của Apple trên toàn quốc, chiếm 19,3% tổng số 12.248 nhà máy. Những số liệu trên cho thấy Trung Quốc chính là công xưởng iPhone hàng đầu thế giới. Nhà máy iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu là nhà máy lớn nhất của hãng, với 200.000 công nhân chịu trách nhiệm khoảng 45% sản phẩm cho hãng công nghệ nổi tiếng này. Cơ sở này đang chịu trách nhiệm phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng.
Vậy vì lý do nào mà Trung Quốc lại được Apple tin tưởng và gửi gắm? Hãy điểm qua các nguyên nhân chính sau đây:
2.1. Apple có lợi thế về công nghệ
Lợi thế về thương hiệu
Theo bảng xếp hạng hàng năm của Best Global Brands 2021, Apple tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với mức tăng +26% và đạt giá trị 408,215 triệu USD. Lợi thế thương hiệu giúp các công ty có được sự nổi tiếng cao trên thị trường và giúp xây dựng lòng trung thành của người tiêu dùng. Các sản phẩm như iPhone, iPad và Mac chia sẻ cùng một phần mềm và ứng dụng và chạy theo cách tương tự, làm cho Apple trở thành một lựa chọn tự nhiên cho khách hàng để xem xét các thiết bị khác.
Lợi thế về công nghệ độc quyền
Apple có thể sở hữu những công nghệ, thiết bị mới nhất trước các đối thủ hàng tháng hoặc hàng năm. Và lợi thế này đã giúp cho các sản phẩm của Quả táo cắn dở khỏ có thể bị “copy” trong giai đoạn đầu ra mắt. Hãy nhớ lại thời điểm mà mẫu điện thoại iPhone được tung ra thị trường, không có bất kỳ một hãng sản xuất nào có thể tung ra thị trường thiết bị có màn hình cảm ứng điện dung nhạy và mượt mà như iPhone.
Lý do không phải vì đối thủ quá “kém” mà vì… lực bất tòng tâm. Họ hoàn toàn có thể đưa ra thị trường những mẫu điện thoại trang bị màn hình cảm ứng điện dung, nhưng bằng cách nào khi công ty này đã có trong tay loại linh kiện này trước tất cả? Thậm chí, quyền sử dụng còn cho phép họ sở hữu số lượng lớn linh kiện để phục vụ cho việc ra mắt sản phẩm.
Nhà máy sản xuất Iphone ở Thâm Quyến Trung Quốc cũng được bảo mật rất cao, tránh tình trạng đánh cắp bản quyền từ các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, là điều kiện tuyệt vời để Apple duy trì lợi thế độc quyền công nghệ này.
Một ví dụ nữa là các mẫu laptop MacBook của Apple. Không chỉ đẹp về thiết kế, loại vỏ nhôm nguyên khối được sử dụng trên các mẫu MacBook Pro và MacBook Air vẫn là một trong những “bí mật” mang đến thành công của Quả táo cắn dở khi không ai có thể nắm được vì sao Apple được độc quyền các loại vỏ giúp laptop mỏng và vẫn vô cùng chắc chắn như vậy.
2.2. Trung Quốc có chi phí sản xuất rẻ
Chi phí lắp ráp
Sự chênh lệch về chi phí sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc là khá lớn và đây chính là động cơ chủ yếu để nhà thiết kế iPhone hay iPad lựa chọn Trung Quốc như là một hướng đầu tư của mình. Theo ước lượng của giáo sư Jason Derick của đại học Syracuse, chi phí lắp ráp iPhone 7 bản 32GB tại Trung Quốc là khoảng 10 USD. Trong khi đó nếu lắp ráp tại Mỹ, con số này có thể tăng thêm từ 30 USD đến 40 USD.
Lương nhân công rẻ mạt
Mức lương trả cho các nhân công ở Trung Quốc thuộc mức rẻ mạt hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Ở Mỹ có thể coi là bóc lột, nhưng tại Trung Quốc, đó lại là mức sống được nhiều người săn đón.
Để sản xuất một chiếc iPhone tại Mỹ sẽ phải mất 65 USD tiền lương cho công nhân, nhưng tại Trung Quốc chi phí đó giảm đi rất nhiều chỉ còn khoảng 8 USD. Nếu chế tạo tại Mỹ thì 65 USD chi phí này sẽ là Apple mất đi một phần kha khá lợi nhuận mà hãng kiếm được trên mỗi chiếc iPhone. Con số này là khá lớn nếu như bạn biết được rằng trung bình mỗi chiếc iPhone có giá khoảng 600 USD được bán ra, Apple sẽ kiếm được 250 USD.
2.3. Trung Quốc có nguồn cung nguyên vật liệu dồi dào cho Apple
Nguồn cung nguyên vật liệu
Quốc gia này hiện có nhiều nhà cung cấp cho công ty này hơn bất kỳ nước nào khác. Theo phân tích của Nikkei về Danh sách các nhà cung cấp của Apple, 51 trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple năm 2020 có trụ sở đặt tại Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông.
Apple từ lâu được biết đến về sự khắt khe đối với tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc tăng lên cũng phần nào minh chứng cho khả năng sản xuất và công nghệ, cũng như giá cả cạnh tranh đáng kể của nước này.
Theo tờ báo The New York Times, hãng công nghệ nổi tiếng này đã phải rất chất vật để tìm kiếm đủ ốc vít đáp ứng được tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình. Apple hoàn toàn không gặp vấn đề này khi lắp ráp sản phẩm tại Trung Quốc khi các nhà máy cung ứng ở Trung Quốc có thể chế tạo ra số lượng lớn ốc vít tùy chỉnh đáp ứng tiêu chuẩn của Apple trong một thời gian ngắn. Tại Texas điều này lại không thể thực hiện được do thiếu các nhà cung cấp ốc vít số lượng lớn và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn.
Nguồn nhân công dồi dào, chất lượng cao
Quốc gia tỷ dân này có nguồn cung nhân công lớn hơn Mỹ rất nhiều và công nhân của Trung Quốc có những kỹ năng cần thiết để chế tạo các thiết bị phức tạp mà không phải mất quá nhiều chi phí cho họ.
Tỷ lệ lao động và quy mô cơ sở hạ tầng tại Mỹ không đáp ứng được yêu cầu của Apple, và cũng không thể sánh được với Trung Quốc. Không phải là công nghệ ở Mỹ lỗi thời hơn mà nhà máy tại Trung Quốc được Apple dựa vào để sản xuất iPhone hiện nay có nguồn nhân lực tối đa vào khoảng 230.000 công nhân. Ở Mỹ, việc huy động được từng đó con người trong một thành phố, đi tới một địa điểm nhà máy hàng ngày liên tục chỉ để lắp ráp iPhone là bất khả thi.
Hầu hết các nhà máy trọng yếu hợp tác với Apple tại Trung Quốc là của Foxconn. Với con số 230.000 này, có khoảng 1/4 trong số họ sống luôn ở khu ký túc xá gần sát, đồng nghĩa với việc khoảng 60.000 người vừa sống và làm việc tại đó. Một ngày làm 12 tiếng, làm việc 6 ngày/tuần. Khó có thể tìm được ở đâu trên đất nước Mỹ con số nhân lực như vậy với chi phí tương đương ở Trung Quốc.
Các nhà máy Trung Quốc có quy mô lớn và linh hoạt hơn rất nhiều so với các nhà máy của Mỹ. Họ có thể thuê hoặc đuổi việc hàng chục nghìn lao động chỉ trong một đêm. Lý do là bởi Trung Quốc có rất nhiều lao động thừa thãi và tập trung rất nhiều quanh các nhà máy, nên các nhà máy có thể dễ dàng tập trung một số lượng lớn nhân công ngay khi cần thiết. Mặt khác các nhà máy của Trung Quốc có thể thay đổi quy trình sản xuất và cách thức làm việc rất nhanh chóng khi có những biến động xảy ra.
3. Đánh giá hiệu quả của việc Apple đầu tư vào Trung Quốc
3.1. Thành tựu
Apple đã phát triển rất nhiều ở Trung Quốc trong 2 năm qua đến nỗi lợi nhuận hoạt động trong khu vực của họ vượt xa những gã khổng lồ công nghệ bản địa của đất nước, được thúc đẩy bởi những nỗ lực ngoại giao sâu rộng. Apple cũng đang chứng kiến hoạt động kinh doanh tại nước này tăng vọt đáng kể, trở thành công ty lớn nhất ở Trung Quốc.
Năm 2022, quốc gia tỷ dân chiếm vị thế dẫn đầu khi có 121 đối tác cung ứng của Apple, chiếm 44-47% tổng số trên toàn cầu. Doanh thu của hãng tại Trung Quốc trong giai đoạn tháng 9/2021-9/2022 đạt 74 tỷ USD, tương đương gần 20% doanh thu toàn cầu của hãng.
Theo số liệu của Financial Times, lợi nhuận hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm cả khu vực Hong Kong, Macau, Đài Loan và đại lục đã tăng 104% trong 24 tháng qua và tăng khoảng 31,2 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc tháng 9/2022, cao hơn Tencent (15,2 tỷ USD) và Alibaba (13,5 tỷ USD) trong cùng kỳ.
Có thể nói, quyết định đầu tư vào Trung Quốc là một quyết định hoàn toàn sáng suốt của Apple.
3.2. Hạn chế
Ai cũng biết rằng Apple phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc vì năng lực cung cấp sản phẩm khổng lồ của họ. Sự phụ thuộc này lớn đến mức sự bất ổn tại nhà máy iPhone tại Trung Quốc đã khiến công ty bị gián đoạn nguồn cung ứng ra thị trường.
Từ đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất, Foxconn đang khiến Apple phải ‘đau đầu’ với những gì đang diễn ra tại nhà máy Trịnh Châu, Trung Quốc. Đầu tháng 11/2020, Apple cảnh báo các lô hàng iPhone mới nhất sẽ “tạm thời bị ảnh hưởng” vì phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc. Công ty cho biết nhà máy Foxconn Trịnh Châu đang hoạt động với công suất giảm đáng kể.
Nguồn tin từ Bloomberg cho biết cuộc bạo loạn tại nhà máy đã khiến sản lượng của Apple giảm tới 6 triệu chiếc iPhone dòng Pro. Đến thời điểm hiện tại, tình hình tại các nhà máy iPhone vẫn rất khó đoán và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mức sản lượng trong thời gian tới.
Cũng vì sự phụ thuộc lâu năm vào Trung Quốc, dù cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây áp lực rất lớn lên công ty này, Apple vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và củng cố hơn nữa mối liên hệ với quốc gia này.
Kết quả là Apple và mối quan hệ của công ty này với Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ về mặt chính trị. Ông Cook và Apple hiện chịu áp lực lớn từ các nhà đầu tư và các chính trị gia Mỹ về việc “phân ly” khỏi Trung Quốc và đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa sản xuất.
Như vậy, việc Apple quá mức phụ thuộc vào Trung Quốc đã khiến cho công ty này gia tăng rủi ro về doanh thu, lợi nhuận cũng như những lợi ích về sau.
4. Bài học cho Apple
Chính vì sự rủi ro đã nêu ở phần trên, Apple nên tìm cách phân tán rủi ro bằng cách mở rộng đầu tư vào các thị trường khác như Ấn Độ hay Việt Nam. Thậm chí trong tương lai xa hơn, Apple nên tìm kiếm và lựa chọn những thị trường mới để xây dựng quy trình sản xuất lâu dài và bền vững hơn.
Chuỗi cung ứng của gã khổng lồ công nghệ Apple phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, mặc dù có các quốc gia như Brazil và Ấn Độ gia công và lắp ráp các sản phẩm của họ. Sự phụ thuộc đó có thể giảm hơn một chút nếu việc lắp ráp một số thiết bị của Apple được mở rộng ở một quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam.
Việc mở rộng sản xuất AirPods sẽ giúp mở đường cho việc phát triển các sản phẩm của Apple từ bên ngoài Trung Quốc. Bằng cách đó, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino sẽ không bị hạn chế và chỉ phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc, đặc biệt nếu thuế quan quay trở lại.
Kết luận
Có thể nói, sau nhiều năm đầu tư và thực hiện chiến lược tại Trung Quốc, Apple đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong suốt quãng đường sản xuất và phân phối tại thị trường này. Nhờ những điều kiện, vị trí thuận lợi như đã phân tích ở trên, Apple gây dựng được thương hiệu thành công và tiếp tục đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên Apple vẫn cần tiếp tục cân nhắc lại những yếu tố lợi thế đạt được tại thị trường Trung Quốc để có được những bước đi hợp lý hơn trong tương lai.
Tìm hiểu thêm tại:
Lý do Apple khó bỏ Trung Quốc – VnExpress Số hóa
2 chiến lược thâm nhập thị trường Apple sử dụng thành công (clibme.com)
A Strategic Analysis of Apple Inc. (linkedin.com)
Apple không thể sản xuất iPhone và máy tính tại Mỹ chỉ vì… con ốc vít | VTV.VN
Cái khó của Apple tại Trung Quốc – Mobile – ZINGNEWS.VN
Người tạo: Cấn Ngọc Anh
Mã sinh viên: 21050762
Lớp: INE3104 4