2020: Xuất khẩu cà phê sang EU chờ “bùng nổ” – “Bàn đạp” EVFTA

Xuất khẩu cà phê Việt Nam.

EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê xuất khẩu. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thị phần tại thị trường EU có khả năng tăng cao, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều thách thức đối với cà phê Việt Nam liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm. Do đó, sản phẩm cà phê Việt Nam cần đáp ứng được những tiêu chuẩn này để có thể tận dụng được lợi thế do EVFTA mang lại.

Bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Hiệp định EVFTA cơ hội mới cho ngành cà phê bứt phá!

1. Thực trạng sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào EU

1.1. Về sản xuất và chế biến cà phê

Việt Nam là một trong những quốc gia có quy mô lớn và năng suất cao trong sản xuất cà phê trên thế giới. Diện tích và sản lượng cà phê có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây (Hình 1). Năm 2019, diện tích trồng cà phê của cả nước là 688 nghìn ha, tổng sản lượng đạt gần 1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê của Việt Nam đạt mức trung bình là 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với cà phê arabica. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Cà phê robusta xuất khẩu sang thị trường EU
Nguồn: danviet.vn

Các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc là 5 vùng sản xuất chính. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước (chiếm 89%) với diện tích 577 nghìn ha (năm 2018). Các tỉnh có sản lượng và diện tích trồng lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai.

Hình 1. Diện tích và sản lượng cà phê của Việt Nam (2007-2019)
Nguồn: Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương)

 

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2019 cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Tổng năng suất chế biến cà phê tiêu dùng đạt 132,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, năng suất thực tế đạt 94,4 nghìn tấn sản phẩm/năm, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 30 nghìn tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến cà phê nhân và chế biến cà phê bột mới chỉ đạt trên 50% so với công suất thiết kế.

1.2. Về xuất khẩu cà phê sang thị trường EU

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu.

Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai tại thị trường EU, chiếm 16,1% thị phần về lượng (sau Brazil với 22,2%). EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Trung bình giá trị XK cà phê của Việt Nam sang EU đạt hơn 1,1 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2015-2019 (Bảng 1).

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU (1)

Đơn vị: triệu USD

Quốc gia 2015 2016 2017 2018 2019
Đức 353,9 477,9 442,6 433,3 345,5
Ý 194,3 240,2 265,1 240,0 218,6
Tây Ban Nha 201,7 189,8 197,7 195,7 188,4
Bỉ 117,8 158,8 135,9 130,3 115,3
Pháp 61,1 70,3 69,0 67,6 52,4
Các nước EU khác 72,3 80,5 79,6 85,5 68,6
Tổng 1.001,3 1.217,6 1.190,0 1.152,4 988,8

Nguồn: Tradecom.un.org. (1)Chỉ tính khu vực đồng tiền chung Euro

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng ổn định trong các năm 2015-2018, và giảm nhẹ vào năm 2019. Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU giảm. Tính đến tháng 8.2020, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang EU đạt 487,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt 779,5 triệu USD, giảm lần lượt 6,2% và 6,4% so với cùng kỳ.

5 quốc gia thuộc EU có kim ngạch nhập khẩu cà phê của Việt Nam lớn nhất bao gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Tỷ trọng nhập khẩu của 5 quốc gia này chiếm 92% – 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong đó, Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam chiếm 34%-37% trong tổng khối lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Cà phê Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU

Các sản phẩm cà phê xuất đi EU hiện chủ yếu là cà phê thô

Các sản phẩm cà phê xuất đi EU hiện chủ yếu là cà phê thô.
Nguồn: congthuong.vn
Với sản lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu thô (cà phê nhân) mà chưa tham gia được vào chế biến sâu và rang xay xuất khẩu (Bảng 2). Số liệu năm 2019 cho thấy có tới 97,6% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam dưới dạng thô.

Bảng 2. Cơ cấu cà phê xuất khẩu sang thị trường EU năm 2019

Mã HS Tên sản phẩm Tỷ lệ trong tổng KNXK sang EU (%) Thị phần hàng Việt Nam tại EU (%)
090111 Cà phê chưa rang và khử caffein 97,687 15,8
090112  Cà phê rang, khử caffein 2,201 17,3
090121  Cà phê rang chưa khử caffein 0,107 0
090190  Vỏ cà phê 0,005 0,1
090122  Cà phê khử caffein 0,001 0

Nguồn: Vụ thị trường Châu Âu-Châu Mỹ, Báo cáo XK ngành hàng cà phê sang EU, 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bắt đầu sản xuất sản phẩm cà phê hữu cơ để xuất khẩu.  Năm 2020 một số sản phẩm cà phê hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường EU khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade,…

 

 

Cà phê robusta xuất khẩu sang thị trường EU
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

2. Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê sang thị trường EU khi thực thi EVFTA

2.1. Cơ hội đối với xuất khẩu cà phê sang EU khi thực thi EVFTA

Cơ hội cho cà phê Việt Nam.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng.
  • Một là,cơ hội đến từ cắt giảm thuế quan của EU đối với cà phê nhập khẩu từ Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ ngay mức thuế 7,5% – 9,0% đối với cà phê nhân (rang, rang xay). Đối với một số chế phẩm từ hạt cà phê bao gồm cà phê hòa tan, tinh chất chứa cà phê mức thuế 9,0% – 11,5% sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm. Đối với các sản phẩm cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê, thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU đã là 0% trước khi ký EVFTA.

Như vậy, EVFTA là cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường lớn cho cà phê Việt Nam vào EU. Sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là các sản phẩm cà phê chế biến. Vì vậy, khi thực thi EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng cà phê chế biến sang thị trường EU.

  • Hai là, cơ hội đến từ việc EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao, trong đó có sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và thêm nhiều dịch vụ mới cung cấp bởi đối tác EU phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn cho ngành Cà phê Việt Nam tại thị trường EU.
  • Ba là, cơ hội đến từ việc EVFTA giúp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, cơ hội được chuyển giao công nghệ đến từ châu Âu và các nước có kinh nghiệm về chế biến sâu sản phẩm cà phê. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam được có thể nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

Bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Xuất khẩu cà phê sang châu Âu: Thêm cơ hội, thêm trách nhiệm

2.2. Những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê sang EU khi thực thi EVFTA

  • Liên quan đến quy tắc xuất xứ.

EU có những quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy,  cà phê của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tỷ lệ này để được hưởng ưu đãi trong biểu thuế quan của EU.

Theo EVFTA, cà phê nhân xanh xuất khẩu sang EU cần đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy 100% phát triển từ vùng nguyên liệu tại Việt Nam. Đối với các chế phẩm từ cà phê: không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra. Trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm. Việc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ là một trong những khó khăn lớn đối với Việt Nam để tận dụng lợi ích của EVFTA trong xuất khẩu cà phê.

  • Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh, kiểm dịch và ghi nhãn

Để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA cà phê xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh, kiểm dịch động thực vật cao và ghi nhãn minh bạch về thông tin an toàn thực phẩm và môi trường. Ngoài ra, EU quy định các chất gây ô nhiễm cần được đảm bảo ở mức thấp nhất để không đe dọa sức khỏe con người hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm (trong đó có cà phê).

Thêm vào đó, khả năng thay đổi của ngành Cà phê Việt Nam nói chung để thích ứng với EVFTA còn hạn chế, nhất là việc đáp ứng yêu cầu nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường. Chi phí sản xuất tăng khi phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của thị trường EU.

  • Chỉ có sản phẩm cà phê chế biến mới được hưởng lợi từ thuế quan

Hiện nay, tỷ lệ cà phê rang xay hiện nay chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê cần đầu tư vào chế biến sâu, tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến để có thể được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D. Hộ nông dân sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ và chưa liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

  • Liên quan đến thương hiệu

Hiện nay, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả dẫn đến vị thế trong thương mại quốc tế của cà phê Việt Nam thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU. Ngay cả với các thương hiệu cà phê hiện nay cũng chưa được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả tại thị trường nước ngoài nói chung và thị trường.

3.  Một số kiến nghị để tiếp tục triển khai EVFTA có hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, với sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân, ngành cà phê đã có những biến chuyển đáng ghi nhận để nắm bắt kịp thời cơ hội do hội nhập EVFTA mang lại.

Ngành cà phê cũng là ngành tiên phong trong hợp tác công – tư cho phát triển bền vững với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Việc xuất khẩu lô sản phẩm cà phê của Việt Nam đi một số nước Châu Âu theo Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với ngành cà phê Việt Nam. Do đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như các tổ chức cần tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để triển khai hiệp định EVFTA một cách hiệu quả nhất.

  • Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp cần hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu Châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
  • Đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê.
  • Chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.
  • Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về thị trường các nước Châu Âu cho người dân và doanh nghiệp.
  • Hiệp hội Cà phê cao cao Việt Nam cần nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của liên minh châu Âu (EU). Cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.
  • Các doanh nghiệp chủ động chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế qua theo Hiệp định này đối với các sản phẩm cà phê.
  • Đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm cà phê xuất khẩu sang Châu Âu.
  • Doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cà phê.

Có thể bạn quan tâm:  TOP 3 THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM 2020

Thực hiện bởi

Nguyễn Minh Phương – 18050552

QH2018-E KTQT CLC 5